Loại cá đặc sản hiếm có, ăn thơm như dứa, giá cao vẫn đắt hàng

Cá dứa, còn gọi là cá tra bần, có tên khoa học là pangasius polyuranodon, thuộc họ cá da trơn cùng họ với cá tra, cá basa. Loại cá này sống ở vùng nước mặn và nước lợ các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là đặc sản ở Cà Mau và Tiền Giang. Đặc biệt, cá dứa được ví như “ngư khôi, nữ hoàng cá” ở vùng cửa biển Gò Công của Tiền Giang.

Nhìn bề ngoài, cá dứa có hình dáng rất giống với cá tra, cá ba sa. Nhưng nếu nhìn kỹ, chúng cũng có những điểm khác biệt.

Cá dứa có hình dáng rất giống với cá tra nhưng thịt thơm ngon hơn (Ảnh: Nông thôn Việt)

Ví như, cá dứa có sọc đen chạy dọc lưng ở hai bên còn hai loại cá kia không có. Cá dứa có vây nhỏ thon dài màu hồng nhạt, còn cá tra thì có vây cong, thô to màu xám. Cá dứa rất ít xương, nhiều thịt, chỉ có 1 đường xương sống nhỏ dễ cắt bỏ, không có lớp mỡ dưới da, trong khi hai loại cá kia phần bụng khá nhiều mỡ, thịt không ngọt dai như cá dứa.

Da bụng cá dứa có màu trắng tươi, lưng trắng xanh. Vây lưng cá dứa có 6-7 tia vây, vây hậu môn có 4 tia cứng và 31-34 tia vây. Thịt cá dứa trắng, khi cắt ngang thân cá, sẽ thấy những thớ thịt nhuyễn, xoắn vào nhau, không có mỡ dưới da.

Ngoài tự nhiên, cá dứa trưởng thành sau 2 đến 3 năm tuổi. Cá trưởng thành có chiều dài 120-140cm, trọng lượng 3-5kg.

Cá dứa có quanh năm, nhưng từ tháng 8-12 âm lịch là thời điểm cá có nhiều và thịt thơm ngon nhất.

Mùa sinh sản của cá dứa thường từ tháng 4 đến tháng 8. Trứng cá dứa sau khi thụ tinh nở thành cá bột sau 36-48 giờ. Sau đó, cá con xuôi theo dòng nước chảy về hạ lưu và di chuyển dần ra vùng cửa sông giáp biển để sinh sống. Những rừng cây ngập mặn như rừng bần, rừng mắm, rừng sác,… là nơi trú ngụ lý tưởng của loài cá này. Khi trưởng thành, chúng di cư lên thượng nguồn các con sông để sinh sản.

Thức ăn của cá dứa là động vật phù du và các loại trái chín của các loài cây vùng ngập mặn như: quả mắm, bần, ổi,… Do đó, thịt của chúng nổi tiếng thơm ngon, săn chắc, thơm mùi lá dứa, độ béo ngậy vừa phải nên ăn không chán.

Cá dứa tự nhiên luôn được nhiều người săn lùng bởi hương vị thơm ngon, phảng phất mùi lá dứa và giàu dinh dưỡng (ảnh: IT).

Vì thịt cá dứa thơm ngon, giàu dinh dưỡng nên món ăn chế biến từ cá dứa cũng rất phong phú và đa dạng. Cá dứa có thể được phơi khô, nấu canh, lẩu, cháo, chiên, kho, nướng cho đến làm salad…

Trước kia, cá dứa có rất nhiều. Giờ đây, cá dứa trong tự nhiên trở nên khan hiếm nên việc “săn” cá vất vả hơn xưa.

Theo các thương lái, cá dứa là đặc sản tự nhiên nên giá bán cao, cung không đủ cầu. Nhiều khi có tiền chưa chắc đã mua được bởi chúng rất hiếm. Cá dứa luôn được xếp vào danh sách loại cá được tìm mua nhiều nhất, được nhiều người săn lùng để làm quà biếu tặng.

Ngày nay, cá dứa đã được nhân giống và nuôi phổ biến. Cá dứa nuôi có giá rẻ hơn nhiều so với cá tự nhiên nhưng chất lượng không thơm ngon như cá tự nhiên.

Trên thị trường, cá dứa tự nhiên hàng tươi được bán với giá 300.000-400.000 đồng/kg, cá một nắng giá từ 450.000-700.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm.

Với loại cá nuôi, hàng tươi có giá 180.000-190.000 đồng/kg, cá nuôi một nắng có giá 300.000 đồng/kg.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *