Tỏi đen có tác dụng gì? Cách làm tỏi đen tại nhà đảm bảo chất lượng, tiết kiệm chi phí

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tỏi đen có thể coi là một loại “thần được” với sức khỏe. Dù biết tỏi đen có nhiều công dụng nhưng không phải ai cũng có cơ hội sử dụng hàng ngày bởi giá thành của nó khá đắt. Nếu bạn cũng là một trong số đó, hãy thử ngay cách làm tỏi đen tại nhà vô cùng đơn giản nhưng chất lượng vẫn đảm bảo dưới đây nhé!

Lợi ích của tỏi đen với sức khỏe

Tỏi đen là gia vị phổ biến tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Tại Việt Nam, tỏi đen mới được biết đến nhiều hơn trong vài năm trở lại đây. Thực chất tỏi đen là một dạng tỏi được lên men từ tỏi tươi trong thời gian dài. Thành phẩm thu được sẽ là những tép tỏi có màu đen, vị hơi ngọt, không còn mùi hăng như tỏi tươi.

Theo nhiều nghiên cứu, tỏi đen mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:

  • Có tác dụng chống oxy hóa cực tốt, giúp cải thiện và làm chậm quá trình lão hóa da hiệu quả.
  • Giúp nhuận tràng, hỗ trợ cải thiện chức năng hệ tiêu hóa, giấc ngủ và cơ thể dồi dào năng lượng, chống mệt mỏi.
  • Giảm đau, phục hồi nhanh các tổn thương ở vùng cơ bắp do luyện tập, Đồng thời hỗ trợ cải thiện chức năng của tuyến tiền liệt và các cơ quan khác trong cơ thể.
  • Giúp bảo vệ tốt tế bào gan, hạn chế hiệu quả tình trạng xơ gan, viêm gan,… do tiếp xúc với các chất độc hại, thực phẩm bẩn hay phơi nhiễm chất phóng xạ.
  • Tăng cường hệ miễn dịch, giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng, thích hợp cho người bị kiệt sức do ốm lâu ngày hoặc suy giảm miễn dịch do dùng nhiều hóa chất hoặc chiếu xạ trong quá trình điều trị.
  • Ức chế sự hình thành của một số tế bào ung thư như: Ung thư gan, ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng, ung thư dạ dày,…
  • Ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị các bệnh theo mùa thường gặp như: Sốt, cảm cúm, ho khan, sổ mũi…
  • Có tác dụng hạ cholesterol trong máu, giảm mỡ máu và duy trì ở mức ổn định. Đồng thời, giúp điều hòa đường huyết, thúc đẩy lưu thông máu, ngăn ngừa các căn bệnh liên quan đến mỡ máu cao như: Xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…
Tỏi đen mang lại nhiều tác dụng rất tốt cho sức khỏe

Cách làm tỏi đen đơn giản tại nhà

Tỏi đen là loại gia vị quý chứa hàm lượng dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe, nên thường có giá thành khá cao. Tự làm tỏi đen tại nhà sẽ giúp bạn tiết kiệm một khoảng chi phí lớn.

Tùy thuộc vào các dụng cụ nhà bếp có sẵn mà bạn có thể lựa chọn áp dụng cách làm tỏi đen theo các cách dưới đây nhé!

Cách làm tỏi đen bằng nồi cơm điện

Với cách làm tỏi đen bằng nồi cơm điện, nguyên liệu bạn cần chuẩn bị bao gồm: 1kg tỏi cô đơn, 1 lon bia, nồi cơm điện và giấy bạc. Đối với tỏi bạn nên chọn loại tỏi cô đơn 1 múi sẽ ít nước không bị ướt và khô ráo, tỏi không bị ẩm mốc và còn nguyên vỏ.

Các bước thực hiện như sau:

  • Bước 1: Bạn cắt bỏ rễ, bóc lớp vỏ mỏng bên ngoài củ tỏi và loại bỏ những củ tỏi hư hỏng ra. Sau đó đem rửa sạch tỏi với nước rồi phơi khô ngoài nắng cho thật ráo.
  • Bước 2: Bạn cho bia vào chậu và bỏ tỏi vào, ngâm trong vòng 10 – 15 phút để lên men vi sinh. Tỷ lệ ngâm được khuyến cáo là 1 kg tỏi với 1/3 – 1/2 lon bia. Sau khi ngâm xong, bạn cần để tỏi vào rổ để ráo bia một chút, lưu ý không rửa lại với nước nhé!
  • Bước 3: Bạn dùng giấy bạc bọc kín tỏi rồi cho vào nồi cơm điện. Lưu ý phải bọc thật kín bạn nhé, bởi nếu bị hở hay có lỗ sẽ khiến hơi nước tràn vào. Nếu bạn làm một số lượng tỏi nhiều thì hãy chia nhỏ nhiều phần bọc thành từng gói giấy bạc, có thể 1 gói khoảng 7 – 10 củ tỏi tươi. Như vậy sẽ giúp làm tăng tỷ lệ thành công, tỏi không bị ướt mà luôn khô ráo.
  • Bước 4: Bạn nhấn nút khởi động và cài đặt nồi ở chế độ “warm – hâm nóng” rồi ủ trong vòng 2 tuần. Trong suốt quá trình ủ tỏi, bạn lưu ý phải giữ nhiệt đều, không tự ý ngắt nguồn điện của nồi đột ngột. Trong trường hợp làm nhiều lớp tỏi, bạn hãy nhớ trở đều các mặt của giấy bạc vài ngày một lần để tỏa nhiệt đều. Tuy nhiên bạn cũng không mở nồi quá lâu để tránh làm mất nhiệt và ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm nhé!
  • Bước 5: Sau khi ủ thành công, bạn nên cho toàn bộ tỏi đen vào trong hộp kín rồi đặt vào ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.
Dễ dàng áp dụng cách làm tỏi đen bằng nồi cơm điện tại nhà

Làm tỏi đen bằng máy chuyên dụng

So với cách làm tỏi đen bằng nồi cơm điện thì sử dụng nồi chuyên dụng sẽ an toàn, hiệu quả cao hơn, thành phẩm sẽ thơm ngon đồng đều. Nguyên liệu bạn cần chuẩn bị là khoảng 1 – 4kg tỏi tươi, không bóc vỏ. Với cách làm này, bạn có thể chọn loại tỏi nhiều nhánh hay 1 nhanh đều được.

Các bước thực hiện như sau:

  • Bước 1: Bạn dùng giấy chùi sạch bụi bẩn trên bề mặt tỏi và loại bỏ những củ bị hỏng.
  • Bước 2: Bạn xếp đều tỏi vào khay rồi cho khay vào bên trong nồi của máy làm tỏi. Sau đó, bạn đậy nắp nồi, chọn chế độ làm tỏi (Garlic) và bấm nút khởi động (On/ Off hoặc Power). Lưu ý khi đậy, bạn phải chú ý nắp nồi và điểm tiếp xúc với lòng nồi phải được đậy kín, không có khoảng hở. Một số nồi ủ hiện đại hơn còn có chức năng chọn loại tỏi để làm như: Solo Garlic (tỏi một nhánh – tỏi cô đơn) hay Garlic (tỏi nhiều nhánh). Bạn có thể tùy chọn chức năng phù hợp nhé!
Nếu sử dụng máy làm tỏi đen chuyên dụng, thành phẩm sẽ đạt chất lượng hơn

Những điều cần lưu ý khi làm tỏi đen

Bạn nên lưu ý để tránh thất bại khi tự làm tỏi đen tại nhà:

  • Không nên thực hiện ngay quá trình lên men tỏi đen khi tỏi còn ẩm. Bạn cần chờ tỏi đã khô ráo hoàn toàn.
  • Bạn không nên sử dụng tỏi còn bẩn để làm tỏi đen. Điều này sẽ ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh và chất lượng dinh dưỡng của tỏi đen thành phẩm.
  • Sau khi bạn đã lên men hoàn tất tỏi đen, bạn có thể bảo quản tỏi đen trong hộp thủy tinh kín.

Như vậy, với hai cách làm tỏi đen trên đây, bạn hoàn toàn có thể tự thực hiện tại nhà. Tùy vào điều kiện và khả năng áp dụng mà bạn lựa chọn cách thức phù hợp nhé! Không chỉ dùng ăn trực tiếp mà tỏi đen còn có thể chế biến thành nhiều món ăn đa dạng khác.

Tuy tỏi đen có nhiều tác dụng như vậy, nhưng vẫn chỉ là một loại thực phẩm bổ sung, với vai trò hỗ trợ điều trị và tăng cường sức khỏe. Vì thế, bạn cũng lưu ý không nên lạm dụng để tránh gây ra những tác dụng ngược nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: hellobacsi.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *