Mụn bọc sưng đỏ, gây đau đớn trên da và thường xuất hiện ở mặt, lưng, ngực, vai,… Vậy điều trị mụn bọc như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ gợi ý cho bạn hơn 20 cách trị mụn bọc tại nhà an toàn và hiệu quả.
Tại sao mụn bọc lại xuất hiện?
Mụn bọc là tình trạng bít tắc lỗ chân lông trên da gây nên biểu hiện mụn viêm, mụn dạng nang nốt, nguyên nhân có thể do mồ hôi, bụi bẩn, tế bào da chết, dầu thừa, mỹ phẩm và vi khuẩn gây ra tình trạng viêm nhiễm tại vị trí xuất hiện mụn bọc. (1)
Có nên tự điều trị mụn bọc tại nhà không?
Người bệnh có thể điều trị tạm thời tại nhà với các trường hợp mụn nhẹ. Tuy nhiên, khi xuất hiện mụn bọc, tốt nhất bạn hãy đến bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để được khám, soi da để có phác đồ điều trị phù hợp, tránh nhiễm trùng hay để lại sẹo đáng tiếc. (2)
Hướng dẫn cách trị mụn bọc tại nhà hiệu quả và đơn giản
1. Vệ sinh da, giữ da luôn sạch sẽ
Người bệnh rửa sạch da 2 lần/ngày cùng nước ấm và sữa rửa mặt dịu nhẹ để loại bỏ dầu thừa và bụi bẩn. Giữa các lần rửa luôn đảm bảo da sạch và khô.
Sau khi rửa mặt người bệnh tránh dùng tay hoặc để tóc chạm vào mặt. Ngoài ra, người bệnh thường xuyên vệ sinh điện thoại di động cũng như các vật dụng khác như bao gối, ga trải giường, khăn lau mặt… tiếp xúc với bề mặt da.
2. Chườm đá lên khu vực bị mụn bọc
Người bệnh cho một ít đá vào khăn sạch, chườm lên nốt mụn bọc tối đa 15 phút. Cách này giúp bạn giảm đau và vị trí nổi mụn bớt sưng. Người bệnh có thể lặp lại việc này nhiều lần mỗi ngày.
3. Sử dụng các thuốc bôi ngoài da
Cách điều trị mụn bọc tại nhà bằng thuốc bôi ngoài da gồm:
- Retinoids dùng để chỉ các hợp chất hóa học là dẫn xuất của vitamin A hoặc các chất tổng hợp có chung sự tương đồng về cấu trúc và chức năng với vitamin A. Sản phẩm có dạng gel hoặc dạng kem giúp kích thích tái tạo tế bào da, giảm viêm, loại bỏ bụi bẩn và dầu thừa. Liều lượng retinol sử dụng phải được bác sĩ chỉ định.
- Benzoyl peroxide (BPO) có tác dụng diệt khuẩn với hoạt tính chống lại C. acnes trên da và trong nang lông. BPO có tính oxy hóa mạnh giúp giảm 90% C. acnes trong 7 ngày. Đến nay, không có vi khuẩn nào kháng lại BPO. Việc bổ sung BPO vào chế độ điều trị giúp tăng hiệu quả và làm giảm sự kháng thuốc của vi khuẩn.
- Acid salicylic (BHA) là thành phần chính trong nhiều sản phẩm trị mụn. Đây là một loại acid gốc dầu, có khả năng thẩm thấu sâu vào lỗ chân lông, đồng thời kiểm soát hoạt động sợi bã nhờn giúp làm sạch da từ sâu bên trong.
- Alpha Hydroxy Acids (AHAs) có tác dụng loại bỏ tế bào chết, kích thích sản sinh tế bào mới giúp da mềm mịn, sạch mụn đồng thời bổ sung độ ẩm cho da và ngăn mụn ẩn tái phát.
4. Uống bổ sung dầu cá
Uống bổ sung dầu cá Omega-3 là cách hỗ trợ việc điều trị mụn bọc tại nhà. Dầu cá giúp giảm viêm và kích thích cơ thể sản xuất các chất chống viêm. Thông thường, axit béo Omega-3 có trong cá hồi, cá thu…
Ngoài bổ sung Omega-3, người bệnh có thể bổ sung hàm lượng EPA và DHA trong dầu cá giúp kiểm soát tiết dầu và duy trì độ ẩm để hạn chế nổi mụn. Với thuốc này, người lớn cần dùng từ 250 – 500 mg/ngày.
5. Uống bổ sung kẽm
Kẽm rất quan trọng cho cơ thể như sản xuất nội tiết tố, trao đổi chất, tăng trưởng tế bào, thực hiện chức năng miễn dịch và hỗ trợ điều trị mụn trứng cá. Khi nồng độ kẽm trong máu thấp sẽ gây mụn bọc.
Kẽm khó hấp thụ qua da nên cơ thể cần bổ sung qua đường uống với liều lượng từ 30 – 45 mg kẽm/ngày. Ngoài ra, nếu người bệnh dùng kẽm quá nhiều có thể gây ra tác dụng phụ như: kích thích ruột, đau dạ dày,… Vì vậy, người bệnh cần được bác sĩ hướng dẫn khi uống bổ sung kẽm để trị mụn bọc.
6. Giấm táo
Giấm táo chứa nhiều axit hữu cơ giúp làm khô lớp dầu thừa trên da, thông qua đó sẽ tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn, nấm, virus… Đặc biệt, trong giấm táo còn có axit lactic giúp hạn chế để lại sẹo thâm do mụn.
7. Mặt nạ làm bằng mật ong và quế
Cả mật ong và quế đều chứa chất chống oxy hóa giúp chống viêm, ngăn vi khuẩn và giảm mụn bọc. Hơn nữa, mật ong chứa các enzyme tạo ra hydrogen peroxide giúp kháng khuẩn cao.
8. Dầu cây tràm trà
Tinh dầu cây tràm trà được chiết xuất từ lá của cây melaleuca alternifolia (loại cây bản địa của Úc) có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm. Đồng thời, dầu cây tràm trà cũng có một số tác dụng phụ như khô da, kích ứng, châm chích da,..
9. Trà xanh
Trà xanh có dưỡng chất polyphenol catechin giúp chống viêm tự nhiên và nhiều chất chống oxy hóa bảo vệ da khỏi tác hại của các gốc tự do. Ngoài ra, trong trà xanh còn có chất epigallocatechin gallate giúp giảm nồng độ androgen, giảm tiết bã nhờn, chống viêm và ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn trong cơ thể. (3)
10. Nha đam
Trong nha đam có nhiều chất chống viêm giúp giảm đau, sưng và làm lành vết thương. Ngoài ra, gel nha đam có hợp chất aloin giúp giảm sắc tố trên da và cải thiện vết thâm mụn.
11. Lá tía tô
Lá tía tô có hàm lượng lớn tinh dầu có tác dụng tiêu viêm, kháng viêm và làm lành các tổn thương trên da do mụn bọc gây ra.
12. Tinh dầu oliu
Tinh dầu oliu chứa nhiều vitamin E – dưỡng chất tốt nhất với các lỗ chân lông bị bít tắc. Trong dầu oliu còn có 70% axit oleic – một chất béo không bão hòa đơn giúp làm dịu chứng viêm mạn tính. Ngoài ra, tinh dầu oliu không chứa dung môi hóa học và chất béo chuyển hóa đột biến. (4)
13. Cà chua
Trong cà chua không chỉ nhiều vitamin A, vitamin C mà còn thêm chất chống oxy hóa lycopene có khả năng phục hồi những tổn thương trên da.
14. Lá bạc hà
Bạc hà thuộc một trong những loại dược liệu quý mang lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe nên nhiều người tin dùng. Trong bạc hà có axit salicylic hàm lượng cao giúp kháng khuẩn, kháng viêm và ngăn mụn phát triển trên bề mặt da. Hơn nữa, bạc hà còn có vitamin A làm sáng da và giảm thâm mụn.
15. Rau diếp cá
Rau diếp cá có các hoạt chất tự nhiên giúp kháng khuẩn, chống viêm mạnh nhưng không gây kích ứng và tổn thương da.
16. Khoai tây
Khoai tây chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin C.
17. Tẩy tế bào chết thường xuyên
Tẩy tế bào chết (2 lần/tuần) giúp loại bỏ dầu thừa và tế bào chết khỏi lỗ chân lông. Hơn nữa, cách trị mụn bọc tại nhà này còn ngăn tắc nghẽn lỗ chân lông và mang lại làn da mịn màng hơn.
18. Ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp
Khi cơ thể tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, chất béo sẽ làm đường huyết tăng, mức insulin cũng tăng cao và thúc đẩy nội tiết tố androgen hoạt động mạnh. Chính điều này kích thích cơ thể sản xuất bã nhờn nhiều hơn, gây bít tắc, viêm lỗ chân lông và nổi mụn bọc.
Người bệnh ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp gồm các loại hạt, đậu, rau củ, trái cây,… không những giúp điều trị mụn bọc mà còn ngăn bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2.
19. Giảm sử dụng sữa và các thực phẩm từ sữa
Sữa và các thực phẩm làm từ sữa, cung cấp cho cơ thể lượng đường và chất béo, đây là nguồn dinh dưỡng ưa thích của vi khuẩn gây mụn, chính vì vậy mà bệnh nhân mun trứng cá hay mụn bọc cần hạn chế nhóm thức ăn này.
20. Giảm căng thẳng lo âu
Nếu bị mụn bọc kéo dài, nhiêu người sẽ rơi vào căng thẳng và càng căng thẳng thì mụn lại càng nổi nhiều hơn thành một vòng luẩn quẩn. Căng thẳng khiến các hormone sản xuất dầu làm lỗ chân lông bị bít tắc, gây nổi mụn. Căng thẳng còn được chứng minh là nguyên nhân khiến mụn trở nên nghiêm trọng. Vì vậy, việc giữ tinh thần thoải mái, thư giãn giúp mụn bọc giảm đi đáng kể.
21. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút/ngày giúp lưu thông máu, tăng tiết mồ hôi, thông thoáng lỗ chân lông, loại bỏ dầu, bụi bẩn, giảm căng thẳng và hạn chế nổi mụn bọc.
Những điều cần lưu ý khi lựa chọn trị mụn bọc tại nhà
- Rửa mặt 2 lần/ngày, bằng nước sạch và sữa rửa mặt dịu nhẹ phù hợp với làn da.
- Không tự ý cạy, nặn hoặc tác động mụn bọc.
- Tránh nắng.
- Nên thử các cách trị mụn trên vùng da khác trước khi thoa lên vùng bị mụn.
- Trong quá trình thực hiện các cách trị mụn bọc tại nhà nếu có dấu hiệu bất thường trên da, hãy dừng lại và đến gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da.
Hướng dẫn chăm sóc da mặt sau khi tự trị mụn bọc tại nhà
Sau khi tự trị mụn bọc tại nhà, người bệnh cần chăm sóc da mặt để không bị tái phát mụn, cụ thể:
- Tránh chạm vào mặt.
- Chọn các mỹ phẩm gồm sữa rửa mặt, dưỡng ẩm và đồ trang điểm phù hợp với da mụn.
- Không tác động hoặc nặn mụn bọc.
- Giữ chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế các thực phẩm đường và sữa.
- Không hút thuốc lá.
- Rửa mặt và dưỡng ẩm 2 buổi sáng và tối mỗi ngày. Khi rửa mặt không chà mạnh.
- Thường xuyên tập thể dục.
- Tẩy trang sạch mặt khi trang điểm.
Các vị trí mụn bọc thường nổi có thể bạn chưa biết: Mụn bọc ở mũi, mụn bọc ở cằm, mụn bọc ở má
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da nếu:
- Mụn bọc nghiêm trọng.
- Mụn bọc kéo dài dai dẳng.
- Có dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, mụn mủ dày đặc, mẩn đỏ quanh mụn.
- Nốt sần hoặc mụn nang chiếm diện tích da lớn.
Hiện có rất nhiều phương pháp điều trị mụn bọc bao gồm thuốc theo toa, các thủ thuật y tế và các cách khắc phục tại nhà. Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TPHCM hội tụ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ chuyên môn cao, liên tục cập nhật các phương pháp điều trị da mới nhất và trang bị máy móc hiện đại trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn,… để mang lại chất lượng điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Câu hỏi liên quan
1. Chữa trị mụn bọc nặng ở đâu tốt?
Người bệnh nếu bị mụn bọc nặng nên đến khám sớm tại các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Da liễu để được các bác sĩ tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.
Bài viết liên quan: 7 cách trị mụn bọc hiệu quả an toàn không để lại sẹo thâm
2. Mụn bọc sau khi điều trị có tái phát không?
Có, mụn bọc có thể tái phát. Vì vậy, người bệnh cần kiên trì giữ chế độ chăm sóc da để ngăn ngừa và giảm thiểu các vết sẹo và thâm sau mụn.
Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM có các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm giúp việc tư vấn và đưa ra phương án điều trị phù hợp với từng người bệnh.
Điều trị mụn bọc không phải lúc nào cũng dễ dàng, áp dụng các cách trị mụn bọc tại nhà không đúng càng khiến tình trạng mụn trở nên viêm trầm trọng hơn. Thông qua bài này, mong rằng người bệnh bị mụn bọc từ nhẹ đến trung bình có thể tự trị đúng cách, sớm lấy lại được làn da mịn màng.