1. Cách lựa chọn giá đỗ an toàn
Giờ đây, việc lựa chọn giá đỗ an toàn làm thức ăn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người. Nếu không có thời gian tự làm giá đỗ tại nhà, bạn cũng có thể chọn mua giá đỗ không bị ngâm thuốc theo một số tiêu chí sau:
– Giá đỗ không ủ hóa chất có màu ngà ngà, trắng nhạt hoặc trắng sữa, rễ dài như sợi chỉ, thân không mập.
– Cọng giá khi bấm vào thấy độ giòn và chiều dài không đều nhau.
– Phần lá mở ra hoặc nhìn vào sẽ thấy lá mầm nhú màu vàng hoặc màu xanh.
Giá đỗ sạch có rễ dài và thân không mập
2. Cách làm dưa giá ăn liền
Với cách làm dưa giá ăn liền này, chỉ cần đợi khoảng 1 tiếng là bạn đã có món dưa giá để ăn.
Nguyên liệu làm dưa giá ăn liền:
– Giá đỗ: 300g
– Cà rốt: 2 củ vừa
– Muối, đường, chanh (hoặc giấm), nước đun sôi để nguội
Các bước làm dưa giá ăn liền ngon:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Giá đỗ nhặt sạch vỏ và rễ, rửa sạch rồi vớt ra để ráo nước.
– Rửa sạch cà rốt, nạo vỏ, bào thành những sợi nhỏ, dài bằng giá đỗ và để ráo nước hoàn toàn.
Sơ chế giá và cà rốt
– Cho giá và cà rốt vào một âu lớn, trộn đều thật nhẹ nhàng.
Bước 2: Muối dưa giá ăn liền
– Hòa muối, đường, chanh (hoặc giấm) vào nước đun sôi để nguội trong một bát to, khuấy đều cho muối và đường tan hoàn toàn. Tùy theo khẩu vị ăn, bạn có thể điều chỉnh liều lượng các gia vị sao cho phù hợp.
– Đổ nước vừa pha vào tô đựng giá và cà rốt. Ấn giá và cà rốt xuống ngập trong nước. Chờ khoảng 1 tiếng đồng hồ là bạn có thể thưởng thức món dưa giá.
Món dưa giá ăn liền có thể ăn kèm với cơm, thịt kho hoặc thịt ba chỉ luộc
2. Cách làm dưa giá củ kiệu
Nguyên liệu làm dưa giá củ kiệu:
– Giá đỗ: 500g
– Kiệu tươi: 200g
– Cà rốt: 1 củ
– Muối
– Hũ thủy tinh
Cách làm dưa giá củ kiệu đơn giản:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Kiệu tách bỏ vỏ và lá úa, cắt bỏ rễ rồi rửa kĩ cho sạch, để ráo.
– Cắt riêng phần củ và lá kiệu. Lá kiệu cắt khúc khoảng 4- 5 cm còn củ kiệu cắt mỏng theo chiều dọc để kiệu nhanh ngấm chua.
– Hòa tan 2 nắm nhỏ muối với 4 chén nước. Cho hết củ và lá kiệu vào hũ thủy tinh rồi đổ nước muối vào, ngâm kiệu ngập trong nước. Đem hũ bỏ chỗ mát 2 ngày.
Sau 2 ngày thì bạn tiến hành sơ chế các nguyên liệu khác:
– Cà rốt nạo bỏ vỏ, rửa sạch, bào sợi mỏng.
– Giá đãi vỏ, rửa sạch rồi để ráo.
Sơ chế củ kiệu và các nguyên liệu khác để làm dưa giá
Bước 2: Muối dưa giá củ kiệu
– Cho giá vào một âu to rồi dàn đều. Tiếp đến rải lần lượt rải cà rốt, phần lá và củ kiệu lên. Đổ nước muối củ kiệu vào ngâm sao cho ngập mặt dưa (nếu nước không đủ thì có thể pha thêm nước muối loãng đổ vào). Ngâm dưa giá khoảng 5 tiếng rồi trộn đều hết các nguyên liệu, cho vào hũ đậy kín.
– Sau 10 tiếng là đã có thể ăn được dưa giá. Dưa giá củ kiệu sẽ có màu trắng đẹp, vị chua vừa ăn. Bạn có thể bảo quản dưa giá trong tủ lạnh nếu không ăn hết.
3. Cách làm dưa giá hẹ
Nguyên liệu làm dưa giá hẹ:
– Giá đỗ: 350-400g
– Lá hẹ: 100g
– Cà rốt: 1 củ
– Hành tím: 4-5 củ
– 2 trái ớt
– Muối, đường, giấm, nước đun sôi để nguội.
Các nguyên liệu chính để làm món dưa giá hẹ
Chi tiết cách làm dưa giá hẹ:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Giá đỗ nhặt rửa sạch và để ráo nước.
– Lá hẹ nhặt bỏ những lá giập, úa, rửa sạch, cắt khúc 3-4cm.
– Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng sau đó thái sợi.
– Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, xắt lát. Ớt cắt bỏ cuống, rửa sạch, xắt lát.
Các nguyên liệu sau khi đã sơ chế
Bước 2: Muối dưa giá hẹ
– Chuẩn bị 1 bình thuỷ tinh (hoặc bình/tô gốm sứ) để muối dưa giá, không nên sử dụng bình nhựa.
– Rửa sạch và làm khô bình muối dưa giá. Cho nước vào bình, thêm 1,5 thìa muối hạt, 1 thìa đường, 1 muỗng canh giấm ăn rồi khuấy tan. Bạn không nên nêm mặn quá, chỉ cần nêm sao cho có vị mặn hơn khi nấu canh là được. Sau đó thả phần hành tím, ớt xắt vào bình nước muối.
– Trộn đều giá đỗ, lá hẹ và cà rốt rồi thả vào bình nước muối, ấn nhẹ cho nước ngập mặt các nguyên liệu.
Muối dưa giá hẹ trong bình thủy tinh
– Đậy kín bình, để nơi thoáng mát 1 ngày là sử dụng được. Món này ăn cùng với thịt luộc đặc biệt là thịt kho rất ngon.
Món dưa giá hẹ sau khi hoàn thành
Một vài lưu ý để làm dưa giá ngon và giòn
– Nước để muối dưa giá phải nguội. Nếu sử dụng nước nóng thì dưa sẽ bị nhũn.
– Không pha nước muối dưa giá mặn quá, sẽ làm dưa giá lâu chua và không giòn.
– Chỉ làm dưa giá đủ ăn trong 1 – 2 ngày, khi nào ăn mới làm tiếp để đảm bảo ăn được dưa giá ngon nhất.
Dưa giá sau khi làm xong phải có độ giòn, vị chua ngọt nhẹ
Mẹo bảo quản dưa giá
– Dưa giá sau khi đã chua thì phải bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
– Dưa giá sau khi ăn còn dư không nên cho lại vào hũ vì sẽ gây mốc và hư cả hũ dưa giá.
– Nếu để dưa giá ở ngoài thì đặt ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
Dưa giá muối chua là món ăn giản dị, không tốn kém mà lại dễ ăn. Vị chua ngọt, giòn ngon trong dưa giá sẽ cân bằng lại hương vị của bữa cơm có nhiều cá thịt. Với những cách làm dưa giá ngon trên đây, bạn có thể tha hồ ăn uống mà không lo ngán ngấy.