Cua là thực phẩm không chỉ ngon mà còn rất giàu can, thường không thể thiếu trong mùa hè. Phần lớn, chị em sử dụng cua để nấu canh với các loại rau như mồng tơi, rau đay, rau dền, mướp, hoa thiên lý, rau rút… mà món canh nào cũng thanh mát khiến bữa cơm mùa nắng thêm dễ chịu. Hiện tại, ở các khu chợ, cua thường được người bán hàng xay sẵn, người mua chỉ việc mang về lọc rồi nấu luôn hoặc đem trữ đông. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chị Hồng Toàn (Cần Thơ) đều mua cua sống về rồi sơ chế qua và tự tay trữ đông.
Cứ đến gần hè là chị Hồng Toàn lại làm cua trữ đông để dùng suốt mùa nóng
Được biết, gia đình chị trồng được các loại rau củ quả sạch nên chị thường mua cua về bảo quản ngăn đá, nấu canh dần. Nhiều người trữ đông thường chỉ rửa sạch rồi để nguyên cả con hoặc sơ chế hết, xay cua rồi bỏ tủ lạnh. Nhưng chị Hồng Toàn lại chọn cách khác mà theo chị cách này giúp cua vẫn tươi ngon, hấp dẫn khi nấu.
Chị chia sẻ, để trữ đông ngăn đá, trước tiên, chị cho cua vào xả nước, dùng đũa khuấy cua trong xô nước cho sạch bùn đất rồi lại đổ ra rổ thưa. Cứ như vậy cho đến khi nấy nước trong.
Cua được rửa và sơ chế sạch sẽ, khia thành các phần nhỏ trước khi cấp đông
Sau đó, “mình cho nắm muối vào, dùng đũa khuấy để cua sạch và cua bị đơ ra, sẽ thì lúc làm sẽ không còn kẹp vào tay nữa. Hoặc cũng có thể cho đá lạnh vào cua khiến cua không còn kẹp được nữa. Lúc này, bạn có thể dùng tay bóc bỏ mai cua, cho vào rổ thưa rồi dội nước cho sạch, xong khều gạch cua ra bát. Gạch khều xong, đổ qua cái rây rồi dội nước để cho hết nước đen”.
Chưa hết, “cua phải bóc mang, bỏ hết phần phổi cua, yếm cua và miệng cua. Con nào nhiều gạch ở mình thì khều hết ra để riêng vào một bát để gạch cua rồi cho muối vào rửa sạch thêm lần nữa. Để ráo cua rồi chia từng phần đủ ăn. Cất ngăn đá, khi nào ăn thì mang ra giã hoặc xay. Nếu giã cua thì lúc giã cho chút muối vào để khỏi bắn. Mình thì để riêng 1 cái máy xay sinh tố cũ để xay cua. Gạch cua cũng chia nhỏ ra rồi trữ đông cùng các phần cua”, chị Hồng Toàn nói.
Khi nào nấu, phần cua trữ đông sẽ được đem ra giã hoặc xay rồi lọc và nấu canh
Chị còn hướng dẫn cách lọc cua khi nấu rất chi tiết. Thông thường, mọi người vẫn lọc cua qua rây, xong chị Toàn lại cho rằng lọc như vậy thịt cua sẽ dính ở rây nhiều rất lãng phí.
Do đó, chị cho cua xay vào nồi, cho nước cùng chút muối rồi dùng tay bóp và vớt bỏ bã cua, sau đó đổ nhẹ nhàng nước cua từ nồi này sang nồi khác. Cứ như vậy đến khi thấy không còn vỏ cua nữa là được.
Món canh cua nấu mướp của chị Hồng Toàn vô cùng hấp dẫn
Chị Hồng Toàn cũng lưu ý, chị chỉ trữ đông cua ở mức vừa phải, không trữ quá nhiều hoặc quá lâu để đảm bảo cho món cua luôn tươi ngon và hấp dẫn.