Đông trùng hạ thảo được biết đến là một loại dược liệu quý, rất tốt cho sức khỏe của nhiều người, từ già đến trẻ. Vậy, đối với người bị bệnh tiểu đường thì sao? Người tiểu đường có uống được đông trùng hạ thảo không? Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây nhé!
Lợi ích của đông trùng hạ thảo đối với sức khỏe tổng thể
Trước khi đi tìm hiểu tiểu đường có uống đông trùng hạ thảo được không, cùng điểm danh những lợi ích tuyệt vời của loại dược liệu này đối với sức khỏe tổng thể.
Quảng cáo
Trong đông trùng hạ thảo có chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng bao gồm các axit amin thiết yếu, các vitamin như B1, B2, B12 và K, các loại carbohydrate khác nhau như monosacarit, oligosacarit và các loại polysaccarit, protein, sterol, nucleoside quan trọng, cũng như nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết cho sức khỏe về mặt tổng thể.
Nhờ đó, đông trùng hạ thảo (chủng Cordyceps militaris hoặcCordyceps sinensis) mang đến những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe như:
- Hoạt chất cordycepin có hoạt tính chống viêm, có thể giúp giảm tình trạng viêm liên quan đến hen suyễn, viêm khớp dạng thấp, bệnh Parkinson, viêm gan…
- Tăng năng lượng cho cơ bắp, tăng khả năng hoạt động thể chất
- Cung cấp năng lượng, giảm mệt mỏi
- Tăng cường ham muốn tình dục
- Chống ung thư vú
- hỗ trợ điều trị tăng cholesterol hoặc mỡ máu.
Tiểu đường có uống được đông trùng hạ thảo không?
Đông trùng hạ thảo mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Vậy, người bị tiểu đường có uống được đông trùng hạ thảo không? Câu trả lời là ĐƯỢC.
Ngoài những giá trị quý báu ở trên, một số nghiên cứu được thực hiện trên chuột mắc bệnh tiểu đường cho thấy đông trùng hạ thảo có nhiều tác dụng tốt trong việc kiểm soát bệnh.
Nghiên cứu này cho thấy:
- Tương tự như metformin, thành phần polysaccarit của đông trùng hạ thảo có tác dụng giúp làm giảm mức đường huyết đáng kể bằng cách thúc đẩy quá trình chuyển hóa glucose ở gan và giảm mức cholesterol toàn phần và chất béo trung tính trong máu.
- Chiết xuất đông trùng hạ thảo còn có tác dụng chống oxy hóa.
- Bảo vệ thận và lá lách, chống lại tổn thương liên quan đến bệnh tiểu đường.
- Kích thích tăng tiết insulin, cải thiện tình trạng kháng insulin.
- Chiết xuất đông trùng hạ thảo có thể ngăn ngừa sự tích tụ axit béo trong gan.
Nói chung, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy dược liệu này có thể làm giảm lượng đường trong máu và cải thiện tình trạng kháng insulin. Tuy nhiên, vẫn chưa có thử nghiệm lâm sàng trên người.
Quảng cáo
Cách dùng đông trùng hạ thảo cho bệnh nhân tiểu đường
Người tiểu đường có uống được đông trùng hạ thảo không còn tùy vào liều dùng và cách bạn sử dụng như thế nào.
Liều đông trùng hạ thảo ở những bệnh nhân bị suy thận lâu dài có thể lên tới 3 – 6 gram/ngày. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng dùng 3 – 4,5 gram đông trùng hạ thảo/ngày là đủ và đảm bảo an toàn ở người trường thành, ngoại trừ những bệnh nhân mắc bệnh gan nặng. Liều dùng chính xác ở bệnh nhân tiểu đường vẫn chưa được nghiên cứu nào chứng minh.
Đông trùng hạ thảo là một loại dược liệu tương đối lành tính và có sử dụng an toàn với nhiều đối tượng, bao gồm cả bệnh nhân tiểu đường. Một số cách dùng đông trùng hạ thảo phổ biến có thể kể đến như:
- Ngâm qua nước nóng và ăn trực tiếp với dạng khô
- Hãm với nước sôi như trà để uống
- Nấu cháo, hầm gà
- Chưng yến
- Ngâm rượu
- Ngâm mật ong.
Tiểu đường có uống được đông trùng hạ thảo không và một số lưu ý quan trọng khi dùng
Tiểu đường có uống được đông trùng hạ thảo không? Bệnh nhân tiểu đường vẫn có thể uống được nhưng cần lưu ý các vấn đề sau đây:
Quảng cáo
- Thận trọng khi sử dụng đông trùng hạ thảo đối với những bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc chống vi-rút, thuốc làm loãng máu hoặc thuốc hạ đường huyết vì đông trùng hạ thảo có thể ảnh hưởng đến liều lượng, hiệu quả của các loại thuốc này, khiến đường huyết của bệnh nhân hạ đến mức nguy hiểm.
- Đông trùng hạ thảo có thể gây ra một số tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như khô miệng, buồn nôn, tiêu chảy hoặc rối loạn đường tiêu hóa nói chung.
- Phản ứng dị ứng ở một số người
- Chống chỉ định dùng đông trùng hạ thảo cho những bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus ban đỏ hệ thống và bệnh đa xơ cứng
- Không nên dùng cho bệnh nhân ghép tạng
- Chưa có nghiên cứu nào chứng minh về độ an toàn của đông trùng hạ thảo cho phụ nữ mang thai và cho con bú nên cần hỏi ý kiến bác sĩ và thận trọng khi dùng.
- Đã có một số báo cáo về ngộ độc chì ở những bệnh nhân dùng đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, nồng độ chì trong máu trở lại bình thường sau khi ngừng dùng.
- Bệnh nhân tiểu đường tránh lạm dụng đông trùng hạ thảo mà cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định điều trị từ bác sĩ, thay đổi lối sống, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát cân nặng để duy trì mức đường huyết ổn định, giảm thiểu biến chứng.
Hi vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc tiểu đường có uống được đông trùng hạ thảo không. Cho đến nay, chưa có thử nghiệm lâm sàng chính thức nào nghiên cứu mối quan hệ giữa đông trùng hạ thảo với lượng đường trong máu ở người. Nghiên cứu được đề cập trong bài là thực hiện trên chuột mắc bệnh tiểu đường. Vì vậy, điều quan trọng là bệnh nhân tiểu đường nên thăm khám sức khỏe định kỳ và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn dùng bất kỳ loại thuốc hay dược liệu nào nhé.