Nám chân đinh: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa

Công nghệ làm đẹp ngày càng hiện đại với nhiều thiết bị mới theo xu hướng thế giới giúp điều trị nhiều vấn đề da và thẩm mỹ da hiệu quả, trong đó bao gồm cả nám chân đinh. Cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây nám chân đinh và cách điều trị hiệu quả để mang lại 1 làn da khỏe đẹp thông qua bài viết.

Nám chân đinh là gì?

Nám chân đinh là một loại nám hình thành do sự lắng đọng quá mức của sắc tố melanin ở các lớp sâu hơn của da, là lớp hạ bì chứ không nằm ngoài lớp biểu bì của da như nám mảng. Biểu hiện bởi các dát tròn màu nâu xám thường gặp ở má, mũi, trán. (1)

Nguyên nhân gây nám chân đinh

Nám chân đinh xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau:

  • Sự phân bố lạc chỗ của các tế bào melanocyte ở lớp bì nhú.
  • Sự kích hoạt quá trình tổng hợp melanin của melanocyte bởi một trong các yếu tố: tia UV, nội tiết tố, các phản ứng viêm mạn tính.
  • Ánh nắng trực tiếp từ mặt trời: tia UVA và UVB trong ánh nắng có thể kích thích sự tăng sinh của tế bào hắc tố, khiến lượng melanin sẫm màu trên da tăng bất thường, dễ dẫn đến nám da. Ngoài ra, tia cực tím trong ánh nắng mặt trời còn có thể khiến cấu trúc collagen trên da bị phá vỡ, đẩy nhanh quá trình lão hóa da. Vì vậy, bệnh nhân cũng có thể có biểu hiện rối loạn sắc tố khác đi kèm như rám má, đốm nâu, đồi mồi, nếp nhăn…
  • Có yếu tố di truyền: nám có khả năng di truyền qua các thế hệ trong gia đình, vì vậy nếu người thân của bạn từng bị nám thì bạn cũng có khả năng cao bị nám.
  • Rối loạn nội tiết tố: sự mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể cũng có thể dẫn đến nám. Tình trạng này thường xảy ra ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai, sau sinh hoặc tiền mãn kinh, mãn kinh.
  • Áp lực, stress kéo dài: căng thẳng, áp lực sẽ khiến cơ thể tăng sản xuất cortisol, gây mất cân bằng nội tiết tố dẫn đến tăng sinh hormone MSH, kích thích sản sinh melanin, đồng thời gây ra mụn trứng cá, nám da.
Hình ảnh cấu trúc da

Dấu hiệu nhận biết nám chân đinh

Nám chân đinh (hay nám chân sâu, nám đốm) thường xuất hiện ở độ tuổi ngoài 30. Vì chân nám nằm sâu trong lớp trung bì hay hạ bì của da, nên loại nám này rất khó trị. Có thể nhận biết nám chân đinh qua một số dấu hiệu lâm sàng như:

  • Xuất hiện chủ yếu ở 2 bên gò má, có thể có ở mũi, trán.
  • Kích thước bằng đầu đinh, đầu tăm từ 1-5mm, giới hạn thường rõ, các đốm nhỏ mọc theo kiểu tách rời trên bề mặt da.
  • Nám chân đinh có màu nâu xám hoặc nâu đậm rõ rệt, dễ dàng phân biệt với những loại nám khác.

Bài viết liên quan: Bị nám da mặt vùng má nguyên nhân do đâu? Cách nhận biết cụ thể

Khi da không được bảo vệ bởi kem chống nắng, tia cực tím từ ánh nắng mặt trời sẽ kích thích sự tăng sinh của tế bào hắc tố gây nám da

Nám chân đinh thường dễ bị nhầm lẫn với các dấu hiệu về da khác, như: tàn nhang, đốm nâu hoặc nám hỗn hợp; nếu điều trị không đúng cách dễ dẫn đến những tổn thương da nghiêm trọng. Vì vậy, khi nghi ngờ mình bị nám, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để được thăm khám và xác định chính xác loại nám mà bạn đang gặp phải để điều trị phù hợp, hiệu quả.

Nám chân đinh có chữa được không?

Câu trả lời là có! Mặc dù là loại nám khó trị do nằm sâu trong da, nhưng nếu tìm ra đúng phương pháp và kiên trì thực hiện đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ đặt ra thì vẫn có khả năng khắc phục tình trạng nám chân đinh hiệu quả.

Phương pháp chẩn đoán nám chân đinh

Có 2 phương pháp để chẩn đoán nám chân đinh: đèn Wood và soi da để nhìn cận cảnh sắc tố sẫm màu tiếp cận sâu hơn vào các lớp da như thế nào. Để phân biệt nám và các tình trạng da khác, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết da, bằng cách cắt một mẩu da nhỏ và mang đi xét nghiệm chuyên sâu. (2)

Cách điều trị nám chân đinh hiệu quả

Tùy thuộc vào mức độ cũng như tình trạng nám, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp cho từng trường hợp.

1. Dùng thuốc

Hiện nay, nhiều chị em sử dụng một số loại thuốc có chứa vitamin A, B, E, AHA, arbutin, hydroquinone, dẫn xuất của vitamin A… để làm mờ vết thâm. Các chất này có khả năng loại bỏ melanin gây nám da, đồng thời cung cấp các dưỡng chất cần thiết để nuôi dưỡng và trẻ hóa da.

Tuy nhiên, đối với nám chân đinh nếu chỉ dùng thuốc thoa thường thì hiệu quả không cao.

2. Sử dụng các phương pháp thẩm mỹ nội khoa

  • Peel da: Các hóa chất giúp loại bỏ đi lớp da thô ráp, sần sùi và sắc tố trên bề mặt da, giúp hỗ trợ điều trị tình trạng nám. Tuy nhiên, đối với nám chân sâu thì hiệu quả không cao.
  • Đốt điện hoặc laser CO2: có thể điều trị nhưng nguy cơ để lại sẹo, thâm hoặc mất sắc tố rất cao.
  • Sử dụng tia laser 1064: Bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị có khả năng chiếu laser trực tiếp lên vùng da bị nám, tác động chọn lọc đúng vào sắc tố (melanin), các sắc tố bị vỡ thành các hạt nhỏ hơn và tự động được đào thải.

>> Xem thêm chi tiết về các phương pháp điều trị Nám da

Laser có khả năng tác động đến những tầng sâu hơn trên da giúp phá hủy sắc tố melanin

Biện pháp phòng ngừa nám chân đinh tại nhà

Giảm các tác nhân tiềm ẩn sẽ giúp làm giảm tình trạng nám chân đinh như:

  • Thoa kem chống nắng có ít nhất SPF 30 mỗi ngày, ngay cả trong mùa mưa, mùa đông và những ngày nhiều mây.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là vào giữa trưa khi tia nắng mạnh nhất.
  • Đội mũ rộng vành, đeo kính râm và mặc áo khoác để che mặt khỏi ánh nắng mặt trời.
  • Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có chứa chất chống oxy hóa như vitamin C và E, có thể giúp bảo vệ chống lại tác hại của ánh nắng mặt trời.
  • Tránh sử dụng các phương pháp tẩy tế bào chết và lột da mạnh không đúng cách, có thể làm trầm trọng thêm sắc tố và làm nám nặng hơn.
  • Sử dụng các sản phẩm làm sạch và chăm sóc da dịu nhẹ, không gây kích ứng.
  • Cân nhắc sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố hoặc liệu pháp thay thế hormone bằng các biện pháp khác nếu đó là nguyên nhân thúc đẩy nám.
  • Nên cân nhắc sử dụng các sản phẩm có chứa chất làm sáng da như axit kojic hoặc axit azelaic, tuy nhiên cần được tư vấn kỹ để lựa chọn sản phẩm an toàn, hiệu quả.
  • Duy trì lối sống lành mạnh bằng cách ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và nghỉ ngơi đầy đủ.

Câu hỏi liên quan

1. Nám chân đinh có chữa dứt điểm được không?

Vì chân nám nằm ở lớp sâu của da nên rất khó để điều trị dứt điểm, ngay cả khi đã điều trị nhưng nếu người bệnh không tuân thủ đúng các chỉ định của bác sĩ hoặc chưa loại trừ được nguyên nhân gây nám thì nguy cơ tái phát cũng rất cao.

2. Nám chân đinh chữa ở đâu tốt?

Nám chân đinh tuy không gây hại cho sức khỏe, cũng không đe dọa đến tính mạng, tuy nhiên lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ da, gây tự ti và tác động tiêu cực đến chất lượng đời sống người bệnh.

Nám chân đinh được điều trị từ sớm sẽ có tiên lượng tốt và dễ đáp ứng điều trị hơn, vì vậy ngay khi nghi ngờ hay phát hiện mình bị nám, người bệnh nên đến khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.

BVĐK Tâm Anh TP.HCM là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Là một trong những nơi tiên phong trong việc kết hợp thăm khám và tư vấn thẩm mỹ, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da đã điều trị hiệu quả cho nhiều trường hợp gặp tình trạng về da với công nghệ làm đẹp hiện đại.

BS CKI Quách Thị Bích Vân, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM điều trị nám cho khách hàng

Hy vọng qua bài viết trên, độc giả đã có thêm thông tin về nám chân đinh. Nám chân đinh không đe dọa đến tính mạng, tuy nhiên gây mất thẩm mỹ khiến người bệnh tự ti, ngại giao tiếp… Vì vậy, khi thấy những dấu hiệu của nám, bạn nên đến khám bác sĩ ngay để được lên phương án điều trị kịp thời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *