Củ riềng: 8 tác dụng, cách dùng, lưu ý khi sử dụng

Củ riềng là gia vị vô cùng quen thuộc trong ẩm thực người Việt và mang lại nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu về củ riềng cũng như tác dụng, cách dùng qua bài viết dưới đây nhé.

1Củ riềng là gì?

Riềng (Alpinia officinarum Hance) là một cây thuộc họ Gừng (Zingiberaceae), có thể được biết với tên gọi khác như cao lương khương, kìm sung, phong khương,… Riềng là loại cây thân thảo lâu năm, có thể cao đến 2 mét với rễ mọc bò ngang, phình to thành củ.

Lá riềng thường có bẹ nhưng không có cuống, màu xanh, hình mác dài và nhẵn. Hoa riềng mọc ở đầu cành thành cụm, màu trắng xanh và nở vào tháng 5 – tháng 8. Cây riềng có thể phát triển mạnh ở những nơi có đất ẩm và thu hái quanh năm. Nguồn gốc của riềng là ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam Trung Quốc và hiện nay được trồng khắp mọi nơi ở Việt Nam.

Củ riềng là bộ phận dùng làm thuốc của cây riềng, khi còn non có màu đỏ nâu và đến khi già có màu vàng nhạt, chia thành nhiều đốt và hương thơm nhẹ.

Trong củ riềng có chứa đến 1% tinh dầu màu vàng xanh, mùi long não và đặc trưng bởi hoạt chất xineola và metylxinnamat. Ngoài ra, củ riềng còn chứa một chất dầu, có vị cay là galangola và 3 chất dẫn xuất của flavon, có tinh thể gồm galangin C15H10O5, alpinin C17H16O6 và kaempferit C16H12O6 (1-3 dioxy-4-metoxyflavonon).[1]

Củ riềng là bộ phận dùng làm thuốc của cây riềng

2Củ riềng có tác dụng theo Y học hiện đại

Chống oxy hóa

Củ riềng là một nguồn giàu chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào của cơ thể khỏi các gốc tự do gây hại và chống lại bệnh tật. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy chiết xuất methanol của củ riềng có hoạt tính chống oxy hóa mạnh.[2]

Hơn nữa, củ riềng còn rất giàu polyphenol – một nhóm chất chống oxy hóa có thể cải thiện trí nhớ, giảm lượng đường trong máu, mức cholesterol LDL (có hại).Từ đó bảo vệ cơ thể chống suy giảm tinh thần, tiểu đường loại 2 và bệnh tim.[3]

Củ riềng là một nguồn giàu chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do

Ngăn ngừa ung thư

Các nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy rằng hợp chất galangin trong củ riềng có thể tiêu diệt và chống tăng sinh tế bào ung thư. Từ đó, riềng được cho là nguồn thực phẩm lành mạnh tiềm năng để ngăn ngừa khối u.[4][5]

Một nghiên cứu năm 2013 cho rằng galangin trong củ riềng có tác dụng chống ung thư đối với một số bệnh ung thư như khối u ác tính, u gan, tế bào ung thư bạch cầu, ung thư đại tràng thông qua hiện tượng apoptosis của tế bào.[6]

Một vài nghiên cứu khác cũng cho thấy hoạt chất galangin có thể chống lại các tế bào ung thư vú, ung thư phổi, ống mật, da và gan. Vì thế, galangin có thể được ứng dụng rộng rãi trong điều trị lâm sàng như một loại thuốc chống di căn.[7][3]

Galangin trong củ riềng có thể tiêu diệt và chống tăng sinh tế bào ung thư

Chống viêm và giảm đau

Một nghiên cứu năm 2003 cho thấy HMP – một chất hóa học thực vật tự nhiên trong củ riềng có đặc tính chống viêm mạnh mẽ.[8]

Một nghiên cứu khác năm 2018 trên chuột cũng cho thấy rằng sử dụng chiết xuất hexane của củ riềng có hiệu quả chống lại bệnh viêm đại tràng bằng cách điều chỉnh việc sản xuất các chất trung gian gây viêm. Do đó, nhận định rằng chiết xuất củ riềng có thể có tác dụng tích cực trong điều trị viêm loét đại tràng.[9]

Nghiên cứu năm 2015 trên chiết xuất của họ Gừng (Zingiberaceae), trong đó có củ riềng cho thấy đặc tính giảm đau hiệu quả trên lâm sàng được thể hiện rõ ràng và an toàn.[10]

Trong nghiên cứu ở 261 người bị viêm xương khớp đầu gối nhận thấy 63% những người dùng chiết xuất gừng và riềng hàng ngày có thể giảm đau đầu gối khi đứng so với những người dùng giả dược.[11]

Chiết xuất củ riềng có tác dụng điều trị tích cực trong viêm loét đại tràng

Chống nhiễm trùng

Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy các hoạt chất tanin, alkaloid, flavonoid, saponin và phenol chiết xuất từ củ riềng đều cho thấy hoạt tính kháng khuẩn từ trung bình đến mạnh đối với Bacillus cereus, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, Escherichia coli.[12]

Ngoài ra, thêm rễ riềng tươi vào công thức nấu ăn có thể làm giảm nguy cơ mắc vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus – một vi khuẩn gây nhiễm trùng dẫn đến viêm ruột cấp tính.[13]

Chiết xuất từ củ riềng có hoạt tính kháng khuẩn từ trung bình đến mạnh

Cải thiện khả năng sinh sản ở nam giới

Trong một nghiên cứu trên động vật nhận thấy sử dụng chiết xuất củ riềng có thể làm tăng tỷ lệ, khả năng sống sót, vận động của tinh trùng và hormone testosterone. Điều này cho thấy riềng có tiềm năng trong việc tăng cường các thông số sức khỏe của tinh trùng và khả năng sinh sản ở nam giới.[14]

Hơn nữa, một nghiên cứu năm 2014 trên nam giới có chất lượng tinh trùng thấp nhận thấy bổ sung chiết xuất củ riềng, quả lựu giúp kích thích sinh tinh và tăng khả năng vận động của tinh trùng lên 62%.[15]

Riềng có tiềm năng trong việc tăng sức khỏe của tinh trùng và khả năng sinh sản ở nam giới

Kiểm soát bệnh tiểu đường

Một nghiên cứu thực nghiệm năm 2015 cho thấy chiết xuất methanol từ các bộ phận trên mặt đất của riềng có hiệu quả trong việc kiểm soát mức đường huyết và cải thiện thành phần lipid ở chuột mắc bệnh tiểu đường.[16]

Củ riềng có hiệu quả trong việc kiểm soát mức đường huyết

Kháng nấm

Một nghiên cứu cho thấy tinh dầu chiết xuất từ ​​​​thân rễ tươi và khô của củ riềng có hoạt tính kháng khuẩn tiềm tàng và chống lại nhiều loại nấm, nấm men và ký sinh trùng.[17]

Tinh dầu chiết xuất từ củ riềng có hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm và ký sinh trùng

Bảo vệ dạ dày

Chiết xuất riềng được chứng minh có khả năng làm giảm dịch tiết từ dạ dày. Từ đó ngăn ngừa sự hình thành vết loét và bảo vệ các tế bào dạ dày.

Ngoài ra, củ riềng còn có thể được sử dụng để kiểm soát các vấn đề khác ở dạ dày như đau, khó tiêu,…[18]

Chiết xuất riềng có khả năng làm giảm dịch tiết và bảo vệ các tế bào dạ dày

3Củ riềng có tác dụng theo Y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, riềng có tính ấm, vị cay thơm nên có thể mang lại tác dụng tiêu thực, trừ hàn, giảm đau, tiêu sưng. Do đó, riềng được dùng chủ trị cho chứng đau dạ dày, đau bụng, tiêu chảy, đau nhức xương khớp,…

Ngoài ra, riềng còn có tác dụng ôn trung, giúp tán hàn tiêu thực giảm đau và được ứng dụng trong điều trị chứng đau vùng thượng vị, ăn không tiêu, nôn mửa, ợ hơi, ợ chua, tiêu hóa kém,…

Riềng có tính ấm, vị cay thơm nên có thể mang lại tác dụng tiêu thực, trừ hàn, giảm đau

4Cách sử dụng củ riềng đúng cách an toàn và hiệu quả

Tất cả các bộ phận của riềng đều được sử dụng làm nguyên liệu và gia vị trong món ăn chứ không riêng gì phần thân rễ:

  • Hoa có thể sử dụng trong các món súp, salad, đồ uống,… hoặc làm gia vị sử dụng để chế biến các món ăn làm từ thịt.
  • Rễ riềng có thể được ủ để pha trà.

Riêng về củ riềng, bạn có thể dùng để bôi ngoài, ngâm rượu hoặc phối hợp với các vị khác làm thuốc và sắc uống. Thông thường, củ riềng được sử dụng với liều từ 8 – 16g mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng củ riềng thường xuyên.[1]

Thông thường, củ riềng được sử dụng với liều từ 8 – 16g mỗi ngày

5Một số bài thuốc chữa bệnh từ củ riềng

Bài thuốc chữa phong thấp cước khí, buồn nôn

Bạn có thể sử dụng các vị dược liệu với lượng bằng nhau gồm riềng, vỏ quýt, hạt tử tô. Sau đó, tán nhỏ và làm viên với mật. Sử dụng 5g/lần, ngày 2 lần uống với rượu.

Sử dụng riềng, vỏ quýt, hạt tử tô có thể điều trị phong thấp cước khí, buồn nôn

Bài thuốc chữa cảm sốt, sốt rét, kém ăn

Để chữa cảm sốt, sốt rét, kém ăn, bạn dùng 40g riềng sao với dầu vừng, 40g can khương nướng tán nhỏ. Sau đó, mang hỗn hợp đem trộn với mật làm viên to bằng hạt ngô, ngày uống 15 – 20 viên.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng quả riềng tán nhỏ và uống 6 – 10g mỗi ngày.

Dùng riềng tán nhỏ và uống 6 – 10g để điều trị cảm sốt, sốt rét, kén ăn

Bài thuốc chữa đau tức nhói tim, toát mồ hôi lạnh, suyễn

Chuẩn bị riềng, ô dược ngâm rửa với rượu một đêm, thanh bì, hồi hương với lượng bằng nhau. Đem tất cả dược liệu sao và tán nhỏ, uống 4g/lần, ngày 2 lần với rượu đun nóng.

Riềng có thể sử dụng trong chữa đau tức nhói tim, toát mồ hôi lạnh, hen suyễn

Bài thuốc chữa đau dạ dày

Để chữa đau dạ dày, bạn có thể sử dụng riềng rửa 7 lần với rượu và hương phụ rửa giấm 7 lần với lượng bằng nhau. Sau đó đem sấy khô và tán nhỏ, làm thành viên và uống 5g mỗi khi có cơn đau dạ dày.

Bạn có thể sử dụng riềng trong bài thuốc chữa đau dạ dày

Bài thuốc chữa hắc lào

Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2, bạn có thể dùng 100g củ riềng già tán nhỏ đem ngâm với 100ml cồn 90 độ càng lâu càng tốt. Lấy phần nước ngâm bôi ngày vài lần giúp chữa hắc lào.

Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng củ riềng giã nhỏ trộn với nhựa chuối cùng một ít vôi bột, sau đó làm thành thuốc bôi vào các vết hắc lào.

Dùng củ riềng giã nhỏ trộn với nhựa chuối, vôi bột giúp chữa hắc lào

Bài thuốc chữa tiêu hóa kém, ăn xong bị đau bụng, tiêu chảy

Để chữa tiêu hóa kém, tiêu chảy hoặc ăn xong bị đau bụng, bạn lấy củ riềng bào mỏng, phơi khô, tán bột. Sau đó, uống trước bữa ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 5g.

Củ riềng có thể sử dụng trong bài thuốc chữa tiêu hóa kém, tiêu chảy

Bài thuốc điều trị đau bụng do nhiễm lạnh

Điều trị đau bụng do nhiễm lạnh bằng củ riềng có thể áp dụng 3 bài thuốc sau:

  • Bài 1: Dùng 200g củ riềng phối hợp với 120g quế, 80g hậu phác đen sấy khô. Mỗi ngày lấy 12g hỗn hợp dược liệu sắc với 200ml nước đến khi còn 50ml, uống liên tục 2 – 4 ngày.
  • Bài 2: Tán nhỏ thành bột mịn 20g củ riềng, 8g nụ sim cùng 60g búp ổi. Sau đó, dùng 5g hỗn hợp bột, ngày dùng 3 lần pha với nước đun sôi để nguội uống sau các bữa ăn chính.
  • Bài 3: Lấy 8g củ riềng và 5g đại táo đen sắc với 300ml nước đến khi còn 100ml, chia thành 3 lần uống trong ngày.

Điều trị đau bụng do nhiễm lạnh có thể sử dụng củ riềng

Bài thuốc điều trị đau bụng kinh

Khi bị đau bụng kinh, bạn có thể lấy 1 lát riềng tươi nhai và nuốt nước từ từ. Việc này có thể giúp làm ấm bụng, điều kinh và xoa dịu cơn đau.

Riềng có thể giúp làm ấm bụng, điều kinh và xoa dịu cơn đau

Bài thuốc chữa sốt rét

Khi bị sốt rét, bạn có thể dùng 300g củ riềng khô và 100g mỗi loại thảo quả khô và vỏ quế khô. Mang tất cả đi tán bột, trộn với mật ong làm viên hoàn to cỡ hạt ngô. Sử dụng 15 viên/ngày trước khi lên cơn sốt.

Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng 40g củ riềng đã tẩm với dầu vừng, sao khô kết hợp với 35g gừng nướng. Sau đó, đem tán nhỏ và trộn cùng mật lợn, vo thành viên hoàn cỡ hạt ngô và uống 15 – 20 viên/ngày.

Bạn có thể dùng củ riềng trong bài thuốc chữa sốt rét

Bài thuốc chữa ăn lâu tiêu, đầy bụng, ho, viêm họng

Để chữa ăn lâu tiêu, đầy hơi, viêm họng và ho, bạn có thể sử dụng riềng tươi thái thành những lát mỏng sau đó cho vào hũ thủy tinh làm muối chua. Khi mắc bệnh, lấy riềng ngâm nhai nuốt cả bã lẫn nước với vài hạt muối ăn 2 – 3 lần/ngày để có thể giảm các triệu chứng.

Củ riềng có thể dùng trong bài thuốc chữa ăn lâu tiêu, đầy bụng, ho, viêm họng

Bài thuốc chữa lang ben

Khi bị lang ben, bạn có thể sử dụng củ riềng kết hợp với chút chít cả (dùng cả lá và củ) với lượng 100g mỗi loại và 1 quả chanh tươi. Giã nát hai vị thuốc, sau đó đun nóng với nước cốt chanh. Để nguội, bảo quản trong hũ có nắp đậy kín dùng dần.

Mỗi ngày, bạn có thể sử dụng tăm bông thoa đều lên khu vực cần điều trị 2 lần, liên tục trong khoảng 1 tuần sẽ thấy hiệu quả.

Bài thuốc chữa lang ben kết hợp giữa củ riềng, chút chít và nước cốt chanh

6Lưu ý khi sử dụng củ riềng

Riềng được cho là an toàn và không gây ra bất kỳ phản ứng bất lợi nào cho người tiêu dùng khi dùng đúng liều lượng và thời gian khuyến cáo. Tuy nhiên, các đối tượng như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và đang cho con bú nên cẩn thận và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng riềng.[18]

Bạn có thể bảo quản riềng theo các cách dưới đây:

  • Đối với riềng tươi: Bạn có thể bỏ vào trong túi nhựa kín có lót khăn giấy, để tủ lạnh tối đa 3 tuần. Nếu cắt rễ riềng thành từng miếng mỏng, bảo quản trong túi hoặc hộp kín, đông lạnh có thể sử dụng khoảng 2 tháng.
  • Đối với riềng đã khử nước hoặc sấy khô: Nên bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.
  • Đối với bột riềng xay: Bảo quản trong hộp kín, trong tủ đựng thức ăn từ 6 tháng đến 1 năm.

Riềng được cho là an toàn và không gây ra bất kỳ phản ứng bất lợi nào

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc thêm những thông tin bổ ích về củ riềng cũng như tác dụng và cách sử dụng riềng trong các bài thuốc Y học cổ truyền. Chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích bạn nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *