Người trẻ loay hoay tìm cách chữa rụng tóc

Nhiều người đổi dầu gội, bổ sung vitamin và khoáng chất, chi vài chục triệu đồng để cho thuốc kích mọc tóc, chiếu tia laser… vẫn không ngăn được tình trạng rụng tóc, hói đầu.

Tìm mọi cách chữa rụng tóc

P.N.S. (23 tuổi, Trà Vinh) bắt đầu rụng tóc nhiều từ khi học cấp hai. Trời nóng bức đổ nhiều mồ hôi, dính nước mưa, stress, thiếu ngủ, tóc càng rụng nhiều. Sau 10 năm, mái tóc vốn dày, bồng bềnh của anh thưa thớt rõ, chỉ còn khoảng ⅓ tóc. Sợi tóc yếu, mảnh, mọc chậm, dễ rụng. Trong khi đó, lông mày, lông mi, râu, lông ở tay chân rất rậm, dài. Gia đình S. không có ai bị hói.

Nhiều năm nay, S. đã làm nhiều cách để cải thiện tình trạng rụng tóc, đi khám và điều trị ở một số bệnh viện, phòng khám nhưng không hiệu quả. Ban đầu, anh đổi loại dầu gội có tính làm sạch, tẩy mạnh sang các loại dịu nhẹ dành cho tóc và da đầu nhạy cảm; sau đó chỉ gội bằng nước sạch, dùng dầu xả; bổ sung vitamin, kẽm, biotin và thoa các loại thuốc kích thích mọc tóc. Tại một phòng khám, S. được tư vấn cấy tóc tự thân, tuy nhiên vì thiếu tin tưởng nên anh đã từ chối.

Anh S. bị rụng tóc lan tỏa kiểu hói đầu hình chữ U, rõ nhất là từ đường chân tóc ở trán đến đỉnh đầu và nửa sau gáy

Cũng khổ sở vì rụng tóc, chị L.T.T. (31 tuổi, TP HCM) cho biết, hơn 4 năm nay, chị đã thực hiện “5 không” cho mái tóc, gồm: không buộc; không chải bằng lược răng mau; không để ướt; không gội dầu có thành phần hóa chất; không để dài. Chị đã chi vài chục triệu đồng cho các sản phẩm dưỡng tóc, kích mọc tóc; liệu trình 10 buổi chiếu laser ở spa; các loại dầu gội handmade với thành phần thảo mộc (bồ kết, đinh hương, xả, bưởi, hà thủ ô), hoặc ủ tóc với dầu dừa, nha đam, lòng trắng trứng… vẫn không có được mái tóc dày dặn. Thêm nữa, có tóc bạc sớm nên chị T. nhuộm tóc mỗi 6 tháng để giấu bớt dấu hiệu lão hoá trên tóc.

Khi ngồi khám, chị liên tục lấy tay phủi vai áo vì sợ tóc rụng nhiều gây cảm giác thiếu chỉn chu. Được bác sĩ cho xem hình chụp tóc rụng hở mảng da đầu trắng dọc theo ngôi tóc, T. giật mình không nghĩ là đã rụng nhiều đến thế. Chị chặc lưỡi “bao công chăm sóc vẫn là vô ích”.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, phụ trách chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, rụng tóc bệnh lý là tình trạng tóc rụng nhiều hơn 100 sợi mỗi ngày và không mọc lại. Hói đầu là hệ quả của việc rụng tóc quá nhiều.

Mỗi tháng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tiếp nhận trung bình khoảng 100 trường hợp đến khám các vấn đề liên quan đến rụng tóc, hói đầu, chiếm khoảng 5-7% tổng số lượt khám. Trong đó, khoảng 70% là người trẻ, từ 10-40 tuổi và phần lớn là nam giới.

Điểm chung của người bệnh là rụng tóc từ khi còn rất trẻ, từ độ tuổi thiếu niên, đã điều trị nhiều nơi, tốn nhiều chi phí nhưng không hiệu quả. Một số người rụng tóc rồi phục hồi, sau đó rụng lại. Một số rụng tóc vĩnh viễn. Da đầu lộ rõ khiến họ tự ti và mặc cảm về diện mạo già hơn tuổi, nhất là khi nhìn từ phía sau. Với người chưa lập gia đình, áp lực càng trở nên nặng nề.

Theo Thư viện Y học quốc gia Mỹ, rụng tóc là bệnh da liễu phổ biến thứ ba ở trẻ em, với khoảng 40% bệnh nhân biểu hiện bệnh trước 20 tuổi. Hiệp hội Rụng tóc Mỹ cũng thống kê khoảng 25% nam giới bắt đầu rụng tóc trước tuổi 21, khoảng 66% rụng tóc ở tuổi 35 và 80% ở tuổi 50.

Hiện Việt Nam chưa có nghiên cứu về tỷ lệ rụng tóc. Tuy nhiên, một báo cáo của Thư viện Y học quốc gia Mỹ ghi nhận ở Trung Quốc tỷ lệ rụng tóc tăng theo độ tuổi ở cả nam và nữ. Tỷ lệ rụng tóc ở nam là 21,3%, trong đó tuổi 18-29 là 2,8%; độ tuổi 30-39 là 13,3%; độ tuổi 40-49 là 21,4%; từ 70 tuổi trở lên tỷ lệ này là 41,4%. Ở phụ nữ, tỷ lệ rụng tóc trung bình là 6%, trong đó tuổi 18-29 là 1,3%; độ tuổi 30-39 là 2,3%; độ tuổi 40-49 là 5,4% và 11,8% ở người 70 tuổi trở lên. Tỷ lệ này tương đương với Hàn Quốc.

Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích thăm khám cho một nữ bệnh nhân bị rụng tóc

Bác sĩ Bích cho biết, anh S. và chị T. được chẩn đoán rụng tóc không sẹo, tức là rụng tóc không kèm theo tổn thương hay phá hủy nang tóc. Tóc đã rụng nhưng vẫn nhìn thấy được chân tóc và có khả năng mọc lại.

Các xét nghiệm cho thấy nguyên nhân gây rụng tóc của hai người bệnh không liên quan đến rối loạn nội tiết, nấm da, nhiễm trùng, di truyền, bệnh tự miễn, tác dụng phụ của các thuốc điều trị bệnh, hay thói quen giật, nhổ tóc… Tuy nhiên, người bệnh có thể bị stress thầm lặng (tức là các dấu hiệu của stress không rầm rộ, rõ rệt như hoảng loạn, mệt mỏi, mất ngủ, mất hứng thú).

Biểu hiện stress thầm lặng như thường xuyên có giấc mơ tồi tệ, nổi mụn, đau bụng, thèm đồ ngọt, ngứa da… Bên cạnh đó, người bệnh có thể dị ứng với dầu gội đầu đang sử dụng, cơ thể mất cân bằng dinh dưỡng, môi trường ô nhiễm. Riêng chị T. rụng tóc có thể do da đầu đổ quá nhiều dầu gây bết dính, bít tắc lỗ chân lông.

Theo liệu trình điều trị, chị T. ban đầu sẽ uống thuốc bổ cho tóc gồm các loại vitamin, sắt, kẽm, biotin (vitamin B7 hay vitamin H), omega 3; thoa thuốc giúp da đầu, nang tóc phục hồi khỏe mạnh, ngăn rụng và kích thích mọc tóc mỗi sáng và tối; đổi dầu gội thành loại kiềm dầu để kiểm soát nhờn; hạn chế nhuộm, uốn tóc, tránh cào gãi, để tóc ướt.

Tình trạng rụng tóc của S. vùng lớn, kéo dài nhiều năm, ngoài việc áp dụng các phương pháp trên, bác sĩ Bích chỉ định tiêm vi điểm với thuốc kích thích mọc tóc, liệu trình 2 tuần một lần, tối thiểu 8 lần. Thuốc được tiêm trực tiếp vào da đầu, bằng kim tiêm siêu nhỏ, mỗi điểm tiêm cách nhau khoảng 1cm, rải đều khắp vùng tóc rụng. Sau 4 lần tiêm, tình trạng rụng tóc của S. đã giảm từ vài trăm sợi còn dưới 50 sợi mỗi ngày, tóc con bắt đầu đã mọc lại.

Tóc một bệnh nhân nữ trước (bên trái) và sau 3 tháng điều trị tại chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Thận trọng khi điều trị rụng tóc

Hiện nay, trên thị trường có nhiều quảng cáo điều trị rụng tóc hiệu quả, có nơi cam kết điều trị hết hói, rụng tóc 100%. Tuy nhiên, bác sĩ Bích cho biết, điều trị rụng tóc cần nhiều thời gian, người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ và có thể phải thử nhiều cách, hoặc phối hợp nhiều phương pháp mới mang lại hiệu quả.

Như S., để tóc giảm rụng hẳn cần tiêm thuốc trong 4-6 tháng; để tóc mọc dày trở lại cần khoảng 9-12 tháng. Còn chị T., nếu tình trạng bệnh không cải thiện, có thể phối hợp thêm các phương pháp khác như chiếu laser, tiêm thuốc hoặc huyết tương giàu tiểu cầu.

Bên cạnh đó, một số phương pháp điều trị có thể không phù hợp với tất cả mọi người, gây phản ứng dị ứng, biến chứng. “Không phải ai cũng đáp ứng điều trị”, bác sĩ Bích nói.

Không may mắn như 2 người bệnh trên, nguyên nhân rụng tóc của anh N.L.V. (38 tuổi, Gia Lai) do bệnh tự miễn. Khi cơ thể bị rối loạn tự miễn, hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các nang tóc, khiến nang tóc bị phá huỷ, tổn thương vĩnh viễn. Những khoảng trống do tóc rụng thường ngứa, mẩn đỏ, có sẹo. Do đó, khả năng mọc lại tóc của anh V. rất thấp, dù đã trải qua tất cả các phương pháp xâm lấn như tiêm vi điểm, lăn kim với thuốc mọc tóc, huyết tương giàu tiểu cầu,…

Sau khi đội mũ, đội tóc giả, dán trực tiếp tóc giả vào da đầu thời gian dài để che đi mái tóc rụng gần hết, anh V. bị thêm ngứa, nấm da đầu vì dị ứng tóc giả, da đầu luôn ẩm ướt vì đổ nhiều mồ hôi. Hiện, anh chấp nhận tình trạng bệnh, cạo hết tóc.

Những trường hợp rụng tóc do di truyền, nếu không liên quan đến bệnh tự miễn, vẫn có khả năng điều trị. Bác sĩ Bích khuyến cáo, người bị rụng tóc, hói đầu cần tới bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được thăm khám, làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân rụng tóc. Ngoài việc điều trị bệnh gốc, các bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp. Nếu điều trị sai, tình trạng rụng tóc có thể nặng nề hơn, nang tóc bị phá huỷ diện tích lớn, dẫn tới hói vĩnh viễn.

Hiện, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM đang triển khai nhiều phương pháp điều trị rụng tóc hiệu quả. Đơn giản nhất là uống hoặc bôi thuốc có thành phần minoxidil và finasteride. Người bệnh cần duy trì sử dụng thuốc lâu dài. Tóc sẽ tiếp tục rụng nếu ngừng thuốc.

BS CKI Nguyễn Thị Kim Dung tiêm vi điểm thuốc kích thích mọc tóc cho bệnh nhân S

Lăn kim hoặc tiêm vi điểm thuốc kích thích mọc tóc và huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) cũng được nhiều người bệnh lựa chọn. Chi phí cho hai phương pháp này khá cao, phải thực hiện lặp lại mỗi 4 tuần với PRP, 2 tuần với thuốc kích mọc tóc.

Một cách khác là chiếu tia laser với xung năng lượng cực thấp vào da đầu giúp tăng tuần hoàn máu và kích thích nang tóc phát triển. Đây là phương pháp ít xâm lấn, dễ thực hiện, rất ít tác dụng phụ và ít đau nhưng không có tác dụng với các nang tóc đã mất. Nhược điểm của phương pháp này là giá thành cao.

Cấy tóc là thủ thuật y khoa xâm lấn, có chi phí cao nhất nhưng nguồn tóc khoẻ của bệnh nhân phải đủ nhiều và đủ chất lượng. Người có cơ địa bệnh lý miễn dịch, dễ dị ứng, đang mắc bệnh nhiễm trùng, hói đầu lâu năm không nên thực hiện. Nếu cấy tóc thất bại, bị nhiễm trùng, để lại sẹo thì khó có thể cấy tóc lần hai, bởi tài nguyên nang tóc là có hạn và không thể tái tạo. Đặc biệt, chỉ bác sĩ được cấp phép, có chứng chỉ mới được cấy tóc cho người bệnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *