Huyết mạch sinh tồn của bệnh nhân chạy thận nhân tạo

Bệnh nhân suy thận mạn được phẫu thuật tạo cầu nối giữa động – tĩnh mạch, mở đường cho quá trình lọc máu lâu dài.

Cầu thông động tĩnh mạch tự thân, còn gọi là đường rò động – tĩnh mạch (AVF), là phẫu thuật gần như ưu tiên hàng đầu đối với bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.

Theo TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM, phẫu thuật tạo đường vào mạch máu quan trọng đến mức có thể xem là “huyết mạch sinh tồn của bệnh nhân chạy thận nhân tạo”. Nó không chỉ quyết định khả năng thành công của quá trình lọc máu, mà còn ảnh hưởng đến khả năng sống còn của người bệnh.

Ở người bệnh thận mạn giai đoạn cuối, thận mất khả năng lọc bỏ độc chất trong cơ thể. Đường vào mạch máu (Vascular access) giúp kết nối cơ thể người bệnh với máy lọc máu, nhằm đưa máu qua màng lọc, loại bỏ các độc chất trong máu (như urea, creatinine, điện giải, nước và các độc chất dư thừa khác) và trả máu đã làm sạch lại cho người bệnh. Hầu hết bệnh nhân suy thận mức độ nặng cần đến cơ sở y tế để thực hiện kỹ thuật lọc máu này.

Có 3 nhóm đường vào mạch máu chính: cầu nối động tĩnh mạch tự thân (AVF – Arteriovenous Fistula), cầu nối động tĩnh mạch bằng ống ghép mạch máu nhân tạo (AVG – Arteriovenous Graft) và catheter tĩnh mạch để lọc máu (Dialysis Catheter). Trong đó, cầu nối động tĩnh mạch tự thân được xem là đường tiếp cận mạch máu lý tưởng nhất cho người bệnh thận mạn vì tính ổn định lâu dài, ít nhiễm trùng và biến chứng khác.

Ở thủ thuật AVF, bác sĩ sẽ phẫu thuật nối tĩnh mạch vào động mạch nhằm tạo một luồng thông đưa máu đi từ động mạch sang tĩnh mạch về tim. Khi động mạch và tĩnh mạch được nối với nhau, máu qua tĩnh mạch nhiều hơn, áp lực trong tĩnh mạch sẽ tăng lên, khiến thành tĩnh mạch dày hơn, chắc hơn và lưu lượng máu trong lòng mạch cũng sẽ nhiều hơn, thải nhiều độc chất ra khỏi hệ tuần hoàn bệnh nhân trong mỗi lần chạy thận.

Khi đó, chích kim lọc máu sẽ dễ dàng, và có thể lặp lại được nhiều lần cho quá trình lọc máu. AVF đáp ứng yêu cầu lọc máu định kỳ, lâu dài, an toàn và hiệu quả của người bệnh.

“Phẫu thuật tạo đường vào mạch máu (AVF) phải được thực hiện vài tuần (với ống ghép) hoặc vài tháng trước lần chạy thận nhân tạo lần đầu tiên, giúp tiên lượng sống của người bệnh sẽ tốt hơn”, bác sĩ Dũng cho biết.

Các bệnh nhân chạy thận nhân tạo định kỳ

Bị suy thận mạn 7 năm nay, chức năng thận ở giai đoạn 4 mấp mé qua giai đoạn 5 (giai đoạn cuối), bà Linh (63 tuổi, ngụ Bà Rịa – Vũng Tàu) được bác sĩ tư vấn nên phẫu thuật tạo rò động – tĩnh mạch (AVF) sớm nhằm chuẩn bị cho đường vào mạch máu, mở lối cho quá trình chạy thận sau này.

Bác sĩ Dũng cùng ê kíp tiến hành ca mổ tạo cầu nối động tĩnh mạch cho người bệnh. Vì là phẫu thuật gây tê tại chỗ, có sự chuẩn bị trước bằng siêu âm đánh dấu nên diễn ra rất thuận lợi trong chưa đầy một giờ. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, có thể đi lại nhẹ nhàng, vết mổ không có dấu hiệu chảy máu, nhiễm trùng, cầu nối động tĩnh mạch rung tốt.

Còn bà Lệ (68 tuổi, ngụ Q. Tân Bình, TP HCM) chạy thận 6 năm nay với AVF ở cánh tay. Một thời gian sau, AVF mất chức năng, bà được phẫu thuật tạo AVF khác ở vùng trên cánh tay. Bác sĩ theo dõi kiểm tra cầu nối mới sát sao. Tháng 5/2024 sau một lần chạy thận, AVF không còn rù (máu đi trong lòng mạch không còn tốt), bà Lệ quay lại bệnh viện và được chẩn đoán huyết khối. Bác sĩ nhanh chóng can thiệp lấy huyết khối, nong lại chỗ hẹp AVF để bệnh nhân tiếp tục chạy thận.

BS.CKI Trần Quốc Hoài, Phòng khám Mạch máu chạy thận nhân tạo, Trung tâm Tim mạch thông tin, cầu nối AVF được tạo ra từ cơ thể của người bệnh, không chứa bất kỳ thành phần nhân tạo nào. Chính vì vậy, thủ thuật này có ưu điểm lớn là cầu nối có thể được sử dụng được trong nhiều năm, cung cấp lưu lượng ᴠà tốc độ máu tốt cho quá trình chạу thận, ít nhiễm trùng và ít hình thành máu đông gây tắc nghẽn. Đây là loại đường vào mạch máu có độ bền lâu nhất.

Thông thường, phải mất 14 ngày để vết mổ AVF hồi phục hoàn toàn, và mất khoảng 4-6 tuần để có thể sử dụng AVF cho lọc máu. Trong thời gian đó, người bệnh nên thực hiện các biện pháp để phòng ngừa biến chứng: không tập thể dục cường độ mạnh, không nâng vật nặng bằng cánh tay mới phẫu thuật mở cầu nối AVF, không mặc quần áo hoặc đeo phụ kiện bó sát vùng mổ để tránh làm giảm lưu lượng máu.

Ngoài ra, không gập cánh tay quá lâu, không gối đầu lên tay trong lúc ngủ, tránh đo huyết áp hoặc lấy máu ở cánh tay mới phẫu thuật, thay băng và rửa vết mổ hàng ngày, uống thuốc đúng liều lượng… Đồng thời tập luyện bóp bóng tay phẫu thuật nhằm tăng lưu lượng máu cho AVF cũng như thúc đẩy được quá trình trưởng thành của AVF.

Bác sĩ Dũng tư vấn cho bệnh nhân tại Phòng khám Mạch máu chạy thận nhân tạo

Người bệnh cần theo dõi AVF của mình trước, trong và sau chạy thận cũng như theo dõi tái khám định kỳ để phát hiện sớm và xử trí biến chứng. Nếu xuất hiện các biến chứng sau mổ (hình thành huyết khối, nhiễm trùng, chảy máu) dù đã tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cần thiết, cần quay lại bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bác sĩ Hoài khuyến cáo.

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *