Giải phẫu vú (ngực): Cấu tạo, chức năng, bệnh lý và cơ chế hoạt động

là bộ phần có cấu trúc phức tạp gồm mô mỡ, tuyến mô liên kết, tiểu thùy, thùy, hạch bạch huyết, dây chằng và hệ thống mạch máu. Vậy giải phẫu vú là gì? Cấu tạo, chức năng, bệnh và cơ chế hoạt động như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết cho bạn.

Vú (ngực) là gì? Được cấu tạo như thế nào?

(ngực) là một phần của giải phẫu sinh dục nam và nữ. Bộ phận này nổi bật hơn ở nữ sau tuổi dậy thì. Với phụ nữ, vú vừa có chức năng cho con bú vừa có chức năng tình dục. Ở nam giới, vú không có chức năng sinh lý.

Vú ở người trưởng thành nằm giữa xương sườn thứ 2 và thứ 6 theo trục thẳng đứng, giữa mép xương ức và đường nách giữa theo trục ngang.

Cấu tạo vú gồm 3 cấu trúc chính: da, mô dưới da và mô vú (biểu mô và mô đệm). Thành phần biểu mô là các ống phân nhánh nối những đơn vị cấu trúc và chức năng của vú (các tiểu thùy) với núm vú. Mô đệm chiếm phần lớn thể tích vú, bao gồm: mô mỡ và mô liên kết dạng sợi. [1]

Da vú mỏng chứa các nang lông, tuyến bã nhờn và tuyến mồ hôi ngoại tiết.

Núm vú và quầng vú có cấu trúc đặc biệt và chuyên biệt, dễ xác định dựa trên hình dạng mô học. Núm vú có nhiều dây thần kinh cảm giác và tuyến mồ hôi bã nhờn nhưng không có nang lông. Quầng vú có hình tròn sậm màu, đường kính từ 15 – 60mm. Các nốt sần Montgomery (hay Morgagni) nằm gần ngoại vi quầng vú là những chỗ nhô lên và được hình thành do lỗ hở của tuyến bã nhờn.

Về mặt mô học, mô vú gồm các thành phần biểu mô và trung mô. Phần biểu mô gồm các phần tiết được gọi là acini, kết nối với một loạt các ống dẫn có đường kính tăng dần khi tiếp cận núm vú.

Nguồn cung cấp máu chính cho vú có nguồn gốc từ động mạch vú trong. Khoảng ⅓ lượng máu được cung cấp bởi các động mạch ngực bên.

Hệ bạch huyết của vú được dẫn lưu qua cả mạch bạch huyết nông và sâu, bạch huyết từ đám rối nông đến đám rối sâu.

Tương tự phụ nữ, vú ở nam giới trưởng thành bao gồm: mô, biểu mô và trung mô. Tuy nhiên, thành phần biểu mô chỉ giới hạn ở các ống dẫn. Không xác định được phần bài tiết gồm TDLU/acini. Các ống dẫn được nhúng trong mô sợi thường dày đặc hơn.

Hình ảnh giải phẫu vú phụ nữ

Vú phát triển thế nào?

Vú ở người bắt đầu phát triển trong thời kỳ phôi thai, chủ yếu ở tuần thứ 5. Xuất phát từ các đường biểu bì vùng bụng (dòng sữa) và kéo dài từ nách đến giữa đùi trên. Ở người, chỉ có phần cuối của đường gờ này, ở nách hoặc âm hộ còn tồn tại. Núm vú được hình thành do sự nhô ra của hố vú. Quá trình này không thành công dẫn đến núm vú bị tụt vào trong bẩm sinh.

Ở trẻ sơ sinh, vú được hình thành bởi 10 – 12 thành phần ống nguyên thủy nằm bên dưới phức hợp núm vú – quầng vú. Trong những năm trước tuổi dậy thì, các ống này phát triển và phân nhánh thành các cấu trúc ống tương đối chậm nhưng ổn định. Ở bé trai, sự phát triển của vú chấm dứt ở giai đoạn này.

Ở bé gái, tuổi dậy thì thường bắt đầu vào khoảng 10 – 12 tuổi và chịu ảnh hưởng của hormone giải phóng gonadotropin vùng dưới đồi. Các tế bào của tuyến yên trước giải phóng hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone tạo hoàng thể (LH), thúc đẩy sự trưởng thành của các nang trứng và quá trình tiết estrogen, chủ yếu ở dạng 17-beta estradiol.

Sự phát triển của vú từ tuổi dậy thì đến tuổi trưởng thành được xác định bởi một số yếu tố bao gồm: hình dáng bên ngoài, thể tích, số lượng cấu trúc có trong tuyến vú và mức độ phân nhánh hoặc biệt hóa của từng cấu trúc. Hình dáng bên ngoài của vú từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành được Tanner chia thành 5 giai đoạn. [2]

  • Giai đoạn 1: không sờ thấy mô vú trước tuổi dậy thì.
  • Giai đoạn 2: sự phát triển của chồi vú, với sự nhô lên của nhú và mở rộng đường kính quầng vú.
  • Giai đoạn 3: vú to lên mà không tách rời đường viền quầng vú khỏi vú.
  • Giai đoạn 4: quầng vú và nhú nhô lên phía trên vú, tạo thành gò thứ cấp.
  • Giai đoạn 5: quầng vú tụt xuống để phù hợp với đường viền của vú, đồng thời nhú nhô ra ngoài đường viền của quầng vú và vú.

Mặc dù tuổi dậy thì đánh dấu sự trưởng thành của tuyến vú nhưng sự biệt hóa vú chỉ đạt được hoàn toàn khi phụ nữ mang thai và cho con bú.

Chức năng của vú là gì?

Chức năng chính của vú là sản xuất sữa mẹ. Nội tiết tố nữ estrogen, progesterone và prolactin đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và hoàn thiện chức năng vú. Estrogen làm giãn và phân nhánh các ống dẫn sữa để vận chuyển nhiều sữa hơn. Prolactin thúc đẩy sản xuất progesterone và thúc đẩy các tuyến sản xuất sữa. Progesterone làm tăng số lượng và kích thước các tiểu thùy, làm giãn mạch máu và tế bào vú sau khi rụng trứng. Oxytocin giúp đẩy sữa mẹ đến núm vú cho trẻ bú.

Hình dạng vú và màu sắc núm vú phụ nữ

Hình dạng vú và màu sắc núm vú ở mỗi người sẽ khác nhau, nhưng đều chịu ảnh hưởng chung bởi các yếu tố như di truyền, tuổi tác, cân nặng và mang thai.

1. Hình dạng vú

Hình dạng vú có thể được phân thành nhiều loại, gồm hình giọt nước, tròn hoặc không đối xứng… Nội tiết tố nữ đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định hình dạng, kích thước của vú, quầng vú, thậm chí núm vú. Dưới đây là một số hình dạng vú phổ biến [3]:

  • Hình dạng vú tiêu chuẩn: hình tròn và đầy đặn với núm vú nhỏ.
  • Hình dạng không đối xứng: 2 vú có kích thước khác nhau. Dạng ngực này khá phổ biến.
  • Hình dạng vú thể thao: có nhiều cơ và ít mô vú hơn.
  • Hình dạng ngực sát: 2 vú nằm sát nhau và chỉ có 1 khoảng cách rất nhỏ ở giữa. Thường nằm gần giữa ngực hơn là về phía nách.
  • Hình tròn: vú có hình dạng đồng đều, núm vú nhỏ, quầng vú tròn, độ đầy đặn ở phần trên và dưới gần như bằng nhau.
  • Hình chuông: thường xuất hiện ở người có ngực lớn. Vú có xu hướng hẹp phía trên và đầy đặn ở phía dưới.
  • Hình giọt nước: trông giống như hình chuông nhưng vú tròn và đầy đặn hơn ở phần bên dưới.
  • Hình nón: hình dạng giống hình nón, với phần đỉnh của bầu ngực dốc xuống về phía núm vú, hướng ra ngoài. Hình dạng này thường gặp ở người có bộ ngực nhỏ.
  • Hình đu đủ: mô vú lỏng lẻo và mỏng, hình dạng thon dài.
  • Hình dạng Đông – Tây: vú dốc xuống và núm vú hướng ra ngoài.

2. Màu sắc núm vú

Núm vú và quầng vú có thể có nhiều màu sắc. Màu sắc của núm vú thường liên quan đến màu da, có màu hồng nhạt đến nâu sẫm. Quầng vú thường sẫm màu hơn núm vú. Núm vú và quầng vú có thể thay đổi màu sắc do [4]:

  • Tuổi dậy thì: màu núm vú sẫm màu có thể nhìn thấy lần đầu ở tuổi dậy thì. Bởi đây là thời điểm cơ thể sản xuất nhiều estrogen hơn.
  • Thuốc tránh thai đường uống chứa hormone progesterone và estrogen, có thể khiến núm vú và quầng vú sẫm màu. Màu sắc sẽ trở lại bình thường sau khi ngừng uống thuốc.
  • Thai kỳ: nồng độ progesterone và estrogen tăng lên khi mang thai ảnh hưởng đến hầu hết mọi cơ quan trên cơ thể, bao gồm việc điều hòa tổng hợp sắc tố da (melanin). Việc tăng sản xuất sắc tố trong tế bào da có thể khiến núm vú sẫm màu hơn trong thời gian này. Khi nội tiết tố ổn định, màu sắc núm vú sẽ trở lại gần với màu sắc bình thường.
Hình dạng và màu sắc núm vú ở mỗi người sẽ khác nhau

Bệnh lý phổ biến của vú

Bên cạnh ung thư vú, một số bệnh lý khác cũng gây không ít lo lắng cho người bệnh. Các bệnh lý lành tính ở vú gồm:

  • Khối u vú: có thể là u sợi tuyến, u diệp thể, u mỡ, thay đổi sợi bọc lành tính,… Đa số u lành tính có thể theo dõi định kỳ, can thiệp phẫu thuật khi kích thước u khá to.
  • Nang vú là một túi chứa đầy chất lỏng, có kích thước nhỏ và khó sờ thấy. Trong một số trường hợp, nang có thể lớn vài cm gây khó chịu. Các u nang có thể hình thành ở 1 hoặc 2 vú, tình trạng này thường lành tính và không làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú.
  • Đau vú là tình trạng thường thấy do những thay đổi của nội tiết tố, xảy ra khoảng 1 tuần trước kỳ kinh hoặc ở phụ nữ tiền mãn kinh.
  • Giãn ống dẫn sữa: ở phụ nữ lớn tuổi, ống dẫn sữa sẽ ngắn lại và mở rộng khiến chất lỏng tích tụ gây tắc ống dẫn sữa. Tình trạng này có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được khám, kê đơn kháng sinh hoặc cắt bỏ ống dẫn sữa.
  • Viêm vú là tình trạng viêm đau ở mô vú, không điều trị sớm có thể dẫn đến nhiễm trùng, áp xe.
  • Tiết dịch núm vú: chất lỏng rò rỉ từ núm vú ở 1 hoặc 2 vú, phổ biến nhất ở phụ nữ giai đoạn cuối thai kỳ hoặc sau khi sinh con.
  • Loét núm vú: vết loét đầu núm vú kéo dài cũng có thể do chàm hoặc bệnh lý ác tính (Paget núm vú).
Đến gặp bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu bất thường ở vú

Chăm sóc vú như thế nào?

Chăm sóc vú là một trong những biện pháp giúp ngăn ngừa các bệnh tuyến vú. Dưới đây là những lưu ý khi chăm sóc vú:

  • Tự khám vú: kiểm tra vú hàng tháng để sớm phát hiện những thay đổi bất thường, chẳng hạn như khối u, da vú đỏ hoặc sưng.
  • Điều chỉnh lối sống: duy trì lối sống lành mạnh bằng cách ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn, hạn chế hút thuốc lá, rượu bia.
  • Mặc áo lót phù hợp: lựa chọn áo lót thoải mái, không bó sát, chất liệu mềm mại và không gây kích ứng da.
  • Bảo vệ da khỏi những tác động của môi trường bằng cách che chắn kỹ, thoa kem chống nắng.
  • Khám sức khỏe định kỳ kết hợp tầm soát các bệnh tuyến vú mỗi 6 tháng – 1 năm.

Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc thăm khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị chuyên sâu tất cả các vấn đề liên quan đến tuyến vú và ung thư vú. Ngoài ra, bệnh viện còn trang bị các máy móc, trang thiết bị hiện đại từ các nước Âu – Mỹ nhằm chẩn đoán bệnh chính xác nhất, giúp người bệnh cảm thấy an tâm và hài lòng khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Hiểu rõ về giải phẫu vú là gì? Cấu tạo vú, chức năng, cơ chế hoạt động cùng các bệnh lý liên quan có thể giúp phát hiện sớm những bất thường và tăng tỷ lệ điều trị thành công các vấn đề ở vú.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *