Mụn nước nổi ở môi mang đến nhiều phiền phức cho người bệnh vì không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn ngứa ngáy, khó chịu. Vì vậy cần hiểu rõ về loại mụn này để ngăn ngừa, nhận biết và điều trị hiệu quả. Trong bài viết sau, Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo sẽ cung cấp những điều cần biết về mụn nước ở môi, hãy cùng tìm hiểu.
Mụn nước ở môi là gì?
Mụn nước ở môi (bệnh Herpes môi) là tình trạng lớp da phồng lên và chứa dịch. Chúng thường mọc thành từng đám trên môi và xung quanh miệng. Loại mụn này thường nhỏ có kích thước thường dưới 5 mm. Bên trong mụn nước chứa dịch trong suốt, màu trắng đục, vàng hoặc lẫn máu.
Mụn nước ở môi có thể gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, thậm chí đau đớn. Mụn nước thường vỡ do các tác động gãi, sờ,… Khi mụn nước vỡ, dịch bên trong sẽ lan ra và có thể khiến mụn lây lan sang các vị trí lân cận và ngày càng nhiều hơn, ngứa hơn. Khi dịch này khô sẽ để lại vảy cứng màu vàng trên da. Mức độ ngứa cũng bị ảnh hưởng bởi các thực phẩm cay nóng hay dễ gây dị ứng. Ví dụ ớt, tiêu, rượu bia hay hải sản.
Nguyên nhân mụn nước ở môi
Nguyên nhân chính của bệnh Herpes môi là do virus Herpes simplex (HSV). Bình thường virus ký sinh trong cơ thể ở trạng thái tiềm ẩn trong 1 – 2 tuần sau đó sẽ biểu hiện bởi một loạt triệu chứng. Trong đó virus HSV1 gây mụn ở mặt, miệng, môi, cằm, mũi còn HSV2 ở bộ phận sinh dục. Tuy nhiên HSV2 có thể xuất hiện ở môi nếu người bệnh quan hệ tình dục bằng đường miệng.
Virus này sẽ lây truyền chủ yếu do tiếp xúc với nước bọt của bệnh nhân. Hoặc dịch từ mụn chảy ra sẽ là nguy cơ lan rộng vùng mụn và là nguồn lây cho người khác. Đối tượng nguy cơ là những người có vết thương hoặc phần da môi mềm, những người xăm môi,… Những người bị cảm lạnh, rối loạn tiêu hoá, nhiễm độc, stress,… cũng khiến virus sẽ biểu hiện nhanh hơn. Bệnh cũng dễ xuất hiện hơn ở bệnh nhân sẵn bị viêm da cơ địa, dị ứng tiếp xúc.
Triệu chứng mụn nước ở môi
Giai đoạn tiền ẩn không triệu chứng diễn ra trong vòng 2 ngày đầu tiên. Sau đó virus Herpes sẽ khiến vùng da quanh môi và nướu phồng nước, nổi đỏ và sưng lên. Người bệnh sẽ có cảm giác ngứa, tê, hơi nhói, nóng, căng và đau nhức nhất là khi ăn uống. Nếu mụn bị vỡ, dịch bên trong sẽ đóng thành vảy sau vài ngày, để lại vết thương hở nông.
Ngoài vùng miệng, virus sẽ gây ra một số biểu hiện bất thường xung quanh như:
- Bị sốt.
- Viêm họng.
- Mụn nước xuất hiện cả ở nướu, môi, miệng, mũi, gò má và họng.
- Nhức đầu.
- Sưng hạch bạch huyết.
- Đau cơ.
- Trẻ em có thể bị chảy nước miếng không kiểm soát.
Triệu chứng này có thể tái đi tái lại nếu không diệt tận gốc virus gây bệnh. Vì vậy cần điều trị đúng cách càng sớm càng tốt.
Chữa mụn nước ở môi
Hiện nay Herpes môi chưa có thuốc đặc trị, cũng khó để diệt tận gốc virus. Thông thường các nốt mụn nước này sẽ tự biến mất sau khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, có thể làm giảm triệu chứng, kiểm soát bệnh và rút ngắn thời gian khỏi bệnh bằng cách:
Sử dụng thuốc
- Thuốc kháng virus: dùng ngay từ khi có các dấu hiệu cảnh báo của bệnh mụn nước. Thuốc có thể ở dạng bôi (Docosanol, Penciclovir, Acyclovir) hoặc uống (Acyclovir, Famciclovir, Valacyclovir). Thuốc sẽ giúp diệt virus để tránh tái phát và lây lan sang xuống khu vực lân cận như cổ, mũi, má. Tuy nhiên các thuốc này đều là các thuốc kê đơn nên cần chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc giảm đau: cũng có thể dùng aspirin, acetaminophen, ibuprofen nhằm làm giảm đau. Lưu ý, không nên dùng aspirin cho trẻ nhỏ để tránh gây hội chứng Reye.
Biện pháp hỗ trợ
Ngoài việc sử dụng thuốc bạn có thể hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng bằng cách:
- Chườm nước đá hoặc nước lạnh. Việc này sẽ giúp giảm sưng và giảm ngứa cho bệnh nhân. Thực hiện 20 phút mỗi lần với tần suất 3 lần một ngày để thấy hiệu quả.
- Súc miệng sạch sẽ với nước súc miệng chứa baking soda để làm dịu cơn đau miệng.
- Giảm sưng rộp bằng kem dưỡng ẩm hoặc nha đam.
- Tuyệt đối tránh đưa tay lên mụn nước để tránh làm vỡ mụn gây lây lan virus khó điều trị.
Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng
- Uống nhiều nước đủ 2 lít mỗi ngày để cấp ẩm cho môi và tăng sức đề kháng.
- Ăn nhiều thực phẩm nhiều vitamin, tăng cường rau xanh và trái cây.
- Tỏi: vì chứa acid salicylic có tính kháng khuẩn, kháng viêm giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và bội nhiễm.
- Lô hội: cũng có tính kháng khuẩn và chữa lành vết thương. Ngoài ra có tác dụng dưỡng ẩm, cấp nước cho môi khô do mụn.
Mụn nước ở môi nên kiêng ăn gì?
Herpes ở môi khiến việc ăn uống khó khăn vì vậy người bệnh cần có thực đơn phù hợp. Thức ăn cần tránh làm nặng bệnh và tránh kích ứng gây ngứa. Một số thực phẩm cần kiêng trong khi bị mụn nước:
- Đồ ăn cay nóng: Ớt, gừng, tiêu bắc,… là những thực phẩm có tính cay nóng nên dễ làm tăng mức độ ngứa. Những thực phẩm này cũng đồng thời tạo điều kiện phát triển cho khuẩn Herpes.
- Chất kích thích: bia rượu, thuốc lá, cà phê. Vì những tác nhân này làm suy giảm hệ miễn dịch, tạo điều kiện lây lan mụn sang lân cận.
- Với người có cơ địa dễ dị ứng cần ghi nhớ thức ăn gây kích ứng để tránh ăn lại.
- Thức ăn chứa nhiều chất béo: vì tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Tránh các loại thực phẩm có vị chua như chanh, cam, quýt.
- Hạn chế ăn các đồ cứng, quá mặn hoặc quá nóng.
Ngăn ngừa mụn nước ở môi tái phát
- Tránh để môi của bạn tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Bạn nên dùng thêm kem chống nắng để tăng hiệu quả bảo vệ.
- Bạn nên tránh việc tiếp xúc thân mật với những người có bệnh Herpes.
- Tránh dùng các loại thực phẩm kích thích quá trình khởi phát bệnh.
- Trang bị riêng cho mình những dụng cụ cá nhân riêng biệt.
Mụn nước ở môi là vị trí đặc biệt rất khó kiêng cữ so với vị trí khác trên cơ thể. Tình trạng này cần được điều trị tốt để tránh tái phát dai dẳng gây ảnh hưởng cuộc sống của người bệnh. Hy vọng bài sẽ giúp bạn hiểu rõ về loại mụn này để có kế hoạch chăm sóc tốt nhất.