Đã từ lâu, mộc nhĩ trở thành nguyên liệu tạo nên nhiều món ăn quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Trong đông y, mộc nhĩ còn là một vị thuốc quý với nhiều công dụng chữa bệnh, giúp tăng đề kháng, hệ miễn dịch, giúp giải độc, và làm chậm quá trình lão hóa. Cùng đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ ăn ăn mộc nhĩ có tác dụng gì.
1. Cây mộc nhĩ là gì ?
Mộc nhĩ hay còn gọi là nấm mèo hoặc nấm tai mèo. Mộc nhĩ là một loại nấm mọc trên thân của nhiều loại cây thân gỗ khác nhau. Mộc nhĩ được sử dụng như một loại thực phẩm và dược phẩm với nhiều tác dụng như bổ huyết, thông mạch, cầm máu và cải thiện tình trạng suy nhược toàn thân. Mộc nhĩ có nhiều tên gọi khác nhau. Chúng còn được gọi là nấm mèo, nấm tai mèo, hắc mộc nhĩ, mộc nhu, mộc nga, mộc tung hay vân nhĩ.
Mộc nhĩ có mặt trên nhẵn, mặt dưới có phủ một lớp lông màu nâu. Mô nấm có chứa chất keo và mặt sinh sản nhẵn hoặc nhăn, được phủ một lớp phấn trắng do các bào tử phóng ra khi nấm trưởng thành.
Cơ quản sinh sản của đa số loại mộc nhĩ là đảm đa bào, có hình chùy, nằm sâu bên trong chất keo. Một cây mộc nhĩ có chứa một bào tử có cuống nhỏ, phát triển ở bên dưới kéo dài qua lớp bao nhầy và đến bề mặt của thể quả. Trên mỗi cuống nhỏ có một bào tử đảm. Phần thịt của cây mộc nhĩ thường dày khoảng 1 – 3 mm. Thế quả của Mộc nhĩ được dùng để làm dược liệu. Tên gọi khoa học là Auricularia.
Mộc nhĩ phân bố lan rộng ở các vùng ôn đới và cận nhiệt đới trên khắp cả thế giới. Chúng còn được tìm thấy ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á, Australia, Nam Mỹ và cả châu Phi. Ở nước ta, mộc nhĩ được trồng để thu hoạch làm thuốc và sử dụng dược liệu. Mộc nhĩ được cho là có chất lượng tốt nhất khi được tạo điều kiện mọc và phát triển ở thân của các loại cây như hòe, dướng, ruối, sắn, so đũa, sậu, sung, mít,… Ngoài việc thu hái tự nhiên, mộc nhĩ còn được trồng ở thân cây mít, sắn và so đũa để thu hoạch làm dược liệu. Mộc nhĩ thường sẽ được thu hái vào mùa hè và mùa thu. Sau khi thu hái thì rửa sạch, cắt bỏ phần bẩn dính vào giá thể rồi được mang đi phơi khô.
Mộc nhĩ chưa sử dụng đến cần được phơi hoặc sấy khô, bảo quản trong túi ni lông hoặc hộp kín tránh để không khí tràn vào. Đặt mộc nhĩ ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh độ ẩm cao để nấm không bị ẩm mốc.Về dinh dưỡng, trong 100g mộc nhĩ khô có chứa một số chất dinh dưỡng với hàm lượng cụ thể như sau:
Năng lượng 293,1 kcal
- Chất đạm 10,6 g
- Chất béo 0,2 g
- Đường 65 g
- Sắt 185 mg
- Canxi 375 mg
- Phốt pho 201 mg
- Carotene 0,03% mg
- Chất xơ 5,8 g
2. Mộc nhĩ và mộc nhĩ đen có tác dụng gì ?
Mộc nhĩ đen là một loại trong họ mộc nhĩ. Chúng là một loại nấm hoang dã có thể ăn được. Mộc nhĩ đen chủ yếu được tìm thấy ở Trung Quốc nhưng nó cũng phát triển mạnh ở các vùng khí hậu nhiệt đới như quần đảo Thái Bình Dương, Nigeria, Hawaii và Ấn Độ. Chúng thường mọc trên các thân cây và các khúc gỗ mục tự nhiên nhưng cũng có thể được trồng một cách có chủ đích để thu hoạch làm dược liệu.
Mộc nhĩ và mộc nhĩ đen đều được biết đến với độ đặc như thạch và độ dai khác biệt so với các loại thực phẩm khác. Chúng cũng đã trở thành một thành phần ẩm thực phổ biến trong một loạt các món ăn của người châu Á. Ngoài ra, chúng còn được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc trong hàng trăm năm trở lại đây. Vậy mộc nhĩ và mộc nhĩ đen có tác dụng gì? Và ăn mộc nhĩ có tốt không?
Mặc dù mộc nhĩ có nhiều công dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc, các nghiên cứu khoa học về nó vẫn đang ở giai đoạn đầu và chưa có gì chắc chắn về việc chúng có lợi ích với sức khỏe. Nhiều người cho rằng loại nấm này đã được ghi nhận về khả năng tăng cường miễn dịch và các đặc tính kháng khuẩn. Các tác dụng của mộc nhĩ đã được khoa học chứng minh bao gồm:
Chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh mẽ: Nấm, bao gồm cả các loài Auricularia, nói chung có nhiều chất chống oxy hóa. Các hợp chất thực vật có lợi này giúp chống lại tình trạng stress oxy hóa trong cơ thể, có liên quan đến chứng viêm và một loạt các loại bệnh lý khác nhau. Hơn nữa, nấm thường có chứa chất chống oxy hóa polyphenol mạnh mẽ. Chế độ ăn giàu polyphenol có liên quan đến giảm nguy cơ ung thư và các bệnh mạn tính, bao gồm cả bệnh tim mạch chuyển hóa.
Có thể hỗ trợ sức khỏe đường ruột và hệ miễn dịch: Tương tự như các loại nấm khác, mộc nhĩ tự hào có chứa nhiều prebiotics – chủ yếu ở dạng beta glucan. Prebiotics là một loại chất xơ mang đến cho cơ thể một hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh cũng như làm tăng tỷ lệ các vi khuẩn thân thiện trong đường ruột của chúng ta. Những chất này thúc đẩy sức khỏe hệ tiêu hóa và duy trì sự hoạt động đều đặn của ruột. Điều thú vị là hệ vi sinh vật đường ruột có mối liên hệ chặt chẽ đối với sức khỏe miễn dịch. Các prebiotics như trong mộc nhĩ được cho là có tác dụng tăng cường phản ứng miễn dịch của bạn đối với các mầm bệnh không thân thiện có thể khiến bạn bị bệnh.
Có thể làm giảm hàm lượng cholesterol trong máu: Các polyphenol trong nấm có thể giúp giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu). Đổi lại, hàm lượng cholesterol LDL thấp hơn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Một nghiên cứu trên thỏ được cho ăn nấm mộc nhĩ cho thấy cả cholesterol toàn phần và LDL (xấu) đều bị giảm đáng kể. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn chính xác cách các loại nấm phát huy tác dụng này và một nghiên cứu trên động vật đơn lẻ trên mộc nhĩ không nhất thiết phải áp dụng cho những người ăn mộc nhĩ.
Có thể thúc đẩy sức khỏe não bộ: Nấm nói chung được cho là có tác dụng duy trì chức năng não khỏe mạnh. Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy rằng mộc nhĩ và các loại nấm khác ức chế hoạt động của beta secretase, một loại enzym giải phóng protein amyloid beta. Những protein này gây độc cho não và có liên quan đến các bệnh thoái hóa, chẳng hạn như bệnh Alzheimer. Mặc dù những phát hiện này đầy hứa hẹn, nhưng nghiên cứu trên con người vẫn là rất cần thiết trước khi đưa ra kết luận.
Có thể bảo vệ gan của bạn: Mộc nhĩ có thể bảo vệ gan của bạn khỏi tác hại của một số chất. Trong một nghiên cứu trên chuột, dung dịch nước và bột mộc nhĩ đã giúp đảo ngược và bảo vệ gan khỏi bị tổn thương do dùng quá liều acetaminophen và thường được bán trên thị trường là Tylenol ở Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu đã liên kết tác động này với các đặc tính chống oxy hóa mạnh của nấm. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên người – như đã nói, vẫn là rất cần thiết.
Thận trọng khi sử dụng
Thông thường, mộc nhĩ là một thực phẩm lành tính, ít có nguy cơ gây ra những vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, vì hầu hết mộc nhĩ được bán ở dạng khô, điều quan trọng là phải luôn ngâm nó trước khi sử dụng do mật độ và độ giòn của mộc nhĩ.
Hơn nữa, mộc nhĩ phải luôn được nấu chín kỹ để tiêu diệt khuẩn và loại bỏ cặn bẩn. Các nghiên cứu cho thấy rằng đun sôi thậm chí có thể làm tăng hoạt động chống oxy hóa của nó
Tuy nhiên, việc tự hái và chế biến cũng như ăn mộc nhĩ thường không được khuyến khích vì có nguy cơ nhầm lẫn với nấm độc hoặc nhiễm bẩn. Các loại nấm hoang dã không chỉ hấp thụ các chất ô nhiễm từ môi trường của chúng mà còn ăn nhầm nấm có thể gây ngộ độc hoặc thậm chí tử vong.
Thay vào đó, nên mua mộc nhĩ từ những nguồn bán có uy tín. Mộc nhĩ là một loại nấm ăn được, là một nguyên liệu phổ biến trong ẩm thực Trung Quốc cũng như Việt Nam. Nó thường được bán dưới dạng khô và cần ngâm trước khi chế biến để đạt độ giòn. Nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng mộc nhĩ mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như bảo vệ gan, giảm cholesterol và tăng cường sức khỏe đường ruột. Nó cũng chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa. Mộc nhĩ từ lâu đã được sử dụng rất nhiều trong nền y học cổ truyền Trung Quốc. Tuy nhiên đối với y học hiện đại, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh tác dụng của loại nấm này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.