Tình trạng da mặt nổi gân máu là điều khiến khá nhiều người tự ti, e ngại khi tiếp xúc với người khác. Bạn cần tìm giải pháp khắc phục vấn đề này ngay lập tức để tránh những tổn thương da có khả năng xảy ra.
Tình trạng da mặt mỏng nổi gân máu là gì?
Giãn mao mạch là tình trạng các mạch máu ở lớp biểu bì của da bị giãn và nổi lên, thường có màu tím, xanh hoặc đỏ và xuất hiện dưới dạng các mạch máu nhỏ trông giống như mạng nhện. Giãn mao mạch thường dễ xác định nhất ở những vùng da mỏng như má, thái dương, mũi và chân,
Giãn mao mạch cũng có nhiều tên gọi khác nhau, chẳng hạn như suy giãn tĩnh mạch, nổi gân máu, giãn tĩnh mạch, nổi mạch máu dưới da,…
Điều trị da mặt mỏng nổi gân máu tại nhà như thế nào?
Da mặt mỏng khiến nhiều người cảm thấy tự ti, ngại ngùng khi tiếp xúc trực tiếp với người khác. Dưới đây là một số phương pháp hiệu quả bạn có thể áp dụng để điều trị da mặt mỏng do nổi gân máu tại nhà:
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Để phục hồi tình trạng da yếu, lộ mao mạch bạn cần chú ý bổ sung các nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng hàng ngày như rau xanh, trái cây, thịt, cá, trứng, sữa,…
Tuy nhiên để tránh tình trạng quá tải hay dư thừa chất, hàm lượng thức ăn trong mỗi bữa cần được điều chỉnh phù hợp. Một số nhóm dưỡng chất đem lại lợi ích cho làn da có thể kể đến như:
- Các vitamin như C,A,E,… thường chứa trong ổi, cà rốt, bí đỏ, cam,…
- Omega-3 thường có trong các loại thực phẩm như gan heo, cá tuyết, các loại hạt,…
- Collagen peptides thường được bổ sung từ lòng trắng trứng, nước hầm xương, thịt gà,…
- Axit gamma linolenic thường có trong dầu hoa anh thảo, dầu hoa lưu ly, hạt nho đen,…
Ngoài ra, bạn có thể đến cơ sở y tế uy tín và được chuyên gia tư vấn kỹ hơn về thực đơn hàng ngày. Đồng thời, bạn cũng có thể theo dõi tiến trình phục hồi của làn da khi điều chỉnh chế độ dinh dưỡng.
Sử dụng kem dưỡng phục hồi
Ngoài việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để điều trị da mỏng nổi gân từ bên trong cơ thể thì bạn còn có thể đẩy nhanh quá trình điều trị bằng cách kết hợp với các sản phẩm kem dưỡng phục hồi khác. Hiệu quả của kem phụ thuộc vào thành phần, cách sử dụng và tác dụng của kem đối với da. Dưới đây là một số lưu ý bạn nên ghi nhớ và thực hiện:
- Cần chú ý làm sạch da nhẹ nhàng, loại bỏ tạp chất, vi khuẩn mà không làm khô da. Bạn nên sử dụng cả nước tẩy trang và sữa rửa mặt dịu nhẹ để làm sạch da thật kỹ. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng kích ứng da và nổi mụn do vi khuẩn gây ra, đồng thời giúp các dưỡng chất khác dễ dàng thẩm thấu sâu vào da.
- Tẩy da chết thường bị hiểu lầm là khiến da mỏng và dễ tổn thương hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ giúp làm sạch da tối đa. Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp xông hơi 1 đến 2 lần/tuần để thông thoáng lỗ chân lông và thúc đẩy tuần hoàn máu.
- Da mỏng thường đi kèm với tình trạng da khô và bong tróc. Hệ quả là làn da cũng trở nên mỏng manh, yếu ớt và lão hóa nhanh hơn. Bạn cần chú ý cấp ẩm bằng cách uống đủ nước và thoa kem dưỡng ẩm để hạn chế tình trạng da khô căng, nứt nẻ.
- Sử dụng kết hợp các sản phẩm phục hồi như kem dưỡng và serum để phục hồi làn da khỏe mạnh.
- Làn da mỏng thường rất nhạy cảm với các yếu tố có hại từ môi trường, đặc biệt là ánh nắng mặt trời. Ánh nắng mặt trời có chứa tia UVA và UVB có thể gây kích ứng da. Để ngăn chặn điều này cần chú ý bảo vệ da bằng cách chống nắng cơ học và bôi kem chống nắng đầy đủ.
- Tránh xa những sản phẩm dưỡng da không rõ nguồn gốc, danh sách thành phần không rõ ràng, đặc biệt là những sản phẩm được bán rộng rãi trên thị trường như kem trộn, rượu thuốc,…
Đắp mặt nạ
Sử dụng mặt nạ là phương pháp điều trị tại nhà phổ biến cho làn da mỏng, nổi gân máu. Tuy nhiên, những người có làn da mỏng thường rất nhạy cảm nên không nên sử dụng các loại mặt nạ một cách bừa bãi. Hãy thử thoa một lượng mặt nạ vừa đủ lên một vùng da nhỏ, nếu không thấy dấu hiệu kích ứng thì có thể thoa lên toàn bộ khuôn mặt.
Nếu lựa chọn phương pháp này, hãy ưu tiên những loại mặt nạ có thành phần tự nhiên lành tính như mật ong, dưa chuột, dầu dừa, diếp cá, nha đam,… Đặc biệt cần tránh sử dụng các thành phần có tính axit bào mòn như chanh, cam,… vì có thể gây bào mòn da. Ngoài ra, chỉ nên đắp mặt nạ tối đa 2 lần một tuần để tránh gây tổn thương cho da.
Ngoài các phương pháp điều trị tại nhà kể trên, bạn có thể sử dụng các công nghệ làm đẹp như tia laser để cải thiện tình trạng da mặt mỏng nổi gân máu với nhiều ưu điểm như hiệu quả cao, nhanh chóng, duy trì vĩnh viễn,… Tuy nhiên những ai bị ung thư da, máu khó đông, nổi mụn viêm thì không nên sử dụng phương pháp này.
Trên đây là những thông tin tham khảo về các cách điều trị da mặt mỏng nổi gân máu tại nhà mà nhà thuốc Long Châu đưa ra. Hy vọng với những thông tin trên đã giúp bạn biết được các cách điều trị, qua đó giúp bản thân lựa chọn được phương pháp điều trị tốt nhất.