Nhiều người vẫn thường nghĩ hình ảnh thợ xăm hình là người có phong cách rất ngầu, xăm kín người, quần áo, đầu tóc rất cá tính. Nhưng gặp Trần Bích Ngọc (28 tuổi, Hà Nội) ngoài đời sẽ thấy một hình ảnh hoàn toàn trái ngược bởi cô năng động, đầy dịu dàng, nữ tính.
Ít ai biết rằng, Ngọc nổi tiếng với khả năng xăm hình che sẹo, được nhiều người mệnh danh là “phù thủy” khi biến những vết sẹo đủ hình thù thành tác phẩm nghệ thuật. PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với “nghệ sĩ xăm hình” Bích Ngọc về công việc thú vị này.
“Con đang làm một việc tốt đấy!”
– Xin chào Ngọc. Cơ duyên đến với công việc xăm hình che sẹo của bạn như thế nào?
– Tôi bén duyên với nghề xăm từ năm 2012 khi đang là sinh viên năm 2 khoa Thiết kế Mỹ thuật, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Hồi đó, tôi và một người bạn học thích vẽ vời nên chỉ nghĩ là vẽ trên miếng bì lợn cho vui, coi là một trải nghiệm chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ làm nghệ sĩ xăm hình cả.
Mọi thứ đến với tôi rất tự nhiên. Lúc đầu tôi cũng không có định hướng chuyên về xăm hình che sẹo đâu mà vẫn xăm hình thông thường, dần dần tiếp xúc nhiều hàng ngày thành đam mê. Có những người bị sẹo đến những chỗ xăm khác không nhận, khi họ tìm đến tôi thấy đồng cảm. Tôi hiểu mỗi vết thương trên cơ thể họ mang theo những nỗi buồn và sự tự ti nên họ mới đặt niềm tin vào mình. Vì vậy, tôi đáp lại niềm tin đó với mong muốn làm cho họ đẹp lên.
Sau khi làm thành công ca đầu tiên, tôi trau dồi để phát triển nhiều hơn, nghiên cứu sâu hơn về da, các loại sẹo. Dần dần mọi người cứ tìm đến với mình để xăm che sẹo. Những ca khó tôi đã làm được nên càng giúp mình tự tin hơn. Đến giờ đã hơn 9 năm trôi qua, công việc này trở thành một thứ không thể thiếu trong cuộc sống của tôi.
Nhắc về “phi vụ” thành công đầu tiên, hẳn là một “ca” ấn tượng lắm?
Tôi vẫn nhớ lần nhận được email của một người phụ nữ sinh năm 1979. Sau khi sinh nở, chị ấy bị chùng da bụng nên phải tạo hình thành bụng và rốn giả nhưng làm bị hỏng, nhìn méo mó. Năm đó, tôi mới khoảng 19, 20 tuổi đầu, nhìn vết sẹo thấy khủng hoảng trong thời gian dài.
Lúc chị ấy vén bụng lên, tôi vẫn có cảm giác bị sốc nhưng phải cố gắng kìm lại, trấn tĩnh bản thân và để chị ấy không bị ngại. Cả 2 chúng tôi cùng cho nhau niềm tin. Tôi xăm hình lông vũ kết hợp với hoa cách điệu và đã làm thành công, che đi được vết sẹo trên vùng bụng biến dạng đó. Tôi chụp ảnh lại và đăng lên Facebook, đã nhận được sự quan tâm, đồng cảm của mọi người vì điều đó thể hiện sự hi sinh vĩ đại của người mẹ.
Sau đó, tôi làm nhiều ca khác, dần dần được cộng đồng quan tâm nhiều hơn và bảo rằng nhắc đến Ngọc là nhớ đến sẹo. Mọi người bảo là xăm bình thường ở đâu cũng được nhưng nếu xăm che sẹo thì phải tìm đến Ngọc. Đó là lời động viên tinh thần để tôi nỗ lực mỗi ngày làm tốt hơn.
Nhìn những vết sẹo trên bụng này mới thấu hiểu sứ mệnh vĩ đại của người mẹ
– Chưa tới 30 tuổi nhưng bạn lại là một “lão làng” trong lĩnh vực xăm hình che sẹo. 10 năm đã qua từ “cú sốc” năm 19, 20 tuổi đó, đến giờ, bạn có thể chia sẻ một vài kỹ năng làm nghề được không?
– Một tháng tôi làm cho khoảng 25 người muốn che sẹo. Tùy theo diện tích vết sẹo, có thể một ngày tôi làm được cho vài người có vết sẹo nhỏ. Điểm đặc biệt của công việc này là các vết sẹo hoàn toàn khác nhau.
Tiếp xúc với nhiều vị khách đã giúp tôi dần có kỹ năng, giác quan nhìn sẹo là biết sẹo này có từ bao giờ, làm được hay không, đoạn nào ăn mực đoạn nào thì không, chỗ nào da dày, chỗ nào da mỏng. Vùng da dày hơn thì phải đi kim như nào, da mỏng hơn thì làm sao để không bị rách da…
Tôi muốn mọi người có sự khác biệt. Ai cũng có cái tôi độc đáo riêng và xứng đáng có được sự đặc biệt. Vì vậy, tôi không muốn làm một cách công nghiệp, ai cũng xăm một hình giống nhau. Đây có lẽ là một điểm hạn chế nhưng tôi kiên định với quan điểm đó.
Hình xăm sẽ đi theo mỗi người cả đời nên cần phải lựa chọn một hình phù hợp với ngoại hình, tính cách và bề mặt sẹo… Hình xăm phải là tổng hòa của nhiều yếu tố như vậy chứ chỉ dùng một hình chung cho tất cả mọi người thì không còn sự sáng tạo nữa, cả vết sẹo cũng như hình xăm không còn phải là nét riêng biệt, cá nhân nữa.
Tôi sẽ gặp khách nói chuyện trước để hiểu nhau hơn và thiết kế một hình phù hợp với mỗi người. Tôi có công đoạn thiết kế riêng cho từng vết sẹo. Tôi sẽ chụp hình vết sẹo rồi đưa lên iPad và vẽ phác thảo cho khách xem, rồi giới thiệu ý tưởng về các họa tiết, màu sắc của hình xăm cho khách hàng lựa chọn. Sau khi 2 bên thống nhất mọi thứ mới bắt tay vào làm.
Bản thân tôi là người thích sự đổi mới nên khi làm công việc này lúc nào cũng phải tư duy, phải sáng tạo nên rất là thích. Mỗi ngày trôi qua là một thử thách mới giúp mình vượt qua những giới hạn của chính mình.
– Tôi nhớ thời điểm bạn bắt đầu công việc này, xã hội còn chưa mấy thiện cảm về nghề xăm, hơn nữa khi ấy bạn đang là một sinh viên trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh. Vậy bạn đã gặp trở ngại như thế nào?
– Quả thực thời đó, nhiều người vẫn không mấy thiện cảm, thậm chí là kỳ thị với xăm hình. Tôi đã từng bị một số người bạn quay lưng, kiểu như một sinh viên xuất sắc nhưng bị sa ngã vào con đường tội lỗi (cười). Tôi không để ý, tranh cãi với ai, chỉ tập trung vào việc mình làm. Bố mẹ tôi không phản đối, chỉ nhắc làm công việc gì cũng được miễn sao không được để ảnh hưởng tới việc học.
Mặc dù vậy, đôi khi bị một số người quay lưng với mình khiến tôi cảm thấy bị tổn thương. Khi ấy, tôi chọn cách tạm nghỉ, đi làm họa sĩ thiết kế trang phục một dự án phim nào đó để lấy lại tinh thần và nhìn nhận lại xem mình cần điều gì nhất.
Những vị khách đến nhà tôi để xăm, mẹ tôi đều trò chuyện, hỏi thăm và đồng cảm. Có một lần mẹ tôi nói với tôi rằng: “Con đang giúp được cho mọi người che mờ đi một phần khiếm khuyết trên cơ thể, là làm việc tốt đấy!”. Điều ấy đã trở thành động lực giúp tôi vượt qua tất cả những khó khăn trong nghề.
Khi khách hàng nhắn tin cảm ơn và chia sẻ rằng tự tin hơn thì tôi cảm thấy vui lây, hạnh phúc hơn, năng lượng tích cực được lan tỏa. Đến giờ tôi thấy may mắn, luôn biết ơn vì đã đặt niềm tin vào chính bản thân mình, cho mình một cơ hội và giúp được người khác thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn.
“Con đang giúp được cho mọi người che mờ đi một phần khiếm khuyết trên cơ thể là làm việc tốt đấy!”, lời động viên của mẹ giúp Ngọc có động lực vượt qua khó khăn trong nghề.
Vết sẹo đau đớn hơn khi bị bạo hành
– Bạn có thể chia sẻ cho tôi về một số câu chuyện đằng sau những vết sẹo kia không?
Hồi giữa tháng 11 có một vị khách từ TP.HCM bay ra Hà Nội, tự cách ly 7 ngày xong qua chỗ tôi xăm che vết sẹo cả vùng tay, lưng, bụng do bị bỏng từ bé. Trước khi có dịch Covid-19 cũng có những người ở châu Âu, Mỹ bay về Hà Nội để gặp tôi xăm che sẹo.
Một vị khách khác cũng ở TP.HCM mang vết sẹo rất dài do bị chồng chém trong lúc chị ấy mang bầu đau đớn hơn bạo hành. Vết thương tai nạn chém ngang bụng chị rất sâu, rất may mắn là em bé trong bụng không bị thương và ảnh hưởng nhiều. Ở thời điểm hiện tại, trộm vía em bé đã lớn và sức khỏe hoàn toàn ổn định.
Hay như cách đây 7 năm, có một chị gặp tai nạn trong lúc đang mang bầu. Ở tại thời điểm nguy hiểm nhất, người ta chỉ biết nín thở để cầu nguyện. Và thật sự may mắn đã mỉm cười với chị, ca phẫu thuật mổ đẻ và phẫu thuật tai nạn diễn ra cùng lúc, kịp thời, đã cứu sống được chị và em bé.
Mỗi lần họ nhìn vào vết sẹo đó lại nhớ đến ký ức đau khổ nên họ muốn xăm để che lấp đi. Những người lớn lên với những vết sẹo như vậy có những tổn thương lớn về tâm lý.
Có rất nhiều câu chuyện tôi thấy ấn tượng. Gần đây nhất, tôi hay làm việc với các chị em bị ung thư vú. Khi nhìn thấy những vết sẹo do phẫu thuật cắt bỏ ngực, tôi cảm thấy như chạm vào điểm yếu mềm nhất trong tâm hồn mình. Tôi cảm nhận được người phụ nữ đã trải qua một chuyện rất kinh khủng. Người phụ nữ phải cắt bỏ ngực đi và tái tạo hình khuôn ngực nhưng đó là một bầu ngực hằn sẹo, không có nhũ hoa.
Các chị đã kể cho tôi việc phải trải qua những ngày tháng đau đớn như thế nào. Nỗi đau về thể xác chỉ là một phần nhưng nỗi đau về tâm lý nặng nề hơn. Cũng là nữ giới, tôi hiểu được nỗi đau đó lớn tới nhường nào và nghĩ đến tình huống nếu điều không may mắn ấy xảy ra thì mình phải đối mặt với việc cơ thể mất mát, không còn bình thường đó như thế nào.
Với đàn ông, tôi nghĩ việc có sẹo trên cơ thể dễ vượt qua hơn so với phụ nữ chúng tôi. Phụ nữ là phái đẹp nên việc đó khiến bản thân tổn thương rất nhiều. Gặp nhiều câu chuyện như vậy, tôi cảm thấy bản thân may mắn hơn, rất đồng cảm và muốn được chia sẻ, hỗ trợ các chị.
Có một chị khách tâm sự với tôi rằng, trong cuộc sống có 2 người chị biết ơn đó là bác sĩ đã điều trị ung thư vú cho chị và tôi bởi vì 2 người đã mang đến cho chị ấy cuộc sống một lần nữa. Điều ấy khiến tôi rất ngạc nhiên và ghi nhớ rằng cần phải làm tốt hơn, đẹp hơn nữa để họ được trọn vẹn hơn.
– Có vẻ, mỗi hình xăm giúp người khác cũng thực sự là một lần “được”, một lần nhận ra những điều quý giá về cuộc sống với bạn?
– Tiếp xúc với mỗi người mang đến cho tôi một câu chuyện, một trải nghiệm khác nhau. Từ đó, tôi rút ra cho mình một kinh nghiệm. Tôi học cách lắng nghe và chia sẻ chân tình làm sao để người xăm hình cảm thấy được đồng cảm. Điều ấy giúp ích cho chính cuộc sống của tôi.
Bản thân tôi là người khó tính, kỹ tính, nhất là trong công việc và việc đó ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống đời thường của tôi. Là người làm về nghệ thuật nên cá tính của tôi hơi cao. Chính nhờ gặp nhiều câu chuyện như thế, tôi cảm thấy cuộc sống rất vô thường nên cứ nhẹ nhàng, vui vẻ mà sống. Mọi vấn đề chỉ phức tạp do tự mình làm nó phức tạp lên thôi nên đơn giản được gì thì cứ đơn giản cho nhẹ đầu.
– Nói về công việc với nhiều tâm huyết và ý nghĩa như vậy, bạn có ý định dạy, truyền nghề xăm hình che sẹo để giúp thêm được nhiều người hơn?
– Trước tôi có dạy một số bạn nhưng 2 năm nay dịch Covid-19 nên gián đoạn rất nhiều. Để đi theo con đường này cần nhiều yếu tố lắm, cần sự thấu cảm, cái gu và tư duy về bố cục cực kỳ quan trọng.
Dạy kỹ thuật xăm là một việc nhưng việc tư duy và phát triển như thế nào thì không dạy được, tôi chỉ định hướng thôi còn người học phát triển đến đâu lại phụ thuộc vào khả năng của người ấy. Những người tôi dạy chưa có bạn nào đi theo con đường này, chỉ làm xăm bình thường thôi. Hiện giờ vẫn rất ít người xăm che sẹo như tôi đang làm.
– Dự định tương lai của bạn?
– Tôi muốn nghiên cứu một số phương pháp mới. Tôi có nói chuyện với một số bác sĩ da liễu, được biết ở nước ngoài có loại máy móc mới trộn các loại mực với nhau để ra được loại mực có màu giống với da của người xăm nhất.
Vì vậy, tôi rất muốn ra nước ngoài để học nhưng vì dịch nên chưa đi được. Việc này sẽ giúp ích cho những người có vết sẹo trên mặt. Tôi vẫn nhận được rất nhiều tin nhắn của những người có sẹo trên mặt rất đáng thương, vì không xử lý được bằng hình xăm nên cần phải tìm ra một giải pháp tối ưu dành cho những trường hợp này.
– Cám ơn bạn về buổi trò chuyện thú vị!