Mất biển số, tự đặt làm lại được không?
Một trong những điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới được quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đó là phải gắn biển số do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
Vì thế, mặc dù mua đúng biển số in trên đăng ký xe nhưng biển số được người dân đặt làm ở các cửa hàng, không do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp vẫn bị coi là “biển số giả”.
Theo Nghị định 100/2019, ô tô gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) thì người điều khiển phương tiện bị phạt tiền từ 04 – 06 triệu đồng; bị tịch thu biển số; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng.
Không chỉ người điều khiển phương tiện bị phạt mà chủ những xe này cũng phải chịu trách nhiệm. Cụ thể, phạt tiền từ 04 – 06 triệu đồng đồng đối với chủ xe là cá nhân, từ 08 – 12 triệu đồng đối với chủ xe là tổ chức.
Đối với xe máy thì người điều khiển xe bị phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng và bị tịch thu biển số; chủ xe bị phạt tiền từ 800.000 – 02 triệu đồng đối với cá nhân; chủ xe là tổ chức bị phạt từ 1,6 – 04 triệu đồng.
Thủ tục làm lại biển số mới
Theo quy định, khi xe bị rơi mất biển số xe, người dân cần phải đến cơ quan có thẩm quyền để tiến hành thủ tục làm lại biển số xe. Không nên tự ý đi làm tại các cửa hàng làm biển số xe vì các biển số này hiện nay không được phép sử dụng theo quy định của pháp luật.
Theo Thông tư 58, trường hợp biển số xe bị mất thuộc đối tượng cấp lại biển số xe. Để tiến hành làm lại biển số xe bị mất, chủ phương tiện cần tiến hành làm theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người có nhu cầu xin cấp lại biển số xe cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
– Giấy khai đăng ký xe theo mẫu 01;
– Giấy tờ của chủ xe:
+ Chủ xe là người Việt Nam: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Sổ hộ khẩu;
+ Lực lượng vũ trang: Chứng minh Công an nhân dân hoặc Chứng minh Quân đội nhân dân hoặc giấy xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị công tác từ cấp trung đoàn, Phòng, Công an cấp huyện hoặc tương đương trở lên;
+ Chủ xe là người Việt Nam định cư ở nước ngoài về sinh sống, làm việc tại Việt Nam: Sổ tạm trú/Sổ hộ khẩu hoặc Hộ chiếu (còn giá trị sử dụng);
+ Chủ xe là người nước ngoài: Giấy giới thiệu của Cục Lễ tân Nhà nước hoặc Sở Ngoại vụ và xuất trình Chứng minh thư ngoại giao hoặc Chứng minh thư công vụ (còn giá trị sử dụng); Visa thời hạn từ 01 năm trở lên hoặc giấy tờ khác có giá trị thay visa;
+ Chủ xe là cơ quan, tổ chức: thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân của người đến đăng ký xe; Xe doanh nghiệp quân đội phải có Giấy giới thiệu do Thủ trưởng Cục Xe – Máy, Bộ Quốc phòng ký đóng dấu; Giấy giới thiệu của Cục Lễ tân Nhà nước hoặc Sở Ngoại vụ và xuất trình Chứng minh thư ngoại giao hoặc Chứng minh thư công vụ (còn giá trị sử dụng) của người đến đăng ký xe.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Phương tiện được cấp đăng ký, biển số xe tại cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm cấp lại biển số xe do bị mất.
Người dân có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở Phòng cảnh sát giao thông công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương/các điểm đăng ký xe của Phòng hoặc Công an cấp huyện/các điểm đăng ký xe của Công an cấp huyện.
Bước 3: Nhận biển số xe được cấp lại
Theo Quyết định 933/QĐ-BCA-C08, cấp ngay biển số xe số sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ; trường hợp phải chờ sản xuất biển số thì thời gian không quá 07 ngày làm việc kể, từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Khoản 1 Điều 5 Thông tư 229/2016/TT-BTC quy định lệ phí cấp lại biển số xe là 100.000 đồng. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được phép ban hành mức thu cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.