Trung Quốc là một đất nước sở hữu lịch sử kéo dài hơn 5.000 năm, kèm theo đó là một nền văn hóa đa dạng, phong phú và thấm nhuần bản sắc dân tộc. Từ xa xưa, biểu tượng của Trung Quốc xuất hiện dưới nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật và hình ảnh đặc sắc, ghi sâu vào tâm hồn của người dân. Những biểu tượng này trở thành một phần quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc và là di sản văn hóa quý giá.
Vậy những biểu tượng nào chính là biểu tượng đại diện cho văn hóa Trung Hoa? Hôm nay, mời các bạn cùng TBT khám phá những biểu tượng của Trung Quốc độc đáo và được xem là đại diện cho đất nước tỷ dân này!
1. Quốc kỳ
Quốc kỳ Trung Quốc với màu đỏ và 5 ngôi sao vàng là biểu tượng cho sự thắng lợi cách mạng và đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lá cờ đỏ năm sao được thiết kế bởi Tăng Liên Tùng là kết quả của sự lựa chọn cẩn thận từ Hội nghị Toàn thể lần Thứ Nhất của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Toàn quốc năm 1949. Quốc kỳ này trở thành biểu tượng tự hào và uy nghi của nhân dân Trung Quốc trong quá trình xây dựng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
2. Hình tượng loài rồng
Rồng là một trong bốn linh vật may mắn “long, lân, quy, phụng” có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa. Đây được coi là một sinh vật linh thiêng, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm linh của cộng đồng nước này và là biểu tượng của uy nghi, quyền lực cũng như sức mạnh. Rồng là biểu tượng của quyền lực hoàng gia cao quý, vì thế, chỉ có dòng họ hoàng gia và vua chúa mới được phép sử dụng các vật phẩm trang trí hình ảnh của linh vật này.
Trong văn hóa tâm linh Trung Quốc, rồng chiếm vị trí cao nhất và là biểu tượng mạnh mẽ nhất trong số tất cả các loài động vật. Nó được coi là có sức mạnh siêu nhiên, khả năng kiểm soát năng lượng vũ trụ, có thể hô mưa gọi gió và giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn. Rồng là biểu tượng của may mắn, thịnh vượng, mang lại nguồn năng lượng tích cực mà nhân dân vẫn tôn kính cho đến ngày nay.
3. Gấu trúc
Khác với rồng luôn là biểu tượng của sức mạnh và quyền lực to lớn, gấu trúc được coi là “Quốc bảo” với những đặc điểm đáng yêu. Gấu trúc sở hữu các đặc trưng như khuôn mặt tròn, hai quầng mắt đen, cơ thể béo tròn, ục ịch và chỉ có hai màu đen trắng.
Ban đầu, gấu trúc là động vật ăn thịt, nhưng qua quá trình tiến hóa, hiện nay 99% thức ăn của chúng đến từ cây trúc. Gấu trúc hoang dã chủ yếu sống ở các vùng núi nguy hiểm của tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc ở Trung Quốc. Hàng ngày, chúng dành một nửa thời gian để ăn và phần lớn thời gian còn lại để ngủ. Dù là khi ăn hay khi ngủ, loài động vật này luôn trông rất đáng yêu, làm cho chúng trở thành thỏi nam châm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với vùng đất Tứ Xuyên.
Tuy nhiên, một điều đáng buồn là loài động vật này đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng. Hiện nay, chỉ còn khoảng 2,000 con sống trên khắp thế giới, điều này là mối quan tâm hàng đầu của các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã ở Trung Quốc và toàn cầu. Đáng chú ý là gấu trúc không chỉ là biểu tượng của Trung Quốc mà còn được vinh danh là biểu tượng của Tổ chức Quốc tế và Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (WWF).
4. Y học cổ truyền Trung Quốc
Một trong những hệ thống y học độc đáo và đặc trưng của Trung Quốc là Y học cổ truyền, chuyên sâu nghiên cứu về sinh lý và bệnh lý của cơ thể con người, đồng thời phát triển các phương pháp chẩn đoán, điều trị và chữa bệnh. Với truyền thống lâu dài hơn 2.000 năm, Y học cổ truyền Trung Quốc ngày nay chủ yếu bao gồm các phương pháp như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi, thảo dược và khí công.
Y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng các phần của cây như rễ, thân, lá và đôi khi là các bộ phận của động vật để tạo ra các loại thảo dược chữa bệnh. Sau đó, các thảo dược này được sắc với nước trong một khoảng thời gian nhất định trước khi cho bệnh nhân uống.
Một điểm đặc biệt là y học cổ truyền Trung Quốc chú trọng vào cái “tâm”, luôn nhấn mạnh yếu tố hòa hợp và cân bằng âm dương trong cơ thể con người. Đây là điểm khác biệt chính so với y học hiện đại phương Tây.
Trong lịch sử y học cổ truyền Trung Quốc, không thể không nhắc đến các danh y như Hoa Đà, Lý Thời Trân, Biển Thước, hay Tôn Tư Mạc. Những người này đều là những bậc danh y nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn trong nền y học cổ truyền của Trung Quốc và các nước Đông Á. Qua thời gian, y học Trung Quốc không ngừng đổi mới, cải tiến và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, không kém cạnh so với y học hiện đại.
5. Trà đạo
Trà là biểu tượng của Trung Quốc và là nền tảng của văn hóa trà đạo có lịch sử dài hơn 5000 năm. Văn hóa trà đạo Trung Quốc là một nét văn hóa hướng tới việc tu hành để đạt đến đắc đạo, với mục tiêu chính là tu thân dưỡng tính, hiểu rõ đạo lý và nâng cao bản thân.
Uống trà và suy ngẫm về đạo là kết quả của việc tu hành, là những trái quả thu được sau khi ngẫm nghĩ về đạo lý và là sự theo đuổi cao nhất của văn hóa trà đạo Trung Quốc. Thành thục tự nhiên, lắng nghe lòng, không bị ràng buộc bởi những quy tắc và tiểu tiết, văn hóa trà đạo Trung Quốc coi trọng sự đơn giản, mộc mạc và tự nhiên.
6. Thư pháp
Thư pháp là một nghệ thuật sử dụng chữ viết cổ của người Trung Quốc bằng cách tận dụng bút lông và mực tàu để tạo ra những tác phẩm trên giấy hay vải lụa. Nghệ thuật tinh tế này trước kia được xem là chỉ dành cho học giả, nhà sư và những người có học vị. Để trở thành một bậc thầy thực sự trong thư pháp, người viết phải trải qua thời gian dài tìm hiểu và luyện tập mới có được nét chữ thanh thoát như “rồng bay phượng múa”.
Có năm phong cách thư pháp phổ biến hiện nay là “Khải, Triện, Lệ, Hành, Thảo”, mỗi phong cách mang đặc điểm riêng về đường nét, bố cục và kiểu chữ. Nổi bật trong số những nghệ sĩ thư pháp là Vương Hi Chi, Nhan Nhân Khanh, Hoài Tố… mỗi người đại diện cho một trường phái riêng, nhưng tất cả họ đều góp phần tạo nên sự đa dạng trong nền văn hóa thư pháp Trung Hoa.
Thư pháp không chỉ là nét chữ mà ngày nay còn trở thành phong cách trang trí nội thất và một món quà quý giá trong những dịp đặc biệt. Hiện nay, thư pháp đã trở thành niềm đam mê của nhiều thanh niên Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác.
7. Gốm sứ Trung Hoa
Gốm sứ là một trong những sáng tạo tuyệt vời của người Trung Quốc thời xưa, xuất hiện từ thời kỳ nhà Thương (1600-1046 trước Công nguyên). Lụa và gốm sứ là hai mặt hàng chủ đạo trên con đường tơ lụa cổ xưa, kết nối Trung Quốc với các quốc gia phương Tây. Ban đầu, gốm sứ được tạo ra thông qua nung đúc và sự khéo léo của những nghệ nhân xưa. Theo thời gian, gốm sứ đã trở thành thành phẩm chuyên nghiệp, được sản xuất trên dây chuyền với độ chính xác và tinh xảo cao.
Ngày nay, gốm sứ Trung Quốc thu hút nhiều sự quan tâm, không chỉ vì mẫu mã đa dạng mà còn bởi chất lượng xuất sắc. Đây trở thành một lựa chọn hợp lý khi muốn tặng quà ý nghĩa cho người thân và bạn bè khi đến thăm đất nước này. Gốm sứ là hiện thân của nền văn minh Trung Hoa cổ đại và được xem như biểu tượng của sự sáng tạo và phát minh tuyệt vời của Trung Quốc.
8. Kung Fu
Kung Fu là một hình thức võ thuật Trung Quốc cổ truyền, có nguồn gốc lâu đời từ thời nhà Thương và nhà Chu. Đặc trưng của Kung Fu không chỉ là động tác mạnh mẽ mà còn chú trọng vào luyện khí lực nội tại, tạo nên một nghệ thuật kết hợp triết học, y học và võ thuật Trung Hoa cổ đại. Với sự xuất sắc của siêu sao võ thuật Lý Tiểu Long, Kung Fu đã vượt qua biên giới quốc gia, trở thành một phong trào quốc tế.
Ngày nay, với nhiều trường phái khác nhau như Quyền Anh, Thiếu Lâm Kungfu và Thái Cực Quyền…võ thuật Trung Quốc vẫn giữ tư duy tập trung vào rèn luyện thân thể, tự vệ và tu thân. Đặc biệt, Thái Cực Quyền đã trở thành một bộ môn thể thao được ưa chuộng, nhất là trong cộng đồng người cao tuổi ở Trung Quốc. Đây trở thành một biểu tượng văn hóa của người Trung Quốc với hình ảnh cụ ông, cụ bà thực hiện các động tác uyển chuyển mỗi sáng tại công viên.
9. Hí kịch
Hí kịch là một dạng nghệ thuật ca kịch độc đáo, đã xuất hiện từ thời nhà Thanh và tiếp tục được bảo tồn, phát triển đặc biệt mạnh mẽ ở khu vực Bắc Kinh. Loại hình nghệ thuật này chủ yếu bao gồm ca, nói, múa, đấu võ, xiếc và nhào lộn, được kết hợp trên nền giai điệu của ca kịch dân gian để tái hiện câu chuyện và mô tả tính cách nhân vật. Nhờ vào sự kết hợp này, hí kịch mang lại những phút giây giải trí cho khán giả và truyền đạt ý nghĩa thâm sâu về cuộc sống.
Các nghệ sĩ thường xuất hiện với bộ trang phục lộng lẫy được chế tác thủ công và lối trang điểm mặt cầu kỳ. Vẻ ngoại đặc biệt và đôi khi hơi kỳ quặc của họ thu hút rất nhiều du khách từ trong và ngoài nước đến trải nghiệm. Được coi là một trong những biểu tượng văn hóa của Trung Quốc, hí kịch đã có lịch sử hơn 160 năm và hiện nay đã phát triển hơn 300 thể loại khác nhau với độ phong phú về số lượng tiết mục, nghệ sĩ và đoàn biểu diễn. Đây là một loại nghệ thuật đặc sắc của Trung Quốc, được tôn vinh là ‘Opera Phương Đông’.
10. Vạn lý trường thành
Vạn Lý Trường Thành là một trong những kiệt tác kiến trúc của Trung Quốc cổ đại, ra đời nhờ đóng góp của nhân dân lao động. Khởi công từ thế kỉ thứ 5 TCN, tuy nhiên, chỉ đến thời Tần Thủy Hoàng, công trình này mới được coi là hoàn thiện tối đa. Vạn Lý Trường Thành còn được biết đến với cái tên “Nghĩa trang dài nhất thế giới” bởi đây là kết quả của công sức, mồ hôi và trí tuệ của hơn một triệu người.
Có một tục ngữ cổ xưa nói: “Chưa đến Trường Thành, chưa phải là người hảo hán.” Điều này thể hiện tinh thần dũng cảm và ý chí kiên cường của nhân dân Trung Quốc. Trải qua hơn 2000 năm, từ triều đại này đến triều đại khác, bức tường vẫn đứng vững, là minh chứng cho sức mạnh và kiên nhẫn của con người.
Năm 1987, UNESCO chính thức công nhận Vạn Lý Trường Thành là Di sản Văn hóa thế giới. Cột mốc này đánh dấu đỉnh cao của một công trình vĩ đại và là niềm tự hào của toàn thể người dân Trung Quốc.
11. Khổng Tử
Khổng Tử (551 TCN- 479 TCN), thuộc dòng họ Khống với tên là Khâu, trải qua tuổi thơ đầy khó khăn khi mất cả cha lẫn mẹ khi mới ba tuổi. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, nhưng lòng hiếu học của mình đã giúp ông nhanh chóng trở thành một trong những nhà giáo dục và tư tưởng văn hóa nổi tiếng của Trung Quốc thời cổ đại. Khổng Tử được xem là biểu tượng của Nho giáo Trung Quốc.
Khi nhắc đến Khổng Tử, không thể không nhắc đến những nguyên tắc như “Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, trung, hiếu, kính” mà ông đặt ra. Các giáo lý này luôn vinh danh giá trị con người và luôn đặt đạo đức, giáo dục lên hàng đầu. Ông được tôn xưng là Bậc thánh nhân và tư tưởng của ông đã trở thành chuẩn mực sống cho người dân Trung Quốc hiện đại. Tư tưởng và phương pháp giáo dục của Khổng Tử đều có sức ảnh hưởng sâu rộng trong lĩnh vực giáo dục Trung Quốc.
Cùng với Lão Tử và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Khổng Tử là một trong ba nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất tại khu vực Đông Á. Hiện nay, triết lý của ông không chỉ ảnh hưởng trong lĩnh vực giáo dục mà còn mở rộng ra các lĩnh vực như kinh tế, chính trị và xã hội. Đây vẫn là nguồn cảm hứng quan trọng cho Trung Quốc và các quốc gia Đông Á chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Nho giáo.
Với 11 biểu tượng của Trung Quốc trên đây, có thể thấy nền văn hóa Trung Hoa rất đa dạng và thu hút người ta tìm tòi, khám phá. Đừng chần chừ mà hãy đăng ký ngay các khóa học tiếng Trung tại TBT để biết thêm nhiều kiến thức mới mẻ về Trung Quốc.
知不知,上 Tri Bất Tri, Thượng