(iHay) Khi con nước lũ miền Tây đang lên dần, thì đâu đó trong những câu chuyện phiếm trên Facebook, tôi thấy bạn bè nhắc đến những sản vật chỉ có trong mùa nước nổi. Nào là cá linh non, nào rắn, nào rùa, nào ốc bươu, ốc lác… Và một thứ nữa không thể không nghe nhắc đến, đó chính là bông điên điển.
>> Đồng Tháp chuyển sắc mùa nước nổi
Bông điên điển vàng ươm
Trước đây, tôi chỉ thấy cái hình hài loài hoa ấy qua những hình ảnh trên ti vi, trên báo chí hay internet. Loài hoa nhỏ xíu, mọc thành từng chùm rời rạc, mang một màu vàng ươm xinh xắn.
Tôi còn đọc được câu chuyện thú vị về loài hoa này, rằng khi xưa, theo tín ngưỡng người Khmer, hàng năm bà con đều làm cỗ chay cầu siêu cho tổ tiên hoặc các vong hồn. Vào ngày ấy, từ sáng sớm các vị sư ra đồng tìm những mồ mả xiêu lạc để đọc kinh cầu nguyện. Theo phép nhà Phật, các vị sư chỉ được dùng một bữa cơm. Chính vì vậy các thiếu nữ và trinh nữ trong làng mới giúp các sư một bữa ăn gọi là “làm phước”.
Các cô gái ấy dùng xuồng ba lá, cứ hai cô một xuồng bơi ra giữa đồng tìm các cây điên điển có nhiều bông để dừng lại làm bánh. Các cô chọn những nhánh hoa tươi, đẹp rồi kéo xuống nhúng các chùm bông điên điển vào âu bột đã chuẩn bị sẵn. Sau đó kéo chùm bông sang chảo mỡ nóng để chiên cho chín vàng. Xong, họ buông nhẹ nhánh hoa trở về vị trí cũ. Bánh đó gọi là bánh treo trên cành làm bằng bông điên điển để dâng cho các vị sư…
Qua những lời ca ngợi trên báo chí, tôi cũng nghe rằng, bông điên điển được xem như loài hoa mùa lũ của miền Tây, là linh hồn, là đặc sản chỉ có trong mùa nước nổi ở miền Tây. Và người ta kể ra bao nhiêu món ăn ngon lành gắn với loài hoa nhỏ bé, xinh xắn này.
Thấy bảo, cá linh non kho mà thiếu bông điên điển ăn kèm thì coi như mất đi hương vị. Lại nghe nói, được ăn chén canh chua nấu bông điên điển là quên ngay đất trời. Rồi người ta còn chỉ cách làm dưa muối từ bông điên điển, gỏi bông điên điển, bông điên điển xào tôm thịt… Món nào cũng ăn quên sầu, ăn đã đời…
Điên điển xào tỏi
Tôi nghe mà mơ mộng, thòm thèm. Một người miền Trung như tôi, sống chục năm ở Sài Gòn, trải qua bao nhiêu là cơ hội đi đến các tỉnh miền Tây, thăm bạn có, đi làm có, đi chơi có, đi thiện nguyện cũng có, nhưng chưa lần nào được ăn thử cái bông điên điển “nhỏ mà có võ” đó.
Tôi cũng thử để ý xem những cái chợ mình từng có dịp đi ngang qua, hay ở trọ gần, coi có bán bông điên điển không, nhưng hình như chưa đến duyên để gặp.
Bỗng một ngày, khi mùa nước nổi miền Tây đến, đi làm về, ngang qua một khu chợ ở Sài Gòn, tôi thấy nguyên một mẹc bông vàng vàng, nhỏ nhắn. Không hề do dự, tôi mua ngay một mớ. Rồi đem về nhà, chợt nhận ra, mình nên làm gì với nó, khi không có nhiều thời gian, và lại đang lười nấu nướng?
Vậy là tôi quyết định đem đi xào… chay. Mớ điên điển được rửa sạch. Cánh hoa mỏng, nên cần rửa nhẹ tay.
Bắc chảo dầu lên bếp, đợi nóng thì cho một ít tỏi xắt nhỏ vào đảo đều cho thơm. Tiếp tục cho mớ tỏi khác xắt thành miếng to hơn vào, rồi cho bông điên điển vào, đảo nhẹ và nhanh tay. Rưới thêm một ít dầu lên cho món ăn được mướt mát. Nêm nếm với gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp. Múc ra dĩa, rưới ít hạt tiêu lên, và… ăn thôi.
Tôi nhẩn nha gắp mớ bông đã đẫm dầu và gia vị lên miệng. Giòn, mềm, nhẫn nhẫn như bông thiên lý, nhưng điên điển không có mùi thơm, và lại có vị hơi đắng. Xào chay, nên hương vị giản dị và đơn sơ, không có chút quyến rũ kiểu “quên cả đất trời” mà tôi từng nghe nói. Nhưng cũng may mùi tỏi thơm nồng kéo lại, và vị là lạ của một món ăn từ hoa cũng đủ khiến tôi ngây ngây.
Tôi lắng nghe tiếng những cánh hoa mỏng rào rạo trong miệng mình, tưởng tượng ra cảnh những cô gái miền Tây đầu đội nón lá, mặc áo bà ba, đảm đang chèo xuồng, thoăn thoắt hái bông vào lúc chạng vạng… Lòng thầm mơ, một ngày nào đó, gần thôi, cơ duyên đến thì tôi sẽ được thưởng thức những món đặc sản chính hiệu từ bông điên điển ngay giữa đất trời miền Tây mùa nước lũ. Chắc là tuyệt vời lắm!
Bình An
>> Vàm Nao mùa nước nổi >> Khám phá mùa nước nổi >> Canh chua cá linh ngon bất hủ