Bài viết được viết bởi Thạc sĩ. Bác sĩ nội trú Nguyễn Thành Long – Chuyên gia tư vấn tâm lý – Phòng khám Tâm lý, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City
Rối loạn giấc ngủ là một trong những rối loạn thần kinh gây cảm giác khó chịu và để lại nhiều hậu quả nặng nề đối với sức khỏe, tinh thần của người bệnh. Điều trị rối loạn giấc ngủ mất rất nhiều thời gian, bệnh lại dễ tái phát nên cần có liệu trình điều trị bệnh cụ thể, rõ ràng.
1. Rối loạn giấc ngủ là gì?
Trong cuộc sống hiện đại có rất nhiều căng thẳng, mệt mỏi có thể khiến mọi người lo lắng, trăn trở, khó ngủ, ngủ không ngon giấc, ngủ không sâu… nhưng đó chưa được gọi là mất ngủ hay rối loạn giấc ngủ. Mất ngủ được xem là tình trạng bệnh lý nếu việc này xảy ra nhiều hơn 3 lần trong một tuần và kéo dài hơn một tháng.
Giấc ngủ là hoạt động kéo dài nhằm giúp cơ thể cân bằng các yếu tố nội sinh và ngoại sinh, dao động nhịp ngày – đêm, đảm bảo hoạt động của đại não ở trạng thái thức tỉnh.
Trung bình, mỗi người sẽ ngủ khoảng 6 – 9 giờ/đêm. Giấc ngủ phối hợp với các thay đổi về hô hấp, tim mạch, hormon, thân nhiệt,… là quá trình sinh lý bình thường của cơ thể.
Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ, được chia làm 2 nguyên nhân chính, bao gồm:
- Nguyên nhân thứ phát: rối loạn giấc ngủ do hậu quả của một căn bệnh khác như: trầm cảm, bệnh tim, bệnh thận…
- Nguyên nhân tiên phát: rối loạn giấc ngủ không rõ nguyên nhân
Tuy nhiên, không phải lúc nào rối loạn giấc ngủ cũng được coi là bệnh lý. Cũng có nhiều trường hợp bị mất ngủ là biểu hiện bình thường trong một giai đoạn nhất định của đời người như: giai đoạn tiền mãn kinh của phụ nữ, giai đoạn mãn dục ở nam giới…
2. Triệu chứng rối loạn giấc ngủ
Người bị rối loạn giấc ngủ có thể mất ngủ hoặc ngủ nhiều, ảnh hưởng đến các hoạt động xã hội và công việc.
Người bị mất ngủ thường khó đi vào giấc ngủ, dễ bị tỉnh giấc giữa chừng, mất ngủ giữa chừng, thức dậy sớm. Mất ngủ tiên phát có thể diễn ra liên tục trong ít nhất một tháng và trung bình kéo dài đến 1 năm, có trường hợp bệnh nhân bị mất ngủ tiên phát kéo dài hàng chục năm.
Người bị mất ngủ tiên phát thường tỉnh táo vào ban đêm nhưng luôn có cảm giác mệt mỏi, chán nản, ủ rũ vào ban ngày. Ngủ không đủ giấc kéo dài dẫn đến sức khỏe bị suy giảm, tinh thần giảm sút, giảm khả năng lao động, học tập, thậm chí là rối loạn hành vi, bị ảo giác và hoang tưởng.
Người ngủ nhiều có thể ngủ từ 8 – 12 tiếng/đêm, rất khó tỉnh dậy vào buổi sáng. Tình trạng này diễn ra trong ít nhất 1 tháng. Người bệnh luôn cảm thấy buồn ngủ, không tỉnh táo, khó tập trung, đãng trí.
Mất ngủ tiên phát thường gặp ở người cao tuổi, đặc biệt là nữ giới. Người trẻ tuổi thường mất ngủ cuối giấc và giữa giấc. Người cao tuổi thường mất ngủ đầu giấc.
3. Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ
Nhiều nghiên cứu về tình trạng rối loạn giấc ngủ đã cho thấy, cuộc sống hiện đại khiến giấc ngủ của con người ngày càng ít đi. Những áp lực tâm lý, căng thẳng, mệt mỏi làm sản sinh vô số gốc tự do. Các gốc tự do tấn công mạnh vào thành động mạch não dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng, hình thành các mảng xơ vữa động mạch và cục huyết khối gây hẹp động mạch, cản trở quá trình lưu thông máu, vận chuyển oxy và dưỡng chất cần thiết lên não. Các tế bào não không nhận được đủ dưỡng chất để hoạt động, lâu ngày ảnh hưởng đến cấu trúc hệ thần kinh dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ.
Không những thế, các gốc tự do còn ảnh hưởng trực tiếp tới tế bào não. Các tế bào não vừa bị gốc tự do tấn công, vừa không được cung cấp đủ dưỡng chất và oxy dẫn đến rối loạn chức năng não. Các vùng não chi phối giấc ngủ bị ảnh hưởng, không thể phối hợp nhịp nhàng, các dây dẫn truyền thần kinh bị ngắt quãng khiến giấc ngủ bị trật nhịp, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ gà ngủ gật…
Tình trạng rối loạn giấc ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng ngược trở lại não bộ, khiến tế bào thần kinh bị tổn thương, thoái hóa não. Người bị rối loạn giấc ngủ lâu dài có thể giảm tới hơn 20% khối lượng não bộ, dẫn đến suy giảm trí nhớ, đãng trí, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn vận động, dễ bị trầm cảm…
Cứ thế, tình trạng bệnh lý ngày càng trở nên trầm trọng và dai dẳng hơn. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ mạn tính.
Rối loạn giấc ngủ còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ não, đột tử..
4. Các phương pháp điều trị rối loạn giấc ngủ
Cách tốt nhất để trị mất ngủ mãn tính là cần phải tìm được nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ này.
Có một số biện pháp chữa mất ngủ mãn tính bao gồm:
Vệ sinh giấc ngủ (Sleep hygiene) là những hành vi và thực hành môi trường được khuyến nghị nhằm mục đích thúc đẩy giấc ngủ đạt chất lượng tốt hơn. Đây là phương pháp không thể thiếu giúp bệnh nhân có thể cải thiện tình trạng rối loạn giấc ngủ. Việc vệ sinh giấc ngủ không tốt có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ tiên phát. Các phương pháp vệ sinh giấc ngủ như sau: Thức giấc cùng một giờ hàng ngày; giới hạn thời gian nằm trên giường trước khi ngủ; không dùng các chất kích thích thần kinh trung ương (cà phê, thuốc lá, rượu); có các bài tập thể dục sôi nổi vào buổi sáng sớm; tránh xa các sự kiện gây kích thích, thay thế chúng bằng nghe đài, xem tivi hoặc đọc sách; massage hoặc ngâm chân nước ấm khoảng 20 phút trước khi đi ngủ; ăn vào một giờ nhất định trong ngày. Không ăn nhiều trước khi đi ngủ; tập các bài tập thư giãn đầu óc và cơ vào các buổi tối hàng ngày; cố gắng có được các điều kiện ngủ thoải mái.Liệu pháp tâm lý: Phương pháp này có vai trò rất quan trọng trong trị mất ngủ mãn tính.
Thư giãn đơn giản như: ngồi thiền, luyện khí công, yoga, tập dưỡng sinh,…đều hiệu quả để chữa trị chứng mất ngủ.
Ăn một số loại thức ăn bổ dưỡng điều trị mất ngủ như Trà hoa cúc, bột yến mạch hoặc thịt gà vào bữa tối, một cốc mật ong ấm trước khi ngủ,….giúp khắc phục bệnh mất ngủ mãn tính.
Điều trị bằng thuốc Tây y: Sử dụng các thuốc hướng thần hỗ trợ điều trị mất ngủ mãn tính. Đây là phương pháp tối ưu để có thể điều trị được cả rối loạn giấc ngủ tiên phát và thứ phát. Tuy nhiên việc điều trị theo nguyên nhân phải được chỉ định và hướng dẫn bởi bác sĩ. Với mỗi nguyên nhân khác nhau thì điều trị cụ thể bằng thuốc Tây y cũng khác nhau tùy theo nguyên nhân đó. Hơn nữa, việc điều trị bằng thuốc Tây y có thể đem lại các tác dụng không mong muốn nên phải được giám sát bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Điều trị bằng thuốc Đông y lại thường dùng các thảo dược hoạt huyết, thông mạch, dưỡng não, bổ huyết giúp người bệnh dần dần khắc phục những triệu chứng của mất ngủ. Tuy nhiên điều trị mang tính chất hỗ trợ, khó điều trị được các bệnh lý căn nguyên hoặc các rối loạn tâm lý tâm thần đồng mắc.
Bạn nên thăm khám tại các chuyên khoa Tâm lý – Thần kinh để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị mất ngủ mãn tính chính xác nhất.