Mì là món ăn đơn giản, lại nhanh gọn và ngon cho bữa sáng của mỗi gia đình. Mặc dù bạn có thể chọn mua mì ở bất kỳ cửa hàng tiện lợi, siêu thị hay ở chợ nào nhưng việc tự làm mì tươi tại nhà sẽ thú vị hơn rất nhiều và đảm bảo an toàn thực phẩm vì không chất phụ gia, không chất bảo quản. Mì tươi do chính bàn tay bạn làm ra sẽ tạo ra hương vị đặc biệt. Hãy cùng mình học một số cách làm mì tươi đơn giản tại nhà trong bài hôm nay nhé!
Cách làm mì tươi
Nguyên liệu làm mì tươi
- Bột mì đa dụng: 400gr
- Trứng gà: 4 quả
- Muối: ½ muỗng cà phê
- Nước lọc: 15ml
Quá trình thực hiện:
- Bước 1: Cho tất cả nguyên liệu: bột mì và muối vào một cái tô lớn rồi trộn đều, sau đó tạo một lỗ ở giữa hỗn hợp bột rồi cho trứng vào giữa bột rồi dùng phới khuấy đều cho bột tan đều hết vào với hỗn hợp trứng rồi nhào bột thật kỹ. Nếu thấy bột mì bị khô quá có thể cho thêm nước lọc vào, cho từ từ và điều chỉnh độ khô của bột mì phù hợp. Nhào cho đến khi thấy khối bột dẻo mịn, sau đó cho bột mì nghỉ trong tô có bọc màng thực phẩm khoảng 30 phút.
- Bước 2: Sau 30 phút khi bột mì nghỉ xong thì cho bột ra nhào lần nữa, phủ một lớp áo bột khô trên mặt bàn sạch để khi nhào bột không bị dính (có thể dùng mâm hoặc mặt silicon). Tiếp tục nhào bột lần nhứ 2 cho đến khi thấy bột mịn, dẻo và đặc biệt là bột không dính tay. Khi kéo miếng bột ra thấy có màng mỏng khó bị đứt là được. Cho bột nghỉ lần 2 trong tô có màng bọc thực phẩm thêm khoảng 1 tiếng.
- Bước 3: Khi bột đã ủ xong lần 2 thì đem bột ra chia thành 2 – 3 miếng, miếng nào chưa cán đến thì bọc màng bọc tránh bột bị khô. Rắc bột khô lên mặt phẳng chuẩn bị cán bột, dùng cây lăn cán bột bắt đầu cán bột từ giữa, thỉnh thoảng rắc thêm bột áo cho khỏi dính. Để giữ bột khỏi rách thì khi bột đạt đến kích cỡ mong đợi có thể cuộn tròn tấm bột lên cây cán bột và lật cây cán bột ngược lại; cứ tiếp tục cán đến khi tấm bột gần như trong suốt. Cuối cùng cắt tấm bột thành các sợi theo sở thích – thông thường khoảng 3mm (chú ý: khi chín sợi mì sẽ dày gấp đôi với khi sống, nên cắt cho phù hợp)
Ở đây, sau bước 1, nếu các bạn có máy cán bột thì có thể sử dụng sẽ đơn giản hơn với các bước như sau:
- Chia bột ra thành từng phần nhỏ rồi cho vào máy cán bột thành lớp bột mịn phẳng và mỏng
- Cán bột mỏng tương đối, rắc lớp áo cho bột, cho bột chạy qua máy. Vắt bột lên mắc áo khoảng 5 – 10 phút cho bột se lại
- Cuối cùng đưa bột qua rãnh cắt của máy cán sợi mì, quay và cắt bột thành sợi mì nhỏ.
Chú ý:
- Cách nhào bột: ép bột xuống bằng gang bàn tay, xoay bột ¼ vòng tròn rồi gấp bột lại, sau đó rải bột ra và tiếp tục đè ép bằng gang bàn tay, cứ tiếp tục nhào như vậy trong khoảng 15 phút cho đến khi khối bột mịn – mềm – dẻo, cần nhồi bột kỹ nếu không đến lúc cán sẽ dễ bị rách, còn sẽ thật đơn giản nếu nhà bạn có máy nhào bột.
- Sợi mì sau khi làm xong có thể bảo quản nơi khô ráo trong 3 ngày hoặc bọc màng bọc thực phẩm bảo quản ngăn mát tủ lạnh trong vòng 5 ngày.
Cách làm mì tươi 3 màu
Nguyên liệu làm mì tươi 3 màu
- Bột mì đa dụng: 400gr
- Trứng gà: 4 quả
- Muối: ½ muỗng cà phê
- Nước ép cà rốt: 15ml
- Nước ép lá dứa: 15ml
- Nước ép củ dền: 15ml
Quá trình thực hiện
- Bước 1: Sơ chế nguyên liệu:
Bạn có thể chọn mua cà rốt, lá dứa và củ dền tại chợ, sau đó gọt vỏ cà rốt và củ dền rồi rửa sạch cà rốt, củ dền, lá dứa với nước lọc.
Sau đó, cắt cà rốt, củ dền và lá dứa thành từng miếng vừa phải. Đem luộc mỗi loại này trong nồi riêng.
Tiếp theo, cho cà rốt cùng với 20ml nước vào máy xay sinh tố xay nhuyễn cho đến khi nào hỗn hợp mịn và lọc qua rây để lấy nước cốt cà rốt. Làm tương tự với củ dền và lá dứa để được hỗn hợp 3 màu khác nhau.
- Bước 2: Trộn nguyên liệu:
Cho lượng bột đã chuẩn bị vào một tô lớn, cùng với muối và trứng gà, trộn đều và nhào bột bằng tay cho đến khi bột mịn. Tiếp theo, chia thành 3 phần rồi mỗi phần cho 15ml nước màu củ dền, 15ml màu cà rốt và 15ml màu lá dứa.
Trộn đều bột để đem ủ khoảng 30 phút trước khi đem cán bột và cắt thành sợi mì.
- Bước 3: Cán bột thành sợi mì: bạn có thể làm tương tự như phần trên
Sợi mì 3 màu xanh – cam – đỏ có màu sắc tươi tắn, lạ mắt từ màu sắc vốn có của rau củ, góp phần làm cho món ăn vừa hợp vệ sinh lại thêm phần hấp dẫn.
Cách làm sợi mì udon
Nguyên liệu làm sợi mì udon
- Bột mì đa dụng: 300 gr
- Muối: 1 thìa café
- Bột năng: 1 thìa
- Nước ấm: 160 ml
Quá trình thực hiện:
- Bước 1: Đầu tiên, cho bột mì, bột năng và muối trong một tô lớn, rồi cho từ từ lượng nước ấm đã chuẩn bị vào, dùng tay trộn đều và nhào bột cho đến khi thấy bột mịn.
Sau đó, cho bột vào một túi nilong rồi dùng chày để cán bột sao cho mỏng, cứ dồn bột lại và cán đi cán lại nhiều lần. Cuối cùng cho bột nghỉ khoảng 30 phút.
- Bước 2: Cán bột thành sợi mì: làm tương tự như các phần trên, lưu ý sợi mì udon sống khi cắt sẽ có kích cỡ rộng khoảng 5mm to hơn sợi mì thường một chút.
Cách làm sợi mì Quảng
Nguyên liệu làm sợi mì Quảng
- Bột gạo: 300 gr
- Bột năng 70 gr
- Bột nghệ: 2 thìa café
- Muối: ½ thìa café
- Hành (phi thơm): 20 gr
- Nước lọc: 800 ml
Quá trình thực hiện:
- Bước 1: Đầu tiên, hòa tan bột gạo, bột năng, muối, bột nghệ và nước trong một tô lớn, để bột nghỉ khoảng 20 – 30 phút.
- Bước 2: Nấu nồi nước sôi và đặt lên phía trên một chiếc chảo mỏng nhỏ (giống chưng cách thủy). Khi mặt chảo nóng, bạn đổ một lớp hỗn hợp bột hơi dày, đậy nắp (khoảng 3 phút) để cho bột chín thành bánh mì quảng. Dùng thìa lấy bánh ra đặt trên khay (hoặc mâm) có tráng miếng dầu ăn phía dưới. Tiếp tục tráng lớp bột mì kế tiếp cho đến khi hết bột. (giống như khi tráng bánh cuốn)
Giữa các lớp bánh mì Quảng, nên phết dầu cùng hành phi thơm để bánh không bị dính và thơm hơn.
- Bước 3: Sau khi đã hoàn thành việc tráng bánh, bạn có thể tùy ý để 2 – 3 lớp bánh rồi cắt thành các sợi rộng khoảng 5mm. Sợi mì quảng có màu nghệ vàng trông hấp dẫn, đồng thời sợi mì có độ mềm và dai từ bột năng vừa phải.
Đối với sợi mì Quảng thì bạn nên sử dụng luôn để đạt được độ mềm – dai ngon nhất.
Cách làm mì tươi bằng máy Phillip
Nguyên liệu làm mì tươi bằng máy Phillip
- Bột mì: 100gr
- Trứng gà: 2 quả
- Muối tinh: 2g
- Nước sôi để nguội
Quá trình thực hiện:
- Bước 1: Đổ bột mì vào máy làm mì tươi Phillip, sau đó nhấn nút để trộn/ nhào bột.
- Bước 2: Tiếp theo, cho thêm trứng và nước sôi để nguội vào khe trên nắp máy làm mì tươi Phillip
- Bước 3: Cuối cùng, chờ trong khoảng 5-8 phút, thành phẩm sẽ bắt đầu xuất hiện. Những sợi mì mềm, thơm ngon và dai dai tuyệt vời.
Máy làm mì tươi/ bún tươi Phillip với 8 đầu mì khác nhau, bạn có thể chọn khuôn thỏa thích, và với máy làm mì tươi Phillip công nghệ cao sẽ giúp bạn tiết kiệm nhiều thời gian và công sức hơn cho các khâu chuẩn vị và làm mì tươi.
3 món ngon với mì tươi đổi vị cho gia đình
Món mì bò kho
- Bước 1: Chuẩn bị các nguyên liệu: 500g thịt bò, 200ml nước cốt dừa, 2 gói gia vị làm bò kho, 1 củ cà rốt, nửa củ hành tây, sả (1 phầm băm, 1 phần cây), hành tím, tỏi, gia vị và mì tươi.
- Bước 2: Cà rốt gọt vỏ, và cắt thành từng khoanh nhỏ; hành tây đem đi bổ múi cau.
- Bước 3: Ướp các nguyên liệu: thịt bò, cà rốt và sả băm, tỏi băm, gia vị bò kho, muối, bột nêm, đường, tiêu. Trộn đều tất cả các thành phần và để khoảng 1 tiếng cho thấm đều toàn bộ gia vị.
- Bước 4: Đặt nồi lên bếp, cho dầu ăn vào rồi cho hành tây đảo sơ, đến khi thấy các múi hành trong thì tiếp tục cho hỗn hợp thịt đã ướp vào xào đều tay để thịt săn lại.
- Bước 5: Cho 2 lít nước, nước cốt dừa, sả cây và nêm nếm lại gia vị sao cho vừa ăn. Hầm liên tục trong khoảng 1 tiếng để thịt bò mềm là bạn đã có một nồi bò kho thơm lừng khắp gian bếp.
- Bước 6: Trong quá trình chờ bò kho đạt, tiến hành luộc sơ phần mì tươi. Bò đã nấu xong, cho vào tô mì tươi và bày ngay lên bàn để cả gia đình cùng thưởng thức.
Món mì Quảng hải sản
- Bước 1: xương heo mua về các đem rửa sạch với nước muối để khử mùi hôi, sau đó rửa sạch lại với nước lần nữa rồi chặt miếng vừa ăn, vớt khô để ráo. Tiếp theo, đem xương heo chần qua nước sôi rồi vớt ra, rửa sạch lại với nước rồi để ráo.
Nguyên liệu; sả, ớt nhặt bỏ gốc rồi rửa sạch, để ráo nước rồi băm nhuyễn cùng với tỏi.
Nguyên liệu: mực tươi và tôm tươi rửa với rượu để khử mùi tanh rồi rửa lại thật sạch sau đó ướp với gừng cho thơm.
- Bước 2: Tiếp theo, cho ½ phần tỏi, sả, ớt băm nhuyễn với nước mắm, bột nêm, đường, tiêu và vào ướp xương heo và tôm, mực trong khoảng 30 phút.
- Bước 3: Sau đó bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào rồi phi ít hạt điều màu để lấy nước màu điều rồi cho ½ tỏi, sả, ớt còn lại vào phi thơm rồi cho xương heo vào xào cho ngấm gia vị, múc ra rồi cho vào nồi cùng một ít nước cốt dừa ninh đến khi xương heo mềm.
Cùng chảo trên khi đã vớt xương heo ra, thì cho tôm và mực vào xào; sau khi xương heo mềm thì đổ phần tôm và mực đã xào vào (có thể cho súp cà để tạo màu)
- Bước 4: Sợi mì Quảng ở phần trên khi làm xong, có thể chần qua nước sôi tầm 2 phút, sau đó vớt ra để ráo rồi cho vào tô lớn, có thể chuẩn bị thêm một ít giá đỗ, rau sống sau đó múc hỗn hợp nước ở trên, thêm xương heo, tôm và mực bày lên là bạn đã có 1 tô mì Quảng hải sản thơm ngon cho gia đình rồi.
Món mì tươi rau nấm
Món mì tươi phù hợp với những bạn muốn ăn kiêng hoặc những người ăn chay.
- Bước 1: Nấm đông cô làm sạch rồi khứa trên đầu để tạo độ đẹp cho món ăn. Chần nấm trong nồi nước cùng 1 ít gừng thái sợi trong 2 phút để khử mùi rồi vớt ra, để ráo. Cà rốt gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn; một ít rau cải rửa sạch cắt làm 2,3 khúc.
- Bước 2: Xào nấm với dầu ăn, nêm nếm gia vị vừa ăn (nếu ăn chay thì nêm gia vị chay). Xào khoảng 1 phút cho nấm, sau đó cho rau cải vào xào thêm khoảng 1 phút thì tắt bếp. Đun sôi nước, thả cà rốt nấu cùng vài lát gừng cho đến khi chín mềm.
- Bước 3: Cho nấm, rau cải, đậu hũ non vào nồi nước có cà rốt và nêm nếm gia vị vừa ăn. Mì tươi đem chần nước sôi khoảng 2 – 3 phút
- Bước 4: Cho mì ra tô, hâm nóng nước dùng rau củ trên và chan vào tô mì rồi thưởng thức ngay khi còn nóng.
Một số mẹo để làm món mì tươi thành công:
- Nên chọn bột mì có hàm lượng protein cao để cho hỗn hợp bột mịn và sợi mì dai, giòn hơn.
- Chú ý theo định lượng công thức (như nước hoặc trứng) để tránh làm cho bột bị nhão.
- Cần cho bột được nghỉ với thời gian nhất định, để sợi mì có độ đàn hồi, độ mềm nhất định và làm cho bột được nở đều, tránh bị chai sượng.
Mì tươi tự làm sẽ mất nhiều thời gian, công sức và đòi hỏi sự kiễn nhẫn, nhưng sẽ mang đến cho gia đình bạn món mì tươi ngon, dinh dưỡng và hợp vệ sinh. Khi đã biết cách làm mì tươi, bạn có thể sáng tạo thêm nhiều món khác nhau để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của gia đình như mì hoành thánh, mì xào… Chúc các bạn thành công với cách làm mì tươi đơn giản tại nhà.