Mụn bọc mủ là bệnh về da phổ biến, không chỉ gây tổn thương da, đau nhức mà còn dễ để lại sẹo thâm, sẹo rỗ. Nếu không xử lý đúng cách, mụn bọc mủ có thể khiến da viêm nhiễm nặng hơn, tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết. Vậy cách nặn mụn bọc mủ đúng chuẩn, an toàn, không để lại sẹo thâm như thế nào?
Tổng quan về tình trạng mụn bọc
Mụn bọc là những nốt mụn sưng viêm xuất hiện trên da có chứa máu hoặc mủ. Những nốt này trông rất giống mụn nhọt nhưng có thể phát triển to hơn. (1)
Mụn bọc có thể phát triển ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, nhiều nhất ở lưng, ngực và mặt. Mụn bọc là một dạng mụn trứng cá thường do mất cân bằng nội tiết tố hoặc thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, phổ biến ở thanh thiếu niên và thanh niên.
Lỗ chân lông bị tắc là nguyên nhân của bất kỳ loại mụn nào, kể cả mụn mủ. Chất bã nhờn, vi khuẩn hoặc các tế bào chết còn sót lại làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Mụn mủ xảy ra khi có sự xuất hiện của vi khuẩn gây mụn gây nên tình trạng viêm nhiễm. Mụn mủ có xu hướng to hơn mụn đầu trắng và mụn đầu đen.
Mụn bọc có mủ có nên nặn không?
Không nên cố nặn mụn bọc có mủ. Nếu bạn nặn mụn và làm phá vỡ hàng rào bảo vệ da, bạn có nguy cơ bị sẹo mụn vĩnh viễn. Nếu mụn có mủ bị nhiễm trùng, việc nặn mụn có thể thúc đẩy vi khuẩn lan sang các lỗ chân lông và nang lông khác, tạo ra đợt bùng phát mụn lớn hơn. (2)
Nặn mụn không đúng cách cũng làm chậm quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể, dễ để lại sẹo thâm hơn. Khi nặn mụn không thành công, bạn dễ đẩy phần nhân mụn xuống sâu hơn. Điều này càng tắc nghẽn lỗ chân lông, làm mụn nổi rõ và viêm nhiều hơn.
Tuy nhiên, một số người vẫn “nghiện” nặn mụn ngay khi nhìn thấy mụn xuất hiện. Bạn chỉ nên nặn mụn bọc có mủ khi mụn đã chín già, nhân mụn đã khô và gom lại. Khi nặn mụn phải tuân thủ những nguyên tắc an toàn, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da.
Bài viết liên quan: Mụn bọc có nên nặn không?
Mụn bọc mủ khi nào nặn được?
Mụn bọc chỉ nên nặn khi chúng không còn cảm giác sưng và đau, phần nhân mụn màu trắng đã lộ lên thấy rõ, bề mặt khô lại. Có một số loại mụn không nên cố gắng nặn, bao gồm: (3)
- Mụn đỏ không có đầu trắng: nhân mụn vẫn còn nằm sâu dưới da, khó xác định được đầu nhân. Nếu cố nặn sẽ gây đau nhức, viêm sưng.
- Những nốt mụn to, viêm, sâu: đây có thể là những nốt mụn và u nang. Bạn không bao giờ nặn loại mụn này vì nhân mụn nằm quá sâu trong da. Tốt nhất để mụn tự lành. Một phương pháp điều trị tại chỗ hoặc thuốc trị mụn có thể hữu ích.
Đặc điểm nhận dạng các loại mụn bọc
1. Mụn bọc có nhân
Mụn bọc có nhân là loại mụn viêm khiến các mụn mủ hình thành sâu dưới da gây đau nhiều. Mụn xảy ra khi chất bã nhờn và tế bào da chết làm tắc nghẽn lỗ chân lông trên da. Vi khuẩn cũng xâm nhập vào lỗ chân lông, gây sưng tấy hoặc viêm nhiễm. Mụn bọc có nhân thường gây đau nhiều và dễ để lại sẹo.
2. Mụn bọc không nhân
Mụn bọc không nhân xuất hiện dưới dạng các nốt mụn lớn, đau và sâu bên dưới bề mặt da. Những nốt mụn này tổn thương do mụn viêm có thể dẫn đến sẹo nếu không điều trị đúng cách.
Mụn bọc không nhân có đặc điểm đặc trưng như: nốt mụn thường lớn và sâu hơn các loại tổn thương do mụn khác. Chúng thường có đường kính vài mm và hình thành sâu bên trong da. Khi sờ vào có cảm giác như những cục cứng, chắc bên dưới bề mặt da. Các nốt sần thường có màu đỏ, hồng hoặc bao quanh bởi một vùng sưng tấy, không có đầu mụn và nhân mụn.
3. Mụn bọc bị chai
Mụn bọc bị chai là “phiên bản” nghiêm trọng hơn của mụn bọc thông thường. Chúng có màu đỏ đậm hơn, sờ cộm dưới da, không nhô lên cũng không xẹp xuống. Hình dạng của mụn bọc bị chai giống như những nốt sần, khó vỡ ra và bị tác động bên ngoài. Mụn chai có thể tồn tại từ vài tuần hoặc vài tháng.
4. Mụn bọc có mủ
Mụn bọc có mủ xuất hiện do viêm và phản ứng miễn dịch với các chất bị tắc trong lỗ chân lông. Mủ chỉ xuất hiện ở mụn bọc bị viêm hoặc các loại mụn viêm khác. Mủ được tạo thành từ bã nhờn mắc kẹt trong lỗ chân lông, tế bào da chết, lớp trang điểm còn sót lại và vi khuẩn.
Khi có các tổn thương viêm hệ thống miễn dịch sẽ kích hoạt ở khu vực này, dẫn đến xuất hiện mủ. Mụn bọc mủ có chất lỏng màu trắng bên trong. Khi tình trạng viêm cải thiện, các mụn mủ cũng giảm và xẹp xuống.
Hướng dẫn cách nặn mụn bọc mủ không để lại sẹo thâm tại nhà
1. Lựa chọn các vùng, nốt mụn bọc có thể nặn
Chọn những nốt mụn bọc có thể nặn: nốt mụn đã khô, có đầu và phần nhân mụn lộ rõ, khi sờ vào không có cảm giác cứng, không đau nhức.
2. Vệ sinh da mặt sạch sẽ
Sử dụng các loại sữa rửa mặt dịu nhẹ để làm sạch bụi bẩn, bã nhờn và vi khuẩn trên da mặt.
3. Làm giãn nở lỗ chân lông
Trước khi nặn mụn bọc, bạn nên xông da mặt với tinh dầu hoặc các loại thảo dược tự nhiên trong 5 – 7 phút. Hoặc bạn có thể dùng 1 chiếc khăn ấm đắp lên da từ 3 – 5 phút cho lỗ chân lông giãn nở.
Thực hiện xông da mặt làm giãn nở lỗ chân lông, đẩy chất thải, cặn bã từ sâu bên trong da ra ngoài, giúp da trở nên mềm mại, loại bỏ nhân mụn dễ dàng hơn.
4. Dụng cụ nặn mụn
Dùng tăm bông vô khuẩn.
5. Tiến hành nặn mụn đúng cách chuẩn y khoa
Dùng tăm bông ấn nhẹ vào vùng da xung quanh nhân mụn, mỗi lần ấn giữ trong khoảng 1 – 2 giây. Khi thấy nhân mụn bắt đầu trồi lên, hãy duy trì lực ấn, để đẩy phần nhân mụn ra ngoài. Chú ý, bạn chỉ nặn những nốt mụn dễ lấy, không nên dùng lực mạnh có thể gây kích hoạt tình trạng viêm trở lại.
6. Rửa sạch và chăm sóc da sau nặn mụn
Dùng nước muối pha loãng hoặc nước muối sinh lý để vệ sinh toàn bộ bề mặt da. Sau đó, bạn lau khô bằng khăn mềm sạch và bôi các loại thuốc mỡ kháng sinh, ngăn nhiễm trùng sau nặn mụn. Sau nặn mụn, bạn có thể mất từ 1 – 2 tuần để da hồi phục.
Vùng da có vết thương hở sau nặn mụn, trong vòng 24h không được sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da nào, tránh gây kích ứng, viêm nhiễm vùng vết thương hở. Tốt nhất, bạn chờ vết thương lành, sau đó mới thực hiện các bước chăm sóc da như bình thường.
Nên làm gì nếu không may nặn phải mụn bọc không nhân?
Nếu trong quá trình nặn mụn bạn thấy đau, nhân mụn tràn ra dịch màu trắng hoặc hồng, không có nhân thì dừng lại ngay, vì nốt mụn vẫn chưa sẵn sàng để nặn. Hãy dừng ngay việc nặn mụn và đến gặp bác sĩ da liễu, thẩm mỹ da để được khắc phục nhanh, tránh lây lan, nhiễm khuẩn hoặc để lại sẹo,…
Đơn giản hơn, nếu nốt mụn nhỏ có thể dùng nước muối sinh lý và lau sạch vết mụn, để da khô tự nhiên từ 1 – 2 tiếng. Sau đó, bạn có thể thoa các loại thuốc điều trị mụn viêm lên da.
Nặn mụn bọc xong nên làm gì?
Nặn mụn bọc xong nên quan tâm đến việc ngăn nhiễm trùng và để lại sẹo, vì vậy các phương pháp điều trị sẽ được dành riêng cho những mục tiêu này. Bạn nên làm một số việc sau khi nặn mụn bọc xong: (4)
- Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng kháng khuẩn.
- Thoa thuốc mỡ kháng sinh bằng tay sạch hoặc tăm bông sạch.
- Rửa tay sau khi bôi thuốc mỡ.
- Áp dụng phương pháp điều trị tại chỗ kháng khuẩn trong tương lai như sử dụng tinh dầu tràm trà, tinh dầu trà xanh,…. giúp chống lại vi khuẩn và giảm viêm một cách hiệu quả.
- Rửa mặt hàng ngày và áp dụng các phương pháp điều trị mụn nếu cần, chẳng hạn như thuốc bôi mụn hoặc dưỡng ẩm cho da.
Những rủi ro có thể xảy ra khi nặn mụn bọc mủ
Những rủi ro có thể xảy ra khi nặn mụn bọc bao gồm:
- Sẹo mụn: áp lực từ việc nặn mụn có thể làm tổn thương lớp da bên dưới và dẫn đến sẹo.
- Tăng sắc tố: việc nặn mụn có thể dẫn đến viêm nhiễm, gây tăng sắc tố hoặc đổi màu so với vùng da xung quanh.
- Nhiễm trùng: nặn mụn bọc tạo ra vết thương hở, dễ bị vi khuẩn xâm nhập hơn. Khi bị nhiễm trùng, vùng da bị mụn có màu đỏ, nóng khi chạm vào và đôi khi chảy mủ.
- Tình trạng mụn bọc trầm trọng hơn: nặn mụn không đúng kỹ thuật, chăm sóc da không tốt sau khi nặn mụn có thể khiến tình trạng mụn bọc mủ ngày càng trầm trọng hơn, lan rộng sang các vùng da khác, mụn sưng đỏ, đau dữ dội và nhiều dịch mủ bên trong hơn.
Hướng dẫn chăm sóc da mặt sau khi nặn mụn
1. Cầm máu và rửa sạch vết thương
Việc nặn mụn bọc mủ khiến vùng da viêm và chảy máu nhẹ. Để khắc phục điều này, hãy dùng một miếng bông hoặc gạc y tế đè nhẹ lên miệng vết thương. Sau khi máu giảm bớt, bạn có thể rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ không chứa chất gây kích ứng da và thành phần có các hoạt chất điều trị mụn, chẳng hạn như axit salicylic, axit glycolic hoặc benzoyl peroxide.
2. Bôi kem kháng sinh
Sau khi cầm máu và làm sạch vùng bị ảnh hưởng, bước tiếp theo trong cách chữa lành mụn đã vỡ là xử lý các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn. Có thể thoa các loại thuốc kháng sinh, tuy nhiên, chỉ bôi một lượng rất nhỏ lên vết thương và loại bỏ lượng kem dư thừa để ngăn kích ứng hoặc nổi mụn thêm.
3. Giữ ẩm
Duy trì độ ẩm cho da bằng cách thoa các loại kem dưỡng ẩm dành riêng cho mụn.
4. Che chắn vết thương hở
Sau khi dưỡng ẩm cho vết thương, bạn tiếp tục bảo vệ da dưới tác hại của tia UV và khói bụi môi trường, để hạn chế vết thâm và nhiễm trùng tăng thêm.
5. Không chạm vào vết thương
Để tránh nhiễm trùng, sưng tấy vùng vết thương hở, bạn nên tránh tiếp xúc với vùng bị ảnh hưởng. Chạm vào da bằng tay trần hoặc các vật dụng khác có thể khiến vi khuẩn và bụi bẩn tích tụ, khiến tình trạng nhiễm trùng và kích ứng trở nên trầm trọng hơn. Hãy làm sạch da bằng sữa rửa mặt nhẹ nhàng cho đến khi vết thương khép lại và lành hoàn toàn.
6. Chườm đá
Nặn mụn khiến vùng da bị ảnh hưởng sưng lên và chuyển sang màu đỏ. Chườm 1 viên đá bọc trong khăn hoặc túi nhựa vô trùng lên vết sưng và giữ trong 15 phút giúp giảm viêm hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm: 20+ cách trị mụn bọc tại nhà hiệu quả ít tiền ai cũng làm được
Biện pháp ngăn ngừa mụn bọc mủ quay trở lại
Một số biện pháp ngăn ngừa mụn bọc quay trở lại bạn có thể áp dụng như sau:
- Giữ làn da sạch sẽ: rửa mặt 2 lần mỗi ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, tẩy rửa nhẹ nhàng, không mài mòn. Rửa mặt bằng tay thay vì dùng máy rửa mặt, bọt biển và các dụng cụ khác có thể gây kích ứng da.
- Lựa chọn phương pháp chăm sóc da phù hợp: sử dụng các sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ và những sản phẩm có ghi “không chứa cồn” trên nhãn. Tránh các loại mỹ phẩm có thể gây kích ứng da, bao gồm chất làm se da, toner (dung dịch làm săn da) và chất tẩy da chết. Những sản phẩm này sẽ làm khô da và khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn.
- Gội đầu thường xuyên: dầu từ tóc có thể gây ra mụn trên trán. Nếu bạn có mái tóc dầu, hãy gội đầu thường xuyên hơn và để tóc tránh xa mặt.
- Kiên trì điều trị: thử các phương pháp điều trị mụn mới thường xuyên có thể gây kích ứng da và gây ra mụn. Hãy kiên trì với phương pháp điều trị của bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ da, có thể mất vài tuần đến vài tháng trước khi bạn thấy sự khác biệt.
- Không chạm tay vào mặt: có thể khiến mụn bùng phát do tiếp xúc nhiều hơn với vi khuẩn, bã nhờn và tăng nguy cơ để lại sẹo cũng như tăng sắc tố sau viêm.
- Tránh xa ánh nắng mặt trời: làm tình trạng mụn bọc trở nên trầm trọng hơn và tăng nguy cơ ung thư da, sạm da. Một số loại thuốc trị mụn cũng có thể khiến da nhạy cảm với các tia cực tím có hại từ mặt trời.
Các câu hỏi liên quan
1. Mụn bọc mủ có tái phát sau khi điều trị không?
Mụn bọc mủ có thể tái phát sau khi điều trị nếu bạn không duy trì hoặc ngừng điều trị giữa chừng. Thậm chí, mụn đã lành, tình trạng mụn giảm hẳn, bạn vẫn duy trì thói quen vệ sinh và chăm sóc da mặt tốt để hạn chế mụn tái phát.
Bài viết liên quan: 7 cách trị mụn bọc hiệu quả an toàn không để lại sẹo thâm
2. Mụn bọc mủ chữa ở đâu tốt?
Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM là địa chỉ uy tín cho những ai muốn tìm nơi chữa mụn bọc hiệu quả. Tại phòng chăm sóc da của BVĐK Tâm Anh hiện đã và đang triển khai dịch vụ lấy nhân mụn đúng chuẩn y khoa, hiệu quả và an toàn.
Bệnh viện cũng là nơi quy tụ những bác sĩ, chuyên gia đầu ngành về Da liễu – Thẩm mỹ Da. Bệnh viện đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại từ các nước Âu – Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… giúp chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời, hiệu quả, khắc phục nhanh tình trạng mụn bọc, mụn mủ và nhiều vấn đề về da liễu khác.
3. Chi phí chữa mụn bọc mủ có đắt không?
Chi phí điều trị mụn bọc mủ dựa vào tình trạng mụn, gói dịch vụ mà bạn lựa chọn. Tuy nhiên, bạn cần được tư vấn về tình trạng bệnh bởi chuyên gia điều trị mụn trước khi lựa chọn phương pháp điều trị.
Cách nặn mụn bọc mủ đúng chuẩn, an toàn và không để lại sẹo thâm cần được thực hiện tại cơ sở y tế sẽ giúp bạn tránh được nguy cơ viêm sưng, nhiễm trùng do nặn mụn.