Dọc mùng (có nơi gọi là bạc hà) là một nguyên liệu thường xuyên xuất hiện trong các món ăn như canh chua dọc mùng, bún dọc mùng… Đây là món ăn khoái khẩu của nhiều người trong mùa nóng.
Một vấn đề mà nhiều người gặp phải khi nấu các món ăn liên quan đến dọc mùng chính là dọc mùng có thể gây ngứa tay khi sơ chế và ngứa miệng khi ăn.
Dưới đây là mẹo sơ chế dọc mùng để tránh tình trạng ngứa tay và ngứa miệng.
Dọc mùng mua về cần được rửa sạch với nước (rửa cả phần vỏ) để loại bỏ bụi bẩn, đất cát bám bên ngoài. Sau đó, bạn có thể cắt dọc mùng thành từng khúc vừa phải để dễ sơ chế.
Để tránh tình trạng ngứa tay khi sơ chế dọc mùng, bạn có thể mang găng tay.
Dùng dao tước bỏ phần xơ bên ngoài. Lưu ý, bạn cần cắt cả phần viền cong và phần vỏ ở mặt trong của dọc mùng.
Sau khi đã bóc hết phần vỏ dọc mùng, bạn hãy cắt dọc mùng thành từng miếng vừa ăn (tùy theo sở thích).
Tiếp đến, hãy cho 1 thìa muối vào phần dọc mùng đã cắt và trộn đều. Ướp dọc mùng với muối khoảng 15 phút.
Trong thời gian này, bạn hãy chuẩn bị thêm một bát nước đá lạnh.
Vớt phần dọc mùng ngâm muối ra và cho vào âu nước đá. Dùng tay bóp mạnh phần dọc mùng trong khoảng 3 phút. Sau đó, vớt dọc mùng ra và vắt khô.
Đun sôi một nồi nước. Vớt phần dọc mùng đã sơ chế trước đó vào trụng qua nước sôi trong khoảng 2 phút.
Vớt dọc mùng ra và thả vào âu nước đá để dọc mùng không bị chín quá, giữ được độ giòn và màu xanh bắt mắt.
Lúc này, bạn đã hoàn thành khâu sơ chế dọc mùng.
Khi nấu, bạn chỉ cần thả dọc mùng vào nồi đun sôi trong vài phút cho dọc mùng chín là được. Không nên nấu quá lâu khiến dọc mùng bị nát.
Nếu bị ngứa tay khi sơ chế dọc mùng, bạn hãy cho một ít sữa tươi và một ít đường kính ra tay rồi xoa đều. Xoa cho đến khi đường tan hết thì rửa tay. Làm như vậy cảm giác ngứa tay sẽ biến mất.
Nếu bị ngứa miệng do ăn dọc mùng, bạn hãy uống nhiều nước. Nước sẽ giúp rửa trôi các chất gây ngứa của dọc mùng đọng trong miệng, giúp các chất này bị đẩy ra ngoài nhanh hơn.
Có thể súc miệng và súc họng bằng nước muối ấm để giảm ngứa miệng và họng khi ăn dọc mùng.