Mụn cóc hay còn gọi là mụn cơm, là loại mụn gây ra bởi virus HPV. Chúng có thể lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc khi chạm vào các vật dụng cá nhân của người bệnh lúc da bị tổn thương. Một số cách trị mụn cóc tại nhà theo mẹo dân gian đơn giản có thể hỗ trợ giảm kích thước và sự lây lan của loại mụn này.
Mụn cóc là gì?
Mụn cóc là một tình trạng nhiễm trùng da do virus HPV (Human Papilloma Virus) xâm nhập vào tế bào da. Biểu hiện của nó là những nốt sần cùng màu với da, màu trắng hoặc có chấm đen xen kẽ xuất hiện trên bề mặt da. Mụn cóc có kích thước khác nhau nhưng thường có hình dáng giống hạt cơm. Nhóm người có nguy cơ cao bị mụn cóc bao gồm trẻ em, người già và những người có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc các bệnh tự miễn.
Nguyên nhân gây ra mụn cóc xuất phát khi virus HPV xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết trầy xước hoặc vết thương hở. Mụn cóc ở bàn tay, chân thường do nhóm HPV 1, 2, 4, 27 hoặc 57 gây ra, trong khi mụn cóc sinh dục có thể do nhóm HPV 6, 11, 16, 18. Bệnh được lây truyền từ người sang người hoặc lan sang các vùng da khác thông qua:
- Tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc;
- Sử dụng chung các vật dụng vệ sinh cá nhân như dao cạo râu, khăn tắm;
- Vệ sinh tay chân không đạt chuẩn;
- Quan hệ với người bị mụn cóc.
Biến chứng khi không điều trị mụn cóc kịp thời
Mặc dù phần lớn mụn cóc là lành tính nhưng một số trường hợp mụn cóc càng để lâu sẽ có xu hướng lây lan hoặc tái phát sau điều trị. Vì vậy, việc điều trị mụn cóc nên được thực hiện sớm để tránh biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng của mụn cóc khi không điều trị kịp thời có thể bao gồm:
- Ung thư: Virus HPV gây mụn cóc ở bộ phận sinh dục và hầu họng có thể dẫn đến các sang thương biểu mô hoặc xâm lấn vào các lớp mô sâu hơn. Nếu kéo dài, tình trạng này có thể dẫn đến sự phát triển của ung thư cổ tử cung, hậu môn, dương vật và âm đạo.
- Nhiễm trùng: Xảy ra khi người bệnh tự mổ hoặc loại bỏ mụn cóc không đúng cách. Việc làm này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào vết thương hở.
- Đau: Mặc dù hầu hết mụn cóc không gây đau nhưng trong trường hợp mọc ở lòng bàn chân hoặc vùng hay tì đè thì chúng có thể gây đau khi đi lại.
Cách trị mụn cóc tại nhà hiệu quả
“Cách trị mụn cóc tại nhà” được rất nhiều người quan tâm và tìm kiếm. Dưới đây là phần chia sẻ các phương pháp trị tình trạng trên một cách đơn giản, hiệu quả bạn có thể tham khảo.
Cách trị mụn cóc bằng trái sung
Theo đông y, quả sung được cho là có vị ngọt, tính bình và có tác dụng tiêu thũng, giải độc. Các hoạt chất trong quả sung có khả năng chống oxi hóa và chống virus có thể hỗ trợ trong việc làm dịu tình trạng viêm, mẩn ngứa, mụn nhọt và lở loét ngoài da. Cách trị mụn cóc tại nhà bằng quả sung đơn giản như sau:
- Bước 1: Chọn những quả sung tươi, lấy nhựa từ bên trong và bôi trực tiếp lên nốt mụn cóc.
- Bước 2: Để nhựa sung thấm vào mụn cóc trong khoảng 40 phút. Rửa sạch nhựa sung và mủ mụn cóc bằng nước sạch.
- Bước 3: Lặp lại quy trình này mỗi ngày một lần và hạn chế vùng da bôi mủ sung tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Cách trị mụn cóc bằng tỏi
Tỏi chứa nhiều allicin, là một loại kháng sinh thực vật có khả năng sát trùng cao. Ngoài ra, đặc tính kháng viêm của tỏi còn giúp hỗ trợ ngăn chặn sự lây lan và phát triển của các mầm bệnh. Do đó, tỏi được sử dụng như một phương tiện hỗ trợ trong việc điều trị mụn cóc, thực hiện như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu bao gồm 2 – 3 tép tỏi tươi, nghiền nhuyễn và đắp trực tiếp lên mụn cóc.
- Bước 2: Để đó trong khoảng 2 – 3 giờ, sau đó rửa sạch kỹ.
- Bước 3: Lặp lại phương pháp trị mụn cóc này hàng ngày trong vòng 3 – 4 tuần để đạt được kết quả tốt nhất.
Cách trị mụn cóc với lô hội
Lô hội hay nha đam, được biết đến với tính mát, vị đắng, có nhiều công dụng thanh nhiệt, giải độc và khả năng làm dịu các vết thương, chống viêm, giảm dị ứng. Ngoài ra, lô hội còn giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục da và thúc đẩy quá trình lành các vết lở loét. Bạn có thể dùng lô hội để trị mụn cóc tại nhà như sau:
- Bước 1: Sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng để làm sạch và làm mềm nhẹ mụn cóc, sau đó lau khô.
- Bước 2: Chuẩn bị lô hội bằng cách gọt bỏ lớp vỏ xanh, rửa sạch nhớt và giữ lại phần gel.
- Bước 3: Sử dụng phần gel của lô hội bôi trực tiếp lên vị trí bị mụn cóc. Sau đó sử dụng gạc y tế để cố định lại.
- Bước 4: Giữ yên trong khoảng 3 giờ, sau đó tháo gạc và rửa sạch kỹ.
- Bước 5: Thực hiện phương pháp này mỗi ngày 2 lần, trong khoảng 4 tuần để đạt được kết quả mong muốn.
Cách trị mụn cóc đơn giản bằng vỏ chuối xanh
Vỏ chuối xanh chứa một lượng lớn dưỡng chất và các thành phần hữu ích như vitamin C, kẽm, vitamin E, sắt, kali, mangan, lutein và carotenoids. Những dưỡng chất này không chỉ giúp làm dịu da viêm khi bị mụn mà còn có tác dụng hòa tan trong chất béo, giúp chống viêm và làm mờ thâm sẹo. Dưới đây là cách dùng vỏ chuối xanh để trị mụn cóc:
- Bước 1: Pha muối với nước ấm ở nhiệt độ vừa phải, sau đó ngâm phần da có mụn cóc vào dung dịch này khoảng 20 phút. Thêm nước ấm để duy trì nhiệt độ ổn định.
- Bước 2: Loại bỏ lớp da chết trên bề mặt mụn cóc bằng bàn chải hoặc đá mài để làm cho da trở nên mềm mại hơn và giảm sần sùi. Sau đó, dùng khăn sạch để lau khô bề mặt da.
- Bước 3: Tách lấy vỏ chuối xanh và xay nhuyễn, sau đó đắp lên vùng da có mụn cóc. Cố định lớp vỏ chuối này bằng băng gạc và để qua đêm.
Trên đây là một số cách trị mụn cóc tại nhà hiệu quả, dễ làm. Những biện pháp này có thể giúp giảm nhẹ tình trạng mụn cóc nhanh chóng, tận gốc và an toàn. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có các đáp ứng khác nhau khi thực hiện các biện pháp trên. Nếu tình trạng mụn cóc không được cải thiện, bạn nên tìm đến các chuyên gia y tế để có lời khuyên đúng đắn nhé!
Xem thêm: Các tác nhân gây mụn cóc và mẹo loại bỏ mụn cóc an toàn