Không chỉ có cái tên độc lạ mà lan vảy rồng còn có vẻ đẹp khác biệt và thu hút. Loài lan này đang rất được yêu thích trong giới chơi lan. Vậy trồng lan vảy rồng có đơn giản không? Trồng lan vảy rồng như thế nào để cây ra sai hoa rực sắc? Hãy cùng Đặng Gia Trang tìm hiểu cách trồng và chăm sóc lan vảy rồng qua bài viết sau nhé.
1/ Đặc điểm của lan vảy rồng
Lan vảy rồng thuộc chi Lan Hoàng Thảo, có danh pháp khoa học là Dendrobium lindleyi. Loài hoa này còn được gọi bằng nhiều tên khác như lan vảy cá, lan vảy rắn, hoàng thảo vảy rồng,…
Cây lan vảy rồng có phần thân khá ngắn gọi là giả hành, phình to ở giữa và nhỏ dần về phía ngọn và gốc. Mỗi giả hành thường có khoảng 2 – 3 đốt và trên phần đầu mọc một chiếc lá khá dày, cứng có màu xanh đậm.
Hoa vảy rồng có màu vàng tươi rực rỡ, đậm màu hơn ở nhụy hoa. Những bông hoa nhỏ gồm 3 cánh tròn xếp so le nhau, kết lại thành những cành hoa dài mang vẻ đẹp độc đáo và thu hút. Lan vảy cá rất sai hoa, mỗi cây khi đến mùa ra hoa thường có khoảng 10 cành hoa rực sắc.
2/ Ý nghĩa của lan vảy rồng
Lan vảy rồng không chỉ thu hút bởi cái tên độc đáo, vẻ đẹp quyến rũ mà còn chứa đựng những ý nghĩa đặc biệt. Với màu vàng tươi rực rỡ, lan vảy rồng tượng trưng cho sự giàu sang, sung túc và phú quý. Trồng lan vảy rồng trong nhà sẽ thể hiện gu thẩm mỹ cao và mang lại may mắn về tài lộc, hạnh phúc cho gia đình.
Ngoài ra, hoa lan vảy cá còn mang ý nghĩa đại diện cho sự kiên cường, ý chí và nghị lực chiến đấu trước những thử thách trong cuộc sống. Vì thế, nhiều người lựa chọn lan vảy cá làm quà tặng người thân, bạn bè, đồng nghiệp thay cho những lời chúc tốt đẹp, lời cổ vũ động viên.
3/ Điều kiện ngoại cảnh của lan vảy rồng
3.1 Nhiệt độ và độ ẩm
Lan vảy rồng phát triển mạnh mẽ nhất khi điều kiện nhiệt độ ở khoảng 15 – 25 độ C. Nếu nhiệt độ dưới 10 độ C hoặc trên 30 độ C thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và khả năng ra hoa của cây.
Độ ẩm lý tưởng để lan vảy rồng sinh trưởng tốt là từ 80 – 85%. Tuy nhiên vào đầu mùa xuân và mùa đông thì chỉ cần độ ẩm từ 60 – 65%.
3.2 Ánh sáng
Lan vảy rồng là loài hoa ưa sáng, nhưng tránh để cây gặp ánh nắng mặt trời trực tiếp. Nếu trồng cây ở trong nhà thì nên đặt ở những nơi có ánh sáng như ban công, sân thượng hay gần cửa sổ. Thường xuyên đưa lan vảy rồng ra hứng nắng của buổi sáng sớm để cây phát triển tốt hơn.
4/ Chuẩn bị trồng lan vảy rồng
4.1 Giá thể trồng
Bạn có thể trồng cây trong chậu, giỏ ở dạng treo. Giá thể trồng được trộn giữa than củi, xơ dừa và phân trùn quế với tỉ lệ 5:3:2. Tuy nhiên, thích hợp nhất vẫn là trồng lan vảy rồng bằng cách ghép gỗ lũa hoặc khúc gỗ xoài, nhãn,… Giá thể trồng lan vảy rồng nên lớn và có tính bền để hạn chế thay giá thể sau này khi cây lớn lên.
4.2 Xử lý giống trước khi trồng
Trước khi trồng, bạn phải xử lý giống để cây sẽ phát triển tốt sau này. Bạn cắt bỏ những phần rễ bị già mục, thối hỏng hay dập nát rồi đem rửa thật sạch. Sau đó ngâm cây trong dung dịch Physan 15 với liều lượng 1ml/1 lít nước, khoảng 20 phút sau vớt ra để khô rồi ngâm tiếp 1 tiếng vào hỗn hợp 0,5 ml B1 + 0,5ml Atonik trong 1 lít nước.
5/ Cách trồng lan vảy rồng
5.1 Trồng lan vảy rồng mới mua về
Giống với nhiều loài hoa lan khác, lan vảy rồng có thể trồng vào bất cứ thời điểm nào nhưng quá trình phát triển của chúng sẽ không ổn định. Theo các chuyên gia, thời điểm lý tưởng nhất để trồng lan vảy cá là vào khoảng cuối xuân đầu hè. Lúc này lan vảy cá vừa kết thúc mùa hòa và bắt đầu mùa sinh trưởng mới.
Cây lan vảy rồng mới mua về nếu đã được xử lý thì có thể đem trồng ngay. Xới một hố nhỏ ở giữa chậu trồng, đặt cây con thẳng đứng rồi phủ thêm một lớp giá thể che kín rễ. Dùng tay nén nhẹ nhàng xung quanh để cố định cây. Sau đó, dùng bình phun sương để tưới ẩm cho lan.
Trồng cây sai hoa rực sắc
5.2 Ghép cây
Nếu ghép cây, bạn nên chọn những miếng ghép nhỏ hoặc trung bình thì cây lan sẽ ổn định hơn và dễ dàng tạo nhiều thế ghép. Muốn lan vảy rồng nhanh ra rễ thì phải ghép sao cho rễ vảy rồng cách gỗ giá thể khoảng 0,5cm. Có thể chèn miếng gỗ nhỏ vào giữa gốc lan và giá thể. Tiếp đó, sử dụng dây buộc các giả hành vào thân gỗ để cố định để cây không bị lung lay nếu gió thổi. Lưu ý không nên buộc quá chặt khiến cây khó ra rễ.
5.3 Tách cây
Khi tách lan vảy rồng thì bạn nên chọn cây mẹ khỏe mạnh, không bị sâu bệnh và có nhiều giả hành có lá, rễ khô ráo. Sử dụng dao sắc đã khử trùng để tách các giả hành từ cây mẹ thành các khóm nhỏ hơn. Khi tách thì lưu ý phải tách nhanh, dứt khoát và không tách quá nhỏ vì sẽ tốn nhiều thời gian để lan vảy rồng phát triển lại.
Sau đó, bạn tiến hành cắt tỉa rễ và xử lý những cây con này tương tự như hướng dẫn ở trên rồi có thể đem trồng trong chậu hoặc ghép gỗ.
6/ Cách chăm sóc lan vảy rồng
6.1 Tưới nước
Sau khi trồng, bạn nên đặt lan vảy cá vào những nơi thoáng mát và duy trì giữ ẩm thường xuyên. Nên sử dụng bình phun sương và tưới đều đặn mỗi ngày khoảng 2 – 4 lần. Tránh để giá thể bị khô lâu khiến cho cây phát triển kém và có thể chết khô. Vào mùa đông hoặc những ngày mưa thì nên giảm tần suất và lượng nước tưới, chỉ cần 2 – 3 ngày/lần.
Bên cạnh đó, nên kết hợp tưới nước cùng với phun thuốc kích rễ cho lan vảy cá. Sử dụng Atonik hoặc B1 pha với nồng độ 1ml/1 lít nước rồi phun cho cây khoảng 5 – 7 ngày/lần.
6.2 Bón phân
Trong quá trình sinh trưởng của cây, bạn nên bón phân định kỳ để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Có thể sử dụng túi lưới chứa phân trùn quế Sfarm viên nén dành riêng cho hoa lan để bón khoảng 1 – 2 tháng/lần với trọng lượng từ 20 – 30g tùy kích thước chậu.
Ngoài ra, cứ cách 10 ngày là bạn có thể bón phân NPK theo tỷ lệ 20/20/20 hoặc 30/10/10 giúp cây phát triển mạnh mẽ. Vào mùa thu thì nên giảm tần suất bón phân, khi sang đông thì phải ngừng hẳn và tiếp tục bón phân khi cây bắt đầu mùa sinh trưởng mới vào mùa xuân.
6.3 Phòng trừ sâu bệnh
Là loài lan khỏe mạnh và sức chống chịu tốt nên lan vảy cá rất ít khi gặp sâu bệnh hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn cũng nên chú ý kiểm tra cây thường xuyên vì chúng có thể bị tấn công bởi ốc sên ăn thân và lá cây, rệp làm vàng thân cây và chết cây. Nếu phát hiện những dấu hiệu trên thì bạn cần nhanh chóng bắt và tiêu diệt ốc sên vào ban đêm, dùng thuốc đặc trị để tiêu diệt rệp và côn trùng gây hại.
Nếu giá thể lâu ngày bị mục nát hoặc cây bị ngập úng thì chúng có thể bị thối hỏng rễ và thân cây. Lúc đó, bạn cần phải cắt bỏ những bộ phận và cây bị thối để tránh lây lan.
7/ Cách khắc phục lan vảy rồng không ra hoa
Lan vảy rồng thường nở hoa vào mùa xuân và giữ được khoảng 7 – 15 ngày. Nếu thời điểm đó, cây đã trưởng thành nhưng không nở hoa thì bạn cần chú ý lại cách chăm sóc của mình.
Thứ nhất, nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao là một trong những nguyên nhân khiến cây không ra hoa. Cây lan chỉ sinh trưởng tốt khi nhiệt độ mát mẻ hoặc ấm áp, từ khoảng 15 – 25 độ C. Vì thế, nếu cây không nở hoa thì bạn nên xem lại nhiệt độ và điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ hai, điều kiện ánh sáng cũng rất quan trọng. Trong quá trình chăm sóc, bạn cần cho cây hấp thụ ánh sáng buổi sớm từ 7 giờ đến 9 giờ sáng, khoảng mỗi tuần một lần. Khi mùa đông hay trưa nắng gắt thì nên che chắn cây cẩn thận.
Cuối cùng, chế độ nước tưới ảnh hưởng rất nhiều đến việc cây ra hoa. Nếu cây không nở hoa thì có thể là do bạn tưới nước quá nhiều trong thời kỳ cây nghỉ ngơi, tức là mùa đông. Lúc này, cần không cần tưới nhiều mà mỗi lần tưới nên để giá thể khô khoảng 1 – 2 ngày.
Trên đây là toàn bộ những kiến thức hữu ích nhất về cách trồng lan vảy cá tại nhà. Hy vọng bạn áp dụng thành công và trồng được những giò lan vảy rồng tươi tốt, ra hoa đúng thời điểm và sai hoa rực sắc nhé. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, bạn vui lòng liên hệ Hotline 0902.652.099!
Sfarm.vn
*Xem thêm:
- Cách trồng và chăm sóc lan kiếm lô hội chuẩn nhất
- Hướng dẫn cách trồng và chăm sóc hoàng thảo trúc mành
- Cách trồng và chăm sóc lan hoàng thảo vôi đầy đủ nhất
- Hoa lan Dendro & Đặc điểm, cách trồng và chăm sóc