Căn phòng trống

Phạm Thu Thảo

Từ ngày má mất, mỗi lần đi ngang phòng má, tôi đều nhìn vào mường tượng như má đi đâu đó lát về. Căn phòng dù hai thất trôi qua nhưng vẫn còn mùi của má. Mùi thơm của cây sáp thơm dìu dịu còn phân nửa vẫn tỏa ngát ở đầu giường.

Hôm má mất, chị em tôi dọn dẹp trống trải hết chỉ chừa một chiếc tủ áo cho căn phòng sạch sẽ, phóng khoáng, yên tĩnh để hộ niệm cho má ra đi.

(Hình minh họa: MANAN VATSYAYANA/AFP via Getty Images)

Khi xong đám tang má, em tôi có hỏi chị có muốn giữ nguyên căn phòng má để kỷ niệm không? Tôi bảo không. Bởi vì giữ nguyên như vậy chỉ làm lòng thương cảm nhớ nhung hơn.

Rồi đây mỗi đứa con bước vào phòng má sẽ khóc vì nhớ má. Tôi chỉ muốn má ra đi an nhiên, không vương vấn điều gì. Tôi nghĩ, cho dù âm dương cách biệt khi nhìn con khóc thì không người mẹ nào tránh khỏi sầu bi. Má đã trả xong một kiếp trần ai, hãy theo quy luật cuộc đời. Đến cuối đường đời duyên tan nghĩa tận. Má hãy thong dong tùy phước báu, tùy huệ mạng mà đi trên con đường mới.

Tuy cố nhủ mình mạnh mẽ, tôi cũng không thể nào ngăn nổi nhớ thương. Đi lên xuống thắp hương, nhìn vô căn phòng không có má tôi muốn òa khóc cho thật to. Muốn gọi má ơi má đâu rồi! Tôi thèm được nghe tiếng má ho. Cái cảm giác như lúc xưa ao ước được nghe tiếng ba ho khi người không còn nữa.

Tôi nhớ giọng má hay gọi khi có việc nhờ tôi. Chưa bao giờ má ra lệnh: “Lên má biểu!” Như ba thường gọi: “Thảo đâu lên biểu coi!” Lúc nào má cũng rào đón: “Thảo hả, có rảnh hong lên má mượn một chút.”

Nghe má nói ba tiếng “mượn một chút” là tôi bỏ việc chạy bay lên liền, vì biết má đang rất cần.

Ngôi nhà ba tôi xây là kiểu nhà ba gian xưa với hai hàng cột. Cả một gian nhà trên rộng lớn, chiếm hết hơn phân nửa diện tích ngôi nhà. Chỉ xây có hai phòng ở mà thôi. Từ chính diện ngôi nhà nhìn vào, thì căn phòng bên phải là căn phòng đón cả ánh sáng. Bình minh chiếu sáng khắp phòng. Căn phòng đó giành cho bà nội ở, nên chúng tôi quen gọi phòng nội. Còn căn phòng song song với phòng nội chỉ cách gian thờ chính là phòng má tôi.

Căn phòng kín như bưng không lọt miếng gió. Vì thế nó luôn thiếu ánh sáng. Cũng vì thế, ba tôi kê một chiếc giường đối diện phòng má. Chiếc giường nằm như khiêm tốn ở phần chái của ngôi nhà.

Ba tôi thích ngủ ở đó, vì ngay chiếc giường có một cửa sổ nhìn ra khu vườn phía sau nhà. Nơi ấy, nắng không lọt vào tới nhưng có thể ngắm mưa rất thích, có gió mát lùa vào. Quan trọng là đủ ánh sáng cho ông nằm đọc sách và hút thuốc.

Chúng tôi thường gọi phòng bà nội nhưng lại quen gọi “mùng má, mùng ba” chứ không gọi phòng má. Má tôi ở trong căn phòng của ba giành cho chưa bao giờ má than phòng nóng bức hay tối quá. Nóng thì má thủ mấy cây quạt mo, còn tối thì má đốt cây đèn dầu to chút. Bao giờ má cũng chịu đựng vì khả năng thích nghi của má nào giờ rất tuyệt vời.

Nếu như tôi ở bên nhà chồng lúc xưa, tới mùa nóng bức là tôi rủ anh tìm chỗ nào trong nhà thấy mát thì giăng mùng ngủ. Chứ má thì không đâu. Nóng lạnh gì má cũng chỉ ngủ trong phòng mình thôi.

Má tôi thường kể lúc chị hai, chị ba còn nhỏ chưa có chị tư ra đời. Tối nào ba tôi cũng vô mùng đờn cho hai chị tôi múa hát. Khi tôi lớn lên, tôi không thấy ba đờn bao giờ. Cho tới khi chị ba tôi đi học ở Sài Gòn, một hôm chị mang về một cây đờn mandolin cũ kỹ ngồi gẩy chơi, thì ba tôi cầm cây đờn làm luôn cả chục bài hát. Nhờ có ba chỉ dạy, tôi mới học được vài miếng đờn giải khuây từ đó.

Ngày còn nhỏ, tôi là một đứa bé èo uột, bệnh hoạn triền miên. Tôi cũng không nhớ mình lúc đó nhiêu tuổi. Chỉ nhớ là tôi chuyên môn ngủ với má. Đêm nào má cũng quạt cho tôi tới khi tôi ngủ quên. Hễ mỗi lần má ngưng quạt vì mỏi hay vì buồn ngủ, thì tôi la lên: “Quạt má.” Vậy là má quạt tiếp.

Trong căn phòng này, đêm nào má cũng lật lưng tôi xức dầu vì sợ tối tôi khò khè. Cũng trong đó, có tủ để quần áo của tôi. Cứ tối, má xếp đồ mang chất vô tủ là má la, “Lấy đồ không lấy trên xuống mà xốc tung lên vậy hà.” Rồi má lôi ra xếp đồ lại cho ngay ngắn, dù biết rồi tôi cũng chứng nào tật nấy. Và tôi nghe má la câu ấy cũng quen như nghe câu thần chú tối tối ba hay đọc vậy.

Tôi nhớ nhất là lúc má đẻ thằng út. Hầu như cả xóm tới thăm và mừng cùng má. Ai cũng gọi em trai tôi là quý tử.

Căn phòng má từ ngày sinh em trai, đêm nào cũng rộn rã tiếng cười. Mấy chị em gái có được đứa em trai út nên đêm nào cũng xúm vô nựng em, ngắm em dù nó thức hay ngủ.

Cũng trong căn phòng của má, lợi dụng căn phòng tối nên mỗi lần tôi bệnh, má bắt uống thuốc rất nhiều. Tôi thường xuyên lén không có má coi là quăng vốc thuốc Tây xuống sàn giường má.

Có lần quét dọn, má tôi phát hiện dưới sàn giường cơ man nào là thuốc viên, thuốc con nhộng, thuốc bọc đường. Má tôi bực tức la: “Hèn gì chở đi chích thuốc hoài mà không hết bệnh.” Má chỉ la cho một trận thôi chớ không bao giờ đánh.

Từ khi hai đầu gối má tôi yếu quá không trụ nổi tấm thân nặng nề hơn 75 ký, thì căn phòng không còn nghe tiếng bước chân của má nữa mà là tiếng của cái xe đẩy bốn bánh bằng tay mà má nương náu bốn cái chân xe để di chuyển. Mỗi lần má đi là nghe tiếng bốn bánh xe lăn rồ rồ.

Rồi tới lúc cả cánh tay má cũng không còn trụ nổi dùm đôi chân. Mỗi lần má đi là đau đớn và rất mệt do cố hết sức để đứng được và lê bước. Dù ra tới nhà vệ sinh chỉ cỡ năm bước chân người bình thường. Thế nhưng với má thì phải nhích rất lâu.

Rồi tới thời gian sau má chỉ bước ra khỏi giường tới ngay cánh cửa phòng, ngồi ghế đai tôi để sẵn nơi đó cho má khỏi đi đâu xa. Tôi tắm gội má tại ngay cửa phòng. Nhờ còn lót gạch tàu từ xưa đến nay, mà tôi xối nước bao nhiêu cũng rút hết. Những miếng gạch tàu đỏ ao lớn hơn cả tuổi đời của tôi.

Mỗi lần gội đầu cho má tôi lại nhớ những khi nhỏ má gội đầu cho tôi. Tuy tôi bảy, tám tuổi rồi nhưng má luôn bắt tôi nằm trên đùi má ẵm ngửa mà gội. Không phải mình tôi với em tôi mà các cháu ngoại đứa nào về ngoại nuôi má đều gội đầu như vậy cả.

Cầm cánh tay má kỳ cọ xuống bàn tay, chạm vào làn da nhăn nhúm nhão nhẹt. Tôi lại nhớ đôi tay nầy ngày xưa từng làm lụng nhanh nhẹn, tháo vát biết bao nhiêu. Đôi tay má thường tắm cho tôi lúc xưa cũng hay kỳ cánh tay tôi. Cánh tay nhỏ xíu mà bữa nào cũng chơi giỡn đầy hồm hố.

Khi gội đầu má xong thì phải lau thật kỹ, sau đó chờ má vô phòng ngồi ngay ngắn mới chải đầu cho má. Mỗi lượt chải đầu, tôi lại nhớ như in những lần má tắm tôi xong. Dắt tôi vô phòng thay đồ và công đoạn cuối cùng là chải đầu cho tôi. Tay má nâng cái cằm tôi lên chải tóc bảy ba.

Tôi cũng chải đầu cho má, cũng nâng nhẹ cằm má để mặt má ngước lên xíu. Tôi thường cười nói má: “Con nhớ hồi nhỏ má tắm gội con, giờ con làm y chang luôn á.” Má tôi cũng cười nói: “Bởi vậy nên người ta nói già trẻ bằng nhau đó.”

Má tôi là người phụ nữ kỹ tính. Nhà cửa lúc nào cũng phải gọn gàng ngăn nắp. Khi căn phòng má càng ngày chất càng nhiều vật dụng, càng bừa bộn là lúc má tôi già yếu nhiều hơn. Má chất những vật dụng hay dùng ngay gần tầm tay từ cái ly, cái muỗng chai dầu, cái khăn, cái lược…Tất cả vật dụng trong căn phòng má tôi đều thuộc lòng chúng phải ở đâu. Mỗi lần thay ga gối, tôi phải nhớ để lại đúng vị trí của mỗi thứ. Dù tính má gọn gàng, nhưng má cũng bất lực với chân cẳng yếu ớt, đôi tay run rẩy và cái bụng nặng nề nên má chấp nhận bừa bộn vậy thôi.

Căn phòng càng ngày càng thường xuyên nghe khai mùi nước tiểu. Má tiểu dính tấm khăn trải giường, dính thành bô, dính miếng gạch… nhưng má không nghe hôi chắc có lẽ vì quen hơi mình. Chỉ có tôi là thính mũi. Nghe có mùi bốc lên là tôi đi tìm chỗ nào khai để lau chùi, thay tấm bọc giường, gối.

Có nhiều khi má hỏi han những chuyện hàng xóm như quán con Hà có đông khách không? Cô Hai Tân về chừng nào đi? Tôi luôn khuyên má đừng quan tâm chuyện thiên hạ má ơi. Má chỉ cần biết con má khỏe không, cháu má học có giỏi không, có ngoan không vậy thôi. Để tâm hồn má an nhiên không vướng bận chuyện gì, mà nhiếp tâm niệm Phật.

Đã ngộ trần gian là cõi tạm, nhưng mình cũng không ngăn được những hỷ nộ ái ố trong đời. Đã biết má chỉ sống tạm trong căn nhà này, chính xác hơn là trong căn phòng này. Vậy mà khi má ra đi tôi vẫn nghẹn ngào.

Đêm…

Những hôm ngủ một mình trong căn nhà từng có má, tôi lên phòng má thắp đèn sáng choang. Nhìn khung cửa sổ sáng đèn. Tôi lại đánh lừa mình bằng cảm giác má vẫn ngủ trên kia.

Trong căn phòng trống kia, tôi là người được hạnh phúc ở gần má nhiều nhất từ lúc thơ bé cho tới tận bây giờ. Tôi cũng là người má hay tâm sự nhiều nhất, là đứa con má nuôi cực nhất vì bệnh hoan triền miên, cũng là đứa con má thương nhất vì từ nhỏ thiệt thòi ốm yếu và không được đẹp đẽ như các chị.

Trong căn phòng nầy, tôi đã ôm má tôi chụp hình rất nhiều, đã hôn má rất nhiều lần vì hôn má luôn cả phần các chị gửi hôn má, khi mấy chị em trò chuyện online với má.

Cũng trong căn phòng nầy, tôi đút cho má ăn ngon lành nửa trái bơ hòa miếng sữa và nước đá. Tôi hỏi má ngon không má nói ngon. Tôi có ngờ đâu đó là lần chăm má sau cùng. Trong căn phòng nầy, một ngày Rằm Tháng Tư, chị em tôi bàng hoàng nhìn má đã ra đi an nhiên trong giấc miên trường. Chúng tôi nuốt lệ vào lòng hộ niệm tiễn người ra đi.

Từ bây giờ, căn phòng má sẽ trống vắng quạnh không. Vẫn là căn phòng má đó, cảnh cũ nhưng người đã không còn.

Má ơi, con nhớ má nhiều lắm!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *