Cây Đuôi Công – Calathea

Calathea là một phần của họ thực vật lâu năm – họ Dong (Marantaceae), thuộc chi thực vật thân thảo, có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Châu Mỹ và Châu Phi.

Chúng nổi tiếng với những chiếc lá rộng, xanh tốt, nhiều màu sắc. Tán lá rộng có thể dễ dàng hấp thụ ánh sáng hơn nên Calathea đặc biệt thích nghi với những khu vực có ánh sáng yếu. Trong tự nhiên, chúng được tìm thấy dưới gốc cây và tầng thấp ở rừng rậm.

Hình ảnh: Cây Đuôi Công – Calathea được trồng tại vườn KANSO Plant

Ở vùng nhiệt đới (chủ yếu là Brazil), lá calathea nhiều màu sắc được sử dụng để làm đồ thủ công và gói thực phẩm. Vì hình dạng lá đa dạng nên giỏ được đan bằng lá hình mác, còn thức ăn được gói bằng lá rộng hơn. Nhiều loài phổ biến làm cây trồng trong nhà do lá của chúng có đường nét mềm mại, họa tiết độc đáo và nhiều màu sắc thu hút. Ngoài ra, Calathea còn có đặc tính thanh lọc không khí và rất thân thiện với vật nuôi, khiến chúng trở thành lựa chọn tuyệt vời cho bất kỳ không gian nào.

Các loài Calathea phổ biến

Trước đây, Calathea có đến hơn 250 loài. Để việc phân loại và gọi tên trở nên dễ dàng hơn, các nhà thực vật học đã tách 200 loài trong số đó sang một chi khác, đặt tên là Goeppertia, số còn lại vẫn thuộc Calathea. Cho đến hiện tại, Calathea có khoảng 60 loài nhưng phổ biến nhất chỉ có 7 loài.

Calathea Makoyana – Cây Đuôi Công Khổng Tước

Calathea Makoyana vừa là tên thường gọi, vừa là tên danh pháp khoa học. Ngoài ra, chúng còn có tên tiếng Anh là Peacock Plant. Còn ở Việt Nam, chúng được gọi là cây Đuôi Công Khổng Tước.

Đây là giống cây phổ biến nhất của chi Calathea. Tên gọi Đuôi Công Makoyana cũng xuất phát từ hoạ tiết nổi bật trông như lông đuôi chim công. Loài cây này còn có một cái tên hoa mỹ hơn là cây Cửa Sổ Thánh Đường, chúng được gọi như thế vì hoa văn trên lá đối xứng nhau. Tán lá thuôn dài nhạt màu trong khi màu sắc của vân lá lại đậm và hiện lên sắc nét từng vệt, cũng có khi những vân lá này là màu kem nhưng dù thế nào thì trông chúng cũng rất bắt mắt. Mặt dưới của lá có màu đỏ tía, tạo điểm nhấn đa dạng với các mảng màu sắc khác nhau. Nguồn gốc của loài cây này là từ những vùng phía Đông Brazil, Trung và Nam Mỹ. Nếu chăm sóc đúng cách thì tán lá sẽ rất bóng bẩy và thân cao hơn nửa mét. Chúng có thể nở ra những cụm hoa tím và trắng ngà, nhưng rất nhỏ và không được ứng dụng nhiều trong trang trí nội thất.

Hình ảnh: Cây Đuôi Công Makoyana – Calathea – KANSO Plant

Calathea Orbifolia – Cây Đuôi Công Táo Xanh

Calathea Orbifolia là tên danh pháp khoa học. Ở nước ngoài, người ta thường biết đến loại cây này với cái tên Round-leaved Calathea hơn, còn ở tiếng Việt, chúng được gọi là cây Đuôi Công Táo Xanh. Tuy nhiên, nhiều loài trong chi Calathea đã được phân loại lại vào cuối thế kỷ 20. Calathea orbifolia hiện được phân loại là Goeppertia orbifolia. Dù vậy, phân loại ban đầu vẫn là tên phổ biến nhất của cây và được sử dụng rộng rãi. Loài này được mô tả khoa học đầu tiên năm 1982. Được tìm thấy lần đầu tại Bolivia, do đó cây ưa khí hậu nhiệt đới ẩm ướt mô phỏng các khu rừng nhiệt đới ở Nam Mỹ.

Hình ảnh: Cây Đuôi Công Táo Xanh – Calathea – KANSO Plant

Đuôi công táo xanh mang một vẻ đẹp nhiệt đới với các gân sọc hiện lên rõ rệt trên nền lá thuôn dài xanh tươi, bóng mượt. Dáng lá to rộng, xum xuê và khá tròn đều tựa như những trái táo xanh vừa chín mọng. Lá của chúng không chỉ có màu xanh tươi, tùy điều kiện ánh sáng mà nền lá sẽ xuất hiện thêm vài đường gân màu xanh rêu, nằm đối xứng nhau. Phần thân có thể cao gần 1 mét nếu được nuôi trồng trong điều kiện khí hậu tự nhiên ngoài trời. Tuy nhiên, sau khi trải qua nhiều lần nhân giống, thân của Cây Đuôi Công Táo Xanh hiếm khi phát triển đến độ cao ấy, thay vào đó, chúng thường cao khoảng 30cm trong điều kiện nuôi trồng với mục đích làm cây nội thất.

Calathea Ornata – Cây Đuôi Công Ornata

Giống cây không có nhiều sự thay đổi trong cách gọi, dù là tên danh pháp khoa học hay tên thường dùng thì chúng vẫn là Calathea Ornata. Kể cả khi được Việt hóa, tên của chúng chỉ thay đổi một chút, là cây Đuôi Công Ornata. Ngoài ra, chúng còn có tên gọi khác là Calathea Pinstripe hay Pinstripe Plant. Loài này đã được mô tả khoa học đầu tiên vào năm 1858.

Hình ảnh: Cây Đuôi Công Ornata – Calathea Ornata – KANSO Plant

Chúng khoác lên mình một màu áo quyền quý với các đường gân tím than trên nền lá xanh rêu, Các sọc màu sẽ chuyển dần sang màu trắng kem khi lá già đi, còn mặt dưới của chúng màu đỏ rượu vang. Từ “ornata” trong tên gọi của loài cây này xuất phát từ Roma, mang ý nghĩa là nổi bật, vinh dự và công phu. Chính vì thế mà chúng có ý nghĩa trang trí vô cùng nhiều. Nguồn gốc của cây Đuôi Công Ornata là từ Nam Mỹ, tập trung nhiều tại quốc gia Colombia và Venezuela. Ở đây, chúng phát triển trong rừng, đất rừng và vùng cây bụi như một phần của bụi rậm. Ngoài ra còn nằm rải rác tại những vùng ôn đới khác trên khắp thế giới. Chúng tương đối nhỏ gọn và hiếm khi phát triển đến 1 mét.

Calathea Dottie – cây Đuôi Công Dottie

Calathea Dottie có tên danh pháp khoa học là Calathea Roseopicta Dottie và tên tiếng Việt là cây Đuôi Công Dottie.

Đây là một giống cây dễ nuôi nhưng khó tìm. Chúng có nguồn gốc từ rừng mưa nhiệt đới tại Brazil và người đã thành công lai giống cây này là Anne E. Lamb vào năm 1998, bà đã sử dụng phương pháp nuôi cấy mô có nguồn gốc từ Calathea Rosea Picta. Tán lá của chúng có màu đen ánh xanh trong khi gân lá màu hồng nóng, mặt dưới của lá có màu hồng phớt nhưng sẽ đậm dần khi cây trưởng thành. Dáng lá tròn tròn và thuôn dần, do đặc điểm gân lá nổi lên rõ rệt nên mép lá của chúng sẽ không đều mà hơi lượn sóng. Họa tiết này tạo nên hiệu ứng thị giác ấn tượng, tựa như lá nằm trong lá. Khi trưởng thành, mật độ lá sẽ khá dày, nằm xếp lên nhau và tỏa ra rất đều.

Hình ảnh: Cây Đuôi Công Dottie – Calathea Dottie – KANSO Plant

Calathea Pink Star – Cây Công Hồng Sao

Một giống cây mà tên gọi của chúng rất dễ nhớ, Calathea Pink Star, tên danh pháp khoa học cũng là tên này. Còn tên Việt hóa thì vô cùng đơn giản, là cây Đuôi Công Hồng Sao. Đuôi công Hồng Sao là một trong những Calatheas đã được phân loại lại thành chi Goeppertia, vì vậy cũng có thể thấy loại cây này được gọi là Pink Star Goeppertia.

Khác với các anh em cùng họ, đa số các loài Calathea đều được tìm thấy tại các khu vực Nam Mỹ, thì loài cây này lại được phát hiện lần đầu tiên ở Châu Âu. Lá của chúng có màu cẩm hường trong khi viền lá lại khá dày và màu đen ánh xanh. Chúng có thể giữ được màu hồng trên lá lâu hơn nhiều loài cây khác mà không bị phai sang màu xám bạc, đặc biệt là khi được nuôi trồng dưới điều kiện ánh sáng chói. Tán lá của chúng có kích thước vừa phải nhưng lại trông khá rộng so với phần thân vì thân cây tương đôi thấp, chỉ chưa đến 50cm khi đã trưởng thành.

Hình ảnh: Cây Đuôi Công Hồng Sao – Calathea Pink Star – KANSO Plant

Calathea Freddie – Cây Đuôi Công Freddie

Tên cũ của loài cây này là Calathea Concinna Freddie. Nhưng để cách gọi trở nên ngắn gọn hơn, người ta dành tên kia làm tên danh pháp khoa học, còn thường ngày chỉ gọi chúng là Calathea Freddie, hay trong tiếng Việt là cây Đuôi Công Freddie.

Chúng có khả năng thay đổi màu sắc theo thời gian. Khi cây chưa trưởng thành, nó mang một màu đỏ tươi rực rỡ nhưng càng trưởng thành sẽ càng ngả tím, sắc độ đậm nhạt của màu tím sẽ tùy thuộc vào lượng ánh sáng mà cây nhận được. Cũng như đa số các giống cây Calathea khác, Brazil là nơi cây Đuôi Công Freddie được tìm thấy, cụ thể là rừng Amazon, hiện nay thì loài cây này đã được nuôi trồng phổ biến tại những vùng ôn đới như Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Điểm khác biệt là chúng sở hữu những tán lá rộng, thuôn dài hơn các anh em cùng chi, những tán lá rộng này còn có chức năng giúp cây giữ ẩm lâu nên cách chăm sóc cây cũng tương đối đơn giản.

Hình ảnh: Cây Đuôi Công Freddie – Calathea Freddie – KANSO Plant

Calathea Network – Cây Đuôi Công Kẻ Ô

Calathea Network có tên danh pháp khoa học là Goeppertia Kegeljanii Network và tên tiếng Việt là cây Đuôi Công Kẻ Ô.

Khi nó lần đầu tiên được xác định trong các khu rừng nhiệt đới ở Brazil vào năm 1875, nó được gọi là Maranta bella. Sau này nó được đặt tên là Calathea musaica vì những chiếc lá có hoa văn giống như khảm (mosaic). Khoảng vào năm 2009, giống cây này được cấp độc quyền nhân giống ở Bắc Mỹ và lấy tên gọi Calathea Network được sử dụng phổ biến cho đến hiện tại . Và thật ra chúng đã được phân loại lại vào chi Goeppertia, nhưng nhiều người đã quen với tên gọi cũ nên loài cây này vẫn được biết đến phổ biến là thuộc chi Calathea. Tán lá của chúng màu xanh mướt, tô điểm lên đó với những vệt màu hình mũi mác xanh đậm hoặc vàng neon, tạo thành họa tiết gần giống như một mạng lưới kỹ thuật số. Họa tiết độc đáo này sẽ càng nổi bật hơn nếu để ánh sáng tự nhiên chiếu lên nó. Dáng lá thuôn dài bóng mượt và mép lá hơi cụp lại nên dáng vẻ của chúng được xem là khá mềm mại. Loài cây này có thể cao hơn nửa mét nếu được nuôi trồng đúng cách.

Hình ảnh: Cây Đuôi Công Kẻ Ô – Calathea Network – KANSO Plant

Calathea Rattlesnake – Cây Rắn Đuôi Chuông

Cây rắn đuôi chuông có tên khoa học là Calathea Lancifolia, tên tiếng Anh thông dụng là Calathea Rattlesnake hay Rattlesnake Plant. Ngoài ra, khi được trồng ở vườn ươm chúng còn có tên thương mại là Calathea insignis, đây cũng là tên khoa học trước đây của chúng.

Calathea Rattlesnake có nguồn gốc từ các khu rừng nhiệt đới bang Rio de Janeiro Brazil. Loại cây nhiệt đới tuyệt đẹp này phát triển mạnh ở vùng khí hậu ẩm ướt, ấm áp, bán râm mát. Nếu điều kiện thích hợp, chúng cũng có thể ra hoa màu vàng cam rực rỡ vào cuối mùa xuân và đầu mùa hè. Tuy nhiên, chúng rất hiếm nở hoa khi được trồng trong nhà. Giống như các loại cây Calathea khác, nó được đặt tên như vậy vì những chiếc lá đặc trưng và thú vị: hình rắn chuông lượn sóng, mặt dưới màu đỏ tía đậm đối lập mặt trên có nhiều đốm hoa văn màu xanh đậm rực rỡ.

Calathea Vittata – Cây Đuôi Công Sọc Xanh

Tên khoa học là Calathea Elliptica Vittata hay Goeppertia Elliptica Vittata, tên tiếng Anh là Calathea Vittata. Ở Việt Nam, chúng thường được biết đến với tên gọi cây Đuôi Công Sọc Xanh gắn với hình ảnh những chiếc lá với gân lá sọc trắng kem nổi bật trên nền xanh mướt.

Có nguồn gốc từ Nam Mỹ và Brazil, loài cây này phát triển mạnh trong những khu rừng nhiệt đới tươi tốt dưới tán cây và cũng được coi là một trong những loại cây Calathea hiếm. Ngoại hình gân ấn tượng với lá thuôn dài, họa tiết sọc trên lá tinh tế như được vẽ nên.

Hình ảnh: Cây Đuôi Công Sọc Xanh – Calathea Vitta – KANSO Plant

Hướng dẫn chăm sóc Calathea

Ánh sáng

Mặc dù là một loài cây nhiệt đới nhưng Calathea thích bóng râm hơn. Chúng quen với việc phát triển dưới tán cây lớn trên nền rừng do đó đã thích nghi với những tia nắng ngắn, ánh sáng trực tiếp có thể khiến lá của chúng bị cháy hoặc mờ hoa văn. Các loài cây Calathea thường gấp lá lại vào ban đêm rồi bung rộng hơn vào buổi sáng, đó là cách chúng tối đa hóa khả năng hấp thụ ánh nắng mặt trời của mình.

Hình ảnh: Cây Calathea ưa bóng râm hơn

Đất trồng

Calathea ưa đất mùn hoặc đất giàu chất hữu cơ nhưng vẫn có khả năng thoát nước tốt. Độ pH của đất hơi chua hoặc trung tính là lí tưởng nhất. Hầu hết hỗn hợp đất trồng từ xơ dừa hoặc than bùn đều phù hợp nhưng hãy đảm bảo rằng chúng không chưa các tinh thể giữ nước.

Tưới nước

Hãy đảm bảo rằng cây luôn trong trạng thái ẩm ướt nhưng không được sũng nước. Calathea thích nước nhưng không thích bị ngập úng. Vì vậy, chú ý nền đất trên cùng trong chậu cây và tưới nước ngay lập tức khi đã khô lại. Loại nước để tưới cho cây cũng cần được lưu ý. Tốt nhất là nên tưới cây bằng nước lọc hoặc nước cất vì nước máy có thể chứa các khoáng chất gây hại cho cây.

Nhiệt độ

Calathea sẽ lớn rất nhanh nếu được giữ trong điều kiện nhiệt độ từ 22°C đến 30°C. Chúng vẫn có thể sống tương đối ổn nếu nhiệt độ tăng lên 35°C nhưng không thể cao hơn. Nhiệt độ tại nơi trồng cây phải ổn định, sự dao động nhiệt độ có thể gây ức chế sự phát triển của cây hoặc làm hỏng lá. Thông thường, nhiệt độ tại vườn trồng đều tương đối ổn định và tương đồng với điều kiện sống tự nhiên của từng loại cây do thiết kế vườn ươm tối ưu hóa. Để đảm bảo chất lượng trước khi lên kệ, cây cần được dưỡng ổn định thích nghi khi thay đổi môi trường từ vườn sang môi trường trong nhà.

Độ ẩm

Calathea thích độ ẩm từ 50% trở lên, độ ẩm thấp hơn mức này sẽ khiến các tán lá của chúng có thể bị quăn lại và ngả nâu. Hãy tăng độ ẩm xung quanh nơi trồng cây hoặc đặt chúng vào hồ cạn. Nếu trồng ngoài trời, bạn cần chú ý tưới nước thường xuyên, thậm chí tưới cả mặt dưới của lá để giúp ngăn chặn sâu bệnh.

Hình ảnh: Lượng nước, nhiệt độ và độ ẩm là những yếu tố ảnh hưởng đến lá Calathea

Độc tính

Theo hiệp hội ASPCA, tất cả các loài thuộc chi Calathea đều không độc hại đối với vật nuôi và con người. Riêng đối với mèo, loài cây này có thể gây ra một vài vấn đề nhỏ ở dạ dày như đau bụng và chướng bụng.

Bón phân

Để có một chậu cây khỏe mạnh, tươi tốt, hãy bón phân cho Calathea mỗi tháng một lần bằng phân bón dạng lỏng vào thời tiếp ấm áp hay vào mùa nắng nóng. Khi thời tiết cuối năm bắt đầu lạnh dần hoặc vào mùa mưa, nên ngừng bón phân cho cây vì thời gian này là lúc chúng ngủ đông, phân bón không được tiêu thụ dẫn đến tích tụ gây ảnh hưởng xấu đến cây.

Những vấn đề thường gặp với Calathea

Viền lá chuyển nâu

Nếu bạn nhận thấy phần viền lá của Calathea chuyển sang màu nâu hoặc khô héo, đó là dấu hiệu của việc cây đang thiếu nước và bạn phải tăng cường tần suất tưới nước cho chúng. Do đặc tính ưa ẩm, hãy chạm tay vào phần đất thường xuyên để biết khi nào cây cần tưới nước.

Vàng lá

Tuy thích nước nhưng không phải nước nào tưới vào thì Calathea cũng sẽ “đón nhận”. Chúng nhạy cảm với vài khoáng chất thường có trong các loại nước máy, đó cũng là nguyên nhân khiến lá của chúng trở nên úa vàng. Để khắc phục tình trạng này, hãy dùng nước lọc và nước mưa để tưới cho chúng. Hoặc bạn có thể để nước máy vào một chiếc chậu trong 24h trước khi tưới, trong thời gian này các khoáng chất và flo sẽ bay hơi.

Hình ảnh: Cần chú ý đến biểu hiện của lá Calathea để điều chỉnh quy trình chăm sóc sao cho phù hợp

Côn trùng

Vì đặc tính ưa ẩm nên chúng cũng dễ bị côn trùng gặm nhấm. Nhưng điều này lại không mấy ảnh hưởng đến sức khỏe của cây, việc bị côn trùng gặm nhấm chỉ ảnh hướng đến vấn đề thẩm mỹ. Bạn có thể khắc phục bằng cách dùng dầu lá neem lau lên những tán lá.

Cây Cầu Nguyện có thuộc Calathea?

Vài loại Calathea được gọi là cây Cầu Nguyện nhưng phần lớn những cây còn lại thì không. Chúng chỉ thuộc một phần của họ cây Cầu nguyện – Marantaceae. Danh xưng cây Cầu Nguyện bắt nguồn từ chuyển động hàng ngày của lá cây, được gọi là nyctinasty (tính ứng động ban đêm). Nhiều loài thực vật trong họ này cụp lá vào ban đêm và mở lại bình thường vào ban ngày theo nhịp sinh học được chính chúng thiết lập dựa trên khả năng phát hiện được ánh sáng đỏ và ánh sáng đỏ xa nhờ Phytochrome trong tế bào (một sắc tố xanh lam liên quan đến sự hấp thụ ánh sáng giúp điều chỉnh các loại sinh trưởng và phát triển khác nhau). Chúng di chuyển lá bằng cách thay đổi áp suất nước trong pulvinus (những vùng phồng căng tại gốc cuống lá gọi là thể gối, hình thành từ một mô linh hoạt cho phép lá cử động). Chu trình này giúp Calathea tối đa hóa sự hấp thụ ánh sáng. Sự thật là giống cây mà mọi người nghĩ khi nghe đến cây Cầu Nguyện là Maranta Leuconeura, lá của nó gấp vào khi đêm xuống, chắp lại giống như bàn tay đang cầu nguyện, và mở phẳng ra khi được tia nắng mặt trời chiếu vào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *