Ớt ngọt hay còn có tên gọi khác là ớt chuông. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ớt ngọt không quá phức tạp song đòi hỏi bà con phải tìm hiểu một cách chi tiết, chăm sóc đúng cách, đúng kỹ thuật đảm bảo cây trồng có được điều kiện phát triển tốt, lớn lên khỏe mạnh cho năng suất cao. Sau đây là kỹ thuật trồng và chăm sóc ớt ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.
1. Thời vụ:
Ớt ngọt ưa nhiệt độ ôn hoà, hơi lạnh do đó thời vụ trồng ớt ngọt tốt nhất vào vụ đông xuân, trồng vào vụ xuân hè thường bị thối quả và rám quả, ớt ngọt là cây ưa ẩm, khô hạn thường là héo và rụng hoa. Tuy nhiên nếu có giống tốt, thích hợp với điều kiện vụ hè và khắc phục được nhiệt độ cao có thể trồng ớt ở 2 thời vụ chính: Vụ đông xuân (gieo vào tháng 8- 9, thu hoạch vào tháng 1- 2), vụ xuân hè gieo vào tháng 12, thu hoạch vào tháng 3- 4.
2. Chuẩn bị vườn ươm:
– Xử lý hạt giống: Trọng lượng 1000 hạt khoảng 4,5 g, trong 1 gram hạt ớt chứa khoảng 220 hạt. Cần 400- 600 hạt giống cho 1 ha sản xuất (tuỳ thuộc vào độ nảy mầm của hạt giống). Để hạn chế bệnh hại sau này, trước khi gieo nên xử lý hạt giống: ngâm trong nước 500C khoảng 30 phút, rửa lại bằng nước lạnh, hong khô hạt. Có thể xử lý hạt với Thiram (20% a.i) WP hoặc Benlate. Trộn 1 gram hạt trong 1 ml hỗn hợp thuốc nước (1 gram thuốc + 400 ml nước). Sau đó có thể ủ hạt cho nứt nanh rồi mới đem gieo, đặc biệt vào thời vụ có nhiệt độ thấp.
– Làm đất: Như đối với các loại rau khác, có thể gieo vãi (trước khi gieo trộng hạt với đất bộ để gieo cho đều) hoặc gieo theo hàng, mỗi m2 đất gieo 0,4- 0,5 gram hạt, một sào cần 4- 5 m2 vườn ươm. Trong trường hợp gieo theo hàng nên gieo với khoảng cách 5- 6 cm (hàng cách hàng). Nếu điều kiện thuận lợi có thể gieo vào khay hoặc trong bầu có kích thước 5 cm đường kính, làm bầu nên chuẩn hỗn hợp đất, mùn, phân hữu cơ hoai mục và trấu, sau khi gieo, phủ trấu hoặc rơm mỏng. Nếu có điều kiện phủ toàn bộ vườn ươm bằng lưới nilon hoặc làm giàn che mưa, nắng.
– Chăm sóc: Thường xuyên tưới giữ ẩm. Khi cây xuất hiện lá thật thứ nhất sau 3- 4 ngày tỉa những cây xấu.
3. Chọn đất:
Đất màu mỡ, cát pha hoặc thịt nhẹ, pH 5,5 – 7, tưới tiêu chủ động vì ớt ngọt ưa ẩm và rất mẫn cảm với khô hạn cũng như quá ẩm.Thông thường người ra tưới cho ớt ngọt 1 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng héo và việc thoát nước phải được làm ngay lập tức sau khi mưa to. Ngoài ra các yêu cầu khác như sản xuất cây con giống như ớt cay.
4. Mật độ và khoảng cách: Vì ớt ngọt có tán nhỏ hơn ớt cay nên có thể lên luông rộng 1,3 – 1,4 m. Sau khi lên luống, trồng 2 hàng trên luống, trồng với khoảng cách 60 x 30 – 35 cm. Mật độ khoảng 35- 40 nghìn cây/ha.
5. Phân bón và cách bón:
Để đảm bảo hàm lượng NO3 tồn dư nhỏ hơn 200 mg/100 gram sản phẩm có thể bón lượng phân như sau:
+ Phân chuồng: 20- 25 tấn đã ủ/ha (8- 9 tạ/sào) hoặc 18- 20 tấn phân gà/ha (7 tạ/sào) không bón phân ngâm tươi.
+ Phân hoá học: 200 kg N; 150 kg P2O5, 150 K2O cho 1 ha. Lượng phân bón nên tuỳ thuộc vào điều kiện, độ màu mỡ của đất, có thể bón 150 kg N; 120 – 150 kg P2O5, 60- 70 K2O (khoảng 12 kg urê/sào, 30 kg super lân, 11 kg Kalisunfat /sao). Cần chú ý bón cân đối các lượng phân hoá học.
Nếu đất chua bón thêm 100 – 110 kg vôi bột/ha (30- 40 kg/sào).
– Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, lân và 1/3 Kali.
– Bón thúc: 1/3 kali và toàn bộ đạm chia vào lúc giai đoạn vun, xới. Bón phân trước khi thu hoạch khoảng 15- 20 ngày.
Trong điều kiện sinh trưởng của cây kém có thể bổ sung phân bón lá tổng hợp, phun vào giai đoạn cây đang ra hoa.
6. Trồng:
Trồng khi cây có 4- 5 lá thật (4- 5 tuần sau khi gieo) ớt ngọt rất nhanh có hoá, ở một số cây ra hoa ở giai đoạn 6- 7 lá thật, nếu để cây con quá già sẽ ảnh hưởng đến năng suất sau này.
7. Chăm sóc:
– Che phủ: Có điều kiện che phủ nilon trước khi trồng hoặc phủ rơm sau trồng.
– Tưới nước: Sau khi trồng phải tưới cho ớt hàng ngày cho đến khi cây hồi xanh, ở giai đoạn sinh trưởng sau nên thường xuyên tưới giữ ẩm cho cây trong xuốt thời gian sinh trưởng. Dùng nước tưới ở các giếng khoan hoặc các sông ngòi không có chất phế thải của thành phố, khu công nghiệp hoặc nghĩa trang, bệnh viện. Có thể tưới rãnh khi cây đã ra hoa, độ ẩm thích hợp trong suốt thời kỳ sinh trưởng của ớt là 75- 80%. Chú ý không để ruộng ớt quá ướt sẽ tăng tỷ lệ bệnh héo xanh vi khuẩn.
– Tỉa cành: ở những giống có nhiều cành thì tỉa bớt chỉ để 3- 4cành.Thường xuyên tỉa bỏ lá già.
– Làm cỏ, xới xáo, phun gốc: Nên là cỏ 3 lần kết hợp với bón phân và vun gốc:
+ Lần 1 sau khi trồng 10 -12 ngày.
+ Lần 2 sau lần 1 tà 12- 15 ngày.
+ Lần 3 sau lần 2 khoảng 20 ngày.
Trong điều kiện thuận lợi có thể bổ xung lần 4 khi cây đã cho thu hoạch lứa thứa nhất, nhưng chú ý không bón nhiều đạm trước khi thu quả sẽ dẫn đến hiện tượng tích luỹ N03 trong quả.
8. Thu hoạch:
Ớt ngọt thường được sử dụng khi quả còn xanh, nếu quả chuyển sang màu đỏ thì sẽ giảm giá trị thương phẩm. Xác định thời gian thu hoạch đối với ớt ngọt rất quan trọng vì thu quá non thì thịt quả mỏng, không ngon và làm giảm năng suất, thu già cũng kém chất lượng và không phù hợp với thị hiếu khách hàng. Theo kinh nghiệm thì nhìn thấy vỏ quả trở nên bóng, ấn vào quả thấy cứng tay nghe có tiếng “pop” là đạt kích thước tối đan có thể thu hoạch (trừ trường hợp sản xuất giống phải thu quả chín đỏ).
Đinh Thị Trang – Phòng Nghiệp vụ kỹ thuật