Chỉ tự tiêu là gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Lê Thanh Tuấn – Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong khám, điều trị, phẫu thuật các bệnh lý ổ bụng.

1. Chỉ tự tiêu là gì?

Các loại chỉ khâu dùng trong y khoa có vai trò là đóng kín miệng vết thương hay vết mổ phẫu thuật. Chúng được phân loại theo nhiều cách, dựa trên cấu trúc sợi chỉ, thành phần, vật liệu,…; trong đó, phân loại phổ biến nhất là chỉ tự tiêuchỉ không tiêu.

Trái ngược với chỉ không tiêu, chỉ tự tiêu có một đặc điểm nổi bật là sẽ được các enzyme trong tổ chức mô của cơ thể phân giải một cách tự nhiên sau một khoảng thời gian nhất định, khi vết thương đã tương đối ổn định. Theo đó, người bệnh không cần phải hẹn tái khám cắt chỉ. Đây là ưu điểm khiến cho chỉ tự tiêu được chọn lựa sử dụng khá rộng rãi.

Về vật liệu, chỉ tự tiêu là một loại chỉ khâu mà các nhà sản xuất thực hiện bằng cách sử dụng các vật liệu đặc biệt, chẳng hạn như protein có nguồn gốc từ động vật hoặc polymer tổng hợp mà các men sinh lý trong cơ thể có thể phá vỡ chúng và hấp thụ. Cụ thể là chỉ tự tiêu được sản xuất từ các vật liệu chủ yếu sau đây:

  • Simple catgut: Đây là vật liệu hoàn toàn từ tự nhiên, điều chế từ các chất collagen trong ruột và huyết thanh của động vật. Chỉ thường trình bày dưới dạng đơn sợi và được sử dụng để sửa chữa các vết thương, vết rách nằm sâu bên trong mô mềm, nhất là các loại phẫu thuật trong phụ khoa. Tuy nhiên, loại chỉ này không được sử dụng trong phẫu thuật tim mạch hoặc thần kinh. Nếu cơ thể có phản ứng mạnh với chỉ khâu simple catgut thì bề mặt vết thương sẽ có nguy cơ để lại sẹo.
  • Polydioxanone (PDS): Đây cũng là chỉ khâu đơn sợi nhưng có vật liệu tổng hợp. Ứng dụng của chúng cũng dùng trong các dạng vết thương mô mềm như đóng từng tầng của thành bụng. Ngoài ra, không như chỉ simple catgut, chỉ khâu polydioxanone lại có thể dùng trong các phẫu thuật tim ở bệnh nhi.
  • Poliglecaprone (MONOCRYL): Tương tự như chỉ khâu polydioxanone, đây cũng là chỉ khâu đơn sợi tổng hợp và sử dụng trong các sửa chữa mô mềm nói chung nhưng không nên được sử dụng cho các thủ tục tim mạch hoặc thần kinh. Tuy nhiên, vết thương có chỉ định dùng loại chỉ này thường là vết thương, vết mổ ngoài da, không dùng trong phẫu thuật tim mạch hoặc thần kinh.
  • Polyglactin (Vicryl): Đây cũng là chỉ khâu tổng hợp, dùng để khép miệng các vết rách ở tay hoặc trên mặt, không dùng trong phẫu thuật tim mạch hoặc thần kinh.

2. Chỉ tự tiêu được sử dụng khi nào?

Các bác sĩ chọn cách đóng vết thương bằng loại chỉ gì, kỹ thuật khâu như thế nào là tùy thuộc vào kích thước, độ sâu, vị trí và loại vết thương cũng như chuyên môn và kinh nghiệm thực hành của bản thân từng người.

Đối với các vết thương bên ngoài da, loại chỉ khâu không tiêu thường được chọn lựa hơn vì độ bền chắc của chúng. Ngược lại, chỉ khâu tự tiêu sẽ ưu thế hơn trên vết thương nằm sâu hơn hoặc vết mổ phẫu thuật. Vì khi cần để đóng vết thương ở vị trí sâu, bác sĩ cần khâu nhiều lớp mô lại với nhau bằng các mũi khâu có thể hòa tan mà sau đó không cần phải cắt chỉ.

Ngoài ra, nếu các vết thương trên da có độ căng, khả năng kéo lệch không nhiều, chỉ tự tiêu vẫn có thể được lựa chọn nhằm giúp các bác sĩ dễ dàng thao tác phù hợp với hình dạng của vết thương hơn, giúp giảm nguy cơ vết thương cần phải mở lại và khả năng để lại sẹo thấp hơn.

Như vậy, chỉ tự tiêu thường được sử dụng trong các trường hợp như sau:

  • Phẫu thuật răng miệng, chẳng hạn như nhổ răng khôn.
  • Khâu rách cơ bắp và các mô liên kết.
  • Ghép da.
  • Một số loại phẫu thuật tại ổ bụng, bao gồm cả sinh mổ bắt con.
  • Khâu cắt âm đạotầng sinh môn do chuyển dạ sinh con ngã âm đạo.

3. Chỉ tự tiêu sẽ bị tiêu hủy sau bao lâu?

Khoảng thời gian cần thiết để tổ chức mô của cơ thể hấp thụ các mũi khâu bằng chỉ tự tiêu sẽ phụ thuộc vào chất liệu của từng loại chỉ. Chính vì thế, các bác sĩ sẽ xem xét vào các đặc điểm của vết thương và vị trí trên cơ thể để chọn vật liệu thích hợp cho loại chỉ tự tiêu cần dùng.

Ví dụ, khi một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình muốn đóng vết mổ sau khi thay khớp, họ sẽ chọn loại chỉ tự tiêu chỉ bắt đầu tan đi sau vài tháng. Trái lại, sau khi sinh mổ, bác sĩ có thể chọn các mũi khâu tự tiêu sẽ hòa tan trong vòng vài tuần.

4. Cách vệ sinh khi có vết thương khâu chỉ tự tiêu

Người bệnh cần phải làm theo hướng dẫn chăm sóc của bác sĩ sau khi vết thương được đóng bằng các mũi khâu tự tiêu. Trong phần lớn các trường hợp, bệnh nhân có thể bắt đầu tắm rửa và vệ sinh cơ thể một cách nhẹ nhàng từ lúc 24 giờ sau khi đóng vết thương. Mặc dù vậy, việc ngâm mình trong bồn tắm trong một thời gian nhất định vẫn là điều cần tránh tại thời điểm này.

Cách chăm sóc vết thương khâu bằng chỉ tự tiêu như sau:

  • Thay băng đúng cách, giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Vệ sinh, tắm rửa theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Vỗ nhẹ vào vùng vết thương cho mau khô sau khi tắm.
  • Cố gắng giữ cho khu vực vết thương luôn được sạch sẽ, khô ráo.
  • Không tự ý dùng băng, gạc không rõ nguồn gốc che đắp lên vết thương mà không có chỉ định của bác sĩ .
  • Tránh sử dụng xà phòng trực tiếp lên vết thương.
  • Không tắm bồn hoặc bơi lội cho đến khi vết thương lành hẳn.
  • Tránh các hoạt động mạnh có thể làm căng dãn, co kéo vết thương.
  • Mặc quần áo vừa vặn, thoáng mát quanh khu vực vết thương.
  • Luôn rửa tay kỹ lưỡng trước khi chạm vào vết thương hoặc khi thay băng.

5. Chỉ tự tiêu có cần cắt không?

Đúng như tên gọi, chỉ tự tiêu có thể biến mất một cách tự nhiên mà không cần can thiệp gì. Như vậy, không nên cố gắng loại bỏ bất kỳ mũi khâu nào mà không có sự chấp thuận của bác sĩ. Tuy nhiên, nhìn chung, cũng không cần phải cắt chỉ trước thời hạn để đảm bảo sự trọn vẹn khi lành vết thương.

Điều cần làm chỉ là theo dõi và chăm sóc vết thương theo các hướng dẫn bên trên, nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng nhiễm trùng vết thương. Theo đó, cần giữ cho vết thương luôn sạch sẽ và khô ráo; đồng thời, khi có các dấu hiệu và triệu chứng của vết thương bị nhiễm trùng như sau thì cần thăm khám sớm:

  • Vùng da xung quanh vết thương nóng ấm, sưng, đỏ..
  • Cảm giác đau nặng hơn từ khu vực vết thương.
  • Có mùi khó chịu hoặc dịch bất thường chảy ra từ vết thương.
  • Sốt, cảm thấy không khỏe.

Nếu nghi ngờ rằng vết thương đã bị nhiễm trùng, nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt để được chăm sóc tích cực, tránh các biến chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm mô tế bàonhiễm trùng huyết.

Tóm lại, chỉ tự tiêu là loại chỉ làm từ các loại vật liệu mà cơ thể có thể tự phá vỡ và hấp thụ hoàn toàn, không cần phải quay lại bác sĩ để cắt chỉ. Tuy vậy, dù dùng loại chỉ nào, mọi người vẫn cần phải làm theo hướng dẫn chăm sóc của bác sĩ sau khi ra viện, không được tự ý loại bỏ mũi khâu mà không có sự chấp thuận của bác sĩ để đảm bảo vết thương lành tốt và hạn chế nhiễm trùng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com; medicalnewstoday.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *