Đậu nành (Glycine max) là một cây họ đậu có nguồn gốc từ Đông Á. Đây là một loại nguyên liệu quan trọng trong chế độ ăn của người dân châu Á và được sử dụng từ rất lâu. Ngày nay, loại đậu này chủ yếu được trồng ở châu Á, Nam và Bắc Mỹ.
Người châu Á thường dùng cả đậu nành tươi và khô hoặc ươm thành mầm đậu nành để chế biến thực phẩm, trong khi đó các sản phẩm đậu nành đã qua chế biến phổ biến hơn ở nhiều nước phương Tây. Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều sản phẩm khác nhau bao gồm bột đậu nành, protein đậu nành, đậu phụ, sữa đậu nành, nước tương và dầu đậu nành.
Loại đậu này chứa các chất chống oxy hóa và các dưỡng chất từ thực vật có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại về tác dụng phụ tiềm ẩn của loại hạt này.
Thành phần dinh dưỡng của đậu nành
Hạt đậu này rất giàu các hợp chất thực vật có hoạt tính sinh học khác nhau, bao gồm:
• Isoflavone
Đây là hợp chất thuộc họ polyphenol chống oxy hóa, isoflavone có nhiều tác dụng đối với sức khỏe.
Đậu nành chứa lượng isoflavone cao hơn các loại thực phẩm thông thường khác. Isoflavone là một dưỡng chất thực vật độc đáo, có cấu trúc gần giống với nội tiết tố nữ estrogen. Trên thực tế, isoflavone thuộc nhóm phytoestrogen hay còn gọi là estrogen thực vật.
Các loại isoflavone chính có trong đậu nành là genistein (50%), daidzein (40%) và glycitein (10%).
Một số người sở hữu một loại vi khuẩn đường ruột đặc biệt trong cơ thể có thể chuyển đổi daidzein thành solol. Solol được xem là một chất có lợi cho sức khỏe.
Những người có thể tự tạo ra solol được chứng minh rằng sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn từ việc tiêu thụ đậu nành so với những người không thể.
• Axit phytic
Được tìm thấy trong các loại hạt thực vật, axit phytic (phytate) làm giảm sự hấp thụ các khoáng chất như kẽm và sắt. Bạn có thể làm giảm lượng axit phytic trong đậu nành bằng cách đun sôi, chế biến hạt đã nảy mầm hoặc lên men.
• Saponin
Một trong những nhóm hợp chất thực vật chính có trong đậu nành, saponin đã được chứng minh có thể giúp giảm cholesterol ở động vật.