1. Điểm Cực Bắc – Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang
Điểm được check-in nhiều nhất với du khách khi khám phá Cực Bắc Tổ quốc chính là cột cờ Lũng Cú thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) luôn là điểm check-in với nhiều du khách.
Cột cờ Lũng Cú, nơi đánh dấu địa danh địa đầu Tổ quốc nằm trên ngọn núi Rồng. Để đến được với cột cờ Lũng Cú, du khách đi qua Cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ với nhiều khúc cua tay áo. Đường lên cột cờ đã được xây dựng những bậc thang nên dễ dành để lên đây với du khách.
Thời điểm đẹp nhất trong năm để chinh phục Lũng Cú là cuối tháng 9, đầu tháng 10, lúc mùa lúa chín vàng, trời quang mây tạnh, những thửa ruộng bậc thang vàng óng. Hoặc nếu du khách muốn tìm hiểu về những lễ hội truyền thống thì nên đến Hà Giang.
Tuy nhiên điểm cực của Cực Bắc về tọa độ sẽ cách cột cờ Lũng Cú vài km về phía Bắc, nơi con sông Nho Quế đổ vào đất Việt.
Do đường xá từ Hà Nội lên thành phố Hà Giang và tiếp đến Đồng Văn, Lũng Cú khá thuận tiện nên thu hút với loại hình du lịch phổ thông.
2. Điểm Cực Tây – A Pa Chải, Điện Biên
A Pa Chải là nơi có cột mốc biên giới giữa 3 nước: Việt Nam – Lào – Trung Quốc.
Với dân phượt, cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc còn được gọi là cột mốc số 0 hay là cột mốc không số.
Cột mốc A Pa Chải (Mường Nhé, Điện Biên).
Đoạn đường từ Trạm biên phòng lên cột mốc A Pa Chải khoảng 11 km, nhưng còn khoảng 3 km đường đất, còn lại đường đã đổ bê tông khá dễ đi.
Do đây là ngã ba biên giới, có vị trí quan trọng về mặt an ninh – quốc phòng nên du khách đến đây đăng ký với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Điện Biên hoặc trực tiếp tại Đồn Biên phòng A Pa chải và sẽ được chiến sĩ biên phòng dẫn đường lên thăm cột mốc.
Cung đường từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ (gần 500 km) rồi đi tiếp Mường Nhé (200km) và lên A Pa Chải (60 km) khá thuận tiện, đường êm, khá thoải mái. Theo Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Điện Biên, tuyến đường lên A Pa Chải so với những năm trước đã dễ hơn rất nhiều. Ngoài dân phượt, du khách có thể sử dụng hình thức caravan (xe ô tô tự lái) để trải nghiệm cung đường này.
Đến với A Pa Chải thời điểm nào trong năm cũng đẹp. Tuy nhiên du khách có thể chọn du lịch Điện Biên vào tháng 3 để ngắm rừng hoa ban, mùa xuân thì có hoa đào nở rộ hay mùa hạ có cánh đồng lúa chín vàng.
3. Điểm Cực Đông – Mũi Đôi, Khánh Hòa
Điểm đón ánh mặt trời đầu tiên trên phần lãnh thổ đất liền Việt Nam được xác định là Mũi Đôi, Khánh Hòa.
Điểm cực Đông Mũi Đôi (Khánh Hòa). Ảnh: Báo Khánh Hòa
Mũi Đôi thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Thời điểm thích hợp nhất để chinh phục Cực Đông – Mũi Đôi là khoảng từ tháng 1 đến tháng 5 hằng năm, thời điểm này chưa đến mùa mưa và cái nắng miền Trung chưa gay gắt.
Để chinh phục Mũi Đôi sẽ khó khăn nếu du khách đi đường bộ do phải băng qua đồi núi, đồi cát, đòi hỏi phải có sức khỏe… Đường đến Mũi Đôi được xác định gian nan nhất trong hành trình chinh phục 4 cực trên đất liền Việt Nam.
Trước khi Mũi Đôi chính thức được công nhận là điểm cực Đông trên đất liền thì Mũi Điện ở xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) giữ danh hiệu này. So với đường đi đến Mũi Đôi thì Mũi Điện dễ chinh phục hơn. Nếu đi từ thành phố Tuy Hòa, du khách có thể đi qua đèo Cả, qua cảng Vũng Rô rồi theo đường lớn đi đến Mũi Điện.
Mũi Điện (Phú Yên) với đường đi dễ hơn là một trong những điểm đón ánh bình minh trên đất liền.
Khi thấy ngọn hải đăng Mũi Đại Lãnh cũng là lúc cuộc hành trình chinh phục Mũi Điện bắt đầu. Từ hải đăng đi xuống nơi đánh dấu Mũi Điện không xa. Du khách có thể ở đây một đêm để sáng hôm sau dậy sớm bởi đây là một trong những nơi đầu tiên đón ánh bình minh trên đất liền Việt Nam và tắm biển ở bãi Môn.
4. Điểm Cực Nam – Mũi Cà Mau, Cà Mau
Điểm cực Nam của Tổ quốc nằm tại xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 110 km.
Điểm cực Nam, mũi Cà Mà với biểu tượng con thuyền hướng ra biển.
Trước kia, khách tham quan muốn đến được Đất Mũi chủ yếu phải di chuyển bằng canô. Tuy nhiên, từ năm 2019, khi thông xe tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn đến Đất Mũi, du khách có thể đến điểm cực Nam của Tổ quốc bằng đường bộ thuận tiện hơn.
Du khách khi đến cực Nam của Tổ quốc đều muốn chụp ảnh với biểu tượng là con thuyền hướng ra biển.
Cũng tại cung đường đến điểm cực Nam này, cột mốc đường Hồ Chí Minh – điểm cuối Cà Mau km 2.436 cũng đang trở thành điểm check in lỹ tưởng.
Thời tiết Đất Mũi được chia làm 2 mùa rõ rệt là: Mùa mưa (từ tháng 5 – tháng 11) và mùa khô (từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau). Nếu du khách đi vào mùa mưa sẽ bắt gặp những cơn mưa dài, nặng hạt, đôi khi có thể là mưa cả ngày. Các hoạt động du lịch bị ảnh hưởng khá nhiều. Còn khoảng thời gian từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau sẽ hợp với các đoàn du lịch với những cảnh nắng đẹp.