Thông tin dự án Khu du lịch sinh thái số 2 dự kiến lấy 68ha Vườn quốc gia Tam Đảo làm du lịch sinh thái và dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13 – Vườn quốc gia Tam Đảo dự kiến thuê 35,73ha để xây một khách sạn 225 phòng cao 3 tầng (không quá 12m), các biệt thự nghỉ dưỡng Bungalow (nhà gỗ) thiết kế đạt tiêu chuẩn 4 sao,… đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 8/1, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng cơ quan chức năng phải hết sức thận trọng khi phê duyệt 2 dự án trên.
Theo dõi thông tin báo chí phản ánh về 2 dự án, ông Đào Ngọc Nghiêm dẫn chứng những bài học quá khứ khi định “nhồi” dự án vào bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) gặp phải phản ứng lớn từ dư luận nên phải dừng lại, hủy dự án.
“Ngay từ cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã nhìn thấy những lợi thế về du lịch nên đã xây dựng khu nghỉ dưỡng ở Tam Đảo và từ đó tới nay nơi đây trở thành khu du lịch nổi tiếng. Trong khu vực phát triển Vùng Thủ đô Hà Nội, Vườn quốc gia Tam Đảo có lợi thế nhiều nhất. Trong bối cảnh hiện nay việc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên rất quan trọng, không được tổ chức du lịch mà phá hủy không gian xanh của vườn quốc gia”, ông Nghiêm nêu quan điểm.
Ông Nghiêm còn phản ánh, ở Tam Đảo đã từng có một số dự án bị “bác” vì không hợp lý hoặc gây phản ứng từ phía dư luận.
“Nguyên tắc làm du lịch sinh thái thì yêu cầu bảo tồn phải đặt lên hàng đầu, không được làm giảm cảnh quan thiên nhiên, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tôi cho rằng việc xem xét 2 dự án này phải được quan tâm hơn”, ông Đào Ngọc Nghiêm bày tỏ.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Phùng Tửu Bôi (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) đề nghị “không nên làm” dự án lấy diện tích đất lớn như vậy ở vườn quốc gia.
“Từ khi còn công tác ở Viện Điều tra quy hoạch rừng, chúng tôi đã nghiên cứu, xây dựng quy hoạch rất kỹ về Vườn quốc gia Tam Đảo. Bây giờ phải bảo vệ chứ không thể làm tùy tiện, bởi vườn quốc gia đó không xa Hà Nội, nếu bây giờ phá đi, bao giờ mới phục hồi lại được. Phục hồi rừng rất khó, và mất rất nhiều thời gian”, ông Bôi cho hay.
Vị chuyên gia phân tích, việc trồng gỗ quý, gỗ to, cây bản địa không thể trong thời gian ngắn, mà phải kéo dài hàng chục năm trời.
“Đừng mang chuyện hứa “sẽ trồng rừng” ra, bởi tôi đã xem nhiều dự án cam kết trồng rừng rồi, họ trồng có được bao nhiêu đâu. Khi làm công trình ở đó rồi thì các hoạt động của dự án còn gây ảnh hưởng rất nhiều cho khu vực lân cận xung quanh. Tôi không đồng ý ở Vườn quốc gia Tam Đảo mà xây dựng những dự án lớn như thế”, ônh Bôi thẳng thắn.
Tại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của hai dự án nêu trên – đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường tham vấn cộng đồng, chủ đầu tư đều khẳng định đã ký hợp đồng thuê rừng của Vườn quốc gia Tam Đảo (chủ rừng).
Phóng viên Dân trí nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhưng chưa nhận được phản hồi xung quanh việc này.
2 dự án đề xuất lấy diện tích lớn ở Vườn quốc gia Tam Đảo
Như Dân trí thông tin, Dự án Khu du lịch sinh thái số 2 (Vườn quốc gia Tam Đảo) của Công ty cổ phần Nam Tam Đảo (ông Lê Xuân Trường, Tổng giám đốc, là người đại diện) có diện tích khoảng 68ha thuộc Tiểu khu 102, 105A tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.
Chủ đầu tư dự kiến xây dựng nhiều nhà nghỉ ngơi, Bulgalow (nhà gỗ), nhà hàng – dịch vụ (trung tâm ẩm thực, nhà dịch vụ sinh hoạt cộng đồng), quảng trường – sân lễ hội, khu cây xanh dịch vụ (khu vườn thực vật – vườn Nhật; khu vực thể thao – dã ngoại, cắm trại, công viên nước)
Tại báo cáo ĐTM, Công ty cổ phần Nam Tam Đảo khẳng định chỉ thực hiện xây dựng các công trình trên phần diện tích đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi, đất rừng trồng và đất khác.
Trong khi đó, Dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13 – Vườn quốc gia Tam Đảo do Liên danh Sông Hồng Tam Đảo – Sông Hồng Thủ Đô (Công ty cổ phần Sông Hồng Tam Đảo và Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô) làm chủ đầu tư, dự kiến thuê 35,73ha thuộc địa phận huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Chủ đầu tư dự kiến xây dựng một khách sạn 225 phòng cao 3 tầng (không quá 12m) và 2 tầng hầm; xây các biệt thự nghỉ dưỡng Bungalow (nhà gỗ) thiết kế đạt tiêu chuẩn 4 sao (tối đa 2 tầng, cao không quá 8m), cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ kèm theo.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng dự định xây một đài quan sát trên diện tích 4.333m2 để phục vụ nhu cầu quan sát toàn cảnh vườn quốc gia từ trên cao.
Báo cáo ĐTM của 2 dự án nêu trên đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường tham vấn ý kiến cộng đồng.
Hết thời gian tham vấn, Bộ này sẽ đề nghị chủ đầu tư chỉnh sửa, hoàn thiện; sau đó sẽ thành lập hội đồng thẩm định gồm các nhà khoa học, nhà quản lý để đánh giá báo cáo ĐTM đó.