Đẳng sâm là một cây dược liệu và từng được ví như “nhân sâm của người nghèo”. Công dụng của đẳng sâm được cho là không thua kém các loại sâm đắt đỏ nhưng giá thành hợp lý hơn nên nhiều người có điều kiện để sử dụng. Đẳng sâm có thể dùng để nấu các món ăn bổ dưỡng, đẳng sâm ngâm rượu, sắc thuốc,… Nếu chưa biết đẳng sâm có tác dụng gì, cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Đẳng sâm – Vị thuốc quý trong Y học cổ truyền
Đẳng sâm là dược liệu đã được dùng lâu đời tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cây phân bố ở nhiều nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Đẳng sâm rừng mọc nhiều nhất ở các vùng núi cao như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình,…
Ở nước ta, đẳng sâm còn được biết với các tên gọi khác như đảng sâm, sâm rừng, hồng đẳng sâm, xuyên đảng sâm,… Đẳng sâm (tên khoa học là Codonopsis sp) là loài thân cỏ, dây leo, sống lâu năm. Tùy vào môi trường phát triển tự nhiên, cây có thể mọc bò trên mặt đất hoặc leo lên các cây cối, vật thể xung quanh.
Cây đẳng sâm thân màu xanh lục nhạt, ngả tím. Lá cây mọc đối, phiến lá hình tim, đầu lá nhọn, mép lá hơi lượn sóng hoặc khía răng. Mặt trên lá màu xanh lục, mặt dưới lá đẳng sâm màu trắng xám. Hoa mọc ở kẽ lá, tràng hình chuông, màu trắng hoặc hơi vàng, vân tím. Quả hình cầu có 5 cạnh mở, đầu quả dẹt, ở trên có túm lông hình nón. Rễ cây hình trụ, phình to thành củ. Trên thân củ có nhiều sẹo lồi.
Bộ phận có giá trị của cây đẳng sâm chính là phần củ rễ. Củ rễ được thu hoạch vào sau mùa đông, có thể được dùng tươi, phơi khô hoặc sấy nhẹ ở nhiệt độ thấp. Củ đẳng sâm được dùng như một vị thuốc quý trong Y học cổ truyền.
Đẳng sâm có tác dụng gì?
Đẳng sâm có tác dụng gì? Tác dụng của dược liệu này được cả Y học cổ truyền và Y học hiện đại công nhận.
Theo Y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền, rễ củ cây đẳng sâm có vị ngọt, tính bình có tác dụng ích khí, dưỡng huyết, giải khát, bổ tỳ, kiện vị, sinh tân dịch. Vị thuốc này có thể dùng để điều trị vàng da, thiếu máu, suy nhược cơ thể, kém ăn. Muốn lợi tiểu, chữa ho, tiêu đờm, bổ dạ dày, tiêu chảy cũng có thể dùng bài thuốc từ đẳng sâm. Với phụ nữ, đẳng sâm giúp điều trị rong huyết, sa tử cung hiệu quả.
Theo Y học hiện đại
Y học hiện đại cũng khám phá ra rất nhiều công dụng của dược liệu này khiến nó càng được biết đến rộng rãi:
- Các thử nghiệm cho thấy, dùng chiết xuất Polisaccarit trong đẳng sâm theo đường uống trong 8 tuần có thể làm chậm đáng kể quá trình lão hóa của cơ thể. Thành phần này có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do, tăng cường miễn dịch và phòng ngừa nhiều bệnh mãn tính.
- Trong củ đẳng sâm có thành phần Polisaccarit được chứng minh là có tác dụng ức chế sự hình thành và phát triển của các tế bào khối u. Vị thuốc này có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư biểu mô dạ dày, ung thư biểu mô tế bào gan hay ung thư phổi.
- Polisaccarit pectic cũng có tác dụng tăng cường khả năng kháng insulin nên giúp hạ đường huyết ở những bệnh nhân mắc tiểu đường.
- Đẳng sâm có tác dụng gì? Nước rễ cây đẳng sâm bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày, phục hồi tổn thương bên trong dạ dày nếu có.
- Đẳng sâm giúp giảm và phòng ngừa thiếu máu, kích thích lưu thông tuần hoàn máu đến khắp cơ thể giúp chúng ta có một cơ thể khỏe mạnh.
- Dùng đẳng sâm đúng cách và đều đặn giúp nâng cao miễn dịch cơ thể chỉ trong một thời gian ngắn.
- Y học hiện đại đã chứng minh tác dụng của đẳng sâm trong việc bảo vệ gan, đặc biệt là gan chịu nhiều tổn thương do rượu bia.
- Đặc biệt, các nhà khoa học còn cho biết các Acid oleanolic có trong đẳng sâm cò có khả năng bảo vệ DNA, khắc phục các DNA bị tổn thương do tia UV.
Cách dùng đẳng sâm tốt cho sức khỏe
Với nhiều lợi ích như trên, quả thực đáng tiếc nếu chúng ta không dùng đẳng sâm để chăm sóc sức khỏe. Bạn có thể dùng đẳng sâm để hầm canh, nấu cháo, nấu các món ăn bổ dưỡng để tăng cường thể lực, phục hồi sức khỏe. Một số món ngon nấu từ đẳng sâm bạn có thể tham khảo như: Gà hầm đẳng sâm, bò hầm đẳng sâm, canh đẳng sâm nấu hàu, cháo đẳng sâm,…
Một số người ngâm mật ong đẳng sâm, rượu đẳng sâm để dùng dần. Ngâm rượu đẳng sâm cũng rất đơn giản, tương tự như dùng sâm đương quy ngâm rượu. Bạn cũng có thể bào mỏng đẳng sâm, tẩm cùng nước gừng để giảm tính hàn sau đó sao khô tích trữ để pha trà hàng ngày. Trà đẳng sâm táo đỏ kỷ tử là một thức trà cực tốt cho sức khỏe. Đẳng sâm khi kết hợp với các vị thuốc Đông y khác sẽ cho ra những bài thuốc chữa bệnh, bồi bổ cơ thể hiệu quả.
Lưu ý khi dùng đẳng sâm
Tuy nhiên, ngay cả khi đã biết đẳng sâm có tác dụng gì chúng ta cũng không nên dùng nguyên liệu này một cách tùy tiện. Người dùng cần lưu ý những vấn đề dưới đây trước khi sử dụng đẳng sâm:
- Trước khi sử dụng đẳng sâm với mục đích chữa bệnh, bạn cần có sự tư vấn của thầy thuốc. Không tự ý kết hợp và sử dụng đẳng sâm mà không theo công thức hay bài thuốc chuẩn.
- Không nên lạm dụng đẳng sâm và sử dụng quá nhiều sẽ gây tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe. Dùng đẳng sâm quá nhiều có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, mất ngủ, dị ứng, hạ đường huyết,… Liều dùng phù hợp nhất là từ 9 đến 30g mỗi ngày.
- Vị thuốc này không thích hợp để dùng cho các đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ em, người có dấu hiệu dị ứng với các thành phần của dược liệu.
- Không nên dùng chung đẳng sâm với lê lô, củ cái, trà xanh, hải sản.
- Nên kiên trì sử dụng đẳng sâm trong một thời gian dài để nhận thấy rõ những lợi ích sức khỏe của dược liệu này.
Vậy đẳng sâm có tác dụng gì? Đây là một dược liệu quý nhưng giá thành hợp lý hơn nhân sâm rất nhiều nên được dùng phổ biến. Mặc dù đẳng sâm mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ nhưng nếu sử dụng không đúng cách có thể gây ra phản tác dụng. Thậm chí có thể làm cho bệnh tiến triển nặng và nghiêm trọng hơn. Do đó, bạn không nên tự ý sử dụng loại dược liệu này mà cần tham khảo bác sĩ, nhất là các trường hợp thay thế nhân sâm trong các bài thuốc thành đẳng sâm.
Xem thêm:
- Trà đẳng sâm và công dụng đối với sức khỏe ít người biết
- Hồng đẳng sâm và công dụng bất ngờ với sức khỏe