Hiếm có ngôi đền nhỏ nào lại thu hút đông đảo khách thập phương, đặc biệt là giới kinh doanh như đền Bà chúa Kho. Tuy nhiên, ngôi đền này chỉ đông đúc vào đầu và cuối năm bởi nhân dân ta quan niệm “đầu năm đi vay – cuối năm đi trả”.
Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, thuộc địa phận khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành Phố Bắc Ninh. Đền thờ Bà Chúa Kho – thời bấy giờ còn gọi là công chúa Thanh Bình. Nơi đây thu hút hàng ngàn người đến lễ bái nhân dịp đầu năm mới, đặc biệt là giới kinh doanh. Cùng Mytour khám phá ngôi đền linh thiêng này trong bài viết dưới đây nhé!
Nguồn gốc hình thành Đền Bà chúa Kho
Theo truyền thuyết, từ thời Hùng Vương, giặc phương Bắc kéo quân sang xâm lược nước ta. Thế giặc rất hùng mạnh, lại có nội ứng là tù trưởng Cao Bằng tên Lục Đinh. Từ núi Nghĩa Lĩnh, gần ngã ba sông Việt Trì nhà vua xuất quân đem toàn Bản bộ đến trang Tiên Lát. Nơi đây có địa hình thuận lợi cho cả phòng giặc và đánh giặc.
Các Bản bộ đóng trại tại vùng này còn lưu tên địa danh như: Bộ Tre, Bộ Trạ, Bộ Ngạnh, Bộ Nứa, Bộ Trắng, Bộ Hồng… Sáu bộ, thời bấy giờ gọi là Lục bộ, mỗi bộ trông coi một việc. Nhà vua trao cho con gái Thanh Bình công việc thủ kho, trông giữ lương thực và binh sách tại Trại Cung. Công chúa vô cùng tháo vát, cung ứng kịp thời cho lục bộ, ba quân và cho Thạch Tướng quân. Nhờ đó, phiến quân đã đánh thắng quân giặc, đem lại hoà bình cho đất nước.
Làm tròn nhiệm vụ, Thạch Tướng quân đã hoá trên núi Phượng Hoàng. Công chúa Thanh Bình được nhân dân ca tụng nhờ đức tính giản dị, trung thực, công tâm. Đến khi công chúa hoá, nhà vua cho lập đền thờ, gọi là đền Bà Chúa Kho.
Ngôi đền “vay vốn” nổi tiếng linh thiêng
Đôi nét về kiến trúc Đền Bà chúa Kho
Đền thờ Bà Chúa Kho được xây dựng từ lâu và đã được tôn tạo qua nhiều giai đoạn. Khảo sát hiện trạng di tích cho thấy nhiều tại đền còn lưu lại dấu ấn văn hoá nhiều thời kỳ. Xung quanh ngôi đền còn rải rác các mảnh vỡ, đầu ngói mũi hài, gạch ngói cũ của thời Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Ông Nguyễn Thế Đoàn, người trông coi đền cho hay: “Vào giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, đền Bà Chúa Kho bị thiệt hại nặng nề. Đến những năm 1978 – 1980, nhân dân địa phương mới chung tay tu sửa lại ngôi đền để duy trì tục thờ Bà Chúa Kho theo truyền thống ở địa phương”.
Tượng Bà chúa Kho được thờ bên trong đền
Đền hiện nay sở hữu lối kiến trúc kiểu chữ nhị gồm toà Tiền tế 3 gian và Hậu cung 3 gian. Trên mái đền, bạn sẽ thấy bức đại tự với dòng chữ Hán đắp nổi: “Chúa Kho từ”, có nghĩa là “đền Bà Chúa Kho”. Hai trụ phía trước có câu đối viết bằng chữ Hán, ca ngợi công lao của công chúa Thanh Bình: “Càn long tốn thuỷ lưu thắng cảnh/ Liệt nữ cao sơn hiển linh từ” (có nghĩa là: Phía Tây Bắc có mạch nguồn, phía Đông Nam có dòng nước chảy là nơi cảnh đẹp. Người nữ oanh liệt được tôn thờ ở ngôi đền linh thiêng trên đỉnh ngọn núi cao).
Những nghi lễ cần biết khi “vay vốn” ở Đền bà Chúa Kho
Mặc dù chỉ là nghi lễ tâm linh nhưng muốn nguyện ước linh ứng thì phải thành tâm khi “vay vốn” Bà chúa Kho và giữ đúng lời hứa. Theo ban Quản lý đền, việc “vay” bao nhiêu, bao giờ trả là tùy mỗi người. Nhưng có “vay” thì phải có “trả”. Dù có làm ăn lãi lời hay thua lỗ thì khi đã hứa với Bà Chúa Kho là trả thì phải giữ đúng lời hứa. Đó cũng chính là chữ “Tín” mà chúng ta cần tuân thủ trong cuộc sống hiện thực.
Nhân dân nô nức cầu tài lộc mỗi dịp Tết cổ truyền tại Đền
Việc sắm lễ của người dân khi đến Đền hoàn toàn là tùy tâm. Lễ vật dâng lên Đền bà Chúa Kho có thể đa dạng. Tuy nhiên bạn cũng phải chú ý những điều kiêng kị. Cụ thể như sau:
Dâng lễ
- Lễ chay: Gồm hương hoa, trà, quả, phẩm oản… Phần lễ chay dùng để dâng ban Thánh Mẫu.
- Lễ mặn: Bạn có thể mua đồ chay hình tướng gà, lợn, hoặc dùng đồ mặn là thịt lợn, thịt gà,…
- Lễ đồ sống: Tuyệt đối không sắp đồ lễ sống (trứng, gạo, muối, thịt). Tại các ban quan Ngũ hổ, Bạch xà, Thanh xà ở hạ ban Công Đồng Tứ Phủ.
- Cỗ Sơn Trang: Bao gồm đặc sản chay Việt Nam. Lưu ý là không được dùng cua, ốc, lươn, ớt, chanh quả…
- Lễ ban thờ Cô, thờ Cậu: Thường gồm oản, quả, hương hoa,… Ngoài ra, bạn có thể chuẩn bị gương, lược, … Những đồ mã mô phỏng đồ chơi mà người ta thường làm cho trẻ nhỏ. Những lễ vật này nhỏ nhắn, được làm cầu kỳ, và được gói trong những túi nhỏ đẹp mắt.
- Lễ thần Thành Hoàng, Thư Điền: Phải cúng đồ chay mới có phúc và những lời cầu nguyện mới được linh ứng.
Hạ lễ
Sau khi dâng lễ và khấn ở các ban thờ. Bạn phải đợi hết một tuần nhang mới được hạ lễ. Trong khi đó, người dân có thể viếng thăm phong cảnh trong nơi thờ tự. Thắp hương xong, bạn vái 3 vái trước mỗi ban thờ rồi mới được hạ sớ và hóa vàng. Hoá sớ xong thì hạ lễ, từ ban ngoài cùng vào đến ban chính. Riêng các đồ lễ ở bàn thờ Cô, thờ Cậu như gương, lược… thì để nguyên trên bàn thờ chứ không được đem về.
Những mâm lễ đầy ắp, thể hiện sự thành kính của người dân
Lời kết
Đền Bà Chúa Kho là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người dân miền Bắc. Đền là nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương vào ngày 15 tháng Giêng. Với nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Nhân dịp đầu xuân, đừng bỏ qua cơ hội đến cầu tài lộc, may mắn tại đền bạn nhé!