Tăng sắc tố là tình trạng phổ biến, làm một số vùng da trên cơ thể trở nên sẫm màu. Tình trạng này có thể xuất hiện ở da dưới dạng các đốm hoặc mảng màu nâu, đen, xám. Vậy đốm nâu trên da là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết ra sao? Chẩn đoán và phòng ngừa như thế nào? Bài viết sau đây của thạc sĩ bác sĩ CKI Phạm Trường An, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ giải đáp chi tiết tình trạng này.
Đốm nâu trên da là gì?
Đốm nâu trên da là những tổn thương lành tính, xuất hiện trên những vùng cơ thể tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Mặt và mu bàn tay là 2 trong số những khu vực thường xuất hiện đốm nâu trên da. Những tổn thương này có xu hướng tăng số lượng theo độ tuổi, phổ biến hơn ở độ tuổi trung niên và người lớn tuổi.
Đốm nâu trên da thường có kích thước khác nhau từ vài mm đến vài cm, phẳng, màu nâu và hình dạng không đều. Những đốm nâu này thường ít ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại gây mất thẩm mỹ, làm cho người bệnh mất tự tin trong giao tiếp. (1)
Các loại đốm nâu trên da
Các loại đốm nâu trên da như:
1. Đốm nâu trên da gây ngứa
Thực chất không có đốm nâu gây ngứa vì đốm nâu chủ yếu là đồi mồi, chỉ ngứa khi bị dày da và khô da.
2. Đốm nâu trên da không ngứa
Đốm nâu trên da không ngứa là tình trạng đốm nâu xuất hiện ở mặt, tay, chân… do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thay đổi nội tiết tố, viêm da cấp tính, thay đổi sắc tố da do tác dụng phụ của thuốc điều trị, ung thư da…
Các vị trí thường xuất hiện đốm nâu
Đốm nâu thường xuất hiện ở những vùng tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như:
- Mặt
- Tay
- Vai
- Cánh tay
- Ngực
- Bụng
- Lưng
- Mông
Nguyên nhân da nổi đốm nâu
Da nổi đốm nâu thường do các tế bào sắc tố hoạt động quá mức. Tia cực tím (UV) làm tăng tốc độ sản xuất melanin – loại sắc tố tự nhiên tạo nên màu sắc cho da. Trên vùng da tiếp xúc với ánh nắng nhiều năm, các đốm nâu xuất hiện khi melanin bị tăng sinh. Ngoài ra, đốm nâu còn xuất hiện do một số nguyên nhân như:
1. Thay đổi nội tiết tố
Một số đốm nâu có thể là tàn nhang, nám, xuất hiện phổ biến ở nữ giới. Thay đổi nội tiết tố chủ yếu vào các thời điểm như: mang thai, cho con bú và tiền mãn kinh. Từ đó khiến da tăng sắc tố, nổi đốm nâu ở mặt, 2 bên má, cẳng tay, bàn tay.
2. Viêm da cấp tính
Viêm da cấp tính và mạn tính liên quan đến tình trạng vảy nến, nổi mụn trứng cá, chàm lâu năm, có thể làm thay đổi sắc tố da, xuất hiện các đốm nâu bất thường.
3. Tác dụng phụ của thuốc điều trị
Một số loại thuốc chống loạn thần, thuốc chống viêm steroid, thuốc chống trầm cảm, chống co giật hay tetracyclin làm tăng sắc tố melanin trên da. Từ đó dẫn đến da bị sạm, hình thành các đốm màu nâu trên da.
4. Ung thư da
Những trường hợp ung thư da tế bào gai, tế bào đáy hoặc ung thư hắc tố da cũng có thể làm da nổi đốm nâu. Những đốm nâu này không những không biến mất mà còn xuất hiện nhiều hơn. Khi đó, người bệnh nên đến gặp các bác sĩ Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da hoặc chuyên khoa Ung bướu để khám và chẩn đoán chính xác về tình trạng da nổi đốm nâu bất thường.
5. Tuổi tác
Sau tuổi 40, da dần mất đi tính đàn hồi, tăng sản xuất melanin và dễ xuất hiện đốm nâu.
Bài viết liên quan: Nổi đốm nâu ở chân, nổi đốm nâu ở tay
Dấu hiệu nhận biết đốm nâu trên da
Những dấu hiệu nhận biết da bị đốm nâu: (2)
- Là những đốm phẳng, hình tròn hoặc bầu dục trên da.
- Thường có màu rám nắng đến nâu sẫm.
- Xảy ra trên vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời trong nhiều năm, chẳng hạn như mu bàn tay, cẳng tay, mu bàn chân, mặt, vai và lưng trên.
- Kích thước dao động từ khoảng vài mm đến vài cm.
- Có thể gộp lại với nhau, nổi bật trên da.
Da xuất hiện đốm nâu có nguy hiểm không?
Da xuất hiện đốm nâu thường không nguy hiểm và chỉ ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ. Nếu thấy có đốm nâu bất thường trên da, người bệnh nên theo dõi sự thay đổi về kích thước hoặc màu sắc của đốm. Nếu có sự thay đổi gì, người bệnh nên đặt lịch khám tại Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da càng sớm càng tốt.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đến gặp bác sĩ khi có sự thay đổi về hình dáng và màu sắc của đốm nâu, có thể là dấu hiệu của khối u ác tính. Tốt nhất người bệnh nên đến bệnh viện để bác sĩ đánh giá bất kỳ thay đổi mới nào trên da, đặc biệt nếu đốm nâu có những đặc điểm sau:
- Nhiều màu sắc trên một đốm nâu.
- Tăng nhanh về kích thước.
- Có bờ không đều.
- Chảy máu.
Phương pháp chẩn đoán đốm nâu trên da
Phương pháp chẩn đoán đốm nâu trên da đa số dựa trên biểu hiện lâm sàng. Nếu đốm nâu có dấu hiệu bất thường gợi ý ác tính, các bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết da và xét nghiệm mô bệnh học, giúp đánh giá các tổn thương sắc tố da.
Cách trị đốm nâu trên da
Có nhiều cách trị đốm nâu trên da. Vì đốm nâu có thể nhầm lẫn với bệnh ung thư da nên cần được bác sĩ kiểm tra và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nếu người bệnh muốn loại bỏ đốm nâu vì lý do thẩm mỹ, có nhiều lựa chọn khác nhau như:
Kem bôi có thể làm sáng các đốm nâu. Tuy nhiên, người bệnh cần tránh các loại kem có chứa thủy ngân để tránh ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe. Bác sĩ Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da có thể tư vấn cho người bệnh các loại kem bôi an toàn. Một số loại kem bôi theo toa để điều trị các đốm nâu chứa các thành phần như:
- Axit azelaic.
- Axit glycolic (axit alpha-hydroxy).
- Hydroquinon.
- Axit Kojic.
- Vitamin C hoặc B3 (niacinamide).
Những loại kem làm sáng dần các đốm nâu theo thời gian đôi khi có thể gây kích ứng da. Vì vậy, tốt nhất người bệnh nên tham khảo về tác dụng phụ với bác sĩ trước khi quyết định lựa chọn loại kem phù hợp.
Một số thủ thuật thẩm mỹ có thể làm mờ hoặc loại bỏ các đốm nâu, bao gồm:
- Liệu pháp áp lạnh: loại bỏ đốm nâu bằng nitơ lỏng.
- Laser picosecond Nd:YAG.
- Lột da hóa học (peel da): bôi dung dịch hóa chất lên da để làm sáng da, thay mới làn da.
Các thủ thuật này đều tiềm ẩn rủi ro và có thể để lại sẹo trên da, nên được thực hiện bởi bác sĩ Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da được đào tạo chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm.
Những phương pháp loại bỏ đốm nâu này cũng có thể làm da nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời. Người bệnh đã điều trị bằng một trong những thủ thuật trên nên sử dụng kem chống nắng, che chắn kỹ khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và chăm sóc da theo hướng dẫn của bác sĩ.
Phòng ngừa đốm nâu trên da
Phòng ngừa đốm nâu trên da, chị em nên làm theo các mẹo sau để hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời:
- Tránh ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Vì tia nắng mặt trời gay gắt nhất trong thời gian này, nên cố gắng sắp xếp các hoạt động ngoài trời vào những thời điểm khác trong ngày.
- Sử dụng kem chống nắng 15-30 phút trước khi ra ngoài, nên thoa kem chống nắng phổ rộng, có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên. Thoa kem chống nắng đủ liều lượng và bôi lại sau mỗi 2 giờ hoặc thường xuyên hơn nếu đi bơi hoặc đổ mồ hôi nhiều.
- Để bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời, chị em nên mặc quần áo dài tay và đội mũ rộng vành.
Câu hỏi liên quan
1. Đốm nâu trên da có tự biến mất không?
Đốm nâu trên da đa số tồn tại lâu dài, ít khi tự biến mất. Các phương pháp điều trị có thể giúp làm mờ và giảm bớt các đốm nâu. Chị em có thể phải mất vài tháng hoặc 1 năm mới thấy tác dụng. Các đốm nâu mới có thể xuất hiện theo thời gian, đặc biệt nếu bạn không bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.
2. Đốm nâu trên da cảnh báo bệnh gì?
Đốm nâu trên da có thể cảnh báo tình trạng thay đổi nội tiết tố, viêm da cấp tính và mạn tính, ung thư da… Khi trên cơ thể xuất hiện các đốm nâu với sự tăng dần kích thước và biến đổi màu sắc, người bệnh nên đến bệnh viện có chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để được kiểm tra và điều trị sớm.
Trong đó, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da BVĐK Tâm Anh TP.HCM chuyên điều trị các bệnh ảnh hưởng đến da, cấu trúc dưới da, lông, tóc, móng. Một số bệnh phổ biến bao gồm: viêm da cấp tính, dị ứng, chàm, mày đay, nám, mụn…
Các bệnh da liễu thường do nhiều nguyên nhân như vi khuẩn, virus; dị ứng – miễn dịch; tác động của ký sinh trùng – côn trùng; rối loạn sắc tố… Các triệu chứng dù dễ phát hiện nhưng nhiều người thường bỏ qua, chủ quan về các bệnh của da, gây biến chứng nghiêm trọng.
“Làn da khỏe đẹp, cuộc đời thêm vui” là phương châm mà mỗi bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh luôn hướng đến để giúp mỗi khách hàng được tiếp cận các phương pháp điều trị và làm đẹp hiện đại, an toàn, hiệu quả.
Đốm nâu trên da tuy đa phần không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại tác động xấu đến thẩm mỹ khuôn mặt và các bộ phận khác. Bên cạnh đó, tình trạng này còn có thể biểu hiện của ung thư da. Vì vậy, người bệnh nên đến bệnh viện để khám và điều trị nếu xuất hiện các đốm nâu trên da.