Khi tròn 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh đã có thể bắt đầu ăn dặm. Lúc này, mẹ nên cho bé làm quen với những thức ăn dạng nhuyễn, dễ tiêu, không có gia vị và tốt nhất nên có vị ngọt tương đồng như sữa. Trái cây lúc này là lựa chọn không thể hoàn hảo hơn. Cho trẻ tập ăn dặm bằng trái cây nghiền nhuyễn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho bé mà có thể mẹ chưa biết.
Có nên cho trẻ ăn dặm bằng trái cây nghiền nhuyễn?
Trái cây là nguồn bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất lý tưởng mà các bà mẹ không nên bỏ qua. Mẹ có thể cho bé ăn trái cây nguyên miếng hoặc trái cây nghiền. Tuy nhiên, với những trẻ mới làm quen với việc ăn dặm, trái cây nghiền nhuyễn là lựa chọn “chân ái”.
Trái cây nghiền vẫn cung cấp chất xơ, các loại vitamin và khoáng chất cần thiết trong khi lại dễ ăn, dễ tiêu hóa. Ở dạng nghiền nhuyễn, trẻ sẽ thấy trái cây có kết cấu khá tương đồng với các loại bột ăn dặm hay thực phẩm dinh dưỡng mà bé được làm quen trong giai đoạn mới tập ăn này. Trẻ sẽ dễ nuốt các loại đồ ăn có kết cấu nhuyễn, mịn hơn. Ngoài ra, hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ cũng dễ “xử lý” đồ ăn mềm nhuyễn hơn, hạn chế tình trạng trẻ bị đau dạ dày.
Trái cây nghiền mang hương vị tự nhiên của các loại trái cây. Mỗi ngày mẹ có thể cho bé trải nghiệm một loại trái cây nghiền. Đảm bảo bé sẽ rất thích thú khi được khám phá nhiều hương vị mới lạ, tránh được tình trạng lười ăn dặm.
Khi nào trẻ có thể ăn trái cây nghiền nhuyễn?
Dù trái cây nghiền có kết cấu khá mịn, mẹ cũng không nên cho bé ăn món này trước khi bé tròn 6 tháng tuổi. Trong 6 tháng đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ chỉ phù hợp nhất với thức ăn duy nhất là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Ngoài 6 tháng, thức ăn chính của bé vẫn là sữa nhưng mẹ có thể kết hợp cho bé ăn thêm các món ăn dặm không có gia vị. Đây chính là thời kỳ ăn dặm thích hợp nhất với trẻ. Các loại củ, quả luôn là “lựa chọn đầu tay” của mọi bà mẹ trong giai đoạn này.
Với những loại trái cây chín mềm như chuối, bơ, kiwi, đu đủ, xoài chín, thanh long,… mẹ có thể cắt miếng nhỏ để trẻ tự tập nhai nuốt. Ngay cả khi chưa mọc đủ răng trẻ vẫn có thể nghiền thức ăn mềm bằng lợi. Với các loại trái cây cứng, mẹ nên nghiền nhuyễn để trẻ dễ dàng thưởng thức. Một số loại trái cây phù hợp để mẹ nghiền cho bé như lê, táo nghiền, dâu tây,…
Ngoài ra, sở thích của mỗi trẻ sẽ khác nhau. Có trẻ thích ăn thô, có trẻ thích đồ ăn mịn. Cho nên ngay cả với những loại trái cây chín mềm nếu trẻ không thích ăn nguyên miếng mẹ cũng có thể nghiền nhuyễn cho bé ăn.
Nguyên tắc chế biến trái cây nghiền nhuyễn
Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh nhạy cảm hơn hệ tiêu hóa của người lớn rất nhiều. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho trẻ, mẹ cần chọn mua trái cây ăn dặm tươi sạch ở những địa chỉ uy tín. Toàn bộ trái cây cần được ngâm rửa cẩn thận và loại bỏ phần vỏ trước khi chế biến. Nếu cho trẻ ăn phải trái cây tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nguy cơ ngộ độc sẽ rất cao.
Trong quá trình chế biến trái cây nghiền nhuyễn cho trẻ, mẹ hãy đảm bảo mọi dụng cụ đều sạch sẽ. Từ dao thái, máy xay, đồ nghiền,… đều cần được rửa sạch và để khô ráo trước và sau mỗi lần sử dụng. Trước khi làm trái cây nghiền, mẹ cần rửa sạch tay với xà phòng diệt khuẩn.
Khi chế biến trái cây nghiền, mẹ nên để bé thưởng thức vị nguyên bản của trái cây. Đây cũng là mẹo giúp trẻ có một khẩu vị phong phú, dễ ăn được nhiều mẹ áp dụng thành công. Ngoài ra, khi cho bé nếm vị nguyên bản, mẹ mới phát hiện được bé thích hay không thích loại trái cây nào. Mẹ không nên cho thêm đường, sữa để làm tăng độ ngọt của món ăn. Mẹ càng không nên cho thêm muối vì trẻ dưới 1 tuổi không được ăn gia vị.
Lưu ý khi cho trẻ ăn trái cây nghiền nhuyễn
Trái cây nghiền nhuyễn tốt cho hệ tiêu hóa và sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, để món ăn dặm này phát huy tối đa hiệu quả, mẹ nên lưu ý những điều sau:
- Khi mới bắt đầu tập ăn dặm, mẹ chỉ nên cho bé ăn thử một lượng nhỏ trái cây nghiền. Ngay cả khi bé rất hào hứng và muốn ăn thêm mẹ cũng nên dừng lại ở lượng vừa phải. Hãy cho hệ tiêu hóa của trẻ có thời gian làm quen và thích nghi với từng loại thức ăn mới. Nếu trẻ hợp tác với món trái cây nghiền và không xuất hiện bất cứ phản ứng bất thường nào trên cơ thể, mẹ có thể cho bé ăn thường xuyên hơn và tăng lượng ăn lên mức phù hợp với nhu cầu của bé.
- Trẻ dưới 1 tuổi chỉ nên ăn khoảng 60g trái cây nghiền mỗi ngày. Với trẻ ngoài 1 tuổi, mẹ có thể tăng lên 100g. Mẹ không nên cho trẻ ăn nhiều hơn vì ăn nhiều trái cây sẽ dẫn đến giảm tiêu thụ các thực phẩm khác, dễ gây mất cân bằng dinh dưỡng ở trẻ.
- Có thể mẹ chưa biết, nhiều trẻ bị dị ứng trái cây. Các triệu chứng dị ứng có thể xuất hiện ở các mức độ khác nhau, từ ngứa miệng, sưng lưỡi, đau bụng, buồn nôn đến khó thở. Khi cho trẻ thử loại trái cây mới và phát hiện cơ thể có phản ứng bất thường, tốt nhất bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám tìm rõ nguyên nhân.
- Thời điểm tốt nhất để cho bé ăn trái cây nghiền là buổi chiều, cách bữa chính 1 – 2 tiếng.
- Mẹ hãy cho trẻ ăn đa dạng các loại trái cây để làm phong phú khẩu vị của trẻ. Việc này sẽ tránh được tình trạng trẻ kén ăn, biếng ăn khi lớn lên.
Trái cây nghiền nhuyễn là món ăn dặm tốt cho sức khỏe, dễ chế biến và hầu như bé nào cũng thích. Đây là lựa chọn lý tưởng khi trẻ mới bước vào giai đoạn tập ăn. Vì vậy, mẹ hãy lựa chọn những trái cây sạch, chế biến đảm bảo vệ sinh, cho bé ăn đủ lượng để bé luôn cảm thấy thích thú trong thời gian ăn dặm.
Xem thêm:
- Dinh dưỡng cá nhân hóa là gì? Lợi ích của dinh dưỡng cá nhân hóa
- Dầu cá có lợi ích cho bệnh chàm như thế nào?