Cùng với những món cá và hải sản tươi sống hay món mì truyền thống, khi nhắc đến ẩm thực “xứ hoa anh đào”, người ta không quên nhắc đến Gyoza – món sủi cảo Nhật Bản. Có nguồn gốc từ Trung Hoa, đến với Nhật Bản, món Gyoza được chế biến theo nhiều cách khác nhau như sủi cảo chiên, sủi cảo nước và áp chảo…và trở thành một phần không thể thiếu trong ẩm thực của người Nhật.
1. Gyoza là gì? – Xuất hiện từ khi nào?
Những khách du lịch, thực tập sinh hay du học sinh Nhật Bản khi đến với quốc gia này đều tò mò với món Gyoza, vì nó khá giống món sủi cảo nổi tiếng của Trung Quốc.
1.1 Gyoza là gì?
Gyoza còn được gọi là món sủi cảo của Nhật Bản, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Gyoza có phần nhân là hải sản và rau băm nhỏ, trộn chung cùng các loại gia vị truyền thống rồi gói bằng vỏ bột mì.
Phần nhân của Gyoza gồm thịt lợn băm, hành lá, bắp cải, hẹ Nira, nước tương, gừng, tỏi, dầu mè…được chế biến theo nhiều cách khác nhau như nướng, áp chảo, hấp hay rán ngập mỡ.
1.2 Món sủi cảo của Nhật xuất hiện khi nào?
Gyoza có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Gyoza tại Nhật được ăn lần đầu tiên bởi người có tên là Tokugawa Mitsukuni, cũng là người đầu tiên ở Nhật ăn mì Ramen và phô mai.
Món ăn này bắt nguồn từ cách đọc 餃子 trong phương ngữ Sơn Đông Trung Quốc và được viết bằng cách sử dụng các ký tự của Trung Quốc cùng phát âm với âm của nhật Bản. Gyoza chính thức phổ biến tại ‘xứ Phù Tang” từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Hiện tại, đây là món ăn phổ biến, là một phần không thể thiếu của nền ẩm thực Nhật Bản.
Mặc dù bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng khi đến xứ Phù Tang, Gyoza đã có những biến tấu đặc biệt về hình dáng và hương vị, trở thành món ăn mang đậm đặc trưng của ẩm thực Nhật. Khác với sủi cảo của Trung Quốc, người Nhật sử dụng nước chấm kết hợp giấm gạo và những loại sốt đậu nành, tạo nên hương vị thơm ngon và khác biệt.
2. Món Gyoza của Nhật Bản có gì đặc biệt?
Nhắc đến nền ẩm thực Nhật, chắc chắn không ít người thổn thức khi nhắc đến Gyoza. Bên cạnh những loại mì truyền thống, sushi thì món sủi cảo nổi tiếng này cũng được rất nhiều khách hàng chọn lựa khi đến các nhà hàng Nhật.
2.1 Một vài đặc trưng của món Sủi cảo Nhật Bản
Món Gyoza Nhật Bản mang dáng vẻ nửa vầng trăng nhỏ gọn, chiếc vỏ bao bọc phần nhân thịt đậm đà, chấm cùng loại nước chấm đặc biệt, được chế biến theo công thức riêng.
Phần vỏ bánh được làm từ các nguyên liệu cơ bản là bột mì, trứng và nước. Tỷ lệ, cách nhào bột cũng như bảo quản được tính toán rất chặt chẽ để có thể cán ra những chiếc vỏ bánh thật mỏng, có thể thấy phần nhân bánh bên trong mà vỏ bánh vẫn không bị rách.
Phần nhân là sự kết hợp tinh tế của thịt lợn xay, hẹ, bắp cải, hành, tỏi và gừng. Yếu tố đem đến sự khác biệt của Gyoza với món sủi cảo của Trung Quốc là tỷ lệ tỏi tươi trong nhân. Chúng khiến phần nhân thơm và dậy mùi hơn chứ không quá nồng.
Gyoza Nhật Bản được chế biến nhiều cách khác nhau như chiên, hấp, luộc, cùng hương vị đa dạng tùy từng vùng miền, đem đến sự đa dạng và độc đáo cho món ăn này.
2.2 Có những loại Gyoza nào?
Là món ăn phổ biến và được yêu thích tại “đất nước mặt trời mọc”, Gyoza gồm nhiều loại khác nhau, được phân chia theo cách chế biến. Gồm:
Gyoza áp chảo
Từ xưa, món Gyoza nướng rất được yêu thích, còn được gọi là yaki Gyoza. Cách chế biến này giúp Gyoza giữ được độ dai và giòn, là loại Gyoza phổ biến nhất. Chỉ mặt của Gyoza được rán trong dầu vừng, vì thế, miếng Gyoza có mặt dưới rất giòn.
Mặt trên của Gyoza sẽ được lộc chín trước trong chảo bởi nước sôi được thêm vào khi miếng Gyoza làm gần xong và được bọc kín.
Sui Gyoza
Món Sui Gyoza rất gần với món há cảo truyền thống của Trung Quốc. Cách chế biến món ăn khá đơn giản. Gyoza được luộc và ăn cùng với món canh.
Gyoza chiên giòn
Còn được gọi là Age Gyoza, món Gyoza chiên giòn được chiên hoàn toàn trong chảo mỡ đến khi vỏ của chúng giòn tan, có thể cắn vụn trong miệng. Bạn có thể tìm kiếm món này trong những nhà hàng Gyoza, tuy nhiên món Gyoza chiên giòn không quá khổ biến.
Gyoza phô mai
Sự kết hợp Gyoza theo công thức khá “tây” tạo nên món Gyoza lạ miệng và độc đáo. Gyoza phô mai gồm 3 loại chính là Mozzarella, Asigo, Provolone trộn chung với thịt nạc băm và hành lá. Phần vỏ vàng ruộm cùng nhân bánh béo ngậy đem đến trải nghiệm hấp dẫn cho người thưởng thức.
2.3 Ở Nhật có thể ăn Gyoza ở đâu? Làm thế nào để mua Gyoza?
Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm Gyoza Nhật Bản tại các tiệm mì ramen, nhà hàng Trung Hoa hay izakaya – những quán rượu mang phong cách Nhật. Gyoza được phục vụ như một món ăn thêm chứ không phải món ăn chính.
Khi bạn yêu cầu món Gyoza tại nhà hàng, bạn sẽ được phục vụ suất cho 1 hoặc 2 người ăn. Thông thường, trên một đĩa sẽ có khoảng 6 miếng Gyoza. Giá tiền dao động trong khoảng 200-600 yên/suất.
Điều thú vị nhất khi ăn Gyoza tại những nhà hàng Nhật là phần nước chấm. Đây là hỗn hợp của nước đậu tương, giấm, dầu ớt cay, được gọi là Raayu. Loại nước chấm này sẽ giúp bạn thưởng thức món Gyoza “chuẩn vị” Nhật.
3. Gyoza, Mandu và Sủi Cảo có phải cùng một món hay không?
Có một điểm tương đồng giữa 3 món ăn: Gyoza của Nhật, Mandu của Hàn và Sủi cảo của Trung Quốc. Nếu đã một lần ghé các nhà hàng Nhật, trong thực đơn luôn có món Gyoza với chú thích là bánh xếp Nhật Bản. Mặc khác, ở thực đơn của nhà hàng Hàn Quốc, bạn cũng sẽ bắt gặp những món bánh tương tự dưới cái tên Mandu.
Những chiếc bánh này giống nhau từ hình dáng đến cách chế biến. Kiểu dáng chung là hình chiếc gối nhỏ cong cong, mặt nối tiếp của phần vỏ bánh được làm thành dún bèo…Vậy các loại bánh này có phải cùng một loại hay không?
Xét về nguồn gốc, Gyoza, Mandu và Sủi cảo đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, khi du nhập vào nhiều nước khác nhau, “phiên bản gốc” đã dần dần được thay đổi để phù hợp với đặc trưng ẩm thực của mỗi quốc gia. Và mặc dù trông rất giống nhau thì món bánh này cũng có một vài khác biệt nhỏ.
3.1 Sủi cảo – Trung Quốc
Sủi cảo còn được gọi là bánh chẻo, là món ăn truyền thống của Trung Quốc. Món bánh này được ăn nhiều nhấp vào dịp Tết cổ truyền, mang ý nghĩa và niềm tin về sự hạnh phúc.
Sủi cảo được làm từ nhiều loại nhân khác nhau như thịt, tép, tôm…và thậm chí là thịt cừu, thịt bề…Món ăn này thường được ăn cùng với giấm và dầu mè.
3.2 Gyoza- Nhật Bản
Thực chất, Gyoza là phiên âm tiếng Nhật của Jiaozi- sủi cảo. Tuy nhiên, món ăn này vẫn có một vài nét khác biệt. Vỏ bánh của Gyoza mỏng hơn và những chiếc bánh Gyoza thường có kích cỡ gần như bằng nhau thì một mẻ sủi cảo có thể khác nhau về kích cỡ.
Phần nhân của Gyoza cũng được xay mịn hơn. Khi ăn sủi cảo, bạn có thể cảm nhận được thịt vụn nhưng phần nhân của Gyoza sẽ mịn đến mức mọi thứ đều được hòa lẫn với nhau.
3.3 Mandu – Hàn Quốc
Nếu Gyoza hay Sủi cảo có khá nhiều loại nhân thì Mandu của Hàn thường chỉ có một loại nhân, gồm thịt heo, nấm, đậu hũ, hành và trứng. Đậu hũ trong nhân cũng là yếu tố khiến Mandu khác với 2 loại bánh còn lại. Đôi khi, trong Mandu còn sử dụng cả kim chi.
Khổng chỉ là món ăn phổ biến tại Nhật Bản, Gyoza còn được yêu thích và được phổ biến tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nếu có dịp đến với “đất nước mặt trời mọc”, nhớ ghé qua những nhà hàng Gyoza để thưởng thức món ăn “chuẩn vị Nhật’ nhé!