Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu điều lớn nhất thế giới và cũng là nước có chất lượng điều tốt nhất thế giới. Thật đáng tiếc nếu mỗi người dân Việt Nam chưa biết đến công dụng của hạt điều và cách sử dụng hàng ngày. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu hạt điều có tác dụng gì và cách sử dụng hạt điều trong cuộc sống hàng ngày nhé!
Giới thiệu đôi nét về hạt điều
Cây điều (tên khoa học Anacardium occidentale) còn được biết đến với tên gọi đào lộn hột. Cây điều có nguồn gốc Đông Bắc Brazil sau đó dần được trồng phổ biến tại nhiều quốc gia có khí hậu nhiệt đới trên thế giới. Ở nước ta, cây điều được trồng nhiều ở vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Việt Nam cũng là một trong những nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới.
Cây điều là loài cây công nghiệp lâu năm, tuổi thọ lên đến 50 năm. Thân cây có thể cao đến 10m. Tán cây phát triển theo chiều ngang theo dạng hình dù. Lá cây khá lớn, có thể rộng đến 10cm, dài đến 20cm. Hoa điều mọc thành chùm, có cả đơn tính và lưỡng tính. Trái điều là dạng quả giả hay lộn hột. Vì phần phình to là phần cuống tạo thành. Còn trái thật chính là phần chứa hạt lại phát triển ở bên ngoài trái giả. Trái giả chiếm đến 90% trọng lượng, trái thật chỉ chiếm 10%.
Hạt điều có dạng hình hạt đậu lớn với lớp vỏ cứng bao bọc bên ngoài, khi tươi màu xám xanh, khi khô màu nâu. Mỗi hạt điều thường nặng 3 – 5g. Để lấy được nhân điều, người ta phải tách lớp vỏ hạt có khi dày đến 3mm.
Nhân hạt điều có hương vị bùi, béo, thơm, ngon với đa dạng các thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Nó có thể được dùng để làm sữa hạt, làm hạt dinh dưỡng, làm món ăn vặt, làm bánh, nấu ăn,…
Hạt điều được xếp vào nhóm hạt dinh dưỡng vì chứa thành phần dinh dưỡng phong phú, dồi đao. Trong hạt điều, chất béo chiếm tới 44.9 %, tinh bột chiếm 19,82%, đường chiếm 13,48 %, canxi chiếm 2,49%. Trong hạt điều còn có hàng loạt vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như vitamin B1, B2, E, D, PP, sắt, phốt pho,…
Hạt điều có tác dụng gì?
Chính thành phần dinh dưỡng phong phú trên đây đã khiến loại hạt này mang đến nhiều lợi ích bất ngờ cho sức khoẻ như:
- Hàm lượng acid oleic dồi dào trong hạt điều ngăn ngừa tích tụ mỡ máu, phòng ngừa gan nhiễm mỡ.
- Chất magnesi trong nhân điều tốt cho bệnh nhân cao huyết áp vì có tác dụng ổn định huyết áp ở mức tốt.
- Hạt điều giúp tăng cường oxy lên não. Ăn hạt điều đúng cách cũng giúp chức năng của hệ thần kinh, não bộ và trí nhớ được cải thiện.
- Hạt điều có tác dụng gì? Magnesi và khoáng chất đồng trong hạt điều giúp thư giãn hệ thần kinh, cơ bắp, giảm hiện tượng căng cơ, mệt mỏi.
- Hạt điều giàu chất béo nhưng đây là loại chất béo không bão hòa, rất tốt cho sức khỏe của con người. Nó không làm tăng cholesterol xấu trong máu, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Các nghiên cứu khoa học cho thấy hạt điều có khả năng phòng ngừa bệnh mạch vành và các cơn đau tim.
- Hạt điều chứa hàm lượng chất xơ dồi dào, giúp chúng ta cảm thấy no lâu hơn và điều này hỗ trợ hiệu quả cho việc giảm cân.
- Hàm lượng proanthocyanidins dồi dào trong hạt điều có tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư.
- Các chất chống oxy hoá có trong hạt điều có tác dụng bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do. Từ đó có thể phòng ngừa nhiều bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường, tim mạch,…
- Zeaxanthin và lutein có trong hạt điều hoạt động như các chất chống oxy hóa, có thể bảo vệ mắt khỏi các tổn thương nhẹ, giảm nguy cơ mắc đục thủy tinh thể.
- Trong loại hạt này còn có kẽm, có tác dụng chống nhiễm khuẩn, làm nhanh lành vết thương, tăng cường miễn dịch của cơ thể.
- Dùng hạt điều thường xuyên sẽ giảm tích lũy cholesterol trong túi mật nên giảm nguy cơ hình thành sỏi mật.
- Phốt pho, canxi, magie, vitamin K có trong hạt điều đều là những khoáng chất cần thiết cho xương và răng. Ăn hạt điều thường xuyên cũng giúp giảm nguy cơ loãng xương.
- Vừa có hàm lượng chất xơ dồi dào, vừa không chứa cholesterol xấu, hạt điều an toàn với bệnh nhân đái tháo đường. Dùng hạt điều đúng cách giúp ổn định lượng đường trong máu, giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2.
Cách ăn hạt điều phát huy tối đa công dụng
Hạt điều có tác dụng gì đến đây bạn đã biết. Vậy sử dụng hạt điều như thế nào để phát huy tối đa công dụng? Muốn sử dụng hạt điều đúng cách, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Không nên ăn hạt điều chưa qua xử lý vì thành phần thường chứa urushiol, có thể gây phản ứng dị ứng trên da.
- Không nên ăn hạt điều cũ, có dấu hiệu bị mốc hỏng. Nấm mốc khiến các thành phần dinh dưỡng trong hạt điều biến đổi và làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
- Không nên ăn hạt điều sát giờ ngủ tối vì hàm lượng chất béo và calo cao dễ khiến bạn tăng cân. Ăn hạt điều có béo không hoàn toàn phụ thuộc vào cách ăn của bạn.
- Những người bị khàn tiếng hoặc mất giọng tạm thời nên tạm ngưng ăn hạt điều. Hàm lượng chất béo trong hạt điều có thể kích thích niêm mạc họng khiến tình trạng khàn tiếng thêm nặng hơn. Người đang bị ho hoặc viêm họng cũng nên tạm dừng việc ăn hạt điều cho đến khi bệnh khỏi hẳn.
- Một số người bị dị ứng hạt điều, dị ứng nặng có thể dẫn đến sốc phản vệ. Vì vậy, nếu không biết mình có bị dị ứng hạt điều hay không, bạn nên sử dụng trước một lượng nhỏ.
- Hạt điều giàu kali nên người đang bị sỏi thận, suy thận, thận yếu đều không nên ăn để tránh tăng áp lực cho thận. Mỗi ngày bạn chỉ nên ăn tối đa 100g hạt điều. Mỗi tuần chỉ nên ăn hạt điều 3 – 4 lần, không nên ăn hạt điều nhiều quá sẽ gây khó tiêu, nặng bụng.
- Một số người thích ăn hạt điều rang muối, hạt điều rang tỏi ớt vì được kết hợp thêm các gia vị đậm đà hơn. Tuy nhiên, hạt điều rang muối ăn nhiều không tốt cho thận. Hạt điều rang tỏi ớt dễ gây nóng và không tốt cho dạ dày. Vì vậy, bạn nên ăn ít hơn so với hạt điều thông thường.
Khi đã biết hạt điều có tác dụng gì, chẳng ai lỡ bỏ qua loại hạt dinh dưỡng tốt cho sức khỏe này. Hạt điều có thể được dùng để làm sữa hạt, làm bánh, làm món ăn vặt, làm salad hoặc làm các món hầm, món xào,… Hãy ăn hạt điều đúng cách, đủ lượng để phát huy tối đa công dụng bạn nhé!
Xem thêm:
- Tổng hợp các loại thảo dược tốt cho sức khỏe
- Lá mơ có tác dụng gì với sức khỏe?