Hạt sago từ lâu đã được sử dụng để chế biến nhiều món ngon trên thế giới, phổ biến nhất là các món chè. Loại hạt này có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng có nhiều người chưa từng biết đến và cũng chưa từng sử dụng. Nếu bạn cũng là một trong số đó, trong bài viết này Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu tác dụng và cách sử dụng hạt sago.
Hạt sago là gì?
Nhìn bề ngoài, hạt sago có màu trắng, hình tròn, kích thước nhỏ hơn viên trân châu nhưng lớn hơn hạt kê. Hạt sago không phải hạt của một loài thực vật nào mà được làm từ một loại bột. Bột sago được chiết xuất từ phần ruột xốp của cây Sagu Metroxylon hay cây cọ sago (người Việt Nam thường quen với tên gọi cây vạn tuế).
Chúng ta thường bắt gặp hình ảnh của những hạt sago trong các món chè hoặc bánh. Thành phần dinh dưỡng chính trong hạt sago là tinh bột, một lượng nhỏ protein, chất xơ, chất béo. Trong 100g hạt sago thường chứa: 332 calo, 83g carb, ít hơn 1g protein, ít hơn 1g chất xơ, ít hơn 1g chất béo, 11% lượng kẽm được khuyến nghị hàng ngày.
Ngoài ra, hạt sago không chứa các thành phần vitamin và khoáng chất khác. Đồng thời, hạt sago cũng không chứa gluten nên phù hợp với người mắc bệnh Celiac hoặc người theo chế độ ăn kiêng đặc biệt.
Lợi ích cho sức khỏe của hạt sago
Dù không cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất nhưng hạt sago vẫn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe người dùng như:
Tốt cho bệnh nhân tiểu đường
Trong hạt sago có hàm lượng tinh bột kháng tự nhiên khoảng 7,5%. Loại tinh bột này không thể tiêu hóa và là thức ăn yêu thích của các loại lợi khuẩn đường ruột. Những lợi khuẩn này sẽ phá vỡ kháng tinh bột và sản xuất là các acid béo chuỗi ngắn. Cả kháng tinh bột và acid béo chuỗi ngắn đều có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu, giảm kháng insulin. Điều này giúp phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế biến chứng của bệnh tiểu đường.
Hạt sago tốt cho tiêu hóa và đề kháng
Khi cung cấp thức ăn cho lợi khuẩn đường ruột, hạt sago cũng góp phần cải thiện quá trình tiêu hóa. Khi hệ tiêu hóa khỏe mạnh, sức đề kháng tự nhiên của cơ thể sẽ được nâng cao. Lý do là có khoảng 70% hệ miễn dịch của chúng ta nằm tại ruột.
Bổ sung chất chống oxy hóa giúp phòng bệnh mãn tính
Trong thành phần của bột sago có chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh mẽ như tannin và flavonoid. Các chất này sẽ bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi tổn thương do sự tấn công của các gốc tự do. Nhờ đó, hạt soga giúp phòng ngừa nhiều bệnh mãn tính nguy hiểm như bệnh tim mạch, ung thư, viêm nhiễm và làm chậm quá trình lão hóa.
Tăng sức bền và hiệu suất tập luyện
Hạt sago có tác dụng giúp tăng sức bền, độ dẻo dai của cơ bắp, từ đó giúp tăng hiệu suất tập luyện. Đó là nhờ thành phần carbohydrate trong bột soga giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra, nếu dùng hạt soga sau khi tập luyện còn giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi.
Hạt sago tốt cho sức khỏe tim mạch
Thành phần amylose trong hạt sago là một loại tinh bột chuyển hóa chậm, khi tiêu thụ sẽ cần nhiều thời gian gian. Vì vậy, sử dụng hạt sago giúp ổn định hàm lượng cholesterol và chất béo trong máu bên cạnh công dụng kiểm soát đường huyết. Khi không có tình trạng cholesterol và chất béo trung tính cao, sức khỏe tim mạch sẽ được duy trì, nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ giảm.
Cách chế biến và sử dụng hạt sago
Cây cọ sago dùng để chiết xuất sago là một loại cây có độc. Vì vậy chúng ta không nên sử dụng hạt sago tươi để tránh các tác dụng phụ như nôn ói, tổn thương gan,… Chúng ta chỉ nên dùng hạt sago được chế biến từ bột sago đã trải qua quá trình xử lý loại bỏ độc tố. Không khó để mua loại hạt này tại các cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh. Bạn cũng dễ dàng đặt mua trực tuyến mặt hàng này.
Hạt sago khi mua về là loại chưa chín, bạn cần làm chín hạt trước khi sử dụng bằng các luộc trong nước sôi khoảng 10 phút. Trong quá trình luộc, bạn cần khuấy đều tay để các hạt không bị dính vào nhau. Cho đến khi hạt sago chuyển từ màu trắng sang màu trong suốt, bạn vớt ra và rửa lại với nước lạnh. Việc này giúp hạt không bị dính lại và duy trì được độ dẻo.
Hạt sago sau khi đã luộc chín có thể sử dụng làm bánh, nấu chè hoặc làm các món ăn khác. Loại hạt này làm tăng hương vị cho món ăn, mang đến cảm giác thích thú khi thưởng thức đồng thời cũng mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho người sử dụng. Các loại chè quen thuộc hay dùng hạt sago làm nguyên liệu như chè xoài, chè khoai môn, chè sago lá dứa, chè hoa quả,… Một số loại bánh sử dụng hạt sago làm nguyên liệu như bánh khoai lang tím sago, bánh mì cắt sago,…
Lưu ý khi sử dụng hạt sago
Hạt sago tốt cho sức khỏe nhưng không có nghĩa chúng ta có thể dùng tùy thích. Vì vẫn cung cấp calo và carb nên khi sử dụng nhiều, hạt sago cũng có thể gây tăng cân. Ngoài ra, khi tiêu thụ nhiều hạt sago, bạn sẽ có xu hướng giảm tiêu thụ các thực phẩm khác. Trong khi đó, hạt sago không cung cấp vitamin và khoáng chất nên có thể gây mất cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể.
Nếu bị dị ứng gluten, bạn không nhất thiết phải sử dụng hoàn toàn hạt sago thay thế các thực phẩm cung cấp tinh bột khác. Một số nguồn carb không chứa gluten nhưng giàu dinh dưỡng hơn hạt sago bạn có thể sử dụng như bí ngô, khoai tây, khoai lang,…
Trên đây là những thông tin về hạt sago – loại hạt tốt cho sức khỏe mà có thể nhiều người chưa biết đến. Hạt sago thường dùng để chế biến các món ngọt. Mà ăn nhiều đồ ngọt không tốt cho sức khỏe. Nên dù đã biết các công dụng của hạt sago, bạn cũng chỉ nên sử dụng nó với lượng vừa đủ thôi nhé!
Xem thêm:
- Meal prep là gì? Cách thực hiện meal prep hiệu quả
- Muối đen khác muối thường thế nào? Công dụng của muối đen