Hói đầu ở nữ giới là tình trạng tóc rụng ngày càng nhiều trong thời gian ngắn, không thấy dấu hiệu mọc lại. Vậy hói đầu ở nữ giới do đâu? Hãy tìm hiểu nguyên nhân, chẩn đoán và điều cần biết để phụ nữ ngăn được nguy cơ hói tóc và nắm bắt được các phương pháp điều trị hiệu quả.
Hói đầu ở nữ là gì?
Hói đầu ở nữ được định nghĩa là rụng hơn 100 sợi tóc mỗi ngày, mật độ tóc mỏng hơn, nhìn rõ nhiều mảng da đầu. Lâu nay, nhiều người nghĩ hói tóc thường gặp ở nam giới nhưng trên thực tế phụ nữ vẫn rơi vào tình trạng này. Tỷ lệ rụng tóc ở phụ nữ sẽ tăng dần theo độ tuổi.
Khi mắc chứng hói đầu, phụ nữ tóc ngày càng mỏng, nhiều mảng da đầu trở nên trống trơn dù đường chân tóc ít khi mất đi. (1)
Nguyên nhân gây hói đầu ở nữ giới
Hói đầu ở nữ giới đến từ nhiều nguyên nhân khác, có thể kể đến các yếu tố phổ biến sau:
1. Rối loạn thần kinh nội tiết
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng hói tóc ở nữ. Một số nghiên cứu ghi nhận có đến 80% các trường hợp hói đầu ở phụ nữ xuất phát từ nguyên nhân rối loạn nội tiết tố, cụ thể là suy giảm hormone estrogen. Thần kinh nội tiết là yếu tố quyết định sợi tóc dài ngắn, tồn tại lâu hay mau, có óng mượt hay không.
2. Dinh dưỡng mất cân bằng
Tóc cũng cần vitamin, khoáng chất để ổn định nang tóc và hạn chế gãy rụng. Khi chế độ dinh dưỡng mất cân bằng dẫn đến thiếu hụt protein, sắt, kẽm, axit béo, vitamin A, C, E, B5, B6,… làm rút ngắn quá trình phát triển, tóc khô xơ, chẻ ngọn, thậm chí bạc sớm. Vì vậy, để bảo vệ nuôi dưỡng mái tóc khỏe đẹp các bạn nữ cần có chế độ ăn uống khoa học, đa dạng các loại thực phẩm cung cấp đủ dinh dưỡng đường, đạm, vitamin và khoáng chất. Và chị em nhớ uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
3. Tâm lý, stress kéo dài
Khi nữ giới đối mặt áp lực, căng thẳng trong thời gian dài sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân, làn da mà tóc cũng có dấu hiệu rụng nhiều. Phụ nữ chịu căng thẳng là tác nhân làm tổn tổn thương mầm tóc, giảm độ tái tạo, tăng số lượng tóc tiến vào giai đoạn thoái triển (Telogen) và khiến tóc rụng nhiều hơn.
4. Lạm dụng hóa chất
Một thủ phạm khác gây hói tóc ở nữ giới mà ít ai chú ý đến là các sản hóa mỹ phẩm từ dầu gội, dầu xả,… việc tiếp hóa chất như thuốc uốn, duỗi, nhuộm thường xuyên sẽ khiến tóc rụng nhiều và khô xơ. Lạm dụng hóa chất tạo kiểu và nhiệt độ từ các máy làm tóc sẽ phá hủy lipid và keratin ở biểu bì khiến tóc yếu, dễ gãy rụng.
5. Mang thai
Vào thời kỳ mang thai, nồng độ estrogen tăng mạnh làm chu kỳ mọc tóc thay đổi tạm thời. Ở giai đoạn này, phụ nữ dễ nhận thấy tóc nhanh dài, chắc khỏe, óng mượt và ít rụng. Nhưng sau khi sinh con, nồng độ estrogen trở về bình thường các bà mẹ sẽ thấy tóc rụng nhiều hơn thậm chí là hói. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ tạm thời, tóc sẽ mọc lại sau đó. (2)
6. Phụ nữ sau sinh
Trong quá trình cho con bú, cơ thể người mẹ tiết ra hormone prolactin nhưng hormone này lại ức chế estrogen nên khiến tóc phụ nữ rụng tóc nhiều hơn sau khi sinh.
7.Tuổi tác
Bước vào tuổi trung niên không chỉ xương khớp, làn da lão hóa và tóc cũng không ngoại lệ. Tuổi ngày một cao, các tế bào mầm tóc không còn khỏe mạnh dẫn đến tóc rụng nhiều hơn và không mọc lại từ đó gây ra chứng rụng tóc ở nữ. (3)
8. Di truyền
Nếu ông bà, cha mẹ hói tóc thì các thế sau trong gia đình sẽ có nguy cơ cao bị hói.
9. Sử dụng thuốc
Tác dụng phụ của thuốc điều trị ung thư, trầm cảm, gút, thuốc tránh thai,… gây ra chứng hói tóc ở nữ giới.
10. Chấn thương
Khi cơ thể gặp vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe như tai nạn, phẫu thuật, bệnh nặng,… làm thay đổi chu kỳ mọc và phát triển của tóc và dẫn đến rụng tóc.
11. Các nguyên do khác
Ngoài các nguyên nhân trên, rụng tóc ở phụ nữ còn do các yếu tố khác như bệnh về tuyến giáp (cường giáp, suy giáp,…), nhiễm khuẩn da đầu (nấm, vảy nến, hắc lào,…), thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, môi trường sống ô nhiễm, thói quen bứt tóc,… Do đó, khi phát hiện rụng tóc không rõ nguyên nhân, nên đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời.
Tình trạng đầu hói tóc ở nữ diễn ra như thế nào?
Hói tóc ở nữ giới là trình trạng số lượng tóc bị thoái triển tăng lên, giai đoạn mọc tóc chậm lại, dẫn đến các nang lông co lại và tóc mọc trở nên mỏng và mảnh hơn. Điều này làm tóc dễ gãy, rụng.
Nếu ở nam giới, hói tóc bắt đầu ở phía trước đầu và giảm dần về phía sau cho đến khi hói giống với chữ U hay chữ M thì ở phụ nữ, tóc thưa, rụng nhiều ở đỉnh đầu, ở ngôi giữa và đường chân tóc thường vẫn còn.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hói tóc ở phụ nữ không chỉ xuất phát từ các tuổi tác, di truyền mà có thể là các bệnh tiềm ẩn khác đang trực chờ như bệnh về tuyến giáp, lao, thương hàn, tiểu đường,… Vì vậy, khi chị em phụ nữ phát hiện tóc rụng nhiều bất thường và không mọc lại nên đến ngay bệnh viện để được các bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp.
Chẩn đoán tình trạng hói tóc ở phụ nữ
Để chẩn đoán tình trạng hói tóc ở phụ nữ, các bác sĩ thực các biện pháp sau đây:
- Hỏi bệnh sử: Ban đầu bác sĩ sẽ đặt các câu hỏi về tiền sử hói của gia đình, chế độ ăn uống, thói quen chăm sóc tóc, các loại thuốc đang uống,…
- Khám lâm sàng và thực hiện các test trên tóc(Pull test, Stretch test): Bác sĩ sẽ kéo nhẹ nhàng khoảng 50 sợi tóc để xem mức độ rụng của tóc, hoặc kéo dãn sợi tóc để kiểm tra độ đàn hồi của tóc.
- Xét nghiệm máu: Phương pháp này giúp nữ giới xác định thêm nguyên nhân gây rụng tóc có đến từ các bệnh khác hay không.
- Xét nghiệm vi trùng, vi nấm, ký sinh trùng: Qua cạo vảy da đầu hoặc xét nghiệm dịch mủ (nếu có), để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng da đầu, nang tóc.
- Soi kính hiển vi quang học: Phần tóc ở gốc có thể được soi dưới kính hiển vi để tìm ra điểm bất thường.
- Sinh thiết da đầu: Trong vài trường hợp đặc biệt, đôi khi bác sĩ còn cần lấy mẫu da nhỏ để kiểm tra mô bệnh học, giúp hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh.
Cách trị hói tóc ở nữ đơn giản hiệu quả
Để trị hói tóc ở nữ có 3 liệu pháp chính sau đây:
1. Từ các liệu pháp thiên nhiên
1.1 Nha đam
Nha đam thường được nhắc tới trong việc chăm sóc da, nhưng ít ai biết đến công dụng giúp mái tóc hạn chế gãy rụng. Trong nha đam chứa các axit amin, vitamin A, B, C và khoáng chất như sắt, đồng, kẽm,… giúp tóc chắc khỏe, ngăn ngừa gàu giảm gãy rụng và kích thích giai đoạn tăng trưởng mọc tóc.
1.2 Trà xanh
Trà xanh có chất chống oxy hóa, làm chậm quá trình tóc lão hoá và giúp máu lưu thông tốt hơn nhằm kích thích mọc tóc.
1.3 Bồ kết
Từ xưa đến nay, bồ kết được biết đến là nguyên liệu chính để các chị em gội đầu, chăm sóc tóc. Bồ kết có thành phần saponin, saponaretin có tác dụng kháng viêm, trị gàu, tiêu diệt nấm da đầu, giảm rụng và kích thích mọc tóc.
1.4 Tinh dầu bưởi
Trong tinh dầu bưởi chứa các thành phần như pectin, naringin, vitamin A, C… với tác dụng kháng khuẩn, lưu thông máu, kích thích tóc mọc, cải thiện chứng hói tóc ở nữ. Để trị hói tóc ở phụ nữ bằng tình dầu bưởi có thực hiện theo 2 cách, thứ nhất trộn tinh dầu bưởi với dầu gội và thứ 2 xịt tinh dầu lên da đầu sau đó mát xa khoảng 10 phút và để tóc khô tự nhiên .
1.5 Dầu dừa
Dầu dừa dồi dào hàm lượng lớn axit béo, axit lauric, capric giúp kháng khuẩn, ngăn ngừa nấm da đầu, kích thích sự phát triển của tóc và dưỡng ẩm.
2. Bằng thuốc tây y
Các loại thuốc tây y phổ biến trong điều trị hói tóc ở nữ, gồm có:
2.1 Minoxidil 2% hoặc 5% dạng xịt hoặc thoa ngoài da
Đây là loại thuốc được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để điều trị chứng rụng tóc do androgen, ở cả nam và nữ giới. Ngoài ra, thuốc còn được sử dụng rộng rãi hơn khi kết hợp trong điều trị nhiều dạng rụng tóc khác.
Minoxidil là thuốc dùng ngoài da hoạt động theo cơ chế tăng lượng máu, oxy, chất dinh dưỡng đến các nang tóc, kích thích tế bào gốc nang tóc tăng sinh và biệt hóa, từ đó giúp tóc mọc dài ra. Thuốc có kết quả trong vòng 6 – 12 tháng và cần sử dụng liên tục để duy trì tác dụng.
Tuy nhiên, Minoxidil có thể gây ra một số tác dụng phụ như đỏ, khô, ngứa, mọc lông ở một số vùng không mong muốn .
2.2 Spironolactone (Aldactone)
Spironolactone là thuốc lợi tiểu) thường dùng trong điều trị tăng huyết áp có tác dụng kháng testosterone nên được ứng dụng trong điều trị rụng tóc. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như mất cân bằng điện giải, mệt mỏi, kinh nguyệt không đều, ngực chảy xệ.
Lưu ý, khi uống thuốc Spironolactone cần phải kiểm tra huyết áp và điện giải thường xuyên. Phụ nữ mang thai hoặc dự định có thai không nên sử dụng thuốc này, vì có thể gây dị tật bẩm sinh.
2.3 Finasteride (Propecia)
Thuốc giúp ngăn sản xuất Dihydrotestosterone (DHT), ngăn biến đổi testosterone ra DHT mà không gây ảnh hưởng đáng kể lên testosterone trong huyết thanh, giúp nang tóc khỏe, làm chậm rụng tóc và kích thích mọc tóc mới. Thường mất từ 4 tháng mới thấy kết quả cải thiện, và cần điều trị duy trì để ngăn rụng tóc trở lại. Loại thuốc này, không dùng cho phụ nữ có thai vì nguy cơ trẻ sinh mắc dị tật.
3. Bằng các phương pháp y khoa
3.1 Laser , thiết bị ánh sáng
Các bác sĩ sử dụng ánh sáng từ tia laser hoặc một số thiết bị ánh sáng với năng lượng phù hợp chiếu vào da đầu nhằm kích thích các nang lông mọc tóc trở lại. (4)
3.2 Phẫu thuật cấy tóc
Bác sĩ lấy các nang tóc khỏe mạnh nơi có mật độ nhiều rồi đem cấy vào vị trí hói.
3.3 Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
Máu được lấy từ cơ thể bệnh nhân, qua quá trình điều chế tạo ra huyết tương giàu tiểu cầu, giàu yếu tố tăng trưởng rồi tiêm hoặc lăn kim ở các vị trí hói để kích thích tóc mọc trở lại.
3.4 Lăn kim
Bác sĩ sử dụng một dụng cụ đặc biệt với nhiều mũi kim nhỏ, lăn trên da đầu tạo ra các vi điểm, để đưa thuốc thẩm thấu vào sâu bên trong. Biện pháp này giúp các nang tóc được phục hồi và tăng khả năng sinh trưởng. Liệu trình điều trị lăn kim được thực hiện 2 – 3 tuần 1 lần.
Trong thời gian điều trị, bệnh nhân kết hợp bôi thuốc và uống thuốc để kích thích mọc tóc. Và tùy vào độ hấp thụ thuốc và tình trạng rụng tóc ở mỗi người, bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da sẽ chọn liệu trình phù hợp. (5)
Bài viết liên quan: 4 cách trị hói đầu hiệu quả an toàn & Ưu nhược điểm là gì?
Các lưu ý cần biết trong quá trình chữa hói đầu ở nữ giới
Ngay khi phát hiện các dấu hiệu hói tóc ở nữ giới như tóc rụng nhiều, mật độ tóc ngày càng mỏng, các mảng da đầu xuất hiện nên điều trị càng sớm càng tốt vì để lâu các nang tóc bị teo lại, khả năng phục hồi không còn cao. Với cách điều trị hói tóc ở nữ bằng liệu pháp thiên nhiên nên thử trên một vùng tóc trước khi áp dụng cho toàn bộ da đầu nhằm tránh hiện tượng kích ứng.
Tiếp theo, cần lựa chọn các loại thuốc uy tín, chất lượng, nắm rõ cơ chế hoạt động, tác dụng phụ và nên dùng sản phẩm chuyên biệt cho nữ. Và khi chị em phụ nữ lựa chọn điều trị hói tóc tại bệnh viện nên chọn địa chỉ uy tín, chất lượng, nơi có chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da và máy móc, thiết bị hiện đại để có hiệu quả cao.
Ngoài ra với những người hói lâu năm, cần kiên trì, tuân thủ đầy đủ liệu trình để tóc mau chóng phục hồi. Với những người trẻ rụng tóc nhiều, bên cạnh sử dụng sản phẩm nuôi dưỡng tế bào mầm tóc cần điều điều chỉnh lối sống thói quen sinh hoạt, giảm thiểu căng thẳng,… mới mang lại hiệu quả lâu dài. Và người hói tóc kèm theo các bệnh khác cần dùng song song với thuốc điều trị bệnh.
Làm thế nào để ngăn ngừa hói đầu ở phụ nữ?
1. Chế độ dinh dưỡng cân bằng
Thiết lập chế độ ăn uống giàu protein, vitamin và khoáng chất cần thiết giúp nuôi dưỡng mái tóc dày, chắc khỏe. Các loại thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, các loại đậu. Vitamin giúp nuôi dưỡng mái tóc mềm mượt, hạn chế hãy rụng như vitamin B5, B6, Biotin, PP,… Và khoáng chất như sắt, kẽm… sẽ giúp các nang tóc phục hồi.
2. Hạn chế tiếp xúc với hóa chất
Hóa chất từ thuốc uốn, duỗi, nhuộm gây ra tình trạng rụng tóc nhiều thậm chí hói tóc ở nữ. Vì vậy các chuyên gia khuyến cáo chị em phụ nữ chỉ nên làm tóc 6 tháng/lần.
3. Mát xa da đầu
Dùng các đầu ngón tay tạo áp lực từ nhẹ đến trung bình lên vùng da đầu giúp lưu thông tuần hoàn máu và kích thích nang tóc phát triển.
4. Ngưng dùng thuốc
Nếu nghi ngờ các loại thuốc đang uống gây rụng tóc, chị em nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và thay loại thuốc khác.
5. Bảo vệ tóc
Tóc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời dễ khô xơ, và gãy rụng; vì vậy khi đi ra ngoài phụ nữ nên che chắn cẩn thận.
6. Lựa chọn sản phẩm chăm sóc tóc phù hợp
Sử dụng các loại dầu gội, thuốc dưỡng giúp tóc chắc khỏe và tránh các thành phần có tính chất tẩy rửa như sulfat.
Câu hỏi liên quan về tình trạng hói đầu ở nữ
1. Phụ nữ bị hói đầu có mọc lại được không?
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng nguyên nhân gây ra tình trạng rụng tóc ở nữ giới là do tế bào mầm tóc suy yếu. Tế bào mầm tóc nằm sâu bên trong các nang tóc, được ví như hạt giống quyết định tuổi thọ, sự chắc khỏe của sợi tóc. Vì thế, một trong các giải pháp cứu mái tóc thoát khỏi hói là cần chăm sóc và nuôi dưỡng mầm tóc khỏe mạnh.
Hiện có nhiều phương pháp hỗ trợ điều trị và làm chậm quá trình hói tóc ở phụ nữ, có thể kể đến các nguyên liệu thiên nhiên như bồ kết, tinh dầu bưởi, dầu dừa, mật ong,… và các giải pháp y khoa với sự an toàn hiệu quả cao như cấy tóc, laser, lăn kim,…
Tóc có thể mọc lại hay không tùy thuộc nguyên nhân rụng tóc, cơ địa bệnh nhân, thời gian bắt đầu điều trị… nên bệnh nhân cần được thăm khám và điều trị kịp thời để đạt kết quả tốt nhất.
2. Nữ giới ở tuổi bao nhiêu dễ bị hói đầu nhất?
Hói đầu ở nữ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, ngoài các yếu tố phổ biến như tuổi tác, di truyền, rối loạn nội tiết, dinh dưỡng không cân bằng, thì các vấn đề tâm lý căng thẳng, lạm dụng hóa chất làm đẹp, các phương pháp điều trị bệnh,… chính nguy cơ khiến tóc mất đi ngày càng nhiều. Do đó, phụ nữ dù còn trẻ tuổi vẫn có khả năng mắc phải chứng rụng tóc nếu gặp các yếu tố trên.
Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh có các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm trong điều trị các bệnh về hói đầu, rụng tóc ở nữ giới cùng nhiều phác đồ, kỹ thuật mới, máy móc nhập khẩu chính hãng từ các nước Âu – Mỹ để kích thích tóc mọc trở lại, cải thiện tình trạng rụng tóc.
Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin hữu ích giải đáp thắc mắc về hói đầu ở nữ giới, nguyên nhân, dấu hiệu. Hy vọng thông qua những chia sẻ này, mỗi người sẽ chủ động theo dõi, phát hiện và điều trị bệnh ngay từ sớm, tránh để lâu tóc sẽ khó phụ hồi.