Khai thác nét văn hóa bản địa đặc sắc
Huyện Hữu Lũng hiện có 4 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận gồm: Đền Bắc Lệ (xã Tân Thành), đền Quan Giám Sát (xã Hòa Lạc), du lịch sinh thái cộng đồng xã Hữu Liên và du lịch cộng đồng xã Yên Thịnh; 22 homestay đang hoạt động, trong đó có 1 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú cắm trại du lịch.
Có hơn 1.000 hộ dân, 4 dân tộc anh em, những năm gần đây, xã Yên Thịnh thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, bao quanh là núi đá vôi trùng điệp cùng các hang động, hố sụt, ở giữa là vùng thung lũng có những cánh đồng bằng phẳng.
Cùng với đó là các món ăn đặc sắc được chế biến từ nguyên liệu sẵn có của địa phương như gà nướng, vịt quay, cá nướng, lợn nướng, rau dớn, rau bồ khai, bánh ngô, bánh giò bầu, bánh chưng đen, xôi cẩm…
Cách Yên Thịnh khoảng 10km, điểm du lịch xã Hữu Liên cũng được nhiều du khách tìm đến để tận hưởng cảm giác hoang sơ của núi rừng, khí hậu mát mẻ quanh năm trên vùng cao Đồng Lâm, tham quan Làng du lịch sinh thái cộng đồng, Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên và hệ thống các hang động, hồ nước tự nhiên….
Để hình thành, phát triển Du lịch cộng đồng ở Hữu Liên, cán bộ, người dân nơi đây đã đi học hỏi kinh nghiệm tại huyện Mai Châu (Hòa Bình). Hiện, Hữu Liên có khoảng 5 homestay với những dãy nhà sàn của người Dao được xây dựng theo hàng thẳng tắp theo sườn đồi.
Là hộ đầu tiên đăng ký phát triển du lịch cộng đồng, anh Vi Văn Miệu đã mạnh dạn đầu tư xây dựng homestay Bình Minh theo mô hình nhà sàn của dân tộc Dao. Giờ đây, cứ cuối tuần, homestay của gia đình anh cũng như các nhà xung quanh đều kín phòng, cho thu nhập cao hơn làm ruộng từ 3- 5 lần.
Chú trọng nâng cao chất lượng ngành du lịch
Xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính chất liên ngành, liên vùng, tạo động lực cho các ngành khác phát triển, những năm qua, Hữu Lũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Hữu Lũng – điểm đến an toàn, thân thiện tới du khách bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng; trang thông tin điện tử của huyện, xã; các trang fanpage, mạng xã hội, cẩm nang du lịch Việt Nam, trưng bày giới thiệu các sản phẩm du lịch…
Huyện cũng phối hợp với Sở Ngoại vụ Lạng Sơn xây dựng và phát hành 500 ấn phẩm “Hữu Lũng khai thác thế mạnh, phát triển nhanh, bền vững” được thể hiện song ngữ với 5 ngôn ngữ: Việt – Anh, Việt -Pháp, Việt – Nhật, Việt – Hàn, Việt – Trung.
Tạo điều kiện hỗ trợ các đoàn làm phim, các hãng truyền hình, công ty sản xuất chương trình truyền hình, các kênh truyền hình đến quay phim và ghi hình tại Hữu Lũng. Phối hợp làm việc với Đoàn khảo sát và hướng dẫn, giới thiệu (Thuyết minh) tại các điểm tổ chức hoạt động khảo sát của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn tại các xã Yên Thịnh và Hữu Liên.
Giới thiệu các hộ gia đình có tiềm năng phát triển thành điểm du lịch (vườn cây ăn quả nhãn, ổi, na) gắn với sản phẩm nông nghiệp Yên Thịnh như hộ ông Mè Văn Hoan, thôn Gạo Trong; hộ ông Phùng Văn Vỹ, thôn Chùa tới các công ty lữ hành, các doanh nghiệp của các tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, thành phố Hà Nội và thành phố Lạng Sơn….
Chú trọng nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch, bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng dịch vụ và xây dựng thương hiệu du lịch Hữu Lũng.
Ông Bùi Quốc Khánh – Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng cho biết, phát triển du lịch đã giúp Hữu Lũng trở thành nơi giao thoa văn hóa giữa các vùng miền, với các loại hình du lịch phong phú hiện có đang được khai thác, cho hiệu quả cao.
Huyện đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng du lịch từ việc cơ cấu ngành du lịch, củng cố phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch và cơ cấu nguồn lực phát triển du lịch, tổ chức triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh để tạo sức đột phá cho phát triển du lịch.
Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao mức thu nhập cho người dân, đặc biệt là vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Với mục tiêu đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hữu Lũng đang nỗ lực đổi mới phương pháp xúc tiến, quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch theo hướng dài hạn, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Nghiên cứu thiết kế các tờ rơi, tập gấp, bản đồ du lịch…để giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch, chia sẻ các trải nghiệm, dịch vụ du lịch chất lượng cho du khách, các gương điển hình về phát triển du lịch.
Tổ chức tập huấn, học tập kinh nghiệm tại các địa phương đã phát triển du lịch nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề truyền thống và du lịch sinh thái.
Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá, dự báo nhu cầu nhân lực du lịch trong thời gian tới để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp cho đối tượng là người dân đang sinh sống tại các điểm du lịch cộng đồng, hướng tới phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân.