Nổi loạn, phá cách, bùng nổ với màu sắc, chi tiết và hình ảnh, thậm chí dị biệt, khó hiểu, ấn tượng thị giác mạnh, dày dặn những chi tiết của cuộc sống,… – đó là những cảm xúc mà bạn có thể gặp phải khi lần đầu nhìn thấy các tác phẩm của Chú Môi.
Sinh năm 1996, hiện tại đang sinh sống và hoạt động nghệ thuật tự do tại Sài Gòn – Chú Môi (tên thật Nguyễn Duy Anh) – là cái tên không thể bỏ qua khi nhắc đến trường phái Collage Art và Abstract Art tại Việt Nam. Ngôn ngữ văn hóa đại chúng, nhịp sống đường phố, những sự kiện đời sống thường ngày, sự kiện lịch sử, nhân vật nổi tiếng, văn hóa dân gian,…, tất cả đều có thể tìm thấy trong các tác phẩm của Chú Môi.
Hãy cùng iDesign đi sâu hơn vào thế giới đằng sau những bức vẽ nổi loạn và phá cách của Chú Môi để hiểu hơn về chàng trai đa tài này nhé!
Sự dịch chuyển tình cờ đến với nghệ thuật và hành trình kiến tạo ‘Chú Môi’
Được thành lập vào khoảng năm 1910 bởi hai nghệ sĩ Georges Braque và Pablo Picasso, Collage Art nổi lên như là một trong những phong trào nghệ thuật độc lạ và thu hút ngày càng nhiều nghệ sĩ. Với sự liên kết giữa nhiều trường phái, từ trường phái Lập thể (Cubism), Dada (Dadaism), Chủ nghĩa siêu thực (Surrealism) đến trường phái Ấn tượng Trừu tượng (Abstract Expressionism), Pop Art, Collage Art là một mảnh đất đầy sức hút với các nghệ sĩ bởi sự tự do, khả năng sáng tạo, liên tưởng giữa vô vàn chất liệu của cuộc sống.
Đến với những trường phái đang theo đuổi một cách tình cờ, xây dựng nên “Chú Môi” cũng tình cờ, cơ duyên với nghệ thuật của Chú Môi có thể tóm gọn trong hai chữ “tình cờ”. Album “[Digital Collage] Moi’s Outer Space” trên Fanpage Chú Môi vào năm 2018 là một “cú nổ” và “cú hích” với chàng trai Duy Anh khi đó. Thời điểm ấy, anh đang là một designer và biết đến phong cách nghệ thuật Collage Art trong một lần lướt web. Cơ duyên đến với Abstract Art của Chú Môi cũng tình cờ không kém, anh biết đến trường phái Lập thể (Cubism) qua một bộ sưu tập hình xăm theo phong cách của Picasso và thể loại Tân Biểu Hiện (Neo-expressionism) trong một lần lướt Instagram. Sau sự đón nhận bất ngờ của người xem với album ảnh [Digital Collage] Moi’s Outer Space, để có được Chú Môi như ngày hôm nay còn phải nhờ vào giai đoạn năm 2019 khi Duy Anh liên tục thực hành vẽ, càng vẽ nhiều anh càng đến gần hơn với cái riêng của mình và được đón nhận nhiều hơn.
“Đó có thể là những ngày mình làm xong task của công ty, ngồi lướt web và tình cờ tìm thấy những tấm ảnh về một thể loại nghệ thuật nào đó lạ lẫm. Hay có thể là một chuỗi thời gian mình gặp chuyện không vui, tâm trạng không tốt và cần tìm một thứ gì đó để trút bỏ cảm xúc vào. Nói chung, đối với mình tất cả các quá trình ấy đều diễn ra rất bất ngờ, mình còn chẳng ngờ đến là mình sẽ theo đuổi các thể loại nghệ thuật này cho đến ngày hôm nay.”
Sự tình cờ của bước ngoặt nghệ thuật chính là sự đánh dấu cho Chú Môi ra đời. Bản thân Chú Môi chia sẻ, dù cả Duy Anh và Chú Môi đều giống nhau ở điểm muốn đột phá, muốn sáng tạo, vậy nhưng, Duy Anh vẫn còn bị mắc kẹt và chưa thể bùng nổ được. Chú Môi đã xuất hiện và giải bài toán đó giúp Duy Anh, vừa để theo đuổi con đường nghệ thuật một cách tự do vừa thúc đẩy sự bay bổng của Duy Anh ra khỏi các khuôn mẫu chật hẹp. Và cũng chính sự ra đời và lớn lên của Chú Môi đã trở thành một dấu mốc quan trọng của Duy Anh về mọi mặt, cả về cuộc sống lẫn nghệ thuật.
Xuyên suốt hành trình theo đuổi Collage Art và Abstract Art tại Việt Nam, Chú Môi đối mặt với cả thách thức và niềm vui. Được làm những điều của riêng mình là một cơ hội nhưng đi kèm theo đó cũng là những nghi ngờ, thắc mắc, đánh giá của mọi người xung quanh. Hai trường phái này tuy không mới nhưng lại ít người theo đuổi ở Việt Nam, bởi vậy không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu của người xem. Vậy nhưng, sự nỗ lực theo đuổi phong cách của mình đã giúp Chú Môi dần được đón nhận và công nhận.
Cảm hứng sáng tác và tác động của Sài Gòn cùng văn hóa đại chúng tới phong cách nghệ thuật của Chú Môi
Với Chú Môi, cảm hứng của nghệ thuật nằm trong chính cuộc sống hàng ngày của anh. Khi cuộc sống giờ đây luôn có sự va chạm và kết nối với nghệ thuật, anh dần tập thói quen xem việc “sáng tạo nghệ thuật” là một phần thiết yếu của cuộc sống. Từ đó, anh xây dựng thói quen luôn luôn quan sát và luôn luôn động não suy nghĩ về mọi thứ xung quanh, những thứ tưởng chừng như quen thuộc mỗi ngày nhưng có thể đem lại cho anh nguồn cảm hứng sáng tác vô tận.
“Mình luôn chia sẻ rất nhiều về việc mình thường tìm được nguồn cảm hứng từ những thứ quen thuộc xung quanh hằng ngày. Có thể là một góc phố, bãi giữ xe, xe hủ tiếu, một công trình lâu đời của thành phố,… Từ đó mình thu thập và phóng đại nó thành ý tưởng cuối cùng, cho nó bay xa hơn. Vì vậy mình luôn đề cao việc quan sát mọi thứ xung quanh như một thói quen khó bỏ.”
Sài Gòn nói riêng và văn hóa đại chúng nói chung có ảnh hưởng sâu sắc tới sự hình thành, phát triển phong cách nghệ thuật cùng những thông điệp của Chú Môi. Hai nguồn cảm hứng này cho phép Chú Môi có cái nhìn phong phú và đa sắc, từ đó tạo nên phép cộng giữa những điều cũ kĩ và những điều mới mẻ, hiện đại. Từ đó, thông điệp trong mỗi bức hình được truyền tải theo một cách mới, thậm chí kì dị, trở nên thú vị, được tiếp nhận một cách vừa bất ngờ vừa hài hước nhưng cũng không kém phần sâu sắc với các lớp lang.
Những cái tên nghệ sĩ yêu thích nhất của Chú Môi cũng thể hiện rõ sự ảnh hưởng và niềm yêu thích của anh với các yếu tố văn hóa, nghệ thuật: “Ở Việt Nam, mình yêu thích nhất là anh Dương Giáp – DSP. Lý do là mình thích sự kết hợp khéo léo của anh ấy trong những yếu tố dân gian với những yếu tố hiện đại, rất gần gũi. Trong các tác phẩm, anh ấy còn đưa vào yếu tố đường phố, văn hóa hiphop, thời trang, sneaker,.. là những chủ đề yêu thích của mình. Ở nước ngoài mình yêu thích nhất Pablo Picasso. Mình thích sự phá cách của ông để có thể tạo ra một trường phái hoàn toàn khác biệt và độc đáo trong khoảng thời gian đầu thế kỉ 20 ấy. Lần đầu xem tranh của ông đã tạo cho mình sư hứng thú dể tìm hiểu và theo đuổi trường phái Cubism đó.”
Quá trình ‘nuôi’ và ‘chế biến’ ý tưởng của Chú Môi
“Đầu tiên mình sẽ ‘nuôi’ idea trước, xem xem cái idea này cần ‘ăn’ cái gì để có thể hoàn thành chỉn chu” – Chú Môi chia sẻ. Giữ tinh thần vui vẻ khi bắt tay vào chế biến ý tưởng là điều kiện tiên quyết của Chú Môi – “thứ quan trọng nhất khi bước vào việc thực hiện một bức tranh/artwork đó là thái độ”. Không đặt nặng phải vẽ ra sao, cắt dán như thế nào, Chú Môi suy nghĩ đơn giản như thể đang chơi đùa với màu sắc, bút cọ, hay các bức ảnh.
Sau khi đã lựa chọn được chủ đề cho tác phẩm tiếp theo, quá trình hình thành và sắp xếp layout được bắt đầu. Những yếu tố chính phụ sẽ được phác thảo, sắp xếp sao cho hợp ý với ý tưởng nhất. Màu sắc là yếu tố tiếp theo được đưa lên “bàn cân” sao cho đáp ứng được yêu cầu, thể hiện đúng tinh thần của chủ đề nhất. Phần trang trí về bề mặt cũng như các filter để thêm phần lung linh là phần cuối cùng để hoàn thiện tác phẩm.
Khi được hỏi về việc sắp xếp những hình ảnh, chi tiết ẩn nấp trong tác phẩm, Chú Môi cho biết anh không câu nệ việc sắp xếp mà “xuôi theo dòng chảy” của cảm hứng để sắp xếp các chi tiết vào không gian phù hợp nhất.
Hành trình trưởng thành của Chú Môi trong các tác phẩm tại triển lãm trực tuyến Phút ‘Ngáo’ Tạo Nên Tôi của DORCO
Gần đây, Chú Môi đã mang năm tác phẩm mới nhất và được sáng tác riêng tới triển lãm Phút “Ngáo” Tạo Nên Tôi Của DORCO. Đây là một triển lãm mở cửa trực tuyến từ ngày 29/10/2021 đến ngày 29/11/2021, dành cho tất cả các bạn trẻ Việt Nam. Với mong muốn khắc họa và đánh dấu cột mốc trưởng thành của Gen Z Việt, triển lãm chứa đựng 50 câu chuyện về những kỷ niệm “khó đỡ” trên hành trình phát triển bản thân của 50 nhân vật thực tế. Bốn tác phẩm “Đố ai dám làm”, “Chuyện khó ló chuyện ‘ngáo’”, “‘Ngáo’ khó ngờ”, “Cho tôi lớn khôn” và tác phẩm còn lại không có tên là câu chuyện kể lại trải nghiệm trưởng thành của chính Chú Môi trong cuộc sống và trên hành trình nghệ thuật.
“Đặc biệt là với bức hình ‘Đố ai dám làm’, mình hình dung layout là một bức tranh có phần lộn xộn, tượng trưng cho những thử thách mà mỗi người trẻ sẽ gặp phải trên hành trình lớn khôn. Ý tưởng này cũng đến vào lúc mình nghe được 50 câu chuyện thực tế mà anh em gửi về cho DORCO, với đủ sự bốc đồng, hơi ‘ngáo’ và có phần ‘điên rồ’.”
“Mình quyết định lựa chọn hình ảnh cầu thang làm yếu tố chủ đạo của bức tranh, vì nó tượng trưng cho tinh thần luôn tiến lên để tìm kiếm thách thức mới, và sẵn sàng trưởng thành từ mọi điều đang chờ phía trước ở các bạn trẻ. Từng mảng cắt ghép trong bức tranh, như dấu ‘?’, rồi khối rubik, người lái moto lại đại diện cho một khía cạnh riêng biệt đang làm chủ cuộc sống mỗi người.”
“‘Đố ai dám làm’ tượng trưng cho mình hồi 20 tuổi. Còn trong quá trình làm các tác phẩm cho DORCO, mình đã 25 tuổi rồi, nên bức tranh yêu thích của mình chắc chắn sẽ là ‘Cho tôi lớn khôn’ vì mình biết mình đam mê những gì, định hướng phát triển ra sao và bắt đầu biết lo hơn cho tương lai.”
Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Chú Môi chia sẻ thêm: “Mình thường không định trước những dự định quá xa của bản thân. Nhưng ở hiện tại, trước mắt thì mình sẽ vẽ, vẫn cố gắng sáng tác mỗi ngày và cho ra nhiều sản phẩm nhất có thể. Ngoài ra mình còn ấp ủ mong muốn sẽ có triển lãm và có một studio riêng để tiếp tục sáng tạo.”
Cùng khám phá thế giới độc đáo của Chú Môi qua:
Fanpage Chú Môi, Instagram và Artcific
Thực hiện: Su.dden
Hình ảnh do Vero Agency cung cấp