Từ những buổi đầu của nền văn minh, loài người thời tiền sử đã vẽ những hình ảnh trên các bức tường hang động và mặt trăng để kích thích ý thức sáng tạo của chúng ta, khơi gợi trí tưởng tượng về cái đẹp của tự nhiên cũng như cách mà nó tác động đến nhịp điệu của thủy triều trên Trái Đất.
Biểu tượng thần thoại
Trong biểu tượng của nền văn minh Ai Cập cổ đại, mặt trăng được đặt trên đầu của thần Khonsu, nghĩa là ‘người du hành’ hoặc ‘người tìm đường’. Khonsu chịu trách nhiệm đi cùng các linh hồn trong chuyến hành trình sau khi sinh ra và bảo vệ họ khỏi ma quỷ. Người Celt thời đồ đồng cũng coi mặt trăng là yếu tố trung tâm của hệ thống tâm linh.
Để giúp các linh hồn rời đi và định hướng hành trình của họ sau này, một bản đồ mặt trăng đã được khắc vào một ngôi mộ chôn cất 5.000 năm tuổi ở County Meath, Ireland. Được bố trí khéo léo bên trong lăng mộ để được mặt trăng chiếu sáng khi lướt qua bầu trời đêm, bản đồ thể hiện nỗ lực của một nghệ sĩ nhằm ghi lại bề mặt đầy vết rỗ của thiên thể này khi xuất hiện ở cự li gần.
Cảm hứng cho nền nghệ thuật đương đại
Trước phát hiện này năm 1999, các học giả từ lâu đã cho rằng Leonardo da Vinci là nghệ sĩ đầu tiên vẽ nên hình ảnh thực tế của Mặt trăng theo những gì mắt thường của ông có thể cảm nhận được. Bên cạnh đó, người ta đã chứng minh rằng bậc thầy người Hà Lan Jan van Eyck đã làm điều đó trước Da Vinci. Phần bên tay phải của một bức tranh bộ đôi mà Van Eyck tạo nên từ năm 1430 đến năm 1440 cho thấy hình ảnh thực của mặt trăng đang trôi dạt trên bầu trời tối đen, đằng sau khung cảnh ba nhân vật bị đóng đinh lên cây. Tác phẩm này xuất hiện trước vài thập kỉ khi những bản phác thảo mặt trăng được tìm thấy trong sổ tay của Da Vinci.
Từ đó, mặt trăng trở thành biểu tượng cho sự thẩm mỹ và được lưu truyền từ nghệ sĩ này sang nghệ sĩ khác, từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, giống như một viên pha lê hình cầu bí mật – một thấu kính mà qua đó linh hồn của một thời đại có thể trở thành yếu tố tâm điểm thần bí. Trong hoạt cảnh đầy sức gợi trong bức tranh Experiment on a Bird in the Air Pump (1768) của nghệ sĩ người Anh ở thế kỷ 18 Joseph Wright ở Derby, hình ảnh mặt trăng tròn đầy ánh sáng thấp thoáng bên khung cửa sổ gần lề của bức tranh có nhiều ý nghĩa hơn chứ không chỉ đơn thuần là chi tiết mang ngụ ý thơ ca.
Ở đây, mặt trăng là một tín hiệu riêng biệt cho câu lạc bộ được gọi là Hội Mặt Trăng, nơi mà Wright có mối quan hệ mật thiết. Với lịch tập hợp hàng tháng vào chủ nhật gần ngày trăng tròn nhất, các nhà triết học, trí thức và doanh nhân trong xã hội (bao gồm cả Erasmus Darwin và Joseph Priestley) dựa vào ánh sáng phản chiếu của mặt trăng, tìm đường an toàn để đến và đi khỏi các cuộc họp. Đây là tiền đề cho những cống hiến và sự phát triển của khoa học cũng như xã hội. Đối với họ, mặt trăng không chỉ đơn thuần là biểu tượng của trí tuệ mà còn là một công cụ quan trọng để soi sáng con đường họ đi.
Các nghệ sĩ ở mọi thời đại và lục địa khác nhau đều cho thấy sự quan tâm tương đồng nhau trong việc khắc họa mặt trăng ở nhiều giai đoạn, ví dụ như ánh trăng phản chiếu trên mặt nước cùng những chiếc thuyền, thoắt ẩn thoát hiện sau dãy núi hoặc đám mây, thấp thoáng trong khu rừng hoặc lơ lửng trên đỉnh các tòa nhà trong thành phố. Một trong số nhiều tác phẩm nghệ thuật khắc họa hình ảnh ánh trăng là bức bích họa của Michelangelo, ‘Sự hình thành của Mặt trăng và các hành tinh’ vào năm 1511, bức tranh ‘Venice dưới ánh trăng’ của Henry Pether vào khoảng năm 1850 và bức tranh ‘Đêm: Cảng biển dưới ánh trăng’ của Claude Joseph Vernet từ năm 1771.
Biểu tượng trong tín ngưỡng và nghệ thuật Hồi Giáo
Ngày nay, mặt trăng lưỡi liềm là một hình ảnh hiện diện khắp nơi xung quanh chúng ta. Từ những quốc kỳ, tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ cho đến những bia mộ của binh lính Hồi giáo Hoa Kỳ, hình ảnh trăng lưỡi liềm đã trở thành biểu tượng phổ biến nhất của đạo Hồi.
Một buổi triển lãm với chủ để thể hiện sự liên quan của nó với Malaysia đã được tổ chức tại hai viện bảo tàng lớn của Úc vào năm 2006. Với tiêu đề “Trăng lưỡi liềm: Nghệ thuật và nền văn minh Hồi giáo ở Đông Nam Á”. Nghe có vẻ kỳ lạ và bạn sẽ cần một đôi mắt tinh tường cũng như cực kỳ nhạy bén để phát hiện ra những cuộc triển lãm với hình ảnh mặt trăng, bởi chủ đề này rất hiếm gặp.
Dù vậy, hình ảnh trăng lưỡi liềm vẫn là một nhân tố quan trọng đối với truyền thống nghệ thuật Hồi giáo. Điều này chủ yếu bắt nguồn từ một phần trong biểu tượng của Đế chế Ottoman. Ở một mức độ nào đó, người Ottoman chỉ đơn giản là tiếp nhận tinh thần biểu tượng của đế quốc La Mã phương Đông cũ xưa ở những vùng đất mà họ khai phá được.
Người Ottoman thích gắn hình ảnh trăng lưỡi liềm cùng với một ngôi sao và điều này được thể hiện trong quốc kỳ Jalur Gemilang của Malaysia. Có nhiều mối liên hệ giữa Đế chế Ottoman và các quốc vương Mã Lai. Tuy nhiên, điều này không mang lại niềm tin tuyệt đối dành cho hình ảnh mặt trăng lưỡi liềm. Mặt khác, Vương quốc Hồi giáo Sulu đã sử dụng hình ảnh trăng lưỡi liềm trong các biểu ngữ thời chiến vào nhiều thời điểm khác nhau và nó được đặt theo chiều ngược lại so với hầu hết các lá cờ khác sử dụng biểu tượng này.
Tuy nhiên, người Ottoman không là dân tộc duy nhất sử dụng hình ảnh trăng lưỡi liềm làm biểu tượng chính thức. Người Mughals của Ấn Độ thích sử dụng biểu tượng này trên những chiếc khiên và biểu ngữ. Di sản nổi tiếng nhất của họ, Taj Mahal, có mái nhà hình chóp trông hơi không giống với biểu tượng mặt trăng xuất hiện ở các nhà thờ Hồi giáo trong tính ngưỡng Hồi giáo. Nó có hình bông hoa sen ở giữa mang nhiều nét tương tự với biểu tượng cây đinh ba của người Hindu.
Hình ảnh trăng lưỡi liềm xuất hiện trong tất cả các hình thức nghệ thuật của tính ngưỡng Hồi Giáo, tuy nhiên nó không được phổ biến như mong đợi. Chúng thường có các ứng dụng thực tế, chẳng hạn như chiếc bình rượu như phía trên. Đồng thời cũng không có cảm giác lãng mạn hay triết lý nào gắn với hình ảnh này từng tồn tại trong nhiều nền văn hóa khác.
Hình ảnh trăng tròn phản chiếu trong nước là một hình tượng phổ biến trong nền nghệ thuật Trung Quốc và đặc biệt là nghệ thuật Nhật Bản. Các nghệ sĩ phương Tây của 200 năm trước cũng đã bị thiên thể này hấp dẫn và không thể có nghệ sĩ lãng mạn nào hơn nghệ sĩ người Đức ở thế kỷ 19, Caspar David Friedrich. Một trong những bức tranh đẹp nhất của ông dường như khắc họa hình ảnh ông đang chăm chú ngắm nhìn trăng non. Đây là điều rất hiếm thấy trong nền nghệ thuật Hồi giáo truyền thống.
Có vô số luận thuyết về thiên văn học và đối với một nền văn hóa bắt đầu từ những sa mạc đầy cát của Ả Rập, mặt trăng và các vì sao là những yếu tố chỉ dẫn có giá trị nhất về mặt thời gian và xác định phương hướng. Khi một vật thể từ mỹ thuật ứng dụng có hình dạng trông giống như mặt trăng lưỡi liềm thì đó có thể vì nó là một hình dạng hữu ích để người ta sử dụng. Tương tự, ý tưởng về việc mặt trăng lưỡi liềm là biểu tượng ban đầu của cuộc khai phá của người Hồi Giáo thường chỉ là mơ tưởng của người phương Tây. Các biểu ngữ chiến tranh đôi khi cũng có biểu tượng này, nhưng chúng thường là những yếu tố mang tính bất chợt về sau.
Mãi đến thế kỷ 20 thì một số nghệ sĩ Hồi Giáo mới thực sự bắt đầu sử dụng hình ảnh mặt trăng lưỡi liềm. Trong số những nghệ sĩ tiêu biểu nhất là Ahmad Moustafa. Ông đã khắc họa hình ảnh mặt trăng lưỡi liềm với ánh sáng lấp lánh tuyệt đẹp cùng một tiêu đề hấp dẫn, Transcendental Mansion of the Moon.
Chủ đề cho các buổi triển lãm nghệ thuật và nhiếp ảnh
Trong thập kỷ vừa qua, ba bảo tàng nghệ thuật đã tổ chức các cuộc triển lãm với chủ đề ‘la luna’. Để kỷ niệm 50 năm ngày con tàu vũ trụ Apollo 11 hạ cánh lên mặt trăng, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan đã tổ chức một triển lãm nhiếp ảnh vào năm 2019 mang tên Apollo’s Muse: Mặt trăng trong thời đại nhiếp ảnh, bao gồm tuyển tập các bản vẽ, bản in, tranh, phim, dụng cụ thiên văn học và máy ảnh được các phi hành gia Apollo sử dụng.
“Những hình ảnh thu thập được ở đây giống như một bức thư tình từ tất cả những con người với tình yêu mến mãnh liệt dành cho mặt trăng”. – New York Times.
Tờ Wall Street Journal cũng viết, “Những bức ảnh này là một cách thể hiện trí tưởng tượng đầy nghệ thuật và ghi lại những gì chúng ta hình dung về mặt trăng… một biểu tượng lâu đời về sự bí ẩn và khát khao”.
Bảo tàng Peabody Essex ở Salem, Massachusetts đã làm giám tuyển cho show Lunar Attraction vào năm 2017, một buổi triển lãm giới thiệu khoảng 60 vật thể đương đại “thể hiện sự tò mò từ lâu đối với những bí ẩn của mặt trăng”.
Sarah Fraser Robbins, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật & Tự nhiên, cho biết: “Vì vậy, dường như ít người chú ý nhiều đến mặt trăng dù có vai trò to lớn đối với nhịp điệu hàng ngày của hành tinh chúng ta đang sống, lịch sử loài người và đóng vai trò như một nguồn cảm hứng lâu dài cho các nghệ sĩ và nhạc sĩ. Tôi muốn đưa mặt trăng lên sân khấu để mọi người có thể chiêm nghiệm người bạn đồng hành thân cận của Trái Đất với những quan điểm mới và đây là điều mà các nghệ sĩ đã làm rất tốt.”
Các hoạt động trong triển lãm Lunar Attraction như xác định trọng lượng của bạn trên mặt trăng bằng một thang đo đặc biệt, nhắm đến đối tượng người thăm quan bảo tàng trẻ tuổi và các chủ đề mang tính khoa học như ảnh hưởng của mặt trăng đối với thủy triều trên biển ở Trái Đất của chúng ta cũng được thể hiện rõ ràng. Tâm điểm của buổi triển lãm là “Tidal Datum” (2007) bởi Adrien Segal, một “cái bàn thủy triều” sử dụng các thanh thép cong gắn xuyên qua bề mặt gỗ của nó để tạo nên biểu đồ tháng về sự lên xuống của thủy triều tại vịnh San Francisco trong suốt một chu kỳ trăng.
“Chúng tôi muốn mang đến cho mọi người những cách tương tác với mặt trăng khác nhau với tư cách là một thực thể vật chất và là một yếu tố đã truyền cảm hứng cho vô số nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới trong hơn một thiên niên kỷ qua.”
Biên tập: Đáo