Khàn tiếng nhưng không đau họng phần nhiều có nguyên nhân từ bệnh lý dây thanh. Khàn tiếng thường kéo dài trong vài ngày, nhưng nếu quá hai tuần không hết, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám để tìm nguyên nhân và điều trị.
Khàn tiếng nhưng không đau họng là gì?
Khàn tiếng nhưng không đau họng là tình trạng tiếng nói khác bình thường, trở nên khàn, đặc, khó nghe rõ. Người bệnh phải gắng sức nói nhưng không thể phát ra âm thanh rõ ràng. Mặc dù giọng nói bị khàn nhưng cổ họng lại không bị đau rát. Đây thường là dấu hiệu của việc dây thanh bị tổn thương, thay vì các tổn thương họng thường gặp, chẳng hạn như viêm họng, viêm amidan hay viêm VA, ThS.BS.CKI Nguyễn Thị Thục Như, Trung tâm Tai Mũi Họng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết.
Nguyên nhân khàn tiếng nhưng không đau họng
Khàn tiếng nhưng không đau họng do đâu? Có nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng khàn tiếng nhưng không đau họng. Thường gặp nhất là các nguyên nhân sau đây.
1. Trào ngược dạ dày thực quản
Đây là tình trạng dư thừa axit dịch vị đường tiêu hóa. Khi dạ dày tiết ra quá nhiều dịch vị, nó sẽ đẩy dịch vị này lên thực quản gây ra tình trạng ợ hơi, ợ nóng. Axit dịch vị cũng có thể ảnh hưởng đến dây thanh gây viêm hoặc tạo mô hạt khiến giọng nói trở nên bị khàn.
2. Suy giáp
Thay đổi giọng nói có thể xảy ra ngay cả trong trường hợp suy tuyến giáp nhẹ. Các thụ thể hormon tuyến giáp đã được tìm thấy trong thanh quản, điều này chứng tỏ rằng hormone tuyến giáp hoạt động trên mô thanh quản. Suy giáp có thể gây ra những thay đổi đáng chú ý về giọng nói, chẳng hạn như giọng trầm, khàn, giảm âm vực và giọng nói mệt mỏi.
3. U nang dây thanh âm hoặc polyp dây thanh âm
Triệu chứng chính của u nang dây thanh âm là khàn tiếng do dây thanh quản đóng lại không tự nhiên hoặc rung động bất thường, cả hai đều do vị trí và số lượng lớn của u nang trong dây thanh âm.
Khàn tiếng có thể đi kèm với cảm giác cần phải hắng giọng thường xuyên. Bệnh nhân có thể cảm thấy có dị vật nằm trong vùng phát âm. Các triệu chứng khác bao gồm nhức, đau, mệt mỏi và tăng nỗ lực khi sử dụng giọng nói.
Ngắt giọng ở một cao độ nhất định hoặc mất giọng đột ngột thường gặp ở các ca sĩ.
4. Liệt dây thần kinh quặt ngược thanh quản
Tổn thương dây thần kinh quặt ngược thanh quản là tổn thương một hoặc cả hai dây thần kinh điều khiển hoạt động của dây thanh. Tổn thương dây thần kinh này có thể do chấn thương, khối u, phẫu thuật hoặc nhiễm trùng. Tổn thương dây thần kinh quặt ngược thanh quản có thể gây khàn giọng, khó nuốt hoặc khó thở hoặc mất giọng.
5. Sử dụng corticosteroid dạng hít kéo dài
Những ống hít này có thể để lại một lượng nhỏ thuốc trên dây thanh âm, hoặc gây khô, kích ứng hoặc sưng dây thanh âm. Điều này có thể làm thay đổi âm thanh của giọng nói và gây ra khàn giọng, thở hổn hển, giọng khàn khàn hoặc mất giọng hoàn toàn.
6. Dị ứng thời tiết
Khi hít phải chất gây dị ứng trong không khí, hệ thống miễn dịch coi chúng là mối đe dọa và kích hoạt các tế bào máu giải phóng histamin, gây ra phản ứng viêm được đánh dấu bằng việc tăng sản xuất chất nhầy. Chất nhầy hấp thụ độ ẩm, làm cho các dây thanh âm bị khô. Điều này dẫn đến ma sát tăng lên trong khi nói, gây kích ứng và sưng tấy.
Kết quả là các triệu chứng giống như cảm lạnh bao gồm khản giọng, cổ họng khô và rát, ho, hắt hơi, nhiều chất nhầy/đờm và giọng nói yếu hoặc khàn có thể xảy ra.
Các chất kích thích môi trường gây viêm thanh quản liên quan đến dị ứng bao gồm từ phấn hoa do cây cối, cỏ và cỏ dại tạo ra, đến nấm mốc và bào tử nấm, khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, khói hóa chất, mạt bụi và vẩy da động vật.
7. Đột quỵ
Sau một cơn đột quỵ, bệnh tật hoặc chấn thương thanh quản, hai dây thanh có thể bị tê liệt và các cơ liên quan đến phát âm bị yếu đi.
Giọng nói được phát ra sau khi không khí từ phổi đi qua thanh quản, làm rung và di động dây thanh tạo ra giọng nói vang vọng ở phía sau cổ họng (hầu), khoang miệng và mũi, sau đó được định hình thành từ bởi các cơ phát âm, lưỡi, môi, cơ mặt.
Sau một cơn đột quỵ, chấn thương não khiến các dây thanh âm có thể bị tê liệt. Khi một hoặc cả hai dây thanh âm bị tê liệt sẽ ảnh hưởng đến giọng nói và khả năng nghe.
8. Ung thư
Ung thư phổi và ung thư thanh quản là hai loại ung thư phổ biến nhất gây ra triệu chứng khàn giọng. Phần lớn khàn tiếng ở bệnh nhân ung thư phổi là do liệt dây thần kinh X.
Trong khi đó, khàn tiếng do ung thư thanh quản là do khối u thanh quản hình thành trên dây thanh âm gây biến đổi cấu trúc của dây thanh.
9. Chấn thương
Trật khớp sụn phễu là nguyên nhân phổ biến của khàn tiếng do đóng thanh môn không hoàn toàn với các dây thần kinh thanh quản dưới còn nguyên vẹn sau chấn thương thanh quản nghiêm trọng.(2)
10. Chứng khó phát âm
Chứng khó phát âm là tình trạng suy giảm khả năng phát ra giọng nói. Chứng khó phát âm được đặc trưng bởi sự bất thường trong dao động của dây thanh âm liên quan đến sự bất thường của trương lực cơ, có thể do tăng trương lực, thanh môn đóng không hoàn toàn trong quá trình phát âm, thay đổi số lượng lớn dây thanh âm hoặc tổn thương hoặc khối u của dây thanh âm.
Chữa khàn tiếng nhưng không đau họng như thế nào?
Tuỳ vào nguyên nhân gây khàn tiếng, bác sĩ sẽ có những cách điều trị phù hợp.
1. Điều trị khàn tiếng nhưng không đau họng lành tính
Đối với các nguyên nhân lành tính, tức là không phải ung thư, khàn tiếng có thể cải thiện bằng các loại thuốc điều trị.
Bên cạnh đó, một số phương pháp hỗ trợ tại nhà cũng có thể hữu ích, ví dụ như uống các loại trà thảo mộc, làm ẩm không khí trong nhà, hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, không uống rượu bia, hút thuốc lá…
Đối với hạt dây thanh, nang, polyp dây thanh, nếu điều trị bằng thuốc và các phương pháp hỗ trợ không giúp cải thiện triệu chứng, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật.(1)
2. Điều trị khàn tiếng do ung thư
Việc điều trị sẽ dựa trên phương pháp điều trị ung thư. Các điều trị chung cho ung thư bao gồm:
- Hoá trị: Là sử dụng các thuốc hóa học liều cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Điều trị bằng hóa chất sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ, thường gặp nhất là rụng tóc, mệt mỏi, chán ăn…
- Xạ trị: Là sử dụng tia X năng lượng cao để phá hủy các tế bào ung thư, ngăn chặn sự sinh sôi của chúng.
- Phẫu thuật: Nhằm loại bỏ khối u ra khỏi cơ thể, sau đó người bệnh có thể tiếp tục được điều trị bằng xạ trị, hóa trị hoặc kết hợp giữa các phương pháp.
3. Liệu pháp miễn dịch
Là sử dụng chất ức chế chốt kiểm soát để giúp hệ thống miễn dịch nhận biết các tế bào ung thư và tấn công chúng.
4. Liệu pháp nội tiết
Là sử dụng các thuốc nội tiết để ngăn chặn nguồn nội tiết tố nuôi dưỡng các tế bào ung thư, từ đó ngăn ngừa ung thư phát triển.
5. Chăm sóc giảm nhẹ
Là việc giúp đỡ bệnh nhân giảm thiểu các triệu chứng của ung thư cũng như tác dụng phụ từ các phương pháp điều trị gây ra. Cụ thể là việc sử dụng thuốc chống nôn, thuốc giảm đau, tập vật lý trị liệu và thay đổi chế độ dinh dưỡng.
Ngoài việc nâng đỡ về thể chất, chăm sóc giảm nhẹ còn hướng để việc trị liệu tinh thần cho bệnh nhân, giúp họ giảm bớt gánh nặng tinh thần như lo âu, tiếc nuối, cảm giác sợ hãi, trống vắng…
Khàn tiếng nhưng không đau họng có nguy hiểm không?
Khàn tiếng nhưng không đau họng phần lớn là tình trạng lành tính nhưng nếu khàn tiếng kéo dài quá 3 tuần không khỏi, đặc biệt người bệnh xuất hiện các triệu chứng như nổi hạch, sụt cân không rõ nguyên nhân, cơ thể mệt mỏi, suy nhược… thì nên tới bệnh viện thăm khám. Bởi vì các triệu chứng này có thể là biểu hiện của một tình trạng ác tính.
Làm sao phòng ngừa khàn tiếng nhưng không đau họng?
Người bệnh nên thực hành ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Tránh căng thẳng, stress kéo dài, tránh hút thuốc lá, uống rượu bia, tiếp xúc với hóa chất độc hại, tập luyện thể dục mỗi ngày ít nhất 30 phút. Không nên hò hét, nói to quá mức; tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.
Ngoài ra, thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 2 lần để phòng ngừa bệnh tật.
Để đặt lịch khám, tư vấn, điều trị khàn tiếng tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ:
Khàn tiếng nhưng không đau họng do nhiều nguyên nhân gây ra, những nguyên nhân lành tính mặc dù không đáng lo ngại. Tuy vậy, nếu chủ quan để bệnh kéo dài không điều trị cũng có thể gây ra những biến chứng phức tạp, khó điều trị. Đối với nguyên nhân ác tính như các loại ung thư thì càng nên được chẩn đoán và điều trị sớm để tăng hiệu quả điều trị, kéo dài sự sống.