Chờ qua… “cao điểm”!
Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi vào vai khách qua đường, mục sở thị một số quán cà phê chòi trên địa bàn thị xã Dĩ An, nơi được xem như “thủ phủ” cà phê ôm, cà phê trá hình tồn tại nhiều năm qua tại Bình Dương. Dọc các tuyến đường ĐT743B, đường Lê Hồng Phong, đường Nguyễn Thị Minh Khai, ngã 3 Chiêu Liêu… thuộc xã Tân Đông Hiệp tràn lan những quán cà phê chòi. Điểm chung của những quán cà phê này là những chòi lá lụp xụp, mái được lợp sát xuống mặt đất, bên trong là những chiếc võng cũ kỹ và chỉ có một lối vào.
Khoảng 16h chiều 2/1, chúng tôi ghé vào một quán cà phê chòi trên đường ĐT743 (đoạn qua xã Tân Đông Hiệp), quán có gần chục chòi nằm san sát nhau, chòi nào cũng lợp lá sát rạp xuống mặt đất và chỉ để một ô cửa nhỏ vừa đủ “chui ra chui vào”, bên trong chòi chỉ một bóng điện nhỏ được bật lên, ánh sáng vừa đủ để nhìn thấy mặt nhau.
Vừa vào chòi, một nhân viên nữ (khoảng 25 tuổi) mặc bộ đồ ngủ mỏng manh đi vào chòi hỏi khách uống gì rồi đi ra. Khi chúng tôi ngỏ ý cần người ngồi chung “nói chuyện”, nữ nhân viên nói nhỏ: “Các anh thông cảm, dạo này chúng em bị kiểm tra suốt nên không dám để em nào trong quán. Bây giờ tụi em hoạt động cầm chừng để chờ qua đợt cao điểm kiểm tra cuối năm. Nếu anh chờ được thì 30 phút nữa mới có người chở em út đến, giờ chỉ có mình em coi quán, muốn ngồi với anh cũng không được”.
Tiếp tục vào một quán cà phê khác trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (xã Tân Đông Hiệp), quán này chỉ có 6 chòi võng, không gian từ bên ngoài đến bên trong đều giống như quán trước đó mà chúng tôi đã vào.
Vừa nằm xuống võng, một nhân viên nữ khoảng 22 tuổi, ăn mặc “thiếu vải” bước vào, đặt tay lên vai nói nhỏ: “Anh đi đường chắc mệt rồi, uống gì để em lấy? để em chăm sóc cho anh…”. Chúng tôi yêu cầu được xem mặt “đào” trước, nữ nhân viên liền giải thích: “Nay có một mình em thôi, quán em có 6 người mà các em đứa thì đang có khách, đứa thì mới xin về quê nên giờ chỉ có em rảnh. Nếu em làm cho anh thì anh thưởng cho em là được rồi, bây giờ bị quản lý chặt lắm nên tụi em cũng không dám tới bến như trước”.
“Bình thường thì 10h sáng chúng em mới mở cửa và hoạt động đến đêm và chỉ tiếp khách tại chòi của quán chứ không đi với khách ra ngoài. Khách quen hay không quen cũng chỉ vui vẻ tại quán thôi. Do bị kiểm nha nhiều nên giờ các quán đều phải đề phòng. Hôm sau nếu có nhu cầu các anh cứ gọi cho em trước để em sắp xếp, các anh không phải chờ, mất thời gian”, nữ nhân viên nói thêm.
Khảo sát gần 10 quán cà phê trên địa bàn thị xã Dĩ An, hầu hết các điểm này có dấu hiệu hoạt động trá hình. Khi được hỏi về quá trình “tuyển em út” thông qua đội ngũ “cò” lao động, chủ quán hoặc nhân viên đều “né” trả lời hoặc chỉ nói ngắn gọn: “Mình cứ treo bảng tuyển nhân viên, ai đến xin mà thấy phù hợp thì nhận vào làm”.
Tuy nhiên, những thiếu nữ được giải cứu khỏi quán cà phê trá hình đều khẳng định bị “cò” lao động lừa, bán cho chủ quán sau đó bị lạm dụng, bị ép tiếp khách.
Chế tài quá nhẹ?
Liên quan đến vụ 3 thôn nữ (quê Bình Thuận) được giải cứu khỏi quán cà phê Ngọc Lan 79 (trên địa bàn phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), Đại úy Lê Xuân Quang, Phó Công an phường Đông Hòa cho biết cơ quan điều tra Công an thị xã Dĩ An đã lấy lời khai, thẩm định vụ việc và xác định chủ quán không có dấu hiệu tội phạm hình sự nên phải thả.
Trước thắc mắc về việc chủ quán và cò có dấu hiệu của tội “mua bán trẻ em”, một cán bộ công an phường Đông Hòa trả lời: “Nếu nhìn sơ thì giống như mua bán người nhưng thực sự không phải. Mua bán người giống như mình bắt đứa bé rồi mua bán trao đổi lấy tiền. Còn vụ này các cháu muốn có tiền nên đến trung tâm xin việc làm rồi bọn cò lái bắt mối mới dẫn đến quán cà phê. Đó giống như một hình thức giới thiệu việc làm rồi thu tiền”.
Là người trực tiếp tham gia giải cứu nhiều thiếu nữ khỏi “động quỷ”, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải (Đội trưởng Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một) cho biết, anh chưa thấy vụ nào công an xử lý hình sự.
“Khi vừa vào quán thì các em đã bị thu giữ sim điện thoại, bị thanh niên xăm trổ canh chừng các em. Đến khuya thì các em phải leo lên cái gác nhỏ rồi người của quán rút thang không cho xuống, các em muốn trốn khỏi quán cũng không được… Những hành vi này đều có dấu hiệu của hành vi giữ người trái pháp luật”, anh Hải nhận định.
Một lãnh đạo Công an Bình Dương chia sẻ: “Nhiều người nhận định trong vụ việc này có dấu hiệu của các tội mua bán trẻ em, bắt giữ người trái pháp luật, dâm ô với trẻ em. Theo quan điểm của tôi, nếu không bắt được quả tang thì khó chứng minh ai là người dâm ô, ai là người mua bán trẻ. Chứng cứ, vật chứng đâu, rồi ai bắt giữ trẻ em, bắt giữ ra sao, ai thấy? Nếu chỉ dựa vào lời khai của những đứa trẻ thì cơ quan công an có khởi tố bên Viện KSND cũng không phê chuẩn”.
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải khuyến cáo: “Những cố gái trẻ khi tìm việc làm trên mạng xã hội phải hết sức thận trọng trước những thông tin mời chào trả lương cao. Không bao giờ có chuyện làm an nhàn mà thu nhập đến vài chục triệu đồng”.
Chế tài xử lý quá nhẹ, số tiền xử phạt hành chính quá nhỏ so với lợi nhuận “khủng” thu được thì việc những điểm cà phê ôm, cà phê trá hình hoạt động rầm rộ, công khai là chuyện bình thường. Cạm bẫy từ “cò” lao động và nhu cầu cần tiếp viên của các quán cà phê ôm sẽ khiến nhiều thiếu nữ thôn quê tiếp tục bị đẩy vào “động quỷ”.
Trung Kiên