Thực tế, màu sắc hộ chiếu thường liên quan đến vị trí địa lý và chính sách của từng quốc gia. Theo hướng dẫn về kích thước và định dạng cần thiết dành cho hộ chiếu do Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) ban hành, chính phủ mỗi quốc gia có thể tự do chọn các mẫu thiết kế, miễn chúng mang một trong bốn màu: đỏ, xanh lá cây, xanh dương và đen.
Màu xanh lá cây: Màu sắc này được coi là biểu tượng của thiên nhiên và cuộc sống. Đối với một số quốc gia, màu sắc thường liên quan đến một tôn giáo chiếm ưu thế. Các quốc gia Hồi giáo như Morocco, Pakistan và Ả Rập Saudi có hộ chiếu màu xanh lá cây. Bởi trong đạo Hồi, đây được coi là màu sắc yêu thích của nhà tiên tri Muhammad, người được cho là mặc áo choàng màu xanh lá cây và đội khăn turban.
Màu xanh lá cây của hộ chiếu thường liên quan đến các quốc gia Hồi giáo
Màu xanh lá cây cũng có trên quốc kỳ của các nước cộng hòa Hồi giáo như Iran, Mauritania, Pakistan và Afghanistan. Nhiều quốc gia châu Phi
như Burkina Faso, Bờ biển Ngà, Nigeria, Niger, Senegal… cũng có hộ chiếu màu xanh lục, chủ yếu là do họ thuộc thành viên của Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS).
Màu đỏ: Đây là một trong những màu phổ biến nhất trên hộ chiếu của các quốc gia trên thế giới.
Hộ chiếu màu đỏ có thể cho thấy một quốc gia từng hoặc đang theo chủ nghĩa cộng sản
Hrant Boghossian, phó chủ tịch của Arton Group sở hữu website lưu trữ dữ liệu hộ chiếu Passport Index, trả lời Telegraph rằng hộ chiếu màu đỏ có thể cho thấy một quốc gia từng hoặc đang theo chủ nghĩa cộng sản như Slovenia, Trung Quốc, Serbia, Latvia, Romania, Ba Lan, Georgia.
Nhiều quốc gia Bắc Âu cũng sử dụng hộ chiếu màu đỏ, vì đây là màu phổ biến trong thời đại Viking và xuất hiện trên nhiều quốc kỳ. Hộ chiếu của các quốc gia trong Liên minh châu Âu, trừ Croatia, cũng có màu đỏ tía. Thổ Nhĩ Kỳ, Macedonia và Albania đều thay đổi màu hộ chiếu thành đỏ tía như để thể hiện nguyện vọng gia nhập EU, theo Economist.
Màu xanh dương: Hộ chiếu Mỹ ngày nay có màu xanh dương, nhưng đây là một thiết kế chỉ được sử dụng từ năm 1976 khi chính phủ Mỹ quyết định đổi hộ chiếu từ xanh lá cây sang xanh dương để phù hợp với màu sắc trên quốc kỳ. Trong khoảng năm 1993-1994, một số hộ chiếu đặc biệt màu xanh lá cây đã được cấp trong lễ kỷ niệm 200 năm của Dịch vụ Lãnh sự Mỹ.
Các quốc gia thành viên của Cộng đồng Caribbean (CARICOM) đều có hộ chiếu màu xanh dương
Các quốc gia thành viên của Cộng đồng Caribbean (CARICOM) đều có hộ chiếu màu xanh dương, có thể do vị trí địa lý ở giữa đại dương. Một khối các quốc gia Nam Mỹ gồm Brazil, Argentina, Paraguay, Uruguay và Venezuela cũng sử dụng hộ chiếu màu xanh dương để thể hiện quan hệ chặt chẽ với Mercosur, một liên minh hải quan.
Màu đen: Các quốc gia châu Phi như Chad, Cộng hòa Dân chủ Congo, Zambia, Botswana, Burundi, Gabon, Angola, Malawi… đều dùng hộ chiếu đen – màu sắc hiếm có. Tuy nhiên, màu sắc này cũng xuất hiện trên hộ chiếu của các nước coi đen là màu sắc quốc gia như New Zealand.
New Zealand và một số quốc gia châu Phi đều dùng hộ chiếu màu đen
Việt Nam có các loại hộ chiếu quốc gia gồm: hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông và hộ chiếu thuyền viên. Trong đó, hộ chiếu phổ thông được cấp cho mọi công dân Việt Nam. Hộ chiếu phổ thông có giá trị không quá 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn. Hộ chiếu phổ thông còn hạn sẽ được cấp lại, khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.
Việt Nam có hộ chiếu màu xanh lá cây và được cấp cho mọi công dân Việt Nam
Hộ chiếu phổ thông cấp cho trẻ em dưới 14 tuổi có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn. Trẻ em dưới chín tuổi được cấp chung vào hộ chiếu phổ thông của cha hoặc mẹ, nếu có đề nghị của cha hoặc mẹ trẻ em đó. Trong trường hợp này, hộ chiếu có giá trị không quá năm năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn.
Nguồn : https://vnexpress.net/du-lich/mau-sac-noi-len-dieu-gi-ve-cuon-ho-chieu-cua-ban-3865278.html