Miễn dịch chủ động là miễn dịch có được do cơ thể đã tiếp xúc với virus, vi khuẩn và vi sinh vật gây bệnh để sản sinh miễn dịch tự nhiên phòng chống lại các tác nhân gây bệnh hoặc nhờ tiêm chủng vắc xin, đây là loại miễn dịch có hiệu quả bảo vệ lâu dài, thậm chí là suốt đời.
BS.CKI Nguyễn Lê Nga – Quản lý Y khoa vùng 1 – miền Bắc, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC chia sẻ: “Miễn dịch chủ động được ví như “hệ thống phòng thủ” của cơ thể, có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong đó, miễn dịch thông qua tiêm chủng vắc xin là biện pháp cung cấp miễn dịch chủ động hiệu quả và an toàn nhất được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo.”
Miễn dịch chủ động là gì?
Miễn dịch chủ động là loại miễn dịch có hiệu quả cao và lâu dài, được sinh ra thông qua tiêm chủng vắc xin hoặc đã từng nhiễm bệnh và khỏi bệnh tự nhiên. Trong cả hai trường hợp, cơ thể đều đã được “huấn luyện” để phát triển khả năng nhận diện và chống lại mầm bệnh nếu gặp lại trong tương lai. [1]
1. Miễn dịch tự nhiên
Miễn dịch tự nhiên (miễn dịch không đặc hiệu) là miễn dịch do cơ thể tự sản sinh một cách tự nhiên sau khi đã nhiễm mầm bệnh. Ví dụ, một người đã từng mắc bệnh sởi, cơ thể sẽ phát triển trí nhớ miễn dịch đối với virus sởi. Trong tương lai, nếu virus gây bệnh sởi tiếp tục tấn công, hệ thống miễn dịch sẽ nhận biết nhanh chóng và bắt đầu phản ứng miễn dịch tương ứng mà không tiếp tục phát bệnh lâm sàng. [2]
2. Miễn dịch sau tiêm vắc xin:
Miễn dịch sau tiêm vắc xin hay còn gọi là miễn dịch chủ động, là biện pháp cung cấp miễn dịch chủ động an toàn và hiệu quả được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Sau tiêm vắc xin, cơ thể nhanh chóng kích thích hệ thống miễn dịch sản sinh ra kháng thể trung hòa (gọi là kháng thể) chủ động tấn công hay tiêu diệt các tác nhân gây bệnh khi chúng xâm nhập, miễn dịch có được sau khi tiêm vắc xin có thể tồn tại suốt đời để bảo vệ cơ thể mà không cần trải qua quá trình nhiễm bệnh.
Phân biệt miễn dịch chủ động với miễn dịch thụ động
Tiêu chí Miễn dịch chủ động Miễn dịch thụ động Kháng thể Tự sản sinh sau khi có sự tiếp xúc của cơ thể với vi khuẩn, virus gây bệnh hoặc tiêm chế phẩm có tính kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh vào cơ thể Cơ thể được cung cấp miễn dịch từ một nguồn khác, cơ thể không tự sản sinh kháng thể Tác động Miễn dịch tự sản sinh sau khi mắc bệnh hoặc sau tiêm vắc xin phòng bệnh. Miễn dịch được truyền từ mẹ sang con hoặc từ huyết tương của người đã hồi phục sang người bị phơi nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh. Thời gian phát huy hiệu quả 1-2 tuần sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh Phát huy hiệu quả trong 12 giờ đầu Thời gian duy trì hiệu quả Hiệu quả duy trì trong thời gian dài, có thể tồn tại suốt đời. Hiệu quả duy trì ngắn, chỉ kéo dài trong một vài tuần hoặc vài tháng. Tạo tế bào bộ nhớ Có Không
Cơ chế của miễn dịch chủ động
Cơ chế hình thành miễn dịch chủ động thông qua tiêm chủng hay qua việc nhiễm và khỏi bệnh tự nhiên gồm các bước:
- Nhận diện mầm bệnh: Khi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ nhận diện nó như một tác nhân lạ. Các tế bào miễn dịch đặc biệt như tế bào đại thực bào và các tế bào lympho B có khả năng nhận diện các protein hoặc các phân tử đặc trưng trên bề mặt của mầm bệnh (gọi là kháng nguyên).
- Phản ứng miễn dịch: Sau khi nhận diện được mầm bệnh, cơ thể sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch. Tế bào đại thực bào sẽ tiêu diệt mầm bệnh, đồng thời trình bày kháng nguyên của mầm bệnh lên bề mặt của chúng kích thích sự hoạt động của tế bào lympho T, đặc biệt là tế bào T giúp đỡ, đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt tế bào lympho B.
- Sản xuất kháng thể: Tế bào lympho B với sự giúp đỡ của tế bào T sẽ biến đổi thành tế bào plasma chuyên sản xuất kháng thể chống lại kháng nguyên cụ thể của mầm bệnh. Kháng thể là protein đặc hiệu có khả năng gắn kết với kháng nguyên và làm cho chúng vô hại hoặc đánh dấu chúng để các tế bào khác trong hệ miễn dịch có thể dễ dàng tiêu diệt.
- Ghi nhớ miễn dịch: Trong quá trình này, một số tế bào lympho B và T sẽ trở thành tế bào nhớ. Những tế bào này không tham gia trực tiếp vào việc chống lại mầm bệnh hiện tại nhưng sẽ “nhớ” đặc điểm của mầm bệnh đó. Nếu cơ thể tiếp xúc lại với mầm bệnh tương tự trong tương lai, các tế bào nhớ sẽ nhanh chóng được kích hoạt, sản xuất kháng thể cụ thể một cách nhanh chóng hơn và mạnh mẽ hơn giúp cơ thể chống lại mầm bệnh mà không bị ốm hoặc ốm nhẹ hơn.
Quá trình hình thành miễn dịch này giúp cơ thể có khả năng bảo vệ mình trước các lần nhiễm trùng sau đó bởi cùng một loại mầm bệnh. Đây là cơ sở cho việc phát triển các loại vaccine, mô phỏng quá trình nhiễm bệnh mà không gây ra bệnh từ đó kích thích hệ miễn dịch tạo ra phản ứng miễn dịch và ghi nhớ mầm bệnh.
Miễn dịch chủ động hình thành như thế nào?
1. Hình thành tự nhiên sau khi cơ thể chiến đấu với bệnh tật
Miễn dịch chủ động tự nhiên hình thành khi cơ thể được tiếp xúc trực tiếp với một mầm bệnh và phản ứng bằng cách phát triển một phản ứng miễn dịch dài hạn chống lại mầm bệnh đó. Miễn dịch chủ động tự nhiên thường duy trì ngắn hạn hoặc lâu dài. Cơ thể có khả năng phản ứng nhanh với sự tái nhiễm của cùng một mầm bệnh nhờ vào bộ nhớ miễn dịch.
Tuy nhiên, để phát triển miễn dịch chủ động tự nhiên, cá nhân phải trải qua quá trình nhiễm bệnh, có thể gây ra các triệu chứng nặng nề, biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong, đặc biệt là ở trẻ em, người cao tuổi, và những người có hệ miễn dịch yếu. Một số bệnh có thể tái nhiễm và miễn dịch không phải lúc nào cũng đủ mạnh để bảo vệ cá nhân khỏi sự tái nhiễm.
2. Miễn dịch chủ động nhân tạo thông qua vắc xin
Vắc xin là chế phẩm sinh học có chứa kháng nguyên (virus, vi khuẩn sống giảm độc lực, bất hoạt) có khả năng kích thích cơ thể tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động chống lại tác nhân gây bệnh. Khi vắc xin được đưa vào trong cơ thể, cơ thể sẽ nhận diện như một “vật lạ” đang cố gắng xâm nhập, phản ứng kích thích hệ thống miễn dịch sản sinh ra kháng thể, trung hòa tác nhân gây bệnh giống quá trình nhiễm bệnh tự nhiên.
Quá trình tạo kháng thể trung bình mất khoảng vài tuần. Một số trường hợp có thể bị triệu chứng sau tiêm như sốt nhẹ, đau ở vùng tiêm và có thể có tình trạng nhiễm trùng “giả”. Tuy nhiên, đây chỉ là dấu hiệu bình thường cho thấy vắc xin đang phát huy tối đa hiệu quả, đáp ứng miễn dịch của cơ thể.
Sau khi quá trình nhiễm trùng “giả” kết thúc, cơ thể tạo ra tế bào trí nhớ miễn dịch, sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tác nhân gây bệnh tấn công, giúp cơ thể chủ động phòng ngừa, chống lại mầm bệnh khi phơi nhiễm. Quá trình hình thành miễn dịch chủ động bằng vắc xin được xem là phát minh vĩ đại của nhân loại, không cần trải qua quá trình mắc bệnh nhưng vẫn có miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh trong tương lai.
Những lợi ích của miễn dịch chủ động
1. Ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Miễn dịch chủ động được ví như “hệ thống phòng thủ” quan trọng của cơ thể, có vai trò chính là bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hệ miễn dịch có thể nhận ra hàng triệu kháng nguyên khác nhau, phát huy toàn bộ chức năng cần thiết để chống lại yếu tố gây bệnh.
Hàng triệu người đã có miễn dịch chủ động nhờ tiêm vắc xin phòng bệnh. Theo thống kê từ Cục Y tế dự phòng, có hơn 50 bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin kích thích hệ miễn dịch chủ động của cơ thể mà không cần phơi nhiễm với bệnh tật. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng, vắc xin Hib đã góp phần giảm 90% tỷ lệ mắc bệnh viêm màng não do vi khuẩn Hib trong 10 năm trở lại đây.
⇒ Bạn có thể tìm hiểu thêm: 47 bệnh truyền nhiễm thường gặp.
2. Giảm thiểu biến chứng và ca tử vong do bệnh
Tạo miễn dịch chủ động bằng cách tiêm vắc xin giúp giảm ca tử vong do bệnh rất đáng kể. Sau khi cơ thể có miễn dịch, các tác nhân gây bệnh xâm nhập từ bên ngoài đều được “chặn đứng”, không cho chúng gây bệnh hoặc gây bệnh với triệu chứng đã giảm nhẹ đáng kể. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 4,4 triệu người, trong đó khoảng 3 triệu trẻ em đã thoát khỏi cái chết do căn bệnh truyền nhiễm gây ra; số ca tử vong do sởi giảm 2,5 lần, ca tử vong liên quan đến bạch hầu giảm 8 lần (1975-2012) nhờ có được miễn dịch đặc hiệu sau tiêm vắc xin.
3. Miễn dịch lâu dài
Hiệu quả lâu dài của miễn dịch chủ động, đặc biệt thông qua vắc xin đã được chứng minh dựa trên nhiều nghiên cứu khoa học và dữ liệu lâm sàng thu thập được qua hàng thập kỷ. Một nghiên cứu dài hạn về vắc xin viêm gan B trên một nhóm người tham gia nghiên cứu cho thấy rằng sau 30 năm kể từ liều vắc xin cuối cùng, người được tiêm chủng vẫn có khả năng bảo vệ chống lại viêm gan B.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hepatology vào năm 2019 đã theo dõi người tham gia từ lúc họ được tiêm chủng khi còn nhỏ. Kết quả cho thấy, mặc dù mức độ kháng thể có thể giảm theo thời gian nhưng không có ca viêm gan B cấp tính nào được ghi nhận trong nhóm được nghiên cứu.
4. Hình thành được miễn dịch cộng đồng
Miễn dịch chủ động thông qua tiêm chủng không chỉ giúp cá nhân được bảo vệ khỏi các bệnh truyền nhiễm mà còn góp phần vào việc hình thành miễn dịch cộng đồng, bảo vệ những người không thể tiêm chủng hoặc miễn dịch kém. Khi càng có nhiều người có được miễn dịch chủ động thì tỷ lệ miễn dịch cộng đồng càng được củng cố và tăng cao, từ đó ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và lây lan.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tỷ lệ miễn dịch cộng đồng không cần đạt 100% dân số mà tùy vào khả năng lây lan mà tỷ lệ đạt được miễn dịch cộng đồng sẽ khác nhau. Do đó, việc càng nhiều người được tiêm chủng sẽ giúp sớm tạo ra miễn dịch cộng đồng, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cho mỗi cá thể trong cộng đồng. Đó là lý do hiện nay nhiều bệnh truyền nhiễm không còn nữa.
Một số lưu ý về miễn dịch chủ động bằng vắc xin
1. Phản ứng thường gặp sau tiêm chủng
Sau khi tiêm chủng, một số phản ứng phụ nhẹ và tạm thời có thể xuất hiện, là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang tạo ra phản ứng miễn dịch. Những triệu chứng này là bình thường và sẽ tự hết sau 1-2 ngày hoặc một vài ngày. Phản ứng thường gặp bao gồm:
- Sốt nhẹ (38-38,5 độ C).
- Quấy khóc và ăn uống kém hơn bình thường (ở trẻ em).
- Vết tiêm đỏ, sưng nhẹ, riêng vắc xin phòng bệnh lao sau khi tiêm có thể sưng tạo thành cục tại vùng tiêm.
- Phát ban nhẹ (sau khi tiêm phòng vắc xin sởi hoặc vắc xin sởi – quai bị – rubella).
2. Ai không nên tiêm chủng?
Có một số trường hợp thuộc nhóm đối tượng chống chỉ định tiêm chủng hoặc cần thận trọng khi tiêm chủng, bao gồm:
- Người có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với một liều vắc xin trước đây hoặc với một thành phần của vắc xin: nên thảo luận với bác sĩ trước khi tiêm chủng.
- Người đang có bệnh cấp tính nặng hoặc sốt cao: Cần đợi cho đến khi hồi phục hoàn toàn trước khi tiêm chủng.
- Phụ nữ mang thai: Cần cẩn trọng khi tiêm một số loại vắc xin bởi có nhiều loại vắc xin (như thủy đậu, sởi, quai bị, rubella…) không được khuyến khích tiêm cho phụ nữ đang mang thai.
- Người có hệ miễn dịch suy giảm: Một số vắc xin, đặc biệt là vắc xin sống giảm độc lực có thể gây phản ứng bất lợi sau tiêm cho người có hệ miễn dịch suy yếu. Người có hệ miễn dịch suy giảm do bệnh lý hoặc điều trị (hóa trị, xạ trị hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch) cần thảo luận với bác sĩ để được tư vấn phác đồ tiêm phù hợp.
Miễn dịch chủ động đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vì vậy tất cả trẻ em và người lớn, đặc biệt đối tượng nguy cơ cao cần xây dựng nền tảng miễn dịch cho trẻ từ sớm bằng tiêm vắc xin đúng lịch, đủ mũi theo phác đồ phù hợp, kết hợp cùng các biện pháp khác như dinh dưỡng, vận động, lối sống khoa học…
Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC là trung tâm tiêm chủng uy tín, an toàn, chất lượng hàng đầu tại Việt Nam, nơi mà hàng triệu gia đình Việt đã tin tưởng lựa chọn để tiêm chủng vắc xin, tạo miễn dịch chủ động bảo vệ sức khỏe.
Với gần 200 trung tâm trên toàn quốc, hơn 40 loại vắc xin phòng hơn 50 bệnh truyền nhiễm luôn có sẵn tại hệ thống kho lạnh bảo quản vắc xin đạt chuẩn GSP, hệ thống xe lạnh và và hệ thống phân phối cùng lúc đạt chuẩn GSP và GDP cùng đội ngũ kiểm soát chất lượng cao, chuyên nghiệp và khắt khe, VNVC sẵn sàng cung ứng, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của hàng chục triệu người dân.
Liên hệ ngay với VNVC qua hotline 028 7102 6595 để được tư vấn, đặt lịch tiêm chủng vắc xin tạo miễn dịch chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.