Mụn bọc ở mũi: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, phòng ngừa

Mụn bọc ở mũi là nỗi “ám ảnh” của nhiều người vì chúng không những gây đau nhức, viêm sưng, khó chịu mà còn mất thẩm mỹ, khiến người bị mụn tự ti khi giao tiếp. Vậy nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, phòng ngừa mụn bọc ở mũi như thế nào hiệu quả?

Mụn bọc ở mũi là gì?

Mụn bọc ở mũi là biểu hiện vùng mũi bị viêm da do vi khuẩn gây ra, cho nên nó còn có tên gọi khác là mụn viêm. Mụn bọc ở mũi hay bất kỳ vị trí nào trên khuôn mặt đều có kích thước lớn, phần nhân mụn nằm sâu dưới da, gây hiện tượng sưng đỏ, đau nhức và khó chịu khi mắc.

Trong giai đoạn phát triển mạnh, mụn bọc hình thành phần nhân có chứa dịch mủ màu vàng nhạt hoặc trắng đục bên trong, khi chạm vào có cảm giác cứng và đau nhức. Việc điều trị mụn bọc rất khó khăn vì phần nhân mụn nằm sâu dưới nang lông, chứa dịch mủ dễ lây lan, nhiễm trùng. Nếu không chăm sóc da cẩn thận, trong thời kỳ bị mụn bọc, nhân mụn dễ vỡ và gây viêm nhiễm, để lại sẹo.

Không riêng khu vực mũi, mụn bọc có thể xuất hiện ở nhiều vùng khác nhau trên gương mặt. Đặc biệt, những vùng da nhiều dầu như vùng chữ T, khu vực đầu mũi tiết dầu nhiều là nơi “lý tưởng” cho mụn bọc phát triển. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mụn bọc chính do vi khuẩn P.Acnes tấn công khi tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ, gây tắc lỗ chân lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây mụn bọc ở mũi.

Nguyên nhân mọc mụn bọc ở mũi

1. Lỗ chân lông to

Người có da dầu hoặc da nhờn thường có lỗ chân lông to so với người da khô và da bình thường. Lỗ chân lông to khiến da tăng tiết dầu tự nhiên, bã nhờn, tạo điều kiện cho bụi bẩn bám vào và tích tụ trên da. Điều này dần dần khiến lỗ chân lông ngày càng mở rộng hơn, gây tình trạng mụn trứng cá, mụn bọc.

2. Da tiết nhiều dầu

Mũi là nơi tập trung nhiều tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn, hoạt động mạnh mẽ nên da sẽ dễ gặp tình trạng tăng sinh tiết dầu. Một khi dầu nhờn tiết ra quá nhiều sẽ khiến cho lỗ chân lông bị tắc nghẽn, sinh nhiều loại mụn như mụn bọc, mụn trứng cá, mụn mủ, mụn đầu đen,… ở khu vực mũi.

3. Rối loạn nội tiết tố

Rối loạn nội tiết tố là một trong những nguyên nhân chính gây mụn, thường xảy ra ở giai đoạn dậy thì, trước kỳ kinh nguyệt hoặc trong giai đoạn tiền mãn kinh. Nguyên nhân chính là tình trạng mất cân đối của nội tiết tố làm tăng sản xuất dầu nhờn trên da, gây tắc nghẽn lỗ chân lông và hình thành mụn bọc. Vùng mũi đặc biệt dễ bị ảnh hưởng vì có lỗ chân lông to và tuyến bã nhờn hoạt động mạnh. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho mụn bọc phát triển.

4. Chăm sóc da sai cách

Việc vệ sinh da không đúng cách rất dễ dẫn đến tình trạng nổi mụn bọc ở mũi. Vì khi tẩy trang không sạch, mỹ phẩm còn lại trên da, tạo bụi bẩn và dầu nhờn đọng lại, gây bít tắc lỗ chân lông, sinh mụn. Trong trường hợp vệ sinh da không đúng cách, không vệ sinh thường xuyên cũng là tác nhân gây viêm lỗ chân lông, dẫn đến các vấn đề về da, đặc biệt mụn bọc, sưng đỏ ở khu vực đầu mũi.

5. Chức năng gan, thận có vấn đề

Rối loạn chức năng gan, viêm gan và xơ gan, thận gặp vấn đề cũng có thể gây ra mụn ở mũi. Gan và thận là cơ quan quan trọng trong quá trình lọc và xử lý độc tố trong cơ thể. Khi chức năng gan và thận rối loạn hoặc viêm, có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết tố và làm tăng khả năng xuất hiện mụn bọc trên mũi.

6. Căng thẳng

Khi bạn căng thẳng, mệt mỏi, áp lực kéo dài, da sẽ chuyển sang chế độ phòng thủ. Điều này xảy ra vì các hormone đóng vai trò bảo vệ cơ thể như cortisol và adrenal androgen, cùng với neuropeptide được giải phóng. Cơ chế này làm tuyến bã nhờn trên da viêm nhiễm, gây ra các vấn đề liên quan đến mụn, đặc biệt mụn bọc ở mũi,

7. Mỹ phẩm kém chất lượng

Mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề về da, trong đó có mụn bọc ở mũi. Cơ chế gây mụn của các loại mỹ phẩm này chính là sinh cồi, dẫn đến tắc nghẽn cơ học. Có rất nhiều hoạt chất sinh cồi được tìm thấy trong nhiều loại mỹ phẩm trang điểm và chăm sóc da khác nhau, bao gồm:

  • Sản phẩm tẩy rửa: Dầu khoáng, lanotin, cetyl alcohol và các chất khác.
  • Kem dưỡng da: Lanolin, stearic acid, glyceryl alcohol và các thành phần khác.
  • Phấn trang điểm: Bơ cacao, sáp ong, oxyde kẽm, bột talc, dầu bắp và các chất khác.
  • Kem dưỡng ngày và kem dưỡng đêm: Hydrogenated polyisobutene butylene glycol, dầu Jojoba, triethanolamine và các thành phần khác.
  • Sản phẩm chống nắng: Isopropyl myristate, dầu thầu dầu thủy phân, octyl palmitate và các chất khác.

Mụn trứng cá, mụn bọc thường do tắc nghẽn cơ học gây ra và liên quan đến việc sử dụng kem nền chứa dầu, kem nền không chứa nước hoặc các sản phẩm dưỡng ẩm chứa Glycerin, Petrolatum, Lanolin, AHAs, Urea.

8. Chạm tay vào mặt

Chạm tay vào mặt là một thói quen xấu vì tay mỗi ngày phải tiếp xúc với nhiều thứ, mang nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Trong trường hợp da đang có mụn, nhiều người có xu hướng dùng tay cố nặn, lấy nhân mụn ra ngoài để mau khỏi mụn. Nhưng đây là cách sai, khiến tình trạng viêm da trở nên tồi tệ hơn. Vi khuẩn trên tay có thể lây sang da mặt, gây tắc lỗ chân lông và gây mụn.

9. Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt không khoa học

Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học cũng khiến bạn mắc phải tình trạng mụn bọc ngay mũi. Ăn thức ăn nhanh, được chế biến sẵn, chiên ngập dầu, thường xuyên thức khuya, sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá khiến cho đồng hồ sinh học không hoạt động bình thường, một số chức năng trong cơ thể bị rối loạn, thay đổi nội tiết tố, tăng sinh tiết dầu và gây mụn bọc ở khu vực có nhiều tuyến bã nhờn, tuyến mồ hôi hoạt động mạnh mẽ như khu vực mũi.

10. Viêm tiền đình mũi

Mụn trứng cá là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở vùng tiền đình mũi, tức là khu vực phía trước của khoang mũi. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này bao gồm việc ngoáy mũi, xì mũi, hắt xì quá mức hoặc đeo khuyên mũi. Khi bị viêm tiền đình mũi, vi khuẩn Staphylococcus (tụ cầu khuẩn) thường gây ra các vết mụn trắng hoặc đỏ xung quanh khu vực mũi.

11. Lông mọc ngược

Cạo lông mặt hoặc nhổ không đúng cách dễ gặp tình trạng lông mọc ngược, đâm vào da, gây viêm và xuất hiện mụn mủ trong nang lông.

Dấu hiệu nhận biết mụn bọc ở trên mũi

  • Mụn có kích thước lớn: mụn bọc thường có kích thước lớn hơn so với mụn trứng cá thông thường. Chúng thường xuất hiện dưới da và tạo thành những cục mụn đau nhức. (1)
  • Sưng và đau: loại mụn này thường gây sưng, đau và có thể gây khó chịu khi chạm vào. Cảm giác đau thường kéo dài và không dễ dàng hết đi nếu không được can thiệp điều trị.
  • Màu sắc và vùng viêm: mụn bọc có thể có màu trắng hoặc đỏ tùy thuộc vào tình trạng viêm nhiễm. Vùng xung quanh mụn thường có màu đỏ và có thể bị viêm hoặc sưng.
  • Khó xử lý và chậm lành: so với mụn trứng cá, mụn bọc thường khó xử lý và chậm lành hơn. Chúng có thể tồn tại trong thời gian dài và khó được điều trị dứt điểm.
  • Khi chữa trị không đạt kết quả: nếu bạn đã áp dụng các biện pháp chăm sóc da và điều trị mụn mà không thấy cải thiện hoặc tình trạng mụn ngày càng nhiều, có thể là dấu hiệu của mụn bọc.

Bài viết liên quan: Mụn bọc ở cằm: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán, phòng ngừa

Mụn bọc ở mũi có kích thước lớn, gây sưng và đau nhức khó chịu

Giai đoạn tiến triển của mụn bọc ở mũi

1. Mụn bọc nhẹ

Mụn bọc nhẹ là giai đoạn da bị viêm nhiễm do không được vệ sinh sạch sẽ. Trong giai đoạn này, mụn mới chỉ bắt đầu sưng nhẹ, kích thước chưa lớn. Vùng da xung quanh mụn có màu đỏ và khi chạm vào, thường cảm nhận nhức nhẹ.

2. Mụn bọc trung bình

Sau khoảng 2-3 ngày, mụn bọc nhẹ sẽ tiếp tục phát triển nặng hơn. Lúc này, mụn sưng to hơn và gây cảm giác đau đớn, khó chịu. Đầu của mụn có thể xuất hiện dịch mủ màu trắng đục hoặc vàng. Ở giai đoạn mụn bọc trung bình, bạn cẩn thận không để cho mụn vỡ, gây viêm nhiễm nặng hơn, sau khi lành sẽ để lại mụn, gây mất thẩm mỹ trên khuôn mặt.

3. Mụn bọc nặng

Ở giai đoạn này nhân mụn khô lại, mụn chín và có thể vỡ ra kèm theo máu, dịch mủ, bạn có thể tiến hành lấy nhân mụn. Nhưng trước khi lấy nhân mụn, bạn phải làm sạch da và đảm bảo loại bỏ hoàn toàn dịch mủ, để tránh tình trạng viêm da và tái phát mụn bọc ở mũi. Nếu bạn không tự tin về kỹ thuật lấy nhân mụn của mình, bạn có thể tìm đến các spa hoặc thẩm mỹ viện để được các kỹ thuật viên chuyên nghiệp lấy nhân mụn đúng cách, tránh tổn thương da.

Có nên nặn mụn bọc ở mũi không?

Theo nguyên tắc chung, không nên tự nặn mụn. Việc cố gắng nặn mụn, đặc biệt mụn bọc ở mũi vì có thể phá vỡ hàng rào bảo vệ da và dẫn đến nguy cơ để lại sẹo mụn vĩnh viễn. Nếu mụn bọc ở mũi đang trong giai đoạn chứa mủ bị nhiễm trùng, việc nặn mụn có thể lan truyền vi khuẩn sang các lỗ chân lông và nang lông khác, dẫn đến tình trạng mụn lan rộng hơn.

Cố nặn mụn cũng có thể làm chậm quá trình tự lành tự nhiên của cơ thể, khiến thời gian hồi phục kéo dài. Đôi khi, việc cố gắng nặn mụn mà không thành công có thể đẩy nhân mụn sâu vào trong da, gây tắc nghẽn lỗ chân lông và tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn thường xuyên bị mụn bọc trên mũi, gây đau đớn hoặc tình trạng mụn dường như không bao giờ biến mất thì nên đi gặp bác sĩ. Mụn trứng cá, mụn bọc để lại sẹo trên da, không biến mất với các biện pháp trị mụn bằng kem bôi, khiến bạn cảm thấy khó chịu và tự ti, bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị tại chỗ hoặc uống, liệu pháp tại phòng khám, thay đổi chế độ ăn uống hoặc lối sống hoặc kết hợp tất cả, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng mụn trên da.

Chẩn đoán tình trạng mụn bọc tại Khoa da liễu – Thẩm mỹ Da – BVĐK Tâm Anh TPHCM

Chẩn đoán tình trạng mụn bọc ở mũi như thế nào?

Hầu hết mọi người đều có thể nhận thấy tình trạng mụn bọc ở mũi của mình dựa theo các biểu hiện, dấu hiệu nhận biết mụn bọc ở mũi qua từng giai đoạn. Tình trạng mụn bọc ở mũi nhẹ bạn có thể điều trị tại nhà với các loại thuốc hoặc kem bôi ngoài ra da.

Nhưng nếu bạn không chắc chắn đó là mụn bọc hoặc nhận thấy tình trạng mụn trở nặng, đã điều trị nhưng không khỏi thì có thể đến gặp bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ Da, căn cứ vào những biểu hiện, tình trạng mụn trên da, bác sĩ chẩn đoán tình trạng mụn, đề xuất phương án điều trị mà không cần làm bất kỳ một xét nghiệm nào.

Cách điều trị mụn bọc ở mũi an toàn hiệu quả

1. Cách trị mụn bọc ở mũi tại nhà

1.1 Làm sạch kỹ vùng da bị mụn bọc

Vệ sinh kỹ vùng da bị mụn bọc giúp bạn loại bỏ các tác nhân gây mụn như bã nhờn, bụi bẩn. Riêng vùng da bị mụn bạn nên đảm bảo vệ sinh da đủ 2 bước, giúp làm sạch sâu, 2 bước bao gồm tẩy trang và dùng sữa rửa mặt. Nên chọn những sản phẩm nước tẩy trang, sữa rửa mặt để giúp làm sạch sâu, loại bỏ tàn dư mỹ phẩm và bụi bẩn trên da, giúp lỗ chân lông thông thoáng.

1.2 Chườm đá lạnh lên khu vực mụn bọc

Đá lạnh có thể giúp se khít lỗ chân lông và ngăn chặn sự phát triển của mụn, làm giảm tình trạng sưng, viêm, đau nhức do mụn bọc ở mũi gây ra. Bọc viên đá lạnh trong một tấm khăn sạch để đảm bảo da không bị kích ứng do nhiệt độ thấp. Sau đó, áp đá lạnh lên vùng bị mụn bọc và giữ cho đến khi đá tan hết. Bạn có thể thực hiện thao tác này 2-3 lần mỗi ngày.

Đá lạnh giúp làm co mạch máu và giảm sự viêm nhiễm, làm dịu cảm giác khó chịu từ mụn bọc. Tuy nhiên, nếu tình trạng mụn bọc không giảm sau một thời gian sử dụng phương pháp này hoặc có bất kỳ biểu hiện không bình thường nào khác, bạn nên dừng lại ngay và đến bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ Da để được tư vấn điều trị mụn hiệu quả.

1.3 Trị mụn bọc ở mũi bằng kem đặc trị

  • Benzoyl Peroxide: đây là một thành phần được sử dụng trong nhiều sản phẩm chăm sóc da như gel, kem và sữa rửa mặt để điều trị mụn. Benzoyl peroxide có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây mụn trên da và giảm tiết bã nhờn. Nhờ vào tính chất này, giúp làm sạch lỗ chân lông, ngăn viêm nhiễm và giảm thiểu mụn bọc. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Benzoyl peroxide cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nếu không sử dụng đúng cách. Để sử dụng Benzoyl peroxide một cách hiệu quả và an toàn, hãy tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không sử dụng quá liều. Nếu bạn mới bắt đầu sử dụng sản phẩm chứa Benzoyl peroxide, hãy thử trước một vùng nhỏ trên da để kiểm tra mức độ nhạy cảm. Nếu có bất kỳ dấu hiệu kích ứng hoặc mẩn đỏ nào, ngưng sử dụng và hỏi ý kiến bác sĩ.
  • AHA/BHA/PHA: các hoạt chất hóa học như BHA (Beta Hydroxy Acid), AHA (Alpha Hydroxy Acid) và PHA (Polyhydroxy Acid) có trong các loại nước hoa hồng, có công dụng làm sạch da và tẩy tế bào chết một cách hiệu quả. Tuy nhiên, để tránh tác động lên da quá mạnh, nên chia cách sử dụng các hoạt chất này.
  • Retinoid: một dạng của vitamin A, giúp cải thiện tình trạng da bị mụn bằng cách kích thích quá trình tái tạo tế bào da mới, làm giảm lớp sừng và tắc nghẽn lỗ chân lông.

2. Cách điều trị mụn bọc ở mũi bằng liệu pháp y tế

2.1 Bằng kháng sinh đường uống

Kháng sinh đường uống hay kháng sinh toàn thân có tác dụng hỗ trợ điều trị mụn bọc, mụn trứng cá từ trung bình đến nặng. Một số loại thuốc kháng sinh uống được các bác sĩ sử dụng để trị mụn bọc ở mũi, bao gồm:

  • Tetracycline: đây là thuốc kháng sinh dạng viêm uống phổ biến, sử dụng trong trường hợp có viêm, nhiễm khuẩn nặng. Thuốc có tác dụng giảm viêm, diệt khuẩn gây mụn trên da, giúp kiểm soát số lượng vi khuẩn gây mụn bọc ở mũi, kiểm soát tuyến bã nhờn và giúp da phục hồi sau tổn thương do mụn.
  • Minocycline: có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và hỗ trợ điều trị mụn hiệu quả.
  • Clindamycin: có 2 dạng gồm bôi hoặc uống, thuốc có tác dụng làm chậm, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây mụn, giảm tình trạng sưng viêm hiệu quả.

2.2 Tiêm cortisone

Tiêm corticosteroid được dùng trong những tình huống cấp bách, giúp làm giảm nhanh các triệu chứng viêm của mụn bọc. Nhưng loại thuốc này lại không có tác dụng điều trị dứt điểm tình trạng mụn bọc. Cho nên bạn cần có một phác đồ điều trị mụn bọc ở mũi chuẩn y khoa để có thể trị dứt điểm tình trạng mụn khó chịu này.

2.3 Liệu pháp laser

Trước khi sử dụng liệu pháp laser, bác sĩ sẽ thăm khám tình trạng mụn bọc trên mũi của bạn và lựa chọn bước sóng phù hợp với da. Sau đó mới tiến hành áp dụng tia laser trực tiếp lên da, từng bước giải quyết những nốt mụn bọc ở mũi một cách hiệu quả.

Với tác dụng điều tiết tuyến bã nhờn, diệt khuẩn gây mụn bọc, tái tạo cấu trúc da, se khít lỗ chân lông, làm mờ vết thâm, mờ sẹo sau khi điều trị mụn nhanh chóng. Không chỉ có tác dụng với mụn bọc ở mũi, phương pháp trị mụn bằng laser còn có tác dụng với nhiều loại mụn khác, tình trạng mụn từ trung bình đến nặng đều có thể sử dụng phương pháp laser.

Hiệu quả điều trị mụn của phương pháp laser cũng được đánh giá cao hơn những liệu pháp khác, tỷ lệ thành công cao và giúp cải thiện tình trạng da một cách hiệu quả.

2.4 Công nghệ chiếu sáng IPL

Công nghệ IPL (Intense Pulsed Light) là một phương pháp trị liệu được sử dụng để điều trị mụn và các vấn đề về da. Trong quá trình này, chuyên gia sử dụng một thiết bị tạo ra các xung ánh sáng ngắn và tập trung chúng vào các vùng da bị mụn. Khi ánh sáng tiếp xúc với da, nó sẽ được hấp thụ bởi melanin, huyết thanh và các sắc tố khác, tạo ra nhiệt cho da và tiêu diệt các vi khuẩn gây mụn.

Quá trình này giúp loại bỏ vi khuẩn và tế bào chết từ các tuyến bã nhờn, giảm thiểu tình trạng mụn đầu đen, mụn bọc và mụn viêm. Công nghệ IPL có tác dụng làm sạch da và giúp da trở nên sáng hơn, khỏe mạnh hơn sau quá trình điều trị. Đây là một phương pháp an toàn và hiệu quả để giảm thiểu mụn và cải thiện tình trạng da.

2.5 Peel da (lột da hóa học)

Peel da sử dụng các hoạt chất có nguồn gốc tự nhiên để thúc đẩy quá trình thay da và tái tạo tế bào mới. Có ba loại acid chính được sử dụng trong peel da:

  • Alpha hydroxy acid (AHA): Tác dụng làm sạch tế bào chết, giúp trị nám, làm sáng da, trị mụn và giảm sẹo.
  • Salicylic acid (BHA): Dễ dàng thẩm thấu qua lỗ chân lông, giúp loại bỏ tế bào chết và bã nhờn, kiểm soát lượng dầu thừa trên da mặt.
  • Trichloroacetic Acid (TCA): Tái tạo cấu trúc da mới, giúp trẻ hóa da, cải thiện nếp nhăn và sắc tố da.

Ngoài ra, còn có Retinol, một dẫn xuất của vitamin A, được sử dụng để điều trị mụn trên da. Những hoạt chất này giúp làn da trở nên sáng sủa, mịn màng và khỏe mạnh, đồng thời cải thiện tình trạng da và giảm thiểu các vấn đề liên quan đến da. Peel da là một phương pháp hiệu quả giúp cải thiện vẻ đẹp tự nhiên của làn da và giữ cho da luôn trẻ trung và rạng rỡ.

2.6 Tiểu phẫu

Nếu tình trạng mụn của bạn trở nặng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số tiểu phẫu để loại bỏ hoàn toàn phần dịch mủ bên trong nhân mụn. Khi phần dịch mủ này được loại bỏ hoàn toàn thì tình trạng mụn nhanh chóng thuyên giảm. Phương pháp lấy nhân mụn chuẩn y khoa này cũng hạn chế sẹo, có thể áp dụng cho mụn bọc, mụn mủ và mụn trứng cá,….

Bài viết liên quan: Mụn bọc ở má: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, phòng ngừa

Mụn bọc ở mũi cần được điều trị dứt điểm, hạn chế sẹo

Phương pháp ngăn ngừa nổi mụn bọc ở mũi

Để ngăn tình trạng mụn bọc ở mũi, cách tốt nhất đó chính là chăm sóc da đúng cách và duy trì các thói quen sinh hoạt khoa học, ăn uống dinh dưỡng, như:

  • Xây dựng thói quen vệ sinh da hàng ngày, giữ da luôn trong tình trạng thông thoáng, sạch sẽ, loại bỏ bụi bẩn, tàn dư mỹ phẩm, bã nhờn,… ngăn các tác nhân gây mụn.
  • Rửa mặt 2 lần/ngày để loại bỏ hoàn toàn dầu nhờn, bụi bẩn trên da.
  • Che chắn cẩn thận mỗi khi ra ngoài để bảo vệ da khỏi khói bụi, ánh nắng mặt trời.
  • Cấp ẩm cho da bằng cách uống đủ nước, giúp ngăn tình trạng sản xuất bã nhờn.
  • Làm sạch, cấp ẩm cho da và duy trì độ pH vừa phải.
  • Tẩy da chết định kỳ để làm sạch bụi bẩn, bã nhờn,… các tác nhân gây tắc lỗ chân lông.
  • Xây dựng thực đơn ăn uống dinh dưỡng, khoa học, tránh những loại thức ăn nhanh, chiên rán nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn,… thay vào đó là những loại thực phẩm sạch, ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu chất chống oxy hóa.
  • Sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi ánh nắng, tia cực tím, tia UV, khiến da bị mất nước dễ tăng tiết bã nhờn. Tuy nhiên, bạn cần lựa chọn loại kem chống nắng phù hợp với làn da của mình.
  • Không nên nặn mụn bọc ở mũi vì dễ lây lan mụn sang các vị trí khác. Nặn mũi còn khiến lỗ chân lông nở ra, da yếu đi và dễ bị mụn hơn, dễ hình thành sẹo thâm sau mụn.

Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM quy tụ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm để điều trị các bệnh về mụn trứng cá, đồi mồi, sẹo xấu, mụn cóc, thịt dư… Bệnh viện cũng đầu tư đồng bộ các máy móc hiện đại từ Âu – Mỹ như máy Laser Pico, Laser CO2, soi da, điện di…

Mụn bọc ở mũi không gây tổn hại đến sức khỏe nhưng lại gây phiền toái và làm mất tự tin vì ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của gương mặt. Do đó, khi gặp tình trạng này, bạn cần chăm sóc da kỹ càng để kiểm soát mụn và ngăn mụn tái phát.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *