Cứ 10 phụ nữ thì có 8 người bị nhiễm mụn cóc sinh dục ít nhất một lần ở tuổi 50. Tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng việc xuất hiện mụn cóc gây cản trở các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của không ít bệnh nhân. Vậy mụn cóc có lây không? Có nguy hiểm không? Lây qua đường nào?
Tổng quan về mụn cóc
1. Định nghĩa
Mụn cóc là những nốt sần lành tính trên da. Mụn cóc hình thành khi vi rút gây u nhú ở người, hay còn gọi là HPV (Human Papilloma virus), xâm nhập vào vết cắt hoặc vết đứt trên da, gây nhiễm trùng da. (1)
2. Vị trí thường gặp
Mụn cóc có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Các vị trí thường gặp của mụn cóc gồm:
- Mụn cóc ở tay: Đây là loại mụn cóc phổ biến nhất
- Mụn cóc ở mặt: Thường xuất hiện ở mặt và trán
- Mụn cóc ở chân: Mụn cóc Plantar xuất hiện ở lòng bàn chân. Những mụn cóc này trông giống như vết chai với những chấm đen nhỏ ở trung tâm. Chúng thường gây đau và mọc thành cụm.
- Mụn cóc sinh dục: Mụn cóc hình thành bộ phận sinh dục được gọi là mụn cóc sinh dục. Chúng lây truyền qua đường tình dục khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
- Mụn cóc quanh móng: Những mụn cóc này hình thành dưới hoặc xung quanh móng tay và móng chân.
Đối tượng nào thường bị nhiễm mụn cóc?
Mọi người đều có thể bị mụn cóc, tuy nhiên những người có nguy cơ cao phát triển mụn cóc thường là trẻ em và thanh thiếu niên (vì cơ thể của họ có thể chưa hình thành khả năng miễn dịch với virus), những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như những người nhiễm HIV/AIDS hoặc những người đã cấy ghép nội tạng. (2)
Mụn cóc có nguy hiểm không?
Không. Mụn cóc thường không nguy hiểm, nhưng chúng có thể gây khó chịu và đôi khi gây đau đớn. Nhiều loại mụn cóc có thể đáp ứng với phương pháp điều trị thông thường, nhưng tốt nhất bạn nên hẹn gặp bác sĩ da liễu nếu mụn cóc đổi màu, to nhanh, đau, chảy dịch, dễ chảy máu… hoặc nếu bạn nghi ngờ có thể không phải là mụn cóc. (3)
Mụn cóc rất dễ lây lan nhưng có thể phòng ngừa bằng nhiều biện pháp, bao gồm rửa tay thường xuyên, không dùng chung vật dụng cá nhân (khăn tắm, quần áo, đồ bấm móng tay, dao cạo râu…) với người khác và đi giày dép trong phòng thay đồ chung, khu vực hồ bơi.
Mụn cóc có lây không?
Có. Khi virus HPV (Human Papilloma Virus) xâm nhập vào cơ thể qua vết trầy xước trên da sẽ gây nhiễm trùng và hình thành mụn cóc. Mụn cóc rất dễ lây lan. Virus có thể lây lan từ người này sang người khác hoặc từ các bộ phận khác nhau của cơ thể thông qua: (4)
- Tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc.
- Dùng chung các vật dụng vệ sinh cá nhân như: dao cạo râu, khăn tắm…
- Quan hệ tình dục không an toàn với người bị mụn cóc
- Cắn móng tay và cạo lớp biểu bì.
- Cạo lông, râu.
Mụn cóc lây qua đường nào?
HPV sống ở các lớp bề mặt của da, vì vậy các con đường mà mụn cóc lây nhiễm thường thông qua tiếp xúc trực tiếp, chứ không lây qua đường máu, dịch tiết. (5)
1. Các vật dụng trung gian
Mụn cóc có thể lây lan qua tiếp xúc da thông thường hoặc qua các đồ vật dùng chung, chẳng hạn như khăn tắm hoặc khăn lau mặt. Chúng cũng có thể lây qua các bề mặt ẩm ướt, chẳng hạn như khu vực hồ bơi, vòi hoa sen chung hoặc khăn tắm mà người bị nhiễm bệnh đã sử dụng, hoặc khi đi chân trần ở nơi mà người bị mụn cóc ở lòng bàn chân từng đi qua.
2. Tiếp xúc trực tiếp ngoài da
Virus thường lây lan qua các vết nứt trên da của bạn, chẳng hạn như vết xước do chấn thương hoặc vết cắn từ động vật. Cắn móng tay cũng có thể khiến mụn cóc lan rộng trên đầu ngón tay và xung quanh móng tay.
3. Tự lây nhiễm
Mụn cóc có thể lây lan từ bộ phận này sang bộ phận khác của cơ thể tương tự như sự lây lan từ người này qua người khác. Nếu người bệnh cạy, chạm hoặc gãi mụn cóc trên một bộ phận cơ thể, sau đó làm tương tự với bộ phận cơ thể khác, mụn cóc có thể lây lan sang bộ phận cơ thể thứ hai.
Nguyên nhân gây nhiễm mụn cóc
Mụn cóc là một bệnh nhiễm trùng của da, do virus gây u nhú ở người HPV gây ra. Khi virus xâm nhập vào lớp da bên ngoài qua một vết xước nhỏ, chúng sẽ làm cho các tế bào tăng trưởng một cách không kiểm soát, tạo ra mụn cóc.
Có thể mất đến vài tháng để mụn cóc hình thành kể từ khi cơ thể tiếp xúc hoặc nhiễm virus. Một vết thương hở trên da hoặc cắn móng tay có thể gây ra mụn cóc, ngay cả vết cắt và vết rạch do cạo râu đều có thể là con đường truyền nhiễm. Điều này giải thích tại sao đàn ông có thể mọc mụn cóc ở vùng quanh miệng nơi có râu, trong khi phụ nữ thường xuất hiện mụn cóc ở chân.
Các yếu tố khiến mụn cóc lây lan nhanh
Việc chạm vào vùng da bị mụn cóc dù trực tiếp qua tiếp xúc da kề da hay gián tiếp, chẳng hạn như qua khăn tắm, sàn bể bơi hoặc thảm đều có thể làm cho virus lây lan nhanh. Tuy nhiên việc nhiễm trùng chỉ xảy ra nếu:
- Da có vết nứt, vết xước hoặc một số vết hở khác.
- Người đó chưa phát triển khả năng miễn dịch với virus HPV.
Mụn cóc có tự hết không?
Có. Mụn cóc có thể tự biến mất khi người bệnh sở hữu một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, mặc dù điều này sẽ tốn nhiều thời gian. Nhưng trong thời gian nhiễm bệnh khi đó, virus gây mụn cóc có thể lây lan sang các bộ phận khác, dẫn đến việc cơ thể sẽ hình thành nhiều mụn cóc hơn.
Vì vậy nếu phát hiện mụn cóc, người bệnh có thể tìm đến khoa da liễu ở các bệnh viện uy tín để các bác sĩ thăm khám kịp thời và đưa ra các phác đồ điều trị thích hợp giúp loại bỏ mụn cóc nhanh hơn.
Nên làm gì để tránh lây nhiễm mụn cóc?
Mụn cóc rất dễ lây lan thông qua tiếp xúc với người bệnh. Vì vậy việc thực hiện các biện pháp phòng tránh sau sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm mụn cóc hoặc tái nhiễm bệnh:
- Giữ bàn chân luôn khô ráo.
- Cẩn thận khi cạo râu hoặc lông để không cắt trúng da.
- Không chạm trực tiếp vào mụn cóc của người khác, nhất là khi da bạn có vết thương
- Không dùng chung khăn tắm, quần áo hoặc các vật dụng cá nhân khác với người bị mụn cóc.
- Không dùng chung giày hoặc vớ với người bị mụn cóc.
- Không gãi hoặc chạm vào mụn cóc của chính mình vì chúng sẽ làm cho virus sẽ dễ dàng lây lan sang các bộ phận khác trên cơ thể.
- Rửa tay thường xuyên.
- Dưỡng da hàng ngày để ngăn ngừa tình trạng da khô nứt nẻ. Khi da bị nứt và khô, vi rút HPV sẽ dễ dàng xâm nhập qua vết nứt trên da hơn, gây ra mụn cóc.
- Không cắn móng tay và da vì chúng sẽ để lại vết loét và vết rách trên da, tạo điều kiện thuận lợi cho virus HPV xâm nhập vào cơ thể dễ dàng hơn.
- Mang dép xỏ ngón hoặc giày đi bơi trong phòng thay đồ, khu vực hồ bơi và phòng tắm công cộng. HPV phát triển mạnh ở những vùng ấm áp và ẩm ướt, vì vậy làn da sẽ dễ bị nhiễm virus HPV hơn. Giày và dép xỏ ngón giúp bảo vệ bàn chân khỏi virus, ngăn ngừa mụn cóc.
- Tiêm ngừa vaccine HPV từ khi còn nhỏ. Vaccine này giúp cơ thể ngăn ngừa mụn cóc và các loại ung thư vùng sinh dục do virus này gây ra, có hiệu quả tối ưu nhất khi được tiêm trước khi tiếp xúc với các loại virus HPV.
- Điều trị chứng tăng tiết mồ hôi. Khi cơ thể thường xuyên đổ mồ hôi quá nhiều, da của họ trở nên ướt và mềm, làm tăng nguy cơ nhiễm virus HPV hình thành mụn cóc.
Một số phương pháp điều trị mụn cóc hiệu quả
1. Điều trị tại nhà
Nhiều người hay sử dụng các phương pháp dân gian điều trị mụn cóc tại nhà nhưng điều này nguy hiểm dễ biến chứng và khiến mụn cóc lây lan.
2. Dùng thuốc bôi
Phương pháp phổ biến để điều trị mụn cóc là bôi chất lỏng hoặc gel có chứa axit salicylic, axit lactic hoặc acid trichloracetic TCA lên mụn cóc. Để sử dụng gel hoặc chất lỏng trị mụn cóc, trước tiên cần chuẩn bị:
- Làm sạch vùng da cần điều trị
- Ngâm vùng da có mụn cóc trong nước ấm từ 5 – 10 phút (hoặc tắm vòi sen).
- Chỉ chấm dung dịch hoặc gel lên trên mụn cóc, không để dung dịch tiếp xúc với vùng da xung quanh, số lần dùng thay đổi tuỳ loại thuốc bôi, thường 2-3 lần/ tuần.
- Để khô và dán băng dính cá nhân.
Phương pháp này thường cần áp dụng liên tục và có thể mất nhiều tuần để có tác dụng. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu hoặc dược sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp nhất. Thực hiện đúng hướng dẫn trên bao bì về việc sử dụng các phương pháp điều trị mụn cóc và hỏi ý kiến bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào. Tuyệt đối không áp dụng phương pháp này cho da mặt.
3. Điều trị tại bệnh viện
- Liệu pháp áp lạnh: Bác sĩ sẽ dùng bình nitơ lỏng xịt vào mụn cóc để đóng băng và phá hủy các tế bào nhiễm bệnh, có thể thực hiện nhiều lần để sạch hẳn sang thương.
- Phương pháp điều trị xâm lấn: các phương pháp đốt, thủ thuật cắt bỏ và loại bỏ mụn cóc bằng laser CO2 được thực hiện sau khi ủ tê, rất hiệu quả trong điều trị mụn cóc, kiểm soát được độ sâu cần tác động, thời gian lành thương nhanh, thường cần số lần điều trị ít hơn.
- Liệu pháp miễn dịch: cách điều trị này kích thích hệ thống miễn dịch để tự nhận biết và tiêu diệt các tế bào da bị nhiễm virus mụn cóc. Phương pháp này thường mất thời gian và có thể làm ngứa da.
Lời khuyên của bác sĩ
Với mụn cóc trên da thông thường, người bệnh hoàn toàn có thể thử các phương pháp điều trị mụn cóc tại nhà trong vài tháng. Tuy nhiên, nếu mụn cóc không biến mất trong thời gian đó hoặc phát triển theo chiều hướng tiêu cực, đây là lúc cần tìm đến sự trợ giúp y tế.
Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có nhiều cách điều trị và loại bỏ mụn cóc nhanh và triệt để hơn tất cả các phương thức tại nhà. Các kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay như laser, áp lạnh, đốt điện, nitơ lỏng … đều đã được trang bị giúp các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân hiệu quả. Với chuyên môn sâu và nhiều năm kinh nghiệm, các bác sĩ da liễu sẽ giúp rút ngắn tiến trình chữa bệnh và hồi phục làn da nhanh chóng, đem đến sự an tâm và hài lòng cho người bệnh.
Hy vọng bài viết trên đã giúp giải đáp thắc mắc về vấn đề “Mụn cóc có lây không?” của độc giả. Ngoài ra, hãy nhớ rằng tất cả mụn cóc có thể là mụn cóc mẹ làm phát sinh thêm mụn cóc con trên da. Vì vậy cần điều trị mụn cóc càng sớm càng tốt ngay từ khi phát hiện, kể cả tự điều trị tại nhà hay đi bệnh viện. Loại bỏ mụn cóc càng nhanh thì khả năng lây lan của chúng càng thấp.