Mụn cóc ở ngón tay: Nguyên nhân và cách khắc phục

Bị nổi mụn cóc ở ngón tay là một tình trạng phổ biến, ai cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nguyên nhân và cách để xử lý những nốt mụn cóc này. Trong bài viết sau đây, hãy để Nhà thuốc Long Châu giải đáp chi tiết cho bạn nhé!

Mụn cóc ở ngón tay là gì?

Mụn cóc ở ngón tay là thuật ngữ được dùng chung cho tình trạng nhiễm trùng da do vi rút HPV ở người. Vi rút này khiến da hình thành những nốt nhỏ sần sùi, có cảm giác khô ráp khi tiếp xúc. Dù làm phiền đến cuộc sống hằng ngày nhưng may mắn thay, tình trạng này không gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Trong bối cảnh hiện tại, không có phương pháp điều trị nào có thể triệt tiêu hoàn toàn virus HPV. Tuy nhiên, đa số các trường hợp tình trạng mụn cóc ở ngón tay sẽ tự khỏi trong vòng 2 – 3 năm.

Nguyên nhân gây ra mụn cóc

Mụn cóc thường là do Papillomavirus ở người (HPV) gây ra. Loại virus này khá phổ biến và có hơn 150 loại, nhưng chỉ một số ít gây ra mụn cóc trên ngón tay. Một số chủng HPV lây nhiễm qua quan hệ tình dục. Tuy nhiên, hầu hết các dạng đều lây lan qua tiếp xúc da thông thường hoặc qua các vật dụng dùng chung, chẳng hạn như khăn tắm hoặc khăn lau mặt. Virus thường lây lan qua các vết nứt trên da của bạn, chẳng hạn như vết xước ở móng tay. Cắn móng tay cũng có thể khiến mụn cóc lan rộng trên đầu ngón tay và xung quanh móng tay.

Hệ thống miễn dịch của mỗi người cũng phản ứng với virus HPV khác nhau, vì vậy không phải ai tiếp xúc với virus HPV cũng bị mụn cóc.

Mụn cóc ở ngón tay do Papillomavirus ở người (HPV) gây ra

Các yếu tố rủi ro

Những người có nguy cơ cao phát triển mụn cóc thông thường bao gồm:

  • Trẻ em và thanh niên, vì cơ thể của họ có thể chưa xây dựng được khả năng miễn dịch với virus hoàn chỉnh.
  • Những người có hệ thống miễn dịch yếu, chẳng hạn như những người nhiễm HIV/AIDS hoặc những người đã được cấy ghép nội tạng.

Những dấu hiệu nhận biết bị mụn cóc ở ngón tay

Nếu ngón tay nổi mụn cứng và nghi ngờ bị mụn cóc ở ngón tay, bạn có thể quan sát các dấu hiệu nhận biết mụn cóc như sau:

Mụn cóc loại thông thường

Loại mụn cóc thông thường sẽ có các đặc điểm như: Bề mặt thô ráp, sần sùi, màu sắc tối hơn so với vùng da xung quanh và có hình dạng tròn ở đỉnh. Chúng thường xuất hiện ở mặt sau của ngón tay, với kích thước dao động từ 1mm đến 1cm hoặc hơn, mọc đơn lẻ hoặc hình thành nhóm.

Mặc dù không gây đau nhức, nhưng loại mụn này có khả năng tự rụng hoặc cũng có thể lây lan đến các vùng da khác thông qua tiếp xúc trực tiếp. Đôi khi, mụn cóc thông thường hình thành những đốm đen do có mạch máu vón cục lại.

Mụn cóc dạng phẳng

Mụn cóc dạng phẳng thường phát triển ở cánh tay, đùi hoặc trên khuôn mặt, tình trạng này xuất hiện là do sự xâm nhập của các tuýp HPV số 3, 10 và 28. Chúng thường xuất hiện tại các vùng da có vết thương hoặc trầy xước với màu sắc từ hồng, nâu đến hơi vàng. Mụn cóc phẳng không gây đau, thường mọc thành nhóm, có hình tròn hoặc bầu dục trên da. Loại mụn cóc này thường gặp ở trẻ em và lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp.

Mụn cóc quanh móng tay

Mụn cóc quanh móng tay ban đầu nhỏ như đầu kim châm, sau đó dần dần phát triển. Chúng hay hình thành từng nhóm và lây lan. Loại mụn này thường xuất hiện ở người có thói quen cắn móng tay.

Chúng mọc xung quanh móng tay và có thể phát triển dẫn đến việc tạo môi trường tốt cho nấm phát triển, gây nên vấn đề tổn thương vĩnh viễn. Việc điều trị mụn cóc quanh móng là cần thiết để loại bỏ tình trạng này, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của móng tay.

Làm thế nào để điều trị mụn cóc ở ngón tay?

Hầu hết mụn cóc thông thường sẽ biến mất mà không cần điều trị, mặc dù có thể mất một hoặc hai năm và những mụn cóc mới có thể phát triển gần đó. Một số người chọn điều trị mụn cóc bằng cách đến thăm khám bác sĩ vì điều trị tại nhà không hiệu quả và mụn cóc gây khó chịu, lan rộng hoặc gây lo ngại về mặt thẩm mỹ.

Mục tiêu của việc điều trị là loại bỏ mụn cóc, kích thích phản ứng của hệ miễn dịch để chống lại virus hoặc cả hai. Việc điều trị có thể mất vài tuần hoặc vài tháng. Ngay cả khi được điều trị, mụn cóc vẫn có xu hướng tái phát hoặc lan rộng. Các bác sĩ thường bắt đầu bằng những phương pháp ít gây đau đớn nhất, đặc biệt khi điều trị cho trẻ nhỏ.

Bác sĩ có thể đề xuất một trong các phương pháp sau dựa trên vị trí mụn cóc, triệu chứng và sở thích của bạn. Những phương pháp này đôi khi được sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị tại nhà, chẳng hạn:

Axit salicylic

Thuốc trị mục cóc kê đơn chứa axit salicylic hoạt động bằng cách loại bỏ từng lớp mụn cóc một chút. Các nghiên cứu cho thấy axit salicylic trị mụn cóc có hiệu quả hơn khi kết hợp với áp lạnh.

Axit salicylic thường được dùng để loại bỏ các nốt mụn cóc trên tay, chân

Bằng loại axit khác

Nếu axit salicylic hoặc đông lạnh không có tác dụng, bác sĩ có thể thử dùng axit trichloroacetic. Với phương pháp này, đầu tiên bác sĩ sẽ cạo sạch bề mặt mụn cóc rồi bôi axit bằng bông tăm. Nó đòi hỏi phải điều trị lặp lại mỗi tuần hoặc lâu hơn. Tác dụng phụ là bỏng rát và cảm thấy châm chích.

Tiểu phẫu

Bác sĩ của bạn có thể cắt bỏ các mô khó chịu, vì đây là phương pháp tiểu phẫu nên có thể để lại sẹo ở vùng điều trị.

Điều trị bằng laser

Điều trị bằng laser sẽ làm bỏng (đốt) các mạch máu nhỏ, cắt mạch cung cấp máu làm chết mô bị nhiễm virus và mụn cóc sẽ rơi ra. Bằng chứng về hiệu quả của phương pháp đốt mụn cóc bằng laser còn hạn chế và nó có thể gây đau cũng như để lại sẹo.

Liệu pháp áp lạnh

Liệu pháp làm lạnh là thủ thuật dùng nitơ lỏng đốt mụn cóc, được thực hiện chuyên nghiệp bởi bác sĩ và các chuyên viên y tế. Phương pháp làm lạnh mụn cóc ở tay hoạt động bằng cách khiến vết phồng rộp hình thành bên dưới và xung quanh mụn cóc của bạn. Sau đó, mô chết sẽ bong ra trong vòng một tuần hoặc lâu hơn. Phương pháp này cũng có thể kích thích hệ thống miễn dịch của bạn chống lại mụn cóc do virus. Bạn có thể sẽ cần điều trị lặp lại.

Tác dụng phụ của liệu pháp áp lạnh bao gồm đau, phồng rộp và đổi màu da ở vùng điều trị. Vì kỹ thuật này có thể gây đau nên thường không được sử dụng để điều trị mụn cóc ở trẻ nhỏ.

Đốt laser mụn cóc có thể gây đau và để lại sẹo

Phòng ngừa mụn cóc ở ngón tay

Để giảm nguy cơ mắc mụn cóc thông thường, bạn có thể:

  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc và người có mụn cóc.
  • Đừng cố gắng nặn, cắt hay chích bỏ mụn cóc tại nhà vì có thể làm lây lan virus.
  • Không nên cắn móng tay bởi việc gặm da xung quanh móng tay sẽ tạo cơ hội cho virus xâm nhập.

Trên đây là những thông tin cần biết về mụn cóc ở ngón tay mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp. Hi vọng đây là những kiến thức hữu ích, giúp bạn đỡ phần hoang mang và thắc mắc khi bị mụn cóc trên tay nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *