Mụn nội tiết ở quai hàm: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Ước tính khoảng 50% phụ nữ 20 – 29 tuổi bị mụn nội tiết ở quai hàm. Vậy nguyên nhân gây mụn nội tiết ở quai hàm là gì? Dấu hiệu mụn nội tiết như thế nào? Cách điều trị mụn làm sao? Chi tiết sẽ được tiết lộ trong bài viết sau!

Mụn nội tiết ở quai hàm là gì?

Mụn nội tiết ở quai hàm là tình trạng mụn xuất hiện xung quanh vùng quai hàm do sự thay đổi bất thường của lượng hormone trong cơ thể.

Ở nữ giới, mụn do nội tiết tố thường xuất hiện ở tuổi dậy thì, hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt, hay do nội tiết tố ngoại sinh. Ngoài ra, hội chứng buồng trứng đa nang cũng khiến nồng độ nội tiết tố androgen tăng quá mức gây mụn nội tiết ở quai hàm.

Nguyên nhân nổi mụn ở quai hàm

Mụn ở quai hàm có thể do cơ thể sản xuất nội tiết tố quá mức bình thường, làm tuyến bã nhờn sản xuất dầu dư thừa (bã nhờn). Lượng bã nhờn được tiết ra bị mắc kẹt trong nang lông khiến lỗ chân lông bị tắc. Sau đó, vi khuẩn bắt đầu sinh sôi nảy nở trong lỗ chân lông bị tắc. Sự xuất hiện quá mức của vi khuẩn kích hoạt hệ thống miễn dịch tạo ra phản ứng viêm tại nang lông, gây sưng, đỏ, nóng, mềm tại vùng da mụn. (1)

Sự gia tăng sản xuất bã nhờn do sự mất cân bằng hormone progesterone, estrogen và testosterone. Trong đó, testosterone (là một nội tiết tố androgen) kích thích các tuyến dầu sản xuất bã nhờn. Hơn nữa, các tuyến dầu thường tập trung nhiều dọc theo đường viền hàm và vùng cằm vì vậy gây nổi mụn nhiều ở những vùng này.

Ngoài ra, mụn nội tiết ở quai hàm cũng do hội chứng buồng trứng đa nang. Khi người bệnh bị rối loạn hệ thống nội tiết này có thể bị mụn nội tiết và tăng cân. Bệnh còn gây ra các triệu chứng: rậm lông, kinh thưa, hiếm muộn…. Vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường và chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Dấu hiệu nhận biết mụn ở quai hàm

Dấu hiệu chung của mụn ở quai hàm là những sẩn viêm đỏ vùng hàm, quanh cằm, có thể có nhân đóng hoặc nhân mở. Những nốt mụn sâu như u nang, cục là tình trạng nặng của trứng cá, mụn này khó nặn, nếu nặn không đúng cách sẽ để lại sẹo, viêm nặng và nhiễm trùng nhiều hơn.

Các loại mụn ở quai hàm xuất hiện, bao gồm:

  • Mụn viêm.
  • Sẩn: tổn thương nổi lên không đầu và cảm thấy thô ráp khi chạm vào.
  • Mụn mủ: những vết sưng nổi lên chứa đầy mủ (chất lỏng màu trắng hoặc vàng) được bao quanh bởi một vòng đỏ và gây đau.
  • Các nốt cục: những vết sưng cứng, đau dưới da và nổi mụn đỏ trên bề mặt. Mụn này cần được điều trị tại cơ sở y tế uy tín.
  • U nang: những khối u lớn, đau, hình thành sâu dưới da và chứa đầy mủ. Tương tự như các nốt cục, người bệnh không điều trị mụn nang tại nhà. Mụn nang cần được điều trị bởi bác sĩ để giảm nguy cơ để lại sẹo và nhiễm trùng.
  • Mụn không viêm:
  • Mụn đầu trắng.
  • Mụn đầu đen.

Mụn ở quai hàm do cơ thể sản xuất nội tiết tố quá mức bình thường, làm tuyến bã nhờn tiết nhiều dầu, gây bít tắc lỗ chân lông.

Mụn ở quai hàm do cơ thể sản xuất nội tiết tố quá mức bình thường, làm tuyến bã nhờn tiết nhiều dầu, gây bít tắc lỗ chân lông.

>>>Xem thêm: Hình ảnh mụn nội tiết dễ nhận biết và không nên chủ quan

Cách điều trị mụn ở quai hàm

Điều trị mụn nội tiết ở quai hàm có nhiều cách khác nhau.

1. Phương pháp điều trị không cần đơn thuốc:

  • Dùng sữa rửa mặt có benzoyl peroxide hoặc axit salicylic hàng ngày để loại bỏ sự tích tụ từ các lỗ chân lông bị tắc, loại bỏ các vết thâm, bảo vệ, làm dịu làn da nhạy cảm, dễ mụn và chất chống oxy hóa mạnh. Những sản phẩm này cần khoảng 6 – 8 tuần trước khi mụn bắt đầu khỏi. (2)
  • Retinoid tại chỗ rất quan trọng để duy trì hoạt động luân chuyển tế bào và ngăn nang lông bị bít tắc ngày từ đầu. Tuy nhiên, retinoid có thể gây kích ứng cho da nên được kết hợp dần dần vào chế độ chăm sóc da bằng cách chỉ dùng 2 – 3 ngày mỗi tuần.

2. Điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ:

  • Phương pháp điều trị tại chỗ: người bệnh bôi trực tiếp các sản phẩm này lên da như benzoyl peroxide và retinoid với nồng độ cao hơn.
  • Thuốc kháng sinh đường uống: dùng thuốc trong vài tháng và thường kết hợp điều trị tại chỗ.
  • Thuốc điều chỉnh nội tiết: thuốc tác động đến nồng độ nội tiết trong cơ thể, giúp cải thiện mụn nội tiết ở quai hàm. Thuốc này cần được kê đơn bởi bác sĩ.
  • Spironolactone: thuốc lợi tiểu theo toa đôi khi được dùng điều trị mụn trứng cá và mọc tóc quá mức ở phụ nữ. Thuốc cần dùng với sự theo dõi sát của Bác sĩ vì nguy cơ gây tụt huyết áp và rối loạn điện giải nếu dùng không đúng cách và liều lượng.
  • Dẫn xuất vitamin A: loại thuốc có hiệu quả cao đối với trường hợp mụn trứng cá nặng. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng phụ, Chỉ được dùng thuốc này dưới sự chỉ định của bác sĩ.

3. Điều trị không dùng thuốc:

  • Liệu pháp laser và ánh sáng.
  • Thay da bằng hóa chất.
  • Nặn mụn trứng cá.

Có nhiều loại thuốc bao gồm cả bôi ngoài da và uống mà bác sĩ dùng để kiểm soát các loại mụn khác nhau. Cần điều trị mụn nội tiết ở hàm sớm trước khi tiến triển nặng và hình thành sẹo. Khi có triệu chứng hãy đến bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da và Nội tiết – Đái tháo đường để được thăm khám và điều trị phù hợp với tình trạng của bản thân.

>>>Tham khảo: Nguyên nhân, dấu hiệu mụn nội tiết ở cằm

Những lưu ý khi trị mụn ở quai hàm

  • Liệu pháp tiêu chuẩn không hiệu quả trong điều trị mụn nội tiết ở quai hàm: thuốc bôi hiếm khi hiệu quả trong việc kiểm soát mụn do nội tiết tố. Một số người bệnh uống thuốc kháng sinh chỉ cải thiện được lúc đầu.
  • Mụn nội tiết tố nặng khó điều trị hơn: trong một số trường hợp, việc điều trị khó khăn hơn khi mụn nội tiết nghiêm trọng. Một số trường hợp mụn nội tiết tố trở thành nang và sẹo rỗ. Điều đầu tiên, cần xem xét sự mất cân bằng nội tiết tố cơ bản có hay không bằng cách xét nghiệm máu. Bác sĩ sẽ đưa ra Các phương pháp giúp điều trị hiệu quả tối ưu nhất có thể.

Dấu hiệu chung của mụn ở quai hàm là những sẩn viêm đỏ vùng hàm, quanh cằm, có thể có nhân đóng hoặc nhân mở.

Dấu hiệu chung của mụn ở quai hàm là những sẩn viêm đỏ vùng hàm, quanh cằm, có thể có nhân đóng hoặc nhân mở.

Các loại thực phẩm giảm mụn nội tiết ở quai hàm hiệu quả

  • Chất béo lành mạnh: chất béo lành mạnh như dầu dừa, dầu oliu, bơ, cá hồi, cá thu… rất tốt cho da, tim, não và nội tiết tố.
  • Các loại rau họ cải: các loại như cải xoăn, cải xanh, súp lơ trắng, bắp cải,… giúp chống lại sự gia tăng tỷ lệ testosterone với estrogen và progesterone.
  • Omega-3: omega – 3 rất quan trọng đối với chức năng của tế bào, đặc biệt chức năng của hormone. Bởi đây là những khối xây dựng để sản xuất hormone. Hãy bổ sung các chất có omega-3 tự nhiên phong phú như cá đánh bắt tự nhiên, hạt chia, hạt lanh, quả óc chó và sản phẩm từ động vật ăn cỏ. Cần lưu ý, tránh xa các loại dầu chứa nhiều omega-6 như hướng dương, bắp, cải dầu, đậu tương và đậu phộng.
  • Vitamin B: các loại thực phẩm giàu vitamin B như khoai lang, khoai mỡ và rau lá xanh đậm giúp cân bằng nội tiết tố. Thời kỳ rụng trứng là thời điểm tốt nhất để nạp vitamin B và kẽm trong thịt không có hormone. Ngoài ra, còn có các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt không chứa gluten.

Việc điều trị mụn nội tiết tố ở quai hàm khác với điều trị các dạng mụn khác. Các hoạt động của hormone rất quan trọng trong sự phát triển của mụn và các loại thuốc được dùng để điều trị tình trạng này. Nếu mụn nội tiết dai dẳng, hãy gặp các bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da và bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường để được tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm, cùng máy móc hiện đại nhập khẩu chính hãng từ các nước Âu – Mỹ giúp việc tư vấn, điều trị kịp thời, hiệu quả, chính xác cho người bệnh.

Điều trị mụn nội tiết ở quai hàm là một quá trình lâu dài và khó chịu. Thông qua bài này, mong rằng người bệnh hiểu hơn về mụn trứng cá ở quai hàm và biết cách điều trị kịp thời trước khi để lại biến chứng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *